Nữ điều dưỡng giấu mẹ tham gia chống dịch ở Đà Nẵng
Sợ gia đình lo lắng, Bích Cẩm (sinh năm 1997, quê Gia Lai) không dám kể chuyện đã nghỉ việc ở chỗ làm hiện tại, xin vào Bệnh viện 199 hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ chống dịch.
Trần Thị Bích Cẩm (sinh năm 1997, Gia Lai) làm việc tại một bệnh viện tư ở Đà Nẵng được hơn một năm. Khi dịch bệnh bùng phát trên địa bàn thành phố, cô chứng kiến đồng nghiệp ở các bệnh viện khác, sinh viên ngành y dược đều tham gia chống dịch.
Bích Cẩm hạ quyết tâm viết đơn xin vào Bệnh viện 199 để hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ sau khi đọc được bài viết về một người cha tử vong trong bệnh viện nhưng người nhà không vào được.
Hàng ngày, Cẩm phải mặc đồ bảo hộ kín mít để tránh bị nhiễm bệnh.
“Trước khi viết đơn, mình đã khá lo lắng, hồi hộp. Sau đó, mình nghĩ đơn giản rằng bản thân còn trẻ, không vướng bận gì nên phải xông pha”, Cẩm chia sẻ với Zing.
Công việc của Cẩm bắt đầu từ 5h sáng và kết thúc vào lúc đêm muộn. Công việc chính của cô là lấy mẫu máu của những người nghi nhiễm để xét nghiệm Covid-19.
Nữ điều dưỡng sinh năm 1997 cho hay những ngày lượng người đến lấy mẫu xét nghiệm lớn, cả kíp phải làm việc đến 22h mới được ăn tối, thay phiên nhau đi tắm giặt, nghỉ ngơi.
Những ai trực ca đêm hôm đó thì cả ngày chỉ được ngủ 2-3 tiếng.
Tiếp xúc với hàng trăm người mỗi ngày, Cẩm cùng các y bác sĩ phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh.
“Các y bác sĩ trong bệnh viện được phát đồ bảo hộ, huấn luyện kỹ càng biện pháp phòng dịch, cách một tiếng lại xịt khử trùng bằng cồn sát khuẩn. Lượng công việc quá tải, nhưng chúng mình vẫn phân chia ca trực hợp lý để có thời gian nghỉ ngơi”.
Video đang HOT
9X cho hay thời điểm Đà Nẵng mới bùng phát dịch, do thiếu nhân lực cùng vật tư y tế nên công việc gặp không ít khó khăn.
“Cả ngày trong bộ đồ bảo hộ kín mít nên ai cũng ngột ngạt, khó chịu. Chúng mình còn phải tiết kiệm từ khẩu trang y tế, kính chắn giọt bắn đến vật dụng sinh hoạt. Có những ngày phải tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân đến lấy mẫu xét nghiệm, mấy anh chị em nhịn cả uống nước, đi vệ sinh, làm thông trưa và chỉ kịp ăn vội cái gì đó rồi lại tiếp tục công việc”.
Hành động đẹp của cô gái 23 tuổi khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Hơn 2 tuần làm việc tại đây, Cẩm có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Một lần, 9X được tặng bức tranh vẽ cô đang làm việc trong bộ đồ bảo hộ. Có lúc, cô điều dưỡng trẻ lại nhận được lá thư cảm ơn từ bệnh nhân.
Mong muốn lớn nhất của Cẩm lúc này là dịch bệnh sớm được kiểm soát, không còn ca nhiễm mới ngoài cộng đồng.
Khi đó, cô sẽ về Gia Lai, cùng ăn cơm với bố mẹ. Đã hơn một năm, 9X chưa về quê.
“Đến giờ, mình vẫn giấu bố mẹ đi làm tình nguyện vì sợ mọi người lo lắng. Mẹ gọi điện dặn dò dịch bệnh phức tạp phải ở nguyên trong phòng trọ, mình cứ dạ vâng để người thân yên lòng”, Cẩm chia sẻ.
'Y bác sĩ Đà Nẵng mặc đồ bảo hộ cả ngày dài nên mất sức'
Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng cho Zing biết đây là công việc xác định ngay từ đầu của các y, bác sĩ. Họ chỉ cần truyền nước, nghỉ ngơi, lấy lại sức để tiếp tục công việc.
Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Đà Nẵng, áp lực công việc đang đè nặng lên đội ngũ nhân viên y tế.
Bác sĩ Trần Công Thông, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng, cho biết sau ngày dài làm việc, nhiều nhân viên của trung tâm mệt mỏi, mất sức, cần tới sự chăm sóc.
Bác sĩ phải đổ nước vào cơ thể để làm mát.
"Thời tiết nắng nóng, anh em chúng tôi lại mặc đồ bảo hộ cả ngày nên ai cũng mệt. Chúng tôi chỉ cần nghỉ ngơi, đổi ca kíp, truyền nước lấy lại sức để tiếp tục 'chinh chiến' đến cùng".
Ông thông tin lực lượng trực chiến tại Trung tâm có khoảng 80 người.
Thời gian đầu, các cán bộ nơi đây còn thiếu thốn nhiều đồ bảo hộ.
Hơn 10 ngày nay, họ dốc toàn lực để vận chuyển những bệnh nhân cấp cứu, cách ly, chuyển viện.
"Công việc này chúng tôi đã động viên nhau, xác định tinh thần rồi. Là tuyến đầu, anh em phải nhanh nhẹn, chính xác, hết mình. Xin cảm ơn và trân trọng những chia sẻ của mọi người với Cấp cứu 115", bác sĩ Thông nói.
Để hỗ trợ cho tuyến đầu chống dịch, nhiều tổ chức, cá nhân với mong muốn tiếp sức cho các y bác sĩ đã liên tục có nhiều hành động đẹp.
Tại khu vực Bệnh viện C Đà Nẵng, người dân liên tục chở hàng tiếp tế, gồm nước uống, mì