Nữ điều dưỡng tuyến đầu chống dịch và những lần lòng quặn thắt vì xa con
“Mẹ ơi con không thích đồ chơi gì nữa, con chỉ cần mẹ về ôm con 1 cái thôi”, câu nói ngây thơ của con khiến lòng chị quặn thắt, nước mắt cứ chực trào ra.
Nữ điều dưỡng tuyến đầu chống dịch và những lần lòng quặn thắt vì xa con
Gia đình có 5 người thì ở 3 nơi
Cả ngày dài căng sức chống dịch trên tuyến đầu nhưng khi đêm về, tạm rời xa chiếc áo blouse, nữ điều dưỡng Phạm Bích Thuận – Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương lại trở về với cuộc sống riêng tư của người vợ, người mẹ như bao người phụ nữ khác.
Để phục vụ cho công tác chống dịch điều dưỡng Thuận đã ở lại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương vừa cách ly vừa làm nhiệm vụ. Cũng chính vì vậy, mà gia đình chị có 5 người thì nay lại phải ở 3 nơi. “Tôi đã có 3 nhóc. Cháu lớn năm nay 10 tuổi, cháu nhỡ 7 tuổi và cháu út thì chỉ vừa 5 tuổi. Tôi trực chiến tại Bệnh viện nên các con được gửi về cho ông bà nội chăm; còn ông xã thì vẫn ở lại nhà để làm việc” – Nữ điều dưỡng mở đầu câu chuyện.
Nữ điều dưỡng Phạm Bích Thuận – Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương
Suốt 1 tháng qua, sợi dây liên kết duy nhất của gia đình chị chỉ là những cuộc gọi điện thoại. Hai vợ chồng đều là người lớn, đều thông cảm cho nhau nên hầu hết thời gian rảnh chị dành để trò chuyện với các con. Như thường lệ, cứ đến 8 giờ tối, khi các con đều đã học bài xong, điều dưỡng Thuận lại bấm máy gọi về cho ông bà, để mẹ con trò chuyện với nhau.
Chị kể: “Vì đặc thù công việc, ban ngày tôi không thể gọi điện hay nghe máy, nên đành phải chờ đến tối. Cuộc gọi cũng chỉ kéo dài 15-20 phút vì lúc đấy đã khuya, nên tôi cũng chỉ kịp hỏi han vài ba câu, nhắc các cháu học bài và làm bài; dặn dò chị trông em thật ngoan và nhắc cả 3 đứa phải nghe lời ông bà”.
Suốt 1 tháng qua, sợi dây liên kết duy nhất của gia đình chị chỉ là những cuộc gọi..
Nhớ về khoảng thời gian vừa mới ở lại Bệnh viện, không đêm nào là chị không trằn trọc vì lo lắng cho gia đình. Chị lo cho chồng ở một mình sẽ vất vả, tất bật vì thiếu mất bàn tay quán xuyến của người nội trợ; chị lại càng lo hơn cho các con vì còn bé mà đã phải xa cả bố lẫn mẹ một thời gian dài, trong khi ông bà thì đã yếu.
Nhưng rồi cả nhà cũng cùng động viên nhau vượt qua giai đoạn khó khăn, dần dần thích nghi với nhịp sống mới. “Ngoài gia đình, thì ngay tại Bệnh viện, các y, bác sĩ chúng tôi cũng cùng động viên tương trợ lẫn nhau. Chính bản thân tôi cũng tự động viên mình phải cố gắng vì nhiều đồng nghiệp thậm chí còn vất vả hơn, nên giờ cũng đã thành quen với cuộc sống xa nhà” – Điều dưỡng Thuận nói.
Những lần lòng người mẹ quặn thắt vì con
Gọi là quen nhưng là phụ nữ phải xa chồng, xa con thì khó mà tránh khỏi những phút yếu lòng. Tâm sự với chúng tôi, chị kể rằng đã không ít lần lòng chị quặn thắt vì những câu nói của con: “Cháu lớn nhà tôi đã học lớp 5 nên cũng hiểu về dịch bệnh. Nghe TV, mọi người bàn tán nhiều có hôm gọi cho mẹ bất ngờ nói: “Mẹ ơi con không muốn mẹ bị bệnh chết”. Bé thứ hai lại bảo mẹ rằng: “Con không thích đồ chơi gì nữa, con chỉ cần mẹ về ôm con 1 cái thôi”. Bạn bé nhất là con trai, nghị lực hơn thường động viện mẹ, bảo mẹ cố lên hết dịch lại về với con”.
Cứ mỗi lần nhắc đến các con, nước mắt nữ điều dưỡng này lại trào ra vì thương, vì nhớ. Chị kể rằng, nhiều lúc nghĩ ngợi lại cảm thấy mình có lỗi với các con, vì quãng thời gian qua chưa thể làm tròn trách nhiệm của một người mẹ: “Nhiều lúc gọi video thấy con cứ thui thủi một mình tôi thương lắm. Có lần cháu út nhà tôi bị bỏng, tôi lại tự trách bản thân, khi mình đi chăm sóc mọi người nhưng con mình lại không chăm sóc được”.
Lúc hết dịch, tôi sẽ nấu cho các con một bữa cơm thật ngon
Đã nhiều ngày qua, nước ta không ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng. Nhịp sống thường ngày cũng đang dần trở lại. Những tín hiệu tích cực này như thắp lên ngọn lửa hy vọng cho các chiến binh áo trắng trên tuyến đầu chống dịch, về một ngày đoàn tụ sẽ không còn xa.
Chia sẻ về thời khắc được gặp lại gia đình, giọng nữ điều dưỡng bỗng vui trở lại
Chia sẻ về thời khắc được gặp lại gia đình, giọng nữ điều dưỡng bỗng vui trở lại: “Lúc hết dịch, tôi sẽ về ngay với các con và nấu một bữa cơm thật ngon để cả nhà cùng ăn với nhau. Và khi mọi thứ đã thực sự an toàn, tôi sẽ đưa cả 3 nhóc đi nhà sách như đã hứa. Dịch bệnh chưa ai có thể nói trước được điều gì nhưng với những tín hiệu tích cực như những ngày qua, cũng đáng để chúng tôi hy vọng lắm chứ!”
Minh Nhật
Nữ điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai mắc Covid-19: Tôi đã phải cố bò dậy ăn cốc cháo nguội
Được điều trị khỏi bệnh Covid-19 sau 23 ngày, bệnh nhân B.T.H (BN86), nữ điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ ở thời điểm không ăn, không thở được, nhưng thấy bệnh nhân người nước ngoài phải đặt ống bà đã cố gắng bò dậy ăn cốc cháo nguội để có sức khỏe chống chọi bệnh tật.
Nữ điều dưỡng B.T.H. (BN86), 54 tuổi, điều dưỡng của Phòng khám ngoại trú HIV - Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai, cùng 8 bệnh nhân khác điều trị Covid-19 ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2, Đông Anh, Hà Nội) được công bố khỏi bệnh vào chiều ngày 10-4.
Tâm sự của nữ điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai vừa được điều trị khỏi bệnh Covid-19
Chia sẻ về thời gian chiến đấu với Covid-19, nữ điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Trong thời gian qua, tôi rất lo lắng cho những người liên quan đến mình, tôi chỉ sợ nghe tin ai đó bị như mình nữa thì tâm lý của tôi sẽ nặng nề. May mắn làm sao, ngày hôm qua ở trung tâm mọi người di chuyển về nhà, quay trở lại làm việc, tôi nhẹ nhõm rất nhiều"- bà H. tâm sự.
Bà cho biết mình bị huyết áp cao nên khó nhận biết bệnh lúc ban đầu: "Lúc đầu có cơn nhịp nhanh của tim, tôi cứ nghĩ là dấu hiệu huyết áp thôi, tôi không có triệu chứng gì. Khi sang đây mới bắt đầu sốt cao, ngày thứ 2 sốt 37,5 độ, những ngày sau liên tục sốt cao trên 38 độ".
Nữ điều dưỡng B.T.H. trao đổi với phóng viên
"Ở trong phòng vận động nhẹ, tập thở tập thở cho hồi phục của phổi tốt. Tôi may mắn vì mặc dù chụp phim phổi không được tốt, có chiều hướng xấu, nhưng được các bác sĩ chăm sóc, động viên tâm lý, tôi vượt qua được lúc nguy hiểm nhất"- nữ điều dưỡng cười nói.
Bà H. cũng chia sẻ trên giường bệnh, bà thấy dường như bất lực: "Là đồng nghiệp, ở thời điểm này tôi cũng không hỗ trợ được mọi người, tôi mong mình khỏe mạnh để về được làm việc"
Bà cũng kể khi bà ở thời điểm không ăn, không thở được, lúc đó có một bệnh nhân người nước ngoài bắt đầu khó thở, các bác sĩ phải đặt ống. Trong khoảng thời gian điều trị, bà H. rất sợ phải đặt ống vì kéo theo nhiều vấn đề: "Nhìn thấy hình ảnh đó, có cốc cháo nguội rồi vẫn cố gắng bò dậy ăn, các bác sĩ nói nếu không ăn, không có sức để thở thì nguy cơ đặt ống cao. Khi thấy bệnh nhân nặng ngay bên cạnh mình, tôi phải cố gắng"
Nữ điều dưỡng cho biết: "Mỗi một ngày tôi thấy dễ thở hơn một chút là tôi cảm thấy hạnh phúc rồi. Tôi không ngủ được, chỉ ho và ngồi ho thôi. Ở đây các bác sĩ tình cảm, không phải vì tôi là nhân viên y tế mà được quan tâm. Tôi ở phòng cấp cứu mười mấy ngày, các bác sĩ đều quan tâm, động viên, nói với bệnh nhân phải cố gắng".
Nữ điều dưỡng B.T.H. xúc động nhắc đến những ngày chiến đấu với bệnh tật
Nữ điều dưỡng B.T.H. và y bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
Khi được biết kết quả âm tính với Sars-CoV-2 và được công bố khỏi bệnh, điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai, B.T.H. tâm sự: "Hiện tại bây giờ được ra ngoài hít thở không khí, được trả lời mọi người. Ở trong này, thật sự tôi rất nhớ gia đình, nhớ mọi người. Bây giờ tôi không muốn nghĩ lại thời điểm bị bệnh nữa, tôi chỉ nghĩ đến hiện tại và mong muốn được về đi làm, hòa nhập mọi người. Tôi rất xúc động, muốn nói lời cảm ơn đến y, bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhất là ở phòng cấp cứu, khoa Nội Tổng hợp".
Hình ảnh các y bác sĩ cùng 9 bệnh nhân điều trị khỏi bệnh Covid-19 ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2, Đông Anh, Hà Nội) vui vẻ chào mọi người.
Ngô Nhung
Nữ điều dưỡng BV Bạch Mai đặt tên con là Hạ Vy với mong muốn hạ gục Covid-19 Sinh con trong những ngày đất nước chống dịch, cơ quan làm việc bị phong tỏa, bản thân thì bị cách ly nên nữ điều dưỡng đã đặt tên con là Hạ Vy với mong muốn sớm hạ gục dịch Covid-19. Ảnh minh họa Ngày 9/4, BV Bạch Mai (Hà Nội) thông tin, vừa thực hiện thành công ca mổ sinh cho sản...