Nữ Hoàng Anh Elizabeth Ii “Biểu Tượng Bất Tử” Của Thời Trang Hoàng Gia Anh
Với vẻ ngoài luôn chỉn chu và thanh lịch, Nữ hoàng Anh Elizabeth II chắc chắn là một trong những tượng đài của phong cách Hoàng gia.
Đơn giản mà sang trọng, nổi bật đầy quyền lực, Nữ hoàng đã để lại cho hậu thế những khoảnh khắc thời trang mang tính biểu tượng vĩnh cửu.
Khi còn là một nàng công chúa nhỏ, Elizabeth II đã thể hiện tình yêu đặc biệt dành cho chiếc đầm hoa, đầm xếp ly đặc trưng của những năm 1930 và 1940. Đến tuổi trưởng thành, công chúa thường chọn những thiết kế đầm và áo choàng sang trọng, phù hợp hơn với địa vị của mình. Sau khi lên ngôi vào năm 1952, Norman Hartnell đã trở thành một trong những nhà thiết kế chính thức của Nữ hoàng Elizabeth II, với những bộ đầm vải tulle thanh lịch dành cho các bữa tiệc và sự kiện ngoại giao.
Xuyên suốt 70 năm trị vì, Nữ hoàng đã ghi dấu ấn vào lịch sử thời trang bằng những chiếc đầm dạ hội cầu kỳ, tinh xảo, những bộ trang phục thường ngày kín đáo mà vẫn hết mực duyên dáng. Đặc biệt, trong vòng hơn một thập kỷ trở lại đây, vị quân vương của Anh quốc, giống như tất cả những phụ nữ có phong cách bẩm sinh, đã định hình cho mình một “công thức” thời trang nhất định. Dù là trong sự kiện nào, trang phục bà mặc không bao giờ lệch khỏi hình mẫu: một chiếc đầm và áo khoác được thiết kế riêng với độ dài dưới đầu gối, đi kèm với chiếc mũ phù hợp (chi tiết nổi bật, nhưng không quá cao đến mức khó di chuyển ra khỏi ô tô và vành không quá rộng làm cản trở tầm nhìn); một chiếc vòng cổ bằng ngọc trai ba sợi và chiếc trâm cài áo gia truyền; đôi giày loafers cổ điển của Anello & Davide; găng tay cotton và một chiếc túi xách Launer màu đen bóng.
Nếu phom dáng trang phục của Nữ hoàng luôn nhất quán và có phần đơn giản về hình thức, thì màu sắc lại không bao giờ như vậy. Màu sắc trong các bộ trang phục bà diện thường trải dài từ màu pastel nhẹ nhàng, ngọt ngào, cho đến những khối màu đậm và rực rỡ. Thậm chí, các màu sắc kim loại cực bắt mắt cũng không phải là ngoại lệ. Và điều đáng kinh ngạc là, với nước da hồng hào, đôi mắt xanh nhạt và những lọn tóc bạc, Nữ hoàng luôn thật nổi bật trong những bộ trang phục này.
Nữ hoàng Elizabeth II không chỉ là người trị vì lâu nhất trong lịch sử Vương quốc Anh, là chứng nhân lịch sử khi đã chứng kiến vô số những thay đổi quan trọng của thế giới (cuộc đổ bộ lên mặt trăng, nhiệm kỳ tổng thống của Nelson Mandela, quá trình phi thực dân hóa, sự ra đời của Internet, Brexit và nhiệm kỳ của 15 vị thủ tướng Anh,…), mà bà còn là một biểu tượng thời trang toàn cầu. Phong cách của bà có thể cổ điển và kín đáo hơn những biểu tượng thời trang Hoàng gia mà chúng ta thần tượng ngày nay như Công nương Diana hay Công nương Kate. Nhưng trang phục của bà là sự khẳng định vị thế của một Quốc Vương: truyền thống, kiên định và quyền lực. Để tưởng nhớ Nữ hoàng, người vừa rời xa trần thế ở tuổi 96, chúng ta hãy cùng nhìn lại những khoảnh khắc thời trang đáng nhớ nhất của bà.
Video đang HOT
Công chúa Elizabeth vào năm 1940 và 1944 trong thiết kế đầm hoa xòe nữ tính.
Bước vào tuổi trưởng thành, công chúa dần chuyển sang phong cách Bourgeois sang trọng, thanh lịch phù hợp với địa vị.
Năm 1947, Công chúa Elizabeth kết hôn cùng Trung úy Philip Mountbatten. Chiếc đầm cưới có phom dáng bồng bềnh, được đính 10.000 hạt ngọc trai và pha lê từ Mỹ, với phần đuôi là vải ren dài được thêu tay cầu kỳ.
