Nữ doanh nhân Tuệ Nghi khiến chị em tấm tắc với bài viết: “Bao giờ lấy chồng?”
Khi nào nên kết hôn là câu hỏi vô cùng nan giải đối với nhiều bạn trẻ. Vừa qua, trên trang cá nhân của mình, nữ doanh nhân sinh năm 93 tiếp tục gây sốt với bài viết “Bao giờ lấy chồng?”.
Bài viết lập tức gây sốt, nhận được nhiều sự hưởng ứng và tâm đắc của cư dân mạng. Tuệ Nghi sinh năm 1993, hiện là chủ tịch Pacific Empire Investment, ngoài ra cô còn sở hữu 2 công ty khác và là một tác giả trẻ với nhiều best seller được đông đảo độc giả yêu mến. Nguyên văn bài viết đang gây sốt của doanh nhân Tuệ Nghi:
“Có một vài lần, tôi nhận được mấy lá thư, đều là những chuyện phân vân đứng giữa đôi dòng nước của những cô gái yêu một người cùng trang lứa với mình. Ở cái tuổi 25 trở lên, phụ nữ có thanh xuân, đàn ông thì vẫn còn đang chênh vênh với những ước mơ. Đàn ông chưa dám cưới vì trong tay vẫn chưa có gì, sợ vợ con khổ.
Phụ nữ tuổi đó thì cần được ổn định. Thế rồi một đứa giục, một đứa né, thuyền tình chìm nghỉm. Đứa con gái đứng giữa sự lựa chọn tiếp tục chờ đợi hay là rẽ lối sang ngang cùng một bàn tay khác? Trong cty tôi trước đây cũng có một bạn như thế, bạn ấy hỏi tôi rằng: “Nếu chờ đợi thì có phải giống như đánh bạc không? Chắc gì vài năm nữa khi thành công, anh ấy sẽ chung thuỷ? Lúc đó tuổi xuân của em cũng lỡ làng.” Tôi ngẫm nghĩ một tí rồi hỏi lại: “Thế chắc gì cuộc hôn nhân rẽ ngang được cho là để ổn định kia thì không phải là một canh bạc? Mà cũng chắc gì vài năm sau chồng em không bỏ em đi theo người khác?”
Cuộc đời này, chẳng có canh bạc nào cả, chỉ có những sự lựa chọn. Đánh bạc là thắng thua, nếu bạn đặt thắng thua vào sự chọn lựa của mình, cả đời sẽ phải chạy theo lo được lo mất. Không có đúng hay sai, cũng không có được hay mất, chỉ là bản thân mình cảm thấy thế nào? Đến bao giờ mới thôi được cái suy nghĩ kết hôn chính là sự ổn định? Thật ra, không có tiền mới là bất ổn định, chưa có sự nghiệp mới là bất ổn định. Kết hôn sớm hay muộn không quan trọng bằng kết hôn với ai cũng như sẽ sống như thế nào trong cuộc hôn nhân đó.
Video đang HOT
Tôi có những nhân viên bước sang băm rồi vẫn chưa lấy chồng. Mỗi ngày tôi đều nhắc phải thoa son, mặc quần áo đẹp, cuối tuần ra ngoài đi chơi, thỉnh thoảng phải đi du lịch cho biết đây biết đó. Là phụ nữ, tuổi thảnh thơi nhất chính là khi chưa lập gia đình, đây là thời gian rảnh tay rảnh chân để tự yêu bản thân mình, chăm lo báo hiếu với bố mẹ, đi đến những miền đất mới để khám phá những điều chưa bao giờ được nhìn thấy. Nhìn những cô gái 25, 26 tuổi đã hốt hoảng viết thư hỏi tôi cách “chốt cưới”, tôi lại ngỡ ngàng. Học xong đại học chỉ mới 22 tuổi, ngoài những trường hợp cá biệt, ra trường đi làm vài năm cũng chưa thể nhanh chóng có nhiều thành tựu và tài chính dồi dào được, đã lo lắng báo hiếu cho bố mẹ được mấy ngày mà vội vội vàng vàng muốn gả đi?
Tự lo được cho bản thân tiền ăn uống, cái quần cái áo, tích cóp một tí đã là may mắn. Còn lại thì vẫn là ăn hôm nay không biết mai thế nào, tiền phòng thân không có, kết hôn với tình trạng như thế thì gọi là ổn định à? Có chăng thì vặt được của bố mẹ tí của hồi môn mang về nhà chồng, những tháng ngày còn lại chính là “trong nhờ đục chịu”. Đó chẳng qua chỉ là bước từ sự chông chênh này qua một cái chông chênh khác mà thôi.
Ở những xã hội phát triển, người ta không đặt nặng độ tuổi kết hôn cũng như lấy thước đo hôn nhân để làm sự ổn định của cuộc đời. Tôi không thấy ở họ có tồn tại khái niệm “Phận gái 12 bến nước, trong nhờ đục chịu”. Bởi vì họ không cần phải chạy đua “chốt cưới” cho kịp với tốc độ rụng trứng, cũng không có tư tưởng giao phó thanh xuân của mình cho người khác rồi bắt người ta phải chịu trách nhiệm. Họ cưới khi cảm thấy đã tìm được người phù hợp, muốn cùng nhau sống chung cả đời, việc có nhau khiến cả hai hoàn thiện hơn mỗi ngày.
Họ cưới khi chính bản thân họ cảm thấy đã sẵn sàng để chịu trách nhiệm với cuộc sống hôn nhân. Tất nhiên bởi vì họ may mắn sống trong một môi trường văn minh, người xung quanh tôn trọng sự riêng tư cá nhân để không đặt những câu hỏi ngớ ngẩn: “Bao giờ lấy vợ/chồng?” Chúng ta không thể thay đổi được những người xung quanh thì ít nhất cũng đừng để điều đó tác động tiêu cực vào cách mà chúng ta chọn để sống, bởi vì số phận của mình phải do mình quyết định.
Đừng coi cuộc đời là một canh bạc. Đừng phó thác bản thân cho sự đục trong của số phận. Chúng ta có sự lựa chọn và chỉ kết hôn khi thật sự vững vàng về kinh tế, tư tưởng cũng như đã thật tâm mong muốn nắm tay một người bước sang trang mới của cuộc đời, đó mới chính là sự ổn định một cách bền vững.
Theo Trí thức trẻ
Cô dâu cực bá đạo trong ngày cưới: Muốn rước được em về thì giải toán đi anh!
Theo truyền thống Trung Quốc, chú rể muốn rước cô dâu về nhà phải vượt qua "rừng" thử thách của gia đình nhà gái và những thử thách này chưa bao giờ là dễ dàng.
Có gia đình sẽ chặn cửa không cho chú rể vào nhà đón dâu cho đến khi nào bên nhà trai chịu đưa bao lì xì mới thôi, nhưng cũng có những thử thách oái oăm khiến cả họ nhà trai mướt mồ hôi như đám cưới ở tỉnh An Huy được tổ chức vào đầu tháng 10 này.
Lễ cưới của anh Đoàn Năng Đông và chị Lưu Dĩnh được tổ chức vào ngày 5/10 tại Thư Thành, Lục An, tỉnh An Huy. Cô dâu chú rể bén duyên khi cả hai đang theo học ở Học viện vật liệu kỹ thuật Ninh Ba. Anh Đông hơn vợ 1 tuổi, cả hai đều là những sinh viên xuất sắc của trường và họ quyết định "về chung một nhà" khi vừa mới tốt nghiệp.
Yêu nhau để đến được hôn nhân đã khó, nhưng có vẻ với anh Đông, rước dâu về nhà dường như còn khó hơn. Theo tập tục địa phương của chị Lưu Dĩnh, chú rể muốn rước dâu cần phải tìm thấy đôi giày của cô dâu.
Chị Dĩnh giấu giày trong két sắt, cài mật khẩu gồm 4 chữ số và mật khẩu này chính là đáp án của một bài toán. Nhưng không ngờ, đề toán ấy quá khó, không chỉ chú rể mà cả người thân, bạn bè cũng mướt mồ hôi mà không giải được. "Anh có thể đổi bằng phong bì đỏ không?", chú rể hỏi một cách vừa hài hước vừa bất lực.
Tuy nhiên, cô dâu không đồng ý. "Nhất định phải làm khó chú rể một chút, như vậy sau này anh ấy mới biết quý trọng mà đối xử tốt với em", Lưu Dĩnh nói. Để tăng độ khó, cô đã không đặt mật khẩu là ngày sinh của mình mà đặt bằng đáp án bài toán với hy vọng chú rể sẽ giải được mật khẩu bằng chính nỗ lực của mình.
Chú rể Năng Đông thực sự là một sinh viên xuất sắc trong số bạn bè có mặt khi ấy. Khi cô dâu ra đề, tất cả mọi người đều chờ anh trổ tài. Những sinh viên giỏi tại nhà gái khi ấy cũng góp sức mà không thể tìm được câu trả lời. Nhiều người đã lo chú rể thất bại, biến phong tục này trở thành kỷ niệm không vui cho nhà trai.
Thật may, cuối cùng chú rể đã giải đúng được một phần của bài toán, phần còn lại đổi bằng phong bì đỏ. Khi được rước dâu, anh Đông thở phào hạnh phúc: "Thật là một kỷ niệm khó quên. Đó chính là lời nhắc nhở cho việc tôi sẽ trân trọng, yêu thương vợ trong những ngày tháng phía trước". Anh Đông cũng chia sẻ do đã lâu anh không động đến toán học nên thực sự gặp khó khăn khi giải đề.
Sau khi hoàn thành các thủ tục, chú rể Năng Đông đã thuận lợi rước được cô dâu Lưu Dĩnh về nhà. Tất cả mọi người đều thở phào vì đám cưới không bị đề toán hóc búa của cô dâu làm chậm trễ. Cả cô dâu và chú rể đều chia sẻ, việc đó đã khiến đám cưới của họ trở nên náo nhiệt và đáng nhớ hơn.
Theo yan.thethaovanhoa.vn
Học theo trào lưu 'ngã sang chảnh', hình ảnh của bà chị bán rau củ thu hút nghìn 'like' Chỉ trong vài ngày trở lại đây, trào lưu #FallingStarschallenge hay còn được gọi là ngã sang chảnh, ngã sấp mặt được giới trẻ Việt rần rần hưởng ứng. Trào lưu bắt nguồn từ hội con nhà giàu Nga với ngụ ý khoe xe sang, đồ hiệu đắt tiền, điện thoại xịn... Trào lưu 'ngã sang chảnh' xuất phát từ hội con nhà...