Nữ hạm trưởng chỉ huy tàu chiến Mỹ áp sát Hoàng Sa
Nữ hạm trưởng chỉ huy chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ gần quần đảo Hoàng Sa từng đảm đương nhiều vị trí quan trọng trong hải quân và đạt được nhiều thành tích.
Nữ hạm trưởng Amy Graham. Ảnh: US Navy
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường Mỹ USS Curtis Wilbur hôm 30/1 tiến vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa. Đảo Tri Tôn là một cồn cát có diện tích lớn thứ ba ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1974.
Chỉ huy tàu USS Curtis Wilbur thực hiện nhiệm vụ áp sát đảo Tri Tôn là nữ hạm trưởng Amy Graham. Bà là một trong 7 hạm trưởng tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Hạm đội 7, thực thi nhiệm vụ tuần tra vùng biển Tây Thái Bình Dương giữa Nhật, Guam và Biển Đông.
Theo thông tin trên trang web hải quân Mỹ, trung tá Amy Graham theo học Viện Công nghệ Illinois tại Chicago bằng học bổng huấn luyện của hải quân dự bị. Bà có bằng cử nhân khoa học chính trị và vào biên chế hải quân năm 1998.
Sau khi vào biên chế, bà Graham được điều động đến triển khai tại căn cứ Yokosuka, Nhật Bản. Bà làm cán bộ truyền thông trên tàu khu trục lớp Arleigh Burke USS John S. McCain và tiếp đó là sĩ quan hậu cần trên tàu sân bay USS O’Brien.
Sau đó, bà theo học chương trình Quản trị An ninh Quốc gia, chuyên về các vấn đề Trung Đông, tại trường Cao học Hải quân Mỹ (NPS). Trong khi theo học tại NPS, bà đã nhận được chứng chỉ đào tạo quân sự chuyên nghiệp.
Tốt nghiệp NPS, bà Graham phục vụ trên tàu hộ tống tên lửa dẫn đường USS Jarrett là với vị trí kỹ sư trưởng, và sĩ quan quân dụng cho Liên đội tàu khu trục 7, thuộc Hạm đội 7.
Video đang HOT
Bà cũng từng phụ trách một số vị trí trên bờ tại cơ quan quản lý quân nhân hải quân tại Millington, Tennessee và từng là trợ lý cấp cao tại Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ, đặt ở Stuttgart, Đức.
Bà đã đạt được nhiều thành tích và được trao tặng nhiều huân chương, trong đó có hai Huân chương Thành tích Hải quân. Các bộ phận mà bà từng làm việc cũng nhận được nhiều tuyên dương, khen thưởng liên quan đến hoạt động của đội tàu trong vịnh Arab, biển Bắc Arab, và Thái Bình Dương.
Tháng 10/2013-6/2015, bà đảm đương vị trí sĩ quan điều hành của tàu USS Curtis Wilbur. Theo Naval Today, bà Graham đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa con tàu trở lại tình trạng sẵn sàng hoạt động cao nhất sau thời gian bảo trì và nâng cấp kéo dài 335 ngày. Tháng 9/2015, bà được bổ nhiệm làm hạm trưởng thứ 16 của tàu.
Ngày 24/1, tàu USS Curtis Wilbur cập cảng nam Manila, trong một chuyến thăm kéo dài 4 ngày tại Philippines. Ngày 30/1, con tàu do bà chỉ huy tiến vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn.
Hạm trưởng Graham là một trong những ví dụ làm nổi bật vai trò của phụ nữ trong quân đội Mỹ nói chung và hải quân nước này nói riêng. Trong hơn 300.000 sĩ quan, binh lính thuộc hải quân Mỹ, hiện có hơn 50.000 người là phụ nữ. Trong hải quân Mỹ, phụ nữ được quyền đảm đương tất cả cấp bậc. Tháng 12/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter tuyên bố, bắt đầu từ năm 2016, tất cả vị trí tác chiến sẽ “mở cửa” cho phụ nữ.
Hầu hết hải quân các nước cấm phụ nữ phục vụ trên tàu ngầm vì lo ngại không gian hạn chế trên tàu sẽ khiến họ có ít sự riêng tư và không phù hợp cho việc hòa lẫn giới tính. Tháng 4/2010, Mỹ chính thức cho phép phụ nữ tham gia lực lượng tàu ngầm. Theo Navy Times, tháng 7/2015, hải quân Mỹ đã đưa 38 nữ thủy thủ đầu tiên lên tàu ngầm.
Theo quy định, nữ quân nhân quân đội Mỹ phải trang điểm theo phong cách tự nhiên, với màu son không quá nổi bật, và không được phép đeo mi giả khi đang mặc quân phục. Hoa tai nên là loại hình tròn 4-6 mm, bằng vàng hoặc bạc, tùy theo cấp bậc. Họ được phép đeo một chiếc vòng cổ nhưng không được để lộ. Nữ quân nhân cũng được phép sơn móng tay nhưng chỉ được dùng màu nhẹ nhàng.
