Nữ giáo viên rủ người yêu dạy học nơi đảo xa
Tình nguyện ra đảo Phú Quốc (Kiên Giang) dạy học 3 năm, song cô Dương Thị Mỹ Hằng đã gắn bó với mảnh đất này suốt 23 năm. Cô còn thuyết phục người yêu (sau này là chồng) cùng ra đảo dạy chữ cho nhóm học trò lam lũ.
Kể lại câu chuyện tình nguyện ra đảo dạy học cách đây hơn 20 năm, cô Dương Thị Mỹ Hằng khiến tất cả những người có mặt trong lễ tuyên dương giáo viên tiêu biểu đang công tác ở vùng khó khăn phải nghẹn ngào.
Tròn 20 tuổi, nghe tin Phòng giáo dục huyện đảo Phú Quốc vận động giáo viên ra đảo dạy học tại trường tiểu học Dương Đông 3, cô Hằng đăng ký đi ngay. Gia đình phản đối vì sợ con gái khổ, người yêu lại làm việc ở đất liền, nhưng cô thuyết phục bố mẹ cho đi với thời hạn 3 năm.
“Lúc lên đường, tôi được bố cho chiếc đài để nghe chương trình phát thanh. Bố sợ tôi ở quá xa sẽ không biết được tình hình trong đất liền, phương tiện liên lạc lại không có, mà viết thư cũng mất nửa tháng mới đến nơi”, cô Hằng kể.
Cô giáo Dương Thị Mỹ Hằng đã tình nguyện ra đảo Phú Quốc dạy học và gắn bó với hòn đảo này 23 năm. Ảnh: Hoàng Thùy.
Lần đầu tiên ra đảo, cô đi trên chiếc tàu khách. Khởi hành từ 19h, đến đêm thì gặp biển động nên phải dừng lại ở Hòn Nghệ. Bị say sóng, cô phải xuống xuồng lên Hòn Nghệ nghỉ ngơi và mấy ngày sau mới đi nhờ tàu đánh cá ra đảo.
Những năm ấy đất liền còn thiếu thốn, ngoài đảo Phú Quốc cuộc sống càng khó khăn. Trường học là cái đình cũ được dân cải tạo thành ba phòng học, sau này có địa điểm riêng nhưng cũng chỉ là nhà tranh vách nứa. Học sinh trên đảo gầy gò ốm yếu vì thiếu chất, lại theo bố mẹ di cư tự do, nay đây mai đó nên chuyển địa điểm học thường xuyên.
Có những lúc nhớ nhà, nhớ người yêu, cô Hằng cũng xao lòng. Thế nhưng nhìn thấy gương mặt xanh xao của học trò nở nụ cười tươi đón cô giáo, cô vững tâm hơn. Phụ huynh trên đảo sống tình cảm, mỗi lần đi biển về lại bỏ trước cửa nhà con cá, con tôm khiến cô vơi đi nỗi nhớ nhà. “Cũng may có phụ huynh giúp đỡ, chứ lương giáo viên thời đó không đủ ăn. Đợi ở nhà gửi ra thì mất quá nhiều thời gian”, cô Hằng cho hay.
Video đang HOT
Học sinh vùng biển sống theo bản năng sông nước, tự do tự tại nên việc rèn luyện thói quen sinh hoạt hàng ngày cho các em rất khó khăn. Cô phải dạy học trò từ việc vệ sinh thân thể, chăm sóc bản thân đến giữ gìn vệ sinh môi trường.
Vì mưu sinh trên biển, nhiều gia đình phải bỏ con ở nhà để ra khơi. Từ khi có cô Hằng về công tác, họ đem con đến nhà cô gửi trước lúc lên đường. Các em ăn, ngủ ở nhà cô, cười đùa và hỏi bài thoải mái như chị em trong nhà. Cô yêu học trò và cũng yêu cảnh đẹp hùng vĩ của Phú Quốc với một bên là biển trong xanh, một bên là núi non trùng điệp.
Hết hợp đồng 3 năm, không nỡ rời xa hòn đảo Phú Quốc, cô Hằng quyết định ở lại và thuyết phục người yêu, cũng là giáo viên đang dạy trong đất liền cùng ra đảo. Thông cảm với cô giáo trẻ đầy nhiệt huyết, gia đình bạn trai đồng ý cho cả hai cùng ra Phú Quốc dạy học sau khi hai người làm đám cưới.
Cô Hằng dạy lớp 1, chồng dạy lớp 3, hai vợ chồng luôn nghĩ phương pháp giảng bài mới để học sinh tiếp thu bài nhanh. Số học sinh trên đảo tăng dần theo năm tháng. Ngôi trường tiểu học chỉ ba phòng học tạm năm nào giờ đã có gần 750 học sinh. Tuy nhiên, trình độ các em còn thấp và chưa đều nên ngoài kiến thức bắt buộc, vợ chồng cô chú trọng dạy kỹ năng sống và hoạt động ngoại khóa. Cô Hằng còn mở cuộc thi như “Chúng em kể chuyện về Bác Hồ”, nêu gương người tốt việc tốt để học sinh hào hứng học tập.