Năm 1951, Công chúa Elizabeth xuất hiện trước công chúng trong những chiếc đầm dạ hội lộng lẫy, sang trọng, đi kèm với vương miện và trang sức Hoàng gia.
Nữ hoàng Elizabeth II lộng lẫy trong chiếc đầm cúp ngực bồng xòe, với chi tiết ren tinh tế. Đây là thiết kế đầm cổ điển đã trở nên cực kỳ thịnh hành cho đến tận ngày nay.
Bên phải: Nữ hoàng thanh lịch, duyên dáng với đầm tulle xanh trong chuyến thăm đến Úc vào năm 1954. Bên trái: Nữ hoàng diện chiếc đầm xanh lộng lẫy với chi tiết thêu hoa vào năm 1956.
Năm 1961, Nữ hoàng Elizabeth II đón tiếp vợ chồng Tổng thống Kennedy trong thiết kế đầm dạ hội bằng vải tulle xanh đậm màu sắc cổ tích.
Vào năm 1967, Nữ hoàng mặc chiếc áo khoác có hoa văn màu hồng và xanh lá cây của Hardy Amies trong chuyến thăm hoàng gia tới Malta. Bà cũng đeo một trong những chiếc trâm cài áo yêu thích của mình, Cullinan V Brooch, do Garrard chế tác vào năm 1911.
Tại Mexico vào năm 1975, Nữ hoàng xuất hiện trong chiếc đầm màu vàng rực rỡ cùng khăn xếp tone-sur-tone. Những chấm bi trắng ngọt ngào, thắt lưng trắng nữ tính và chiếc váy xếp ly bồng bềnh mang đến cho bà vẻ ngoài trẻ trung, tràn đầy năng lượng.
Đến thăm San Diego vào năm 1983, Nữ hoàng diện một bộ trang phục mang cảm hứng hải quân với hoa văn màu trắng và một chiếc mũ lưỡi trai kiểu baker boy. Cách bà chọn màu sắc là sự bổ sung hoàn hảo cho quân phục của những người lính xung quanh.
Năm 1989, Nữ hoàng diện chiếc đầm tay phồng đính ren cổ điển để chào đón Thủ tướng Margaret Thatcher trong bữa tối trên Du thuyền Hoàng gia Britannia.
Năm 1999, Nữ hoàng Elizabeth II thu hút mọi ánh nhìn khi tham dự Buổi biểu diễn Royal Variety tại Birmingham Hippodrome với chiếc áo dài đính sequin đầy màu sắc và chân váy vàng sọc.
Phục sức với đầm dài thêu hoa, khoác ngoài là chiếc áo viền lông trắng muốt, đi kèm vương miện và trang sức được chế tác tinh xảo cùng túi xách ánh kim, Quốc Vương Anh toát lên thần thái sang trọng quyền quý bậc nhất.
Tại đám cưới “thế kỷ” của Hoàng tử William và Công nương Kate, Nữ hoàng Elizabeth II xuất hiện thật cổ điển trong trang phục đầm vàng pastel đi kèm với mũ cùng màu và chiếc trâm cài áo quen thuộc.
Năm 2012, trong trang phục màu lam ánh bạc duyên dáng, Người cai trị Vương quốc Anh tỏa sáng như một viên kim cương trong chính Lễ kỷ niệm Kim cương của mình.
Quân vương Anh quốc tham dự Buổi biểu diễn Royal Variety 2012 trong thiết kế đầm vàng đính hạt kết hợp cùng giày ánh kim, một chiếc túi xách Launer và chuỗi vòng cổ kim cương đồng bộ.
Trong buổi lễ Trooping the Colour đánh dấu sinh nhật lần thứ 90 của mình, Nữ hoàng đã cùng gia đình đứng trên ban công của Cung điện Buckingham và diện chiếc áo khoác màu xanh lá cây rực rỡ được gắn huy hiệu Lữ đoàn Vệ binh của Stewart Parvin, đi kèm với mũ Rachel Trevor-Morgan cùng màu.
Năm 2018, “Bà hoàng thời trang” Anna Wintour lần đầu bị “chiếm spotlight” khi Nữ hoàng Elizabeth II xuất hiện tại hàng ghế đầu của fashion show trong bộ cánh màu lam đính pha lê Swarovski.
Nữ hoàng mặc đầm hồng in hoa để đón tiếp vợ chồng Tổng thống Mỹ Joe Biden vào năm 2021.
