Nữ du học sinh Việt ở Cebu và nỗi lo mùa dịch Covid-19
“Gia đình chúng tôi ở Việt Nam. Việc học, việc làm có thể dừng hoặc hủy nhưng nếu không may mắc bệnh ở nước ngoài thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra”.
Nhân viên vệ sinh phun thuốc diệt khuẩn tại ký túc xá một trường Anh ngữ tại Cebu
Ngày 22/3, theo công bố của chính phủ Philippines, nước này đã có 307 người nhiễm COVID-19, trong đó có 19 người chết.
“Khi đọc những thông tin này trên cnnphilippines.com, nỗi lo lắng càng lớn khi tôi và khoảng 200 người Việt Nam đang mắc kẹt tại đảo Cebu (Philippines) chưa thể về nước”, chị K.X – một du học sinh Việt ở Philippines, cho biết.
Dưới đây là những chia sẻ của chị K.X về tâm tư của các du học sinh Việt ở Cebu trong mùa dịch Covid-19.
Diễn biến dịch bệnh thay đổi từng giờ
Ngày 1/3, tôi từ Hà Nội lên đường sang Cebu tham gia khóa học nâng cao tiếng Anh trong 6 tháng tại đảo quốc này. Mong muốn đi học của tôi đã có từ 10 năm trước nhưng do điều kiện công việc, hoàn cảnh gia đình chưa cho phép. Cho đến năm 2019, tôi mới tái triển khai kế hoạch sang Philippines và nhận được sự ủng hộ của gia đình, cơ quan.
Một phụ nữ U40 như tôi có thể tạm gác lại việc chăm sóc con cái, công việc bận rộn và đang rất tốt tại Việt Nam để đi học 6 tháng, là chuyện không dễ dàng. Suốt nửa năm trời tôi đã phải chuẩn bị mọi thủ tục cần thiết, bố trí việc nhà, bàn giao việc chăm sóc các con cho chồng, những người thân trong gia đình để có thể lên đường.
Ngày 1/3 khi tôi bay sang Cebu, số ca mắc Covid-19 ở Việt Nam chỉ dừng lại ở 16 và gần 3 tuần Việt Nam không có ca nhiễm mới. Số ca mắc ở Philippines lúc đó là 3 và không tăng trong nhiều tuần. Tôi đi trong tâm trạng rất lo lắng nhưng vẫn hy vọng dịch bệnh sẽ sớm dập tắt. Khi tôi quá cảnh ở sân bay Ninoy Aquino (Manila), sân bay đông nghẹt nhưng dường như chỉ có tôi đeo khẩu trang, còn lại tất cả hành khách đều lạc quan, không ai phòng bị.
Những tưởng mọi thứ sẽ tốt hơn thì ngày 15/3, trường học của tôi ra thông báo cho học viên nghỉ học 1 ngày để phòng Covid-19 theo lệnh của thị trưởng thành phố Mandaue. Sau đó trường sẽ đi học lại bình thường chứ không có chuyện nghỉ.
Thế nhưng đến sáng 17/3, khi chuẩn bị vào lớp, chúng tôi nhận được thông báo nghỉ học ít nhất 1 tháng và có thể vô thời hạn theo lệnh của chính phủ Philippines vì Covid-19. Nhà trường yêu cầu các học viên đặt ngay vé máy bay về nước bởi những ngày tới không biết chuyện gì sẽ xảy ra, dù ở đảo Cebu lúc đó chưa có bất cứ ca nhiễm Covid-19 nào.
Các trường Anh ngữ không khuyến khích học viên ở lại vì lệnh dừng học có thể kéo dài cho đến khi dịch bệnh kết thúc. Nếu dịch bệnh kéo dài, với một số trường tư nhân có tiềm lực yếu, khả năng phải đóng cửa trường vĩnh viễn cũng có thể xảy ra.
Các quầy hàng giấy vệ sinh, nước sát khuẩn hết sạch tại một siêu thị trên đảo Cebu
Charter flight- niềm hy vọng duy nhất để rời Cebu
Cebu là một hòn đảo tách biệt với đảo Luzon- nơi có thủ đô Manila. Từ Cebu nếu muốn di chuyển đến các quốc gia khác trên thế giới, phần lớn hành khách phải quá cảnh ở Manila. Vậy nhưng khi dịch bùng phát mạnh ở Manila, từ ngày 15/3, tổng thống Philippines đã cho đóng cửa toàn bộ cảng hàng không nội địa đến- đi từ Manila.