Bà Amy Graham trở thành hạm trưởng tàu USS Curtis Wilbur từ hồi tháng 9 năm ngoái. Ảnh: US Navy
Phương Vũ
Theo VNE
Điều tàu áp sát Hoàng Sa, Mỹ khiến Trung Quốc bị cô lập
Trung Quốc là nước duy nhất có tiếng nói lạc lõng trong việc tàu chiến Mỹ thực hiện hoạt động đi qua vô hại theo luật pháp quốc tế gần đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Tàu khu trục Mỹ USS Curtis Wilbur. Ảnh: US Navy
Hải quân Mỹ cuối tuần trước điều khu trục hạm USS Curtis Wilbur đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1974. Lầu Năm Góc cho hay hành động trên nhằm thách thức những hạn chế về quyền và tự do hàng hải của Mỹ cũng như các nước khác trên Biển Đông, ABC News đưa tin.
Phản ứng trước diễn biến này, phía Trung Quốc tỏ thái độ giận dữ, cho rằng hoạt động của Mỹ "có thể gây ra những hậu quả vô cùng nguy hiểm". Bắc Kinh cũng lên tiếng đe dọa "lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết" để bảo vệ cái mà họ gọi là "chủ quyền và an ninh" trên Biển Đông.
Theo giáo sư Julian Ku từ Đại học Luật Hofstra, Mỹ, thoạt nhìn, lần điều động tàu này có nhiều điểm giống với sự việc hồi cuối tháng 10, khi Mỹ đưa tàu khu trục USS Lassen đến gần đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo phi pháp từ năm 2014. Tuy nhiên, ông Julian Ku cho rằng động thái vừa qua của tàu Mỹ đã đạt được những thành công đáng kể, thể hiện ở hai điểm.
Thứ nhất, hành động lần này mang thông điệp rõ ràng và cứng rắn hơn. Washington trước đây tuyên bố điều tàu USS Lassen tới Trường Sa để duy trì lợi ích của Mỹ với tự do đi lại trên không, trên biển và hoạt động ở bất cứ nơi nào trên thế giới luật quốc tế cho phép.
Giới chuyên gia và các nhà lập pháp từng cảm thấy mơ hồ về mục đích chuyến tuần tra của tàu USS Lassen đến mức Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, Thượng nghị sĩ John McCain, còn yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter giải thích về hoạt động này. Thông điệp nhiễu loạn khiến tính hiệu quả cũng như mục tiêu của hành động không khỏi bị hoài nghi, giáo sư Julian Ku đánh giá.
Sau hơn ba tháng, chính quyền Mỹ nay chuẩn bị một thông điệp tương đối trực tiếp, đề cập đến cả cơ sở pháp lý cũng như mục tiêu của hoạt động. Lầu Năm Góc cho biết Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Hoạt động của tàu USS Curtis Wilbur nhằm thách thức những "đòi hỏi quá mức" của các bên tranh chấp làm giới hạn các quyền hàng hải và tự do hàng hải xung quanh những thực thể mà họ tuyên bố chủ quyền, bằng cách đòi nước khác phải xin phép hay thông báo trước khi đi qua.
Sớm làm rõ trọng tâm pháp lý của hành động, Mỹ đã tránh được các mối hoài nghi như đối với sứ mệnh ở Trường Sa. Việc truyền tải một thông điệp minh bạch ngay từ đầu thực sự là một thành công lớn đối với Mỹ, ông Julian Ku nhận định.
Bên cạnh đó, hoạt động tự do hàng hải (FONOP) của tàu USS Curtis Wilbur cũng phát huy tác dụng khi cô lập được Trung Quốc khỏi các bên có liên quan khác trong tranh chấp chủ quyền. Trung Quốc là nước duy nhất phản đối và lên án quyền đi qua vô hại của tàu Mỹ ở Hoàng Sa.
Việt Nam trong khi đó khẳng định các nước, bao gồm cả Mỹ, có quyền đi qua vô hại trên biển theo luật pháp quốc tế.
"Là quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế, đặc biệt là điều 17 của Công ước", ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, hôm 31/1 cho biết.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne trước đó cũng bày tỏ ủng hộ việc tàu Mỹ tuần tra ở Biển Đông, cho rằng đây là hành động nhằm bảo vệ luật pháp quốc tế.
Mục tiêu pháp lý được thừa nhận của FONOP là thực thi quyền đi qua vô hại của tàu chiến mà không cần yêu cầu sự cho phép từ trước. Mục đích chiến lược khác là nhằm khiến Trung Quốc bị xa rời khỏi các nước láng giềng trong khu vực. "Ít nhất thì đến nay, chuyến đi của tàu Wilbur đã thành công trong việc thúc đẩy cả hai mục tiêu này", Julian Ku bình luận.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Giới quân đội Trung Quốc đòi phản ứng mạnh với Mỹ Nhiều cựu sĩ quan Trung Quốc kêu gọi Bắc Kinh phản ứng mạnh với Mỹ sau khi tàu khu trục hạm USS Curtis Wilbur đi vào vùng biển 12 hải lý xung quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa ngày 30.1. Quân đội Trung Quốc trong một buổi duyệt binh - Ảnh: Reuters Trong đó, đại tá về hưu Nhạc Cương...