Nữ hoàng gánh lô tô khiến trai trẻ mê mệt, quen 1 tháng đã về ngủ chung giường
12 năm gắn bó bên nhau, chuyện tình yêu của Nini An – Nữ hoàng lô tô và chàng trai kém 8 tuổi Châu Công khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Hiện nay, Nini An đang có tổ ấm nhỏ hạnh phúc bên ông xã kém 8 tuổi Châu Chí Công và con gái Như Ý 9 tuổi. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả phải lo mưu sinh từng ngày nhưng An hài lòng vì được sống là chính mình, chuyển giới trở thành “phụ nữ” và có tình yêu, gia đình nhỏ như bao người phụ nữ khác.
Nini An là con trai Út của bà Mười ở Thành phố Tân An, Long An. Sinh ra với thân hình con trai nhưng tâm hồn anh luôn muốn được là con gái ngay từ khi còn nhỏ. Mặc những lời chê cười, dè bỉu của mọi người, bà Mười thương An đến đỗi không chỉ chấp nhận những khiếm khuyết của An mà còn cho cô theo đoàn hát, gánh lô tô phù hoa đi cùng trời cuối đất để được sống làm chính mình.
Sau này, An có duyên làm trong đoàn Lô tô Hoàng Anh và được mệnh danh là “Nữ hoàng lô tô” bởi cô là ca sĩ chính, điệu nhất và cũng là người được khán giả mong chờ nhất trong đêm. Cũng tại đây, cô và Châu Công – anh chàng kém 8 tuổi ở Long An có duyên quen biết nhau và làm nên câu chuyện tình yêu mà cả 2 đều gọi đó là định mệnh.
Nini An là ngôi sao của đoàn lô tô.
Chia sẻ về câu chuyện tình yêu của mình, Nini An cho biết, lần đầu tiên cô gặp ông xã Châu Công là khi cô cộng tác với đoàn hát lô tô đóng đô ở sân vận động tỉnh Long An, thuộc thành phố Tân An, kết thúc chuỗi ngày phiêu bạt cùng các gánh hát lô tô rày đây mai đó.
Ngày đầu vào đoàn, ấn tượng ban đầu của An về chàng thanh niên trẻ Châu Công là bản tính siêng năng, thiệt tình, lại đặc biệt quan tâm đến mình.
Còn chàng thanh niên trẻ miền Tây này dường như đã trúng tiếng sét của An ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy cô hát. Lúc đó, anh đã ao ước có được cô. Vậy là anh cứ âm thầm quan tâm đến An, mua trái cây cho cô ăn.
“Tụi mình quen nhau vào năm 2008, khi đó mình còn chưa chuyển giới. Tình yêu của tụi mình lúc ấy đơn giản lắm, mình là ca sĩ, anh là nhân viên. Hồi đó cũng khổ, mình đi hát có 70 nghìn/đêm, có lần được 40-50 nghìn/ đêm. Anh lo cho mình ăn uống này nọ hết tại mình đam mê ca hát, thích được làm ca sĩ nên theo, chứ lúc đó mình làm ngoài, nhảy ở bar tiền bo cũng được vài trăm rồi. Thấy anh ân cần hay mua đồ cho mình rồi thương nhau từ lúc nào không biết”, Nini An cười nhớ lại.
Làm chung một đoàn, sớm tối có nhau nên mối quan hệ tình cảm của An và Công nhanh chóng phát triển. Đối với Công, cả 2 sinh ra là để dành cho nhau, là duyên nợ của nhau nên khi An chưa chuyển giới, anh quyết định về sống chung với Nini An tại nhà của cô ở Tân An như vợ chồng sau 1 tháng quen nhau.
Cô và Công yêu nhau từ hồi cô còn chưa chuyển giới.
Nini An kể, khi mới biết chuyện hai đứa quen nhau, sống như vợ chồng thì người anh kế của Công đã gọi điện về “méc mẹ”, nói “thằng Công nó quen bê đê má ơi…” khiến mẹ Công vội vã gọi điện nói chuyện với con trai. Mặc dù Công chia sẻ với cô rằng anh đã nói với mẹ sẽ tự quyết định chuyện hạnh phúc của mình nhưng An biết được mẹ Công có trách mắng, tạo áp lực với anh. Vì không muốn cô buồn lòng nên Công đã giấu tất cả.
Tuy nhiên sau khi về ra mắt gia đình Công, được bà nội – đại diện quyền lực cao nhất ở nhà chồng dành sự quan tâm đặc biệt, An đã được mọi người trong gia đình coi là dâu trong nhà. Thậm chí, cô còn được gia đình Công cưng chiều hết mực. Trong khi tất cả các chị em dâu khác phải vào bếp nấu nướng, lo việc từ trong ra ngoài thì cô chỉ việc làm đẹp. “Sau khi làm đẹp xong thì ba chồng lại dắt tay tôi đi giới thiệu với bà con cô bác, nói đây là con dâu tôi nè với vẻ rất tự hào”, An cho biết.
Mặc dù được cha mẹ 2 bên chấp thuận mối quan hệ này nhưng An và Công vẫn gặp vô vàn những lời nói không hay khi bước ra cổng nhà. Nhiều người hỏi Công sao không lấy vợ là phụ nữ mà đi lấy pê đê. Đáp lại vô vàn những câu hỏi ấy, Công chỉ có một câu trả lời duy nhất “đã thương rồi thì thương thôi”.
Mặc dù biết tình yêu của Công dành cho mình nhưng đôi khi An vẫn chạnh lòng. Đôi khi giận Công, cô lại đuổi kêu anh đi tìm phụ nữ thật mà yêu, còn Công vẫn mặc kệ, bỏ ngoài tai một lòng một dạ ở bên An dù ai có nói gì.
Không chỉ yêu thương An hết mực, Công còn luôn ủng hộ An để cô được sống là chính mình, được trở thành phụ nữ. Anh cùng cô chăm chỉ làm lụng, chắt chiu từng đồng một để giúp cô chuyển giới, thực hiện ước mơ trở thành phụ nữ và cùng cô làm lụng nuôi bé Như Ý còn đỏ hỏn đến giờ.
Công cùng An thực hiện ước mơ trở thành phụ nữ và nuôi bé Như Ý khôn lớn.
Video đang HOT
Hiện nay, do tình hình dịch bệnh, mưa bão nên đoàn lô tô nơi Nini An làm việc nghỉ hoài, cô phải kinh doanh online để kiếm thêm thu nhập. Còn Công vẫn chạy xe taxi cùng An lo liệu cuộc sống.
Ở bên nhau 12 năm, dù cuộc sống khó khăn nhưng tình yêu của An và Công hơn chục năm rồi vẫn ngọt ngào như thế. Cả 2 không hề cảm thấy bấp bênh mà luôn cảm thấy hạnh phúc vì được ở bên nhau mỗi ngày. Dẫu không biết có duyên với nhau tới bao lâu nhưng 12 năm bên Công, An thực sự cảm thấy hạnh phúc. Công thương và chiều chuộng An vô điều kiện.
Cả 2 gắn bó với nhau 12 năm.
An tâm sự, dù Công không nói những lời ngọt ngào, vẫn gọi cô bằng “mấy người” nhưng anh luôn yêu thương, quan tâm cô bằng cách ngọt ngào nhất. Khi cô đi diễn, nhiều người thích đụng chạm vào người một cách thô bạo làm cô đau, mỗi lần như thế Công bực lắm vì anh biết cơ thể vợ mình không giống như những người khác.
Không chỉ vậy, Công còn là người lo toan mọi chuyện khi cô bị bệnh. Có lần cô múa lửa bị té, dầu lửa vào phổi không có tiền nên phải nằm bệnh viện tỉnh một tuần. Công phải chạy đầu này đầu kia mượn tiền lo cho cô lên Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Lúc lên tới nơi phổi cô đã có mủ, may mắn được điều trị kịp thời nên cô mới sống được.
Nhiều lần cô bị như vậy, Công vẫn là người lo lắng cho cô tất thảy. Công còn vận động An đi phẫu thuật vì ngực bị hoại tử rồi lo liệu tiền cho cô chạy chữa. Biết cô buồn vì không có ngực, anh cũng là người động viên An ráng lên, anh sẽ làm kiếm tiền để cô làm lại cái khác.
“Cuộc sống vợ chồng mình rất hạnh phúc. Lúc nào mình cũng đeo theo một nỗi buồn thiếu thốn, còn anh cũng thông cảm những lúc mình căng thẳng rồi cũng ráng lo chạy xe kiếm tiền. Mình muốn gì nếu có thể anh sẽ làm cho mình. Anh nói sẽ thương yêu và bên mình suốt đời”, An cho hay.
Tổ ấm nhỏ của Nini An.
An thổ lộ, Công là người hiểu cô nhất, hễ cô nhảy điệu gì anh cũng biết và cả 2 vợ chồng cô đều hiểu tính nết của nhau. Tình yêu của những người như cô rất khó, cô cũng hay ghen vì mình không được như bao người phụ nữ bình thường. Chính vì vậy, khi quyết định đến với nhau, Công cũng phải chịu đựng tính khó của An nhiều. Mỗi khi cô nóng giận, Công là người nhường nhịn, năn nỉ và ngược lại cô cũng phải nhịn khi Công nóng để dung hòa được cả 2 trong cuộc sống hôn nhân.
Không chỉ vậy, cả 2 luôn đồng cảm, chia sẻ tất cả, dành trọn tình thương cho nhau và quan trọng nhất luôn thật lòng với nhau. Nói đến đây, An mỉm cười cho biết, cũng giống như bao người phụ nữ, cô cũng từng mong được tổ chức đám cưới, được mặc chiếc váy cô dâu hạnh phúc bước vào lễ đường với người mình yêu thương nhưng đến bây giờ cô nghĩ đám cưới có hay không không quan trọng nữa. Đối với cô, chỉ cần vợ chồng yêu thương nhau thật lòng vậy là đủ. “Cảm ơn cuộc đời này đã cho anh đến với em. Mãi bên nhau anh nhé!“, An nhắn nhủ tới Công.
Đừng gọi mẹ là bê đê, mẹ là cục vàng của Ý đó!
Mỗi lần ai đó phong thanh nói rằng mẹ là người chuyển giới, đôi mắt sâu thăm thẳm của Ý lại ánh lên nỗi buồn. Bất chấp điều ấy, Ý vẫn yêu mẹ thiết tha. Còn với Nini An, Ý là viên ngọc tuyệt diệu mà cô được trao tặng.
Như Ý, 8 tuổi là cục vàng cục cưng của má Tư và má Mi. Má Mi của Ý là Nini An - nữ hoàng lô tô nức tiếng trong đoàn Hoàng Anh, nổi danh khắp xứ Long An; còn má Tư là chị ruột của má Mi. Ý có nước da trắng tươi từ hồi nhỏ nhưng gần đây nó đã chuyển màu bánh mật bởi cô nhóc dang nắng tập đạp xe "để con tự đi học, để con đi theo đoàn coi Mi diễn".
Ý ít nói chứ tình cảm dữ lắm. Ý thường dụi dụi đầu vào ngực, hít hà hương thơm từ người má Tư, quấn quýt quanh má cả ngày. Hồi năm ngoái, Ý vừa vô lớp 1 thì Nini An bị hoại tử ngực, phải đi phẫu thuật loại trừ silicon và cắt bỏ ngực. Ý không bàn qua bàn lại chuyện đó, nhưng Ý buồn so, thu mình với tất cả, Ý bỗng ngẩn ngơ, chẳng thiết chơi với bạn nào nữa. Đôi mắt Ý, vốn đã ẩn một nỗi buồn rất sâu, lại càng thăm thẳm.
Đợt này, má Mi của Ý khỏe hơn chút đỉnh. Do dịch bệnh, chưa được mở lại show để đi hát, biểu diễn ảo thuật như những ngày trước, má Mi ở nhà với Ý nhiều hơn. Ý tươi tắn hơn hẳn, vì biết rằng Nini An sẽ có thêm thời gian sống bên Ý. Cô nhóc chạy lăng xăng quanh vườn, thi thoảng được má dạy bảng cửu chương.
Má Tư của Ý kể, nuôi Ý cực dữ lắm. Từ khi mới lọt lòng, Ý đã bị trào ngược dạ dày. Vợ chồng Tư và An, ba người thay ca xoay vần chăm Ý muốn ná thở, vì con bé cứ ăn vô là ói, ăn vô là trớ. Xung quanh giường Ý nằm, trên là chậu, dưới là bô. Ngày thì chục cữ, đêm cũng 7 - 8 lần, cứ ăn là chừng 10 - 15 phút sau, Ý sẽ ói ra bằng hết. Lại hứng, lại lau dọn, lại dợm dợm pha lại sữa, cho ăn lại từ đầu.
Đã vậy, hồi nhỏ Ý còn không thể tự đi cầu. Bác sĩ nói hệ tiêu hóa của Ý chưa hoàn chỉnh, nên ngoài chuyện nôn trớ, cứ 2 hôm là Tư lại phải bơm thuốc cho con bé ị. May ghê, đến đúng ngày sinh nhật 1 tuổi, Ý tự đi vệ sinh được. " Bình thường mà nói vậy chắc người ta tưởng mình khùng, nhưng lần đầu con bé tự rặn được, Tư mừng mà khóc ngon ơ luôn vậy đó" - Tư cười, kể lại chuyện cũ rích mà mặt vẫn hớn hở như thể ai cho quà, trong khi Ý mắc cỡ giấu mặt sau con gấu bông bự chảng, cười hắc hắc.
Ý gần như sống chỉ bằng sữa đến năm 7 tuổi, rồi mới ăn cơm chút chút. Trước đó, ăn nửa muỗng cháo, nửa muỗng cơm là cũng ói bằng hết. Có gói cháo ăn liền hà, mà Tư phải bế đi rong nguyên khu đô thị, Ý mới ăn xong. 15 phút sau, Ý "trả lại" hết. Tới khi đi học mẫu giáo, Ý vẫn còm nhom. Ngày học lớp 1, con nhà khác ăn hết cả khay cơm, còn Ý vẫn ăn xong là ói vậy đó.
Nini An xót con dữ lắm. Hồi con nhỏ, mỗi tháng, An được bà chủ đoàn phụ cho 1 thùng sữa, chưa kể cô mua thêm sữa cao, sữa chống trào ngược đủ kiểu. Ý lớn hơn chút thì An chưng yến cho ăn, dỗ dành từng chút, vừa đút vừa vuốt để đồ ăn ở trong bụng Ý thật lâu. " Vì con là cục vàng của má Mi nha Ý. Cưng quá trời luôn đó, tới mức mấy anh chị họ của Ý ganh luôn", Nini An bẹo má Ý nựng nịu.
Tư vất vả chăm bẵm Ý từng chút cho Ý lớn, còn An xoay xỏa đủ kiểu để có tiền nuôi con bằng thù lao diễn hội chợ không mấy dư dả. Duy có một điều An không thể tác động được, đó là nỗi buồn mơ hồ của Ý. Mắt con bé rất đẹp, rất sâu, nhưng cũng buồn hiu. Lúc nào An cũng dặn Ý rằng: Má Mi thích con đừng nghĩ đến lời người ta nói này kia, má Mi yêu đôi mắt con mở to long lanh và trong mắt con có nụ cười. Nhưng đâu phải muốn là được.
Đôi mắt ấy, hồi 3 tuổi đã ngước lên nhìn An, nói rằng: "Mi, Mi đi làm giấy cho con đi kìa, để con còn đi học" khi nghe trên loa phường thông báo, những người nhận con nuôi mà chưa làm giấy tờ thì liên hệ với chính quyền. An chết sững, không hiểu ai đã cho con bé hay nó không phải do An hay do Tư dứt ruột đẻ ra.
Đôi mắt ấy đẫm lệ mỗi lần ai đó hỏi tới chuyện sao Ý có tận 2 người má, ai đó bóng gió chọc ghẹo An là bê đê, hoặc xem những clip nói về An trên Youtube, dù An đã giải thích đó chỉ là đóng phim thôi.
Đôi mắt ấy ngước lên nhìn An, rồi hơi cụp xuống, ngân ngấn nước khi An nói với con rằng cô là một người mẹ chuyển giới, rằng An yêu con đến nhường nào.
"An không nói với con mình là phụ nữ 100%, vì nói thế nghĩa là dối trá, mà trong bụng con mình biết sự thật, sau này nó sẽ phải nói dối thêm người khác nữa. An chỉ nói với con rằng, An là mẹ Ý, và yêu Ý hơn cả sinh mạng của mình, rồi sau lớn hơn chút, con sẽ hiểu".
- Má Tư à, sao ai cũng có bà ngoại, mà con chỉ có bà nội thôi?
- Ừ thì vì con là con của má, mà má nghèo quá nè, má chỉ chăm con thôi còn má Mi thì kiếm tiền nuôi con. Nên con gọi bà là bà nội. Mà thực ra, gọi là bà nội hay bà ngoại gì cũng được hết á con.
Hồi Ý còn nhỏ, nhìn lên bàn thờ bà nội, bé hỏi Tư như vậy.
Ý được 7 ngày tuổi thì bà nội qua đời. Lần "gặp mặt" đầu tiên của hai bà cháu là khi An ôm con cúi lạy trước linh cữu má. Nhưng giữa hai bà cháu có một mối duyên kỳ lạ mà không ai lý giải nổi.
Từ khi nhận thức được, Tư mua quà bánh gì cho, Ý cũng chia làm 2 phần, cúng bà nội một phần, mình ăn một phần. Rồi lần nào đi chơi ngang qua nghĩa địa có mả bà nội, nó cũng kêu Tư đi chầm chậm để nó vái một cái, xin phép bà nội cho đi chơi.
Ý sinh ngày 1/7. Đó là ngày má An đang nằm ở ICU, máy móc dây truyền đầy người. Nghe mấy cô hộ lý nói chuyện có bé gái bị bỏ rơi dưới khoa sản, bà gõ gõ vô thanh sắt giường, ngoắc An vô cho bà gặp mặt. Bà thều thào kêu An xuống coi mặt con bé. An đâu có chịu. Má đang nguy kịch, An còn tính bán nhà để chữa bệnh cho má, tự nhiên nhận con, rồi làm sao mà nuôi. Mấy anh cũng cản dữ lắm, nghĩ là má bệnh nên nói sảng vậy thôi.
Nhưng lắc đầu 3 lần thì 3 lần má An lại ngoắc con vô, lặp lại yêu cầu. An và chồng định xuống coi mắt con bé cho má vui thôi. Vậy mà vừa dòm vô nôi, con bé đã mỉm cười. An nghĩ, đó là định mệnh của mình, nên quyết định trở thành mẹ của Như Ý từ bữa đó.
Con đón về nhà, má chuyển viện khác, An lật đật lên báo má hay, dặn má chóng khỏe để về bế cháu ngoại cho An. Má cười, chỉnh lời An: "Không, cháu nội chứ. Con của con là cháu nội của má".
" Nghe hai chữ "cháu nội" má nói ra, mình chết sững, đứt từng đoạn ruột. Từ khi mình còn nhỏ, má luôn ủng hộ mình sống thật với giới tính. Ai nói mình bê đê này kia má không thèm chú ý. Má cho mình nuôi tóc dài, mặc đồ con gái, bơm ngực... Mình cắt tóc ngắn xíu là má chê xấu hoắc, kêu con gái phải tóc dài thùy mị.
Nhưng khi má kêu Ý bằng cháu nội, mình hiểu rằng, tới phút cuối cùng má mới nói ra lời chân thật. Đó là lúc mình thấy mình bất hiếu với má. Trong thời gian má sống, mình vui vẻ làm đủ thứ trò bê đê, má còn ủng hộ, động viên mình.
Nhưng hóa ra, từ sâu trong đáy lòng, má vì thương con nên mới chấp nhận vậy, còn đau khổ má giấu hết vô trong. Rồi gần đến phút lâm chung, má vẫn còn lo cho mình có đứa con, lo sau này "heo nái ủi mả", mình nằm xuống không ai coi sóc".
Vì thế, An bảo, việc cô làm mẹ Như Ý là một cái duyên, nhưng má của An mới là người dũng cảm. An bắt đầu được làm mẹ cũng là khi An vĩnh viễn rời xa người mẹ yêu cô bất chấp sự trái ngang của giới tính, người mà chuyện buồn vui, lớn nhỏ gì cũng thủ thỉ với An. Giờ thì, cuộc đời lăn lóc, bao nhiêu chuyện buồn, bao nhiêu bối rối, An chẳng còn biết tâm sự với ai.
4 năm trước, ngực An bắt đầu có dấu hiệu hoại tử. Ở những chỗ An tiêm silicon, nó đỏ ửng lên. Rồi dần dà, nó bầm bầm, tím tím, thâm đen hết cả. Một ngón tay sượt qua, một cái cúc áo vô tình tì vào cũng khiến An đau như bị hành. An biết, dưới lớp da kia, bên trong bộ ngực đẹp đẽ hơn 10 năm An chăm chút là mủ, là cái chết đang chờ chực.
An còn trẻ, có chồng nữa, rồi công việc làm xiếc, hát múa mà phải bỏ ngực thì ai mà coi cho được. An tự nhủ, hay cứ kệ cho nó hư, có chết thì cũng chết trong lộng lẫy, chết mà còn ngực nghĩa là còn có dáng vẻ đàn bà.
Rồi nhìn sang Ý, hình hài bé bỏng mà An đã nhận lãnh với má năm ấy, nghĩ đến tương lai con bé mồ côi, ai sẽ nuôi ăn học, ai sẽ dạy nó về cuộc đời... Vậy nên An cố sống, dù phải từ bỏ bộ ngực - niềm tự hào và hãnh diện của nữ hoàng lô tô. An bỏ ngực sau 3 năm chịu đựng đau đớn, vì " nếu không có Ý, chắc mình kệ cho chết luôn. Nhưng nếu giờ mình chết, con bé lại bị bỏ rơi lần nữa thì tội lắm".
Làm mẹ, đó là một trải nghiệm đặc biệt của An. Như Ý đã thay đổi An, theo nhiều cách. Ngày xưa, An bi quan lắm, giờ thì cô vui vẻ, vô tư mà sống. Trước, An chỉ nghĩ đến cái đẹp, sống chết không quan trọng. Giờ thì An hiểu rằng, sự sống và tình yêu là một món quà tuyệt vời.
An tâm sự, sức khỏe của cô yếu dần, đặc biệt là sau khi bỏ ngực. Chọn mất ngực, An mất 1 năm chới với không biết phải ăn mặc như nào, biểu diễn ra sao, An hụt hẫng với con người của mình. Rồi nhìn vào con, An thấy bóng dáng má mình lấp ló, nhớ đến lời bà dặn dò: "Cứu nó, ráng nuôi nó nhen con. Nó là sự sống của má, niềm vui của tụi con", để chấp nhận là một nữ-hoàng-bê-đê-không-có-ngực.
Với phụ nữ bình thường, bộ ngực là để cho con bú, cho đẹp đẽ, là biểu tượng nữ tính. Còn trong giới của An, bộ ngực là một nửa "kim bài", "giấy phép chứng nhận giống đàn bà". " Bê đê mà mất ngực là tủi thân lắm. Mình lại có chồng nữa. Dù ổng thề là ổng không có thèm bậy (cười khúc khích), cuộc đời ổng chỉ thương mình thôi, nhưng ngày mai, ngày sau nữa như nào sao biết được. Giờ hạnh phúc ngày nào vui ngày đó thôi. Mình yêu ngực hơn yêu sự sống, nhưng yêu Như Ý hơn cả bộ ngực luôn".
Đến giờ, trăn trở lớn nhất trong hành trình của An đó là cô chưa có dự phòng tiền bạc cho con. An cũng ước mơ mình tìm được công việc nhiều tiền hơn, có dư ra chút đỉnh để dành mua bảo hiểm cho con, để mai này cô nằm xuống, Ý không còn bơ vơ.
Chuyện Ý biết rằng cô bé là con nuôi chỉ là chuyện sớm muộn, nên An chẳng còn bận tâm nữa. Điều quan trọng với An bây giờ là giữ cho con hồn nhiên, vui tươi tới lúc nào thì tốt lúc đó. "Mới đây, bả đòi tui đẻ thêm em cho bả ẵm. Hổng biết nghe ai xúi hay tự nghĩ ra mà hổm rày bả nói vầy nè:
- Mi ơi, Mi có bầu đi, đẻ cho Ý em gái nha!
- Thôi đi bà ơi, đẻ một mình bà được rồi. Mi mất vú rồi, đẻ nữa lấy vú đâu cho nó bú?
- Bú bình cũng được mà Mi. Hồi vú Mi bị bệnh đó, con cũng bú bình vậy!
Đó, thấy ác nghiệt cuộc đời tui hông. Tui đành phải nói là má là nghệ sĩ, má còn hát kiếm tiền, eo thon mông cong này mà đẻ nữa là hư phọoc (dáng) hết, ai coi má hát nữa, lấy tiền đâu mà nuôi Ý?".
Tình mẫu tử giữa An và Ý kỳ lạ, hồn nhiên mà cũng sâu nặng như vậy đó. Có Ý, An tìm thấy sự trọn vẹn của một-người-đàn-bà, một gia đình đủ đầy chồng và con. Ý dạy cho An biết cách nhẫn nại, lạc quan và vô tư sống. Với An, Ý yêu vô điều kiện, bảo vệ, vỗ về An bằng nụ cười, ánh mắt, lời nói trẻ thơ, nhưng cũng mênh mang như tình yêu bà nội dành cho An thuở trước. Làm mẹ là như vậy, phải không?
Hai nữ sinh bị nhóm bạn đè đánh trong giờ ra chơi Trong giờ ra chơi, 2 nữ sinh bị bạn học cùng trường đè xuống nền xi măng ngoài cổng trường vừa đánh, vừa chửi. Học sinh đánh bạn trong giờ ra chơi tại Trường THCS Đức Hòa Thượng - ẢNH CHỤP TỪ CLIP Sáng 24.10, thầy Nguyễn Văn Hùm, Hiệu trưởng Trường THCS Đức Hòa Thượng (ấp Nhơn Hòa 1, xã Đức Hòa...