Ngay sau khi trường của tôi có thông báo nghỉ học, các học viên quốc tế đến từ nhiều nước như: Việt Nam, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… vội vàng đặt vé về nước. Manila đã đóng cửa các chuyến bay nội địa, trong đó có từ Cebu. Vì vậy muốn về nước, học viên phải đặt các chuyến bay quốc tế từ sân bay Mactan Cebu đến Bangkok, Kuala Lumpur, Singapore, Seoul, Tokyo….
Các học viên Việt Nam rất vất vả để đặt được các chuyến bay từ Cebu sau đó quá cảnh ở Bangkok, Singapore, Malaysia… để về nước. Thế nhưng sau khi đặt vé, tất cả các hãng sau đó đều báo hủy chuyến vì máy bay không thể quá cảnh được ở nước thứ 2 do dịch Covidi-19.
Phần lớn người Việt ở Cebu là sinh viên, người lao động. Vì vậy nhu cầu về nước khi có dịch bệnh là đương nhiên. Gia đình chúng tôi ở Việt Nam, việc học, việc làm có thể dừng hoặc hủy nhưng nếu không may mắc bệnh ở nước ngoài thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Bảo hiểm du lịch, du học mà chúng tôi mua trước khi đến Cebu không chi trả cho những vấn đề liên quan đến dịch bệnh, thiên tai bất khả kháng xuất hiện. Nếu bị bệnh, chi phí y tế tại nước ngoài có thể khiến gia đình chúng tôi rơi vào cảnh khốn khó. Vì vậy dù biết Chính phủ kêu gọi công dân Việt Nam nếu có thể hãy ở đâu ở yên đó, chấp hành quy định phòng tránh dịch của quốc gia sở tại nhưng ai cũng muốn nhanh chóng về nước.
Trong lúc nỗi sợ hãi và thất vọng lên đỉnh điểm, hy vọng mới xuất hiện với chúng tôi khi một đơn vị trung gian đề xuất thuê máy bay từ Việt Nam (charter flight) sang đón sinh viên, người Việt tại Cebu về nước. Họ thăm dò ý kiến và ngay lập tức đã có gần 200 người tha thiết xin về. Đơn xin về Việt Nam cũng được nhiều người gửi đến hòm thư Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines.
Chúng tôi hăm hở đóng tiền cho công ty trung gian để họ thuê máy bay sang đây đón. Thế nhưng ngày qua ngày, charter flight giải cứu người Việt tại Cebu vẫn chưa thể cất cánh vì rất nhiều vấn đề…
Cho đến sáng 22/3, trường tôi chỉ còn 2 sinh viên người Hàn Quốc và một vài người quản lý còn ở lại để lo thủ tục cho những người cuối cùng rời trường. Hầu hết các sinh viên nước ngoài đã bay về nước bằng nhiều con đường khác nhau. Riêng sinh viên Việt Nam không ai có thể bay về. Không thể về cũng không thể học, chúng tôi cũng không thể ra khỏi trường trong 1 tuần qua theo lệnh của nhà trường và chính sách hạn chế đi lại của chính phủ Philippines.
Charter flight là cách duy nhất để chúng tôi có thể rời Cebu, chúng tôi vẫn đang tiếp tục chờ đợi, hy vọng chuyến bay sẽ sớm được triển khai để có thể về nhà. Dù phải cách ly 2-3 tuần, dù phải đóng tiền để được cách ly, chúng tôi cũng rất vui lòng, miễn sao có thể về Việt Nam.
KHƯƠNG XUÂN TỪ CEBU
Vào khu xét nghiệm xem chuyên gia xuyên ngày đêm tìm virus Covid-19
Những ngày qua, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng tiếp nhận hàng trăm mẫu phẩm xét nghiệm Covid-19 mỗi ngày.
Do lượng mẫu phẩm về, các thạc sĩ, bác sĩ và nhân viên kỹ thuật của phòng xét nghiêm của trung tâm phải làm việc xuyên ngày xuyên đêm, để sớm cho kết quả, giúp công tác chữa trị, khoanh vùng dập dịch được nhanh chóng.