Suốt 23 năm gắn bó với Phú Quốc, cô Hằng cho biết ngày 20/11 với cô có nhiều kỷ niệm. Đám học trò miền biển nghèo khó thường tặng cô bánh xà phòng thơm, cuốn sổ ghi chép hay tự tay làm thiệp rồi đề tặng cô. Có học trò đã đỗ đại học, ra trường, đi làm mỗi khi có dịp về quê đều đến thăm và chúc sức khỏe.
“Hai vợ chồng tôi không chỉ yêu Phú Quốc vì nơi đây có những học trò nghèo chăm chỉ, mà còn là nơi chúng tôi vun đắp hạnh phúc gia đình riêng với hai đứa con ngoan ngoãn. Trên hòn đảo này, chúng tôi đã làm tốt vai trò của người thầy, người cô và Phú Quốc đã trở thành quê hương thứ hai của chúng tôi”, cô Hằng tâm sự.
Theo VNE
Gặp mặt biểu dương 128 nữ nhà giáo ưu tú vùng khó cả nước
Sáng nay, Bộ GD-ĐT đã tổ chức gặp mặt biểu dương, khen thưởng 128 nữ giáo viên ưu tú vùng khó cả nước. Đây là những cô giáo có thành tích xuất sắc, đang công tác tại biên giới, hải đảo, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế -xã hội đặc biệt khó khăn.
Tham dự lễ biểu dương này có sự góp mặt của Phó Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo Giáo dục Công đoàn Việt Nam, Hội phụ nữ Việt Nam... cùng với lãnh đạo Bộ GD-ĐT.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận chia sẻ, giáo dục đào tạo nói luôn được Đảng, Nhà nước, nhân dân và các bộ ngành quan tâm và ưu tiên đầu tiên. Cơ sở vật chất, trường học, nhà bán trú, điều kiện làm việc... trong những năm qua đã có những bước cải thiện đáng kể. Nhưng vì xuất phát điểm thấp, điều kiện tự nhiên và xã hội rất khó khăn nên điều kiện sống, làm việc của các thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn con rất vất vả và thiếu thốn. Các thầy cô giáo hoạt động ở những vùng này phải vượt biết qua bao nhiêu gian khổ để bám dân, bám bản, kiên trì vận động để đưa HS đến trường, nhường cơm sẻ áo cho các em. Các thầy cô không chỉ dạy học mà thực sự còn là những chiến sĩ của Đảng, làm công tác tuyên truyền vận động quần chúng, tham gia phổ biến chủ trường chính sách của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước...
Những gương mặt nữ nhà giáo tiêu biểu công tác tại vùng khó về Hà Nội gặp mặt nhân dịp 20/11.
"Hôm nay chúng tôi rất vui mừng, tự hào và vinh dự đón chào 128 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở vùng sâu, vùng biên giới hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, những đại biểu ưu tú nhất cả nước về Hà Nội để dự hội nghị này. Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Bộ GD-ĐT và thay mặt toàn bộ cán bộ, giáo viên, HS cả nước tôi xin trân trọng gửi tới các cô lòng kính trọng, quý mến, sự tin tưởng đối với các cô giáo. Những đóng góp to lớn và sự hi sinh thầm lặng của các cô sẽ giúp cho các cháu HS, đối với sự nghiệp giáo dục của chúng ta" - người đứng đầu ngành giáo dục nhấn mạnh.
Cũng tại buổi lễ gặp này, những tâm gương sáng về công tác trồng người ở vùng khó đại diện cho 3 vùng của cả nước đã chia sẻ những câu chuyện, sự cố gắng nỗ lực vươn lên trong công tác giáo dục. Cảm động hơn cả đó lòng nhiệt huyệt của những đội ngũ thầy cô bám trường, bám lớp vùng khó.
Chẳng hạn như cô Dương Thị Mỹ Hằng, đang giảng dạy ở thành phố nhưng khi nhận được sự vận động của Phòng GD-ĐT huyện Phú Quốc (Kiên Giang), cô đã tình nguyện tham gia ra giảng dạy ở huyện đảo. Trước khi đi, Phòng GD có cam kết sau 3 năm công tác sẽ tạo điều kiện cho cô vào trong đất liền giảng dạy tuy nhiên với tình yêu và sự cảm thông với giáo dục vùng khó cô đã tình nguyện ở lại và tới ngày hôm nay đã là 23 năm.
Các nữ nhà giáo đại điện lên giao lưu chia sẻ những tâm tự và nguyện vọng mình.
"Thật sự, ngày đó gia đình cũng như người yêu cũng bày tỏ sự lo âu khi tôi quyết định lên đường ra đảo. Lời hứa 3 năm sẽ quay trở lại đất liền không trở thành hiện thực nhưng niềm hạnh phúc thì lại vô bờ bên khi tôi tiếp tục được công hiến cho học trò vùng đất đảo và người yêu cũng đã cảm thông ra ngoài đảo công tác cùng. Cho đến nay, chúng tôi đã có hai cháu" - cô Dương Thị Mỹ Hằng chia sẻ thêm với Dân trí.
