Nữ nhà báo Afghanistan: ‘Chúng tôi sẽ không bao giờ ngừng đấu tranh’
Dù phải đi tị nạn do sự săn lùng của Taliban, Zahra Joya (28 tuổi) vẫn tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực báo chí, nữ quyền ở quê nhà.
Một buổi sáng của tháng trước, Zahra Joya, nữ nhà báo sống tại Kabul (Afghanistan), đi bộ từ nhà tới văn phòng như mọi ngày.
Nhưng chiều hôm đó, cô nhìn thấy nhiều người đàn ông cầm súng rảo bước trên đường, các chị em gái của cô phải đóng cửa kín mít, trốn trong nhà vì sợ hãi. Cuộc sống thường nhật của họ đã thay đổi mãi mãi.
Zahra Joya và gia đình phải bỏ lại cuộc sống bình thường sau lưng, lên chuyến bay giải cứu của chính phủ Anh để chạy trốn khỏi sự săn lùng từ Taliban. Ảnh: Linda Nylind.
“Nó giống như một cơn ác mộng. Không ai nghĩ rằng Taliban có thể nắm quyền kiểm soát thủ đô nhanh như thế, xóa sạch nỗ lực xây dựng suốt 2 thập kỷ qua”, cô nói với Guardian.
Nhằm tránh sự truy lùng từ Taliban, Joya và gia đình phải rời quê hương, lên chuyến bay giải cứu của chính phủ Anh. Dù đang ở nơi an toàn, cô vẫn chưa hết bàng hoàng.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành một người tị nạn”, cô nói.
Giả trai để được đi học
Từ nhỏ, Joya luôn biết mình sẽ thách thức và phá vỡ định kiến giới đối với phụ nữ nước này.
“Khi tôi ra đời, những người lớn tuổi trong gia đình cảm thấy xấu hổ vì tôi là con gái, không có bất kỳ giá trị nào. Song, tôi chưa bao giờ cảm thấy như vậy, luôn tin rằng tôi có thể trở nên đặc biệt”, cô chia sẻ.
Zahra Joya từng ăn mặc như con trai suốt 5 năm để được đi học. Ảnh: Guardian.
Trước đây, nơi cô sống không có trường học dành cho nữ sinh. Vì thế, Joya phải ăn mặc như một cậu bé suốt 5 năm để được đi học. Cô phải đi bộ 2 giờ đồng hồ để tới lớp học hàng ngày.
Dù chịu nhiều vất vả, nữ nhà báo vẫn cảm thấy may mắn khi được bố mẹ ủng hộ. Họ mặc đồ nam cho Joya, gọi cô bằng cái tên Mohammad.
Khi trưởng thành, cô bắt đầu theo đuổi nghiệp báo chí, làm việc tại các hãng thông tấn tại địa phương và làm phóng viên điều tra cho các tờ báo ở Kabul trong gần một thập kỷ.
Video đang HOT
Cuộc sống với một phóng viên nữ ở Afghanistan chẳng hề dễ dàng, do Afghanistan vốn được coi như một trong những nơi nguy hiểm nhất trên thế giới với phụ nữ.
“Tôi thường là cô gái duy nhất ở tòa soạn. Khi tranh luận với đồng nghiệp và người khác, họ đều khuyên tôi nên về nhà và tự thấy xấu hổ vì nêu quan điểm, đặt câu hỏi. Nhưng tôi là một nhà báo, tôi có quyền ở đây”.
Tháng 12/2020, Joya thành lập tờ Rukhshana bằng tiền túi, đồng thời đảm nhậm chức Phó giám đốc Truyền thông của chính quyền thành phố Kabul.
Chia sẻ với Guardian , cô cho biết mình luôn ấp ủ dự định thành lập hãng thông tấn nữ quyền đầu tiên ở Afghanistan, nơi các nhà báo, phóng viên nữ đưa tin về cuộc sống của cộng đồng mình.