Video: Các chuyên gia làm việc xuyên ngày đêm trong phòng xét nghiệm Covid-19. Thực hiện - Nguyễn Thành
Từ đầu mùa dịch Covid-19 đến nay, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Đà Nẵng tiếp nhận hơn 1.000 mẫu phẫm xét nghiệm Covid-19. Trong đó, có mẫu phẩm (bệnh nhận số 22,23, 35 và 68) được Trung tâm xét nghiệm dương tính với SARS-Cov-2 và được Viện Paster Nha Trang xét nghiệm lại và công bố.Từ ngày 21/3, ngoài tuyến Trung ương, phòng xét nghiệm CDC Đà Nẵng và 21 phòng xét nghiệm khác trên cả nước được phép công bố, khẳng định mắc Covid-19. Ảnh: Nguyễn Thành
Những ngày qua, do số lượng du học sinh và công dân về nước được cách ly tại các doanh trại quân đội, khu lưu trú, cơ sở y tế nhiều nên đội ngũ bác sĩ, nhân viên của Trung tâm phải liên tục đi lấy mẫu phẩm. Trung bình mỗi ngày có khoảng hơn 100 mẫu phẩm được lấy, đưa về Trung tâm để xét nghiệm.
Bộ Y tế yêu cầu các phòng xét nghiệm phải tuân thủ quy trình, phương pháp xét nghiệm theo hướng dẫn của nhà sản xuất sinh phẩm chẩn đoán, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)/Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ; đảm bảo chất lượng xét nghiệm và an toàn sinh học. Ảnh: Nguyễn Thành
Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm CDC TP Đà Nẵng cho biết: Do số lượng du học sinh, công dân từ châu Âu về nước nhiều nên đội ngũ bác sĩ, nhân viên kỹ thuật khoa xét nghiệm của Trung tâm phải làm việc suốt ngày và xuyên đêm. Có nhiều hôm, đến tận 1-2h sáng mới xong việc. Ảnh: Nguyễn Thành
Các công đoạn từ lấy mẫu phẩm đến các bước xét nghiệm được thực hiện theo quy định nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn cho người trực tiếp xét nghiệm các mẫu phẩm. Ảnh: Nguyễn Thành
Phòng xét nghiệm được cách ly qua nhiều lớp cửa kính. Bộ Y tế yêu cầu các phòng xét nghiệm phải tuân thủ quy trình, phương pháp xét nghiệm theo hướng dẫn của nhà sản xuất sinh phẩm chẩn đoán, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)/Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ; đảm bảo chất lượng xét nghiệm và an toàn sinh học. Ảnh: Nguyễn Thành
Các kỹ thuật viên thao tác trên thiết bị tự động. Theo quyết định của Bộ Y tế, các kỹ thuật xét nghiệm mà 22 phòng xét nghiệm có thể thực hiện gồm: xét nghiệm sinh học phân tử (Realtime RT-PCR) để phát hiện ARN của virus corona trong bệnh phẩm đường hô hấp; xét nghiệm nhanh đối với bệnh phẩm đường hô hấp, máu; xét nghiệm miễn dịch học (ELISA...) đối với bệnh phẩm đường hô hấp, máu. Ảnh: Nguyễn Thành
Nhân viên kỹ thuật phòng xét nghiệm của CDC TP Đà Nẵng thực hiện việc công đoạn trong phòng xét nghiệm với đồ bảo hộ phòng chống lây nhiễm. Ảnh: Nguyễn Thành
Mỗi mẫu phẩm phải mất từ 3-4 giờ đồng hồ qua nhiều công đoạn mới cho kết quả xét nghiệm. Nếu số lượng mẫu phẩm nhiều, việc xử lý sẽ mất nhiều thời gian hơn. Ảnh: Nguyễn Thành
Một bác sĩ của CDC TP Đà Nẵng âm thầm làm việc xuyên đêm khi mọi người đã đi về nhà. Áp lực công việc khiến mọi người tại khoa xét nghiệm phải tập trung cao độ quên ngày đêm. Họ âm thầm phía sau phòng kính để sớm cho ra những kết quả đáng tin cậy nhất báo về các bệnh viện, trung tâm y tế, khu cách ly tập thể. Ảnh: Nguyễn Thành
NGUYỄN THÀNH
Hàng chục du học sinh kẹt tại sân bay Dallas và Narita sắp về nước Bộ Ngoại giao ngày 23-3 cho biết gần 30 du học sinh kẹt lại hai sân bay Dallas (Mỹ) và Narita (Nhật) đã đổi được vé máy bay về Việt Nam. 12 người khác đang đợi ở Dallas sẽ về vào ngày mai. Máy bay hãng American Airlines tại sân bay Dallas (Mỹ) - Ảnh: REUTERS Trước đó, có thông tin cho hay...