Hay câu chuyện của cô Trần La Giang - giáo viên Trường THPT chuyên Sơn La (Tỉnh Sơn La) nói về công tác đào tạo HS trường chuyên và vinh dự hơn cả khi chính người con của cô là em Ngô Phi Long, HS của trường là người mang tấm huy chương vàng Olympic Vật Lý đầu tiên về cho tỉnh vùng khó này.
Trong 128 gương mặt nữ nhà giáo ưu tú về Hà Nội tham sự buổi gặp mặt, có không ít những tâm gương rời bỏ những vùng thuận lợi để đến với vùng khó. Thậm chí có những người tình nguyện vào đặt những nền móng đầu tiên để vận động HS đến trường đến lớp. Điều đặc biệt ở buổi lễ này là tất cả nữ giáo viên ở đây đều là những người có ít nhất thâm niên 20 năm gắn với những vùng khó.
Cảm động trước những câu chuyện của các nữ giáo viên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trong bài phát biểu của mình đã bộc bạch: "Nghề giáo là một nghề rất thầm lặng, đây là đóng góp cần phải có sự hy sinh và chia sẻ. Những cô giáo ở những vùng khó khăn thì càng là những người thầm lặng, chia sẻ nhiều hơn nữa. Một nay chúng ta ở đây gặp nhau và một số cô giáo đã bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình. Tôi chắc các cô ở đây mới chỉ nói 1/10 sự thật thôi, nói cái được thì nhiều còn hi sinh chịu đựng thì nói rất ít. Tuy nhiên chúng tôi, những người ngồi ở đây hay những người đã từng làm nghề giáo, làm mẹ luôn luôn thấm thía công ơn của các cô".
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ tại buổi gặp mặt.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng phân tích, hiện nay đội ngũ nhà giáo là 1,2 triệu người, trong đó nữ là 800.000 người. Như vậy cứ 3 thầy cô giáo cả nước thì có 2 cô, từ mần non cho đến ĐH. Có thể nói không có cô giáo thì không có giáo dục Việt Nam.
"Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi một lần nữa khẳng định quyết tâm và trách nhiệm của Chính phủ hỗ trợ cho ngành giáo dục vì tương lai của đất nước, tạo nên lợi thế về con người. Hiện nay dân số của chúng ta là 87 triệu người, đến 2020 khoảng 99 triệu người, trong đó lực lượng trẻ có đào tạo là lợi thế chính của Việt Nam trong việc cạnh tranh toàn cầu và các cô chính là những người tạo nên nền tảng đó cho các em. Chúng tôi cũng rất mong, nhân dịp 20/11 năm nay thì cấp ủy chính quyền các cấp tiếp tục rà soát lại sự quan tâm, biện pháp đầu tư của địa phương mình cho giáo dục nhất là các tỉnh miền núi và hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn" - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Để động viên tinh thần của thầy cô, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ví von: "Nếu khó khăn quá có lúc nào các cô nản không ạ? Những lúc đó hãy nghĩ lại thời chống Pháp, chống Mỹ. Lúc đó chỉ có con đường chiến đấu mà giành độc lập dân tộc thôi. Bây giờ hòa bình rồi thì chỉ có giáo dục mới tạo nền tảng cho đất nước đi lên. Chính vì thế, mỗi thầy cô giáo cũng là một người chiến sĩ trong thời kì xây dựng, phát triển đấy nước. Còn khó khăn hơn nữa thì hãy nghĩ đến Bác Hồ. Bác đi nước ngoài bằng "ba không" (không hộ chiếu, không có tiền lương và không có nơi ở). Một mình "3 không" nhưng Bác đi 30 năm để tìm đường cứu nước. Do đó, nếu thầy cô ở đây khó găn 10 năm thậm chí là 20 năm nay thì xin hãy ráng chịu và mong rằng 10 năm tới đỡ cực hơn. Các cô phấn đấu nhưng Chính phủ sẽ để các cô 10 năm tới không phải khổ cực như thế này".
"Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, những bậc làm cha, làm mẹ tôi xin gửi tới 128 cô giáo thay mặt cho 100.000 cô giáo đang dạy ở vùng biên giới, hải đảo, vùng khó khăn sự ghi nhận sâu sắc, lời cảm ơn chân thành và chúc các cô, các đồng nghiệp của mình cùng với các thầy tiếp tục gắn bó với nghề, góp phần tạo tự hào mình là nhà giáo của Đất nước, dân tộc Việt Nam anh hùng" - Phó Thủ tướng nhắn nhủ.
Cũng nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng đã ký quyết định tặng bằng khen cho 128 nữ nhà giáo ưu tú.
S.H
Theo dân trí
Bộ GD-ĐT không tổ chức tiếp khách, nhận hoa nhân dịp 20/11 Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay (20/11/2012), Bộ GD-ĐT chủ trương không tổ chức tiếp khách, không nhận hoa chúc mừng tại trụ sở Cơ quan Bộ và Cơ quan đại diện của Bộ tại TPHCM. Đó là thông tin chính thức trong công văn của Bộ GD-ĐT gửi tới các đơn vị và các ban ngành liên quan. Sở dĩ năm...