“Tôi muốn chứng tỏ rằng phụ nữ có tiếng nói, ảnh hưởng tích cực cho cuộc sống”, cô trải lòng.
“Tôi thực sự tin họ sẽ giết mình”
Giống như nhiều phụ nữ nước này, cô cũng cảm thấy lo sợ khi Taliban nắm quyền kiểm soát Kabul.
Tuần trước, Taliban tuyên bố chỉ nam sinh mới được đi học khi các trường mở cửa trở lại. Ở Kabul, chính quyền cũng thông báo phụ nữ không được phép làm việc trong những lĩnh vực mà nam giới chiếm số đông.
“Những thành tựu, cống hiến mà phụ nữ chúng tôi phải đấu tranh vất vả để đạt được đã biến mất”, cô kể.
Hàng loạt biển quảng cáo có hình ảnh phụ nữ bị bôi đen ở Kabul. Ảnh: AFP.
Vài tuần trước, hãng thông tấn Rukhshana vẫn miệt mài đưa tin, công khai chỉ trích các chiến binh Taliban và ghi lại những mất mát mà phụ nữ phải chịu: bị tấn công ở nơi công cộng, các nhà lãnh đạo, chuyên gia là nữ bị săn đuổi, ám sát.
Đa số phóng viên tại Rukhshana đều là những cô gái trẻ ở độ tuổi 22-23. Tất cả đều can đảm đối mặt với hiểm nguy, đặt bản thân vào tình thế nguy hiểm vì công việc.
Nhưng dần dần, Joya và các phóng viên lại trở thành mục tiêu của Taliban, trong đó ba người phải đi trốn khi các địa phương thất thủ. Với Joya, nguy cơ gặp bất trắc lại càng tăng do công việc và chức vụ cô đang đảm nhận.
“Nếu ở lại Afghanistan, tôi thực sự tin họ sẽ giết mình. Dù không phải trong nay mai, nhưng rồi cũng sẽ mất mạng”.
2 tuần trước khi được sơ tán khỏi Kabul, cô chỉ dám trốn trong nhà. Sau nhiều ngày tự giam mình trong căn phòng nhỏ, cô quyết định ra ngoài, ghi nhận tình hình ngoài đường.
Joya và những người phụ nữ trong gia đình đang tị nạn ở London (Anh). Ảnh: Linda Nylind.
“Tôi không biết mình phải mặc gì. Trong 28 năm cuộc đời, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ phải mặc áo choàng đen kín từ đầu tới chân như vậy. Tôi thấy cờ Taliban treo khắp nơi, không một bóng dáng phụ nữ. Cảm giác như cuộc sống mà tôi biết đã bị xóa sổ vậy”, cô kể.
Vài ngày sau, cô nghe tin Taliban đã tới tìm cô. Vì thế, Joya và người thân vội vã chạy trốn để bảo toàn mạng sống.
“Khi nhận được thông báo sơ tán của chính phủ Anh, chúng tôi khóa chặt cửa nhà và chạy đi, bỏ lại tất cả sau lưng. Trên chuyến bay ấy, tôi chẳng thể nhìn thấy Kabul thân yêu lần cuối vì chỗ ngồi không có cửa sổ. Những gì tôi nhìn được chỉ là hàng loạt gương mặt hoảng sợ, tiếc nuối của những người cùng cảnh”, Joya kể với Guardian .
Dù đang ở một nơi an toàn tại London (Anh), Joya vẫn tiếp tục công việc với Rukhshana, đưa tin về tình hình tại quê nhà.
Tuần qua, cô đưa tin về các vụ sát hạt nữ cảnh sát trên cả nước, các bà mẹ đơn thân mất quyền nuôi con dưới sự cai trị của Taliban.
Các phóng viên của cô ở Afghanistan đã được sơ tán hoặc đang ở ẩn như nhiều đồng nghiệp khác.
Dù đau đớn, sợ hãi, Joya khẳng định cô sẽ không bao giờ ngừng viết để lên tiếng cho phụ nữ Afghanistan.
“Taliban có thể dùng súng và những luật lệ hà khắc để vùi dập tinh thần phụ nữ Afghanistan, nhưng không thể khiến chúng tôi im lặng. Chúng tôi sẽ không bao giờ ngừng đấu tranh”, cô nói.
Taliban lần đầu họp báo sau khi giành chính quyền, cam kết nhiều đổi mới cho Afghanistan
Ngày 17/8 (tối cùng ngày theo giờ Việt Nam), phong trào Hồi giáo Taliban đã tổ chức cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi giành chính quyền tại Afghanistan, trong đó cam kết nhiều vấn đề được đánh giá là đổi mới và mang lại hy vọng cho tương lai của quốc gia Trung Nam Á này.
Người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid tại buổi họp báo đầu tiên sau khi phong trào này giành quyền kiểm soát Afghanistan ngày 17/8 tại Kabul. Ảnh: India Today
Phát biểu tại buổi họp báo diễn ra ở thủ đô Kabul, người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid thông báo lực lượng này đang nắm quyền kiểm soát thủ đô Kabul và toàn bộ lãnh thổ và các đường biên giới của Afghanistan; khẳng định cuộc chiến tranh tại nước này đã kết thúc và nhiệm vụ quan trọng hiện nay của Taliban là ổn định tình hình và thành lập một chính phủ.
Người phát ngôn Zabihullah Mujahid đưa ra nhiều cam kết cho đất nước Afghanistan trong tương lai nằm dưới sự lãnh đạo của Taliban. Đặc biệt, đại diện của Taliban cam kết sẽ tôn trọng các quyền của phụ nữ phù hợp với luật Hồi giáo, trẻ em được tự do tới trường và "ân xá" cho tất cả kẻ thù, trong đó có các quan chức chính quyền cũ được phương Tây hậu thuẫn; các nhà thầu, phiên dịch viên làm việc cho các lực lượng quốc tế sẽ không bị truy cứu trách nhiệm. Taliban đồng thời kêu gọi tất cả các quan chức chính phủ trở lại làm việc bình thường.
Các tay súng Taliban gác tại thủ đô Kabul, Afghanistan, ngày 16/8/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Ông Mujahid nhấn mạnh Taliban mong muốn xây dựng mối quan hệ hòa bình với các quốc gia khác, không muốn có "thù trong, giặc ngoài"; phụ nữ sẽ được phép làm việc tại công sở, học tập và sẽ "tham gia tích cực trong xã hội". Khi được hỏi liệu phụ nữ có được phép làm việc trong lĩnh vực truyền thông hay không, ông Mujahid trả lời rằng hãy chờ đợi chính phủ được thành lập và luật pháp được ban hành, sau đó "chúng ta có thể tuân theo luật pháp và những quy định đó". Người phát ngôn Mujahid cho biết báo chí có thể vẫn được phép hoạt động tự do và độc lập tại Afghanistan, song phải phù hợp với "nền văn hóa của chúng tôi".
Bên cạnh đó, người phát ngôn Taliban cũng đảm bảo với cộng đồng quốc tế rằng lãnh thổ Afghanistan sẽ không được sử dụng để chống lại bất kỳ bên nào và không để quốc gia Trung Nam Á này trở thành nơi chứa chấp các tổ chức khủng bố.
Các tay súng Taliban gác tại thủ đô Kabul, Afghanistan, ngày 16/8/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN
Ông Mujahid tuyên bố Taliban sẽ nỗ lực thành lập một chính phủ toàn diện tại Afghanistan và sử dụng tài nguyên thiên nhiên cho hoạt động tái thiết đất nước. Ông nói rằng Afghanistan muốn có mối quan hệ tốt với tất cả các bên để phát triển kinh tế và có được sự thịnh vượng, đồng thời cam kết Taliban sẽ chấm dứt mọi hoạt động trồng và sản xuất thuốc phiện.
Liên quan tới Mỹ, Suhail Shaheen, thành viên văn phòng đại diện chính trị của Taliban tại Qatar, tuyên bố Taliban khuyến cáo rằng các quân nhân Mỹ tại Afghanistan phải rút hết khỏi nước này trước ngày 11/9 tới (thời điểm đúng tròn 20 năm ngày xảy ra vụ khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ). Theo ông Shaheen, các tay súng Taliban thời điểm này cam kết không tấn công quân nhân Mỹ và mục tiêu trước mắt của Taliban là đảm bảo an ninh trật tự, tránh xảy ra hỗn loạn xung quanh Sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price phát biểu về tình hình Afghanistan trong cuộc họp báo tại Washington, DC, ngày 16/8/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN
Trước đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Mỹ sẽ chỉ công nhận một chính quyền của Taliban tại Afghanistan nếu Taliban tôn trọng nữ quyền và không tham gia những phong trào cực đoan như Al-Qaeda.
Video Player is loading.
PauseUnmute
Remaining Time 7:58
Loaded: 7.01%
X
Phát biểu trước báo giới, ông Ned Price nêu rõ: "Quan điểm của chúng tôi đối với bất cứ chính quyền tương lai nào tại Afghanistan sẽ phụ thuộc vào những hành động của chính quyền đó, mà cụ thể là những hành động của Taliban... Chính quyền Afghanistan tương lai phải bảo vệ những quyền cơ bản của còn người, trong đó có nữ quyền, và không chứa chấp các phần tử khủng bố". Ông cũng lưu ý rằng đặc phái viên Mỹ về hòa giải Afghanistan Zalmay Khalilzad đã có mặt tại cơ quan ngoại giao của Taliban tại Qatar và các quan chức Mỹ đã thảo luận với Taliban.
Ngày 16/8, Đại sứ Nga tại Afghanistan lên tiếng đánh giá cao các động thái của Taliban trong 24 giờ đầu tiên sau khi lực lượng này giành quyền kiểm soát từ Chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani. Theo hãng tin Reuters (Anh), phát biểu với đài phát thanh "Tiếng vọng Moskva" hôm 16/8, Đại sứ Nga tại Afghanistan Dmitry Zhirnov cho rằng ông ấn tượng với cách hành xử của Taliban trong ngày đầu tiên nắm quyền. Ông mô tả cách tiếp cận tình hình của họ là "tốt, tích cực và đâu ra đấy". "Tình hình khá yên ổn, tốt đẹp và bầu không khí trong thành phố đã lắng xuống. Tình hình ở Kabul dưới quyền Taliban còn tốt hơn dưới thời Tổng thống Ashraf Ghani", ông Zhirnov cho biết.
Phụ nữ choàng khăn Burqa tại tỉnh Herat, Afghanistan ngày 8/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 15/8, Taliban đã dễ dàng giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul, lật đổ chính phủ nhận được sự ủng hộ của Mỹ trong gần 2 thập kỷ qua. Taliban đã áp đặt những quy định hà khắc đối với phụ nữ khi lực lượng này cầm quyền tại Afghanistan từ năm 1996-2001, bao gồm việc ngăn cấm được học hành.
Tuy nhiên, thông tin do người phát ngôn của Taliban đưa ra tại cuộc họp báo nói trên khiến giới quan sát quốc tế bất ngờ. Những tuyên bố này mở ra hy vọng về một giai đoạn chuyển tiếp êm thấm và một tương lai cởi mở hơn tại đất nước này.
Bị bảo vệ mắng vì cho con bú ở Disneyland Laura cho biết cảm thấy rất bức xúc khi bị các bảo vệ tại Disneyland Paris mắng nhiếc cô vì cho con bú trên băng ghế công viên. "Tôi đã cho bú trong lúc ba người bảo vệ vây quanh mắng nhiếc và yêu cầu tôi dừng hành động mà tôi cho là rất đỗi tự nhiên cũng như bình thường trong cuộc...