Năm 2022, Nữ hoàng Elizabeth II bắt đầu lễ kỷ niệm Bạch kim của mình tại cuộc diễu hành Trooping the Colour trong một bộ trang phục màu xanh baby được thiết kế riêng với đường diềm trắng tinh tế.
Quốc hội Australia hoãn họp, thể hiện sự tiếc thương Nữ hoàng Anh Elizabeth II
Ngày 9/9, Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết Quốc hội nước này sẽ tạm hoãn họp tuần tới và không nhóm họp trở lại ít nhất trong vòng 2 tuần nữa để thể hiện sự tiếc thương Nữ hoàng Anh Elizabeth II, người vừa băng hà ngày 8/9 ở tuổi 96.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II phát biểu tại một phiên họp của Hạ viện ở London ngày 23/11/2004. Ảnh: AFP/TTXVN
Hiện tòa nhà Quốc hội và các tòa nhà khác của Liên bang cũng đã treo cờ rủ.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, dự kiến Thủ tướng Albanese và Toàn quyền David Hurley sẽ sớm tới London (Anh) để chia buồn với Vua Charles III và cùng họp bàn chuẩn bị cho tang lễ của Nữ hoàng Elizabeth II, người cũng là nguyên thủ của 14 quốc gia khác thuộc Khối thịnh vượng chung, trong đó có Australia. Trong 70 năm trị vì, Nữ hoàng Elizabeth II đã 16 lần đến thăm Australia, lần cuối cùng vào tháng 10/2011.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8/9 đã ra lệnh treo cờ rủ tại Nhà Trắng và các tòa nhà liên bang khác, đồng thời đến Đại sứ quán Anh tại Washington để viết sổ tang chia buồn. Theo tuyên bố của Nhà Trắng, các tàu Hải quân Mỹ, các căn cứ quân sự và hải quân, cũng như tất cả các Đại sứ quán và các cơ quan khác của Mỹ ở nước ngoài cũng treo cờ rủ.
Trong một tuyên bố, Tổng thống Biden và phu nhân Jill Biden đã thể hiện sự tôn kính với Nữ hoàng Elizabeth II, cho rằng bà là người đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Anh.
Các cựu Tổng thống Mỹ như ông Jimmy Carter, ông Bill Clinton, ông George W. Bush, ông Barack Obama và ông Donald Trump cũng đã thể hiện sự tiếc thương và kính trọng đối với Nữ hoàng Anh Elizabeth II.
Cũng trong ngày 8/9, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel tuyên bố quốc tang tưởng niệm Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Theo sắc lệnh do Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel ký cùng ngày, từ 6h - 24h ngày 9/9 (giờ địa phương), các tòa nhà công cộng và đơn vị quân sự ở đảo quốc Caribe sẽ treo cờ rủ để tưởng nhớ người tại vị lâu nhất của Vương quốc Anh.
Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, Chủ tịch Cuba đã thể hiện sự tiếc thương sâu sắc trước sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II. Thay mặt nhân dân và Chính phủ Cuba, ông Díaz-Canel chia buồn với người dân và Hoàng gia Anh.
Trước đó, sau khi có thông tin chính thức từ Điện Buckingham về việc Nữ hoàng Elizabeth II băng hà, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez đã lập tức gửi điện chia buồn. Báo Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba, nhấn mạnh rằng trong suốt thời gian tại vị, Nữ hoàng Elizabeth II luôn duy trì mối quan hệ tôn trọng với Cuba và đóng góp vào việc mở rộng mối quan hệ song phương.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro ngày 8/9 cũng tuyên bố quốc tang 3 ngày để thể hiện chia buồn về sự ra đi của Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Ông Jair Bolsonaro nhấn mạnh bà Elizabeth II "không chỉ là nữ hoàng đối với người Anh mà còn đối với tất cả chúng tôi". Theo ông, Nữ hoàng Elizabeth II là "một phụ nữ phi thường mà tấm gương về sự lãnh đạo, tính khiêm tốn và tình yêu đất nước của bà sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho chúng tôi và thế giới mãi mãi".
Lãnh đạo thế giới gửi lời chia buồn sau khi Nữ hoàng Anh Elizabeth II băng hà Các nhà lãnh đạo trên thế giới ngày 8/9 đã gửi lời chia buồn và bày tỏ niềm tiếc thương sâu sắc sau khi Nữ hoàng Anh Elizabeth II băng hà vào chiều cùng ngày (theo giờ địa phương). Nữ hoàng Anh Elizabeth II tới dự một sự kiện của tàu sân bay mang tên bà HMS Queen Elizabeth ở Portsmouth, phía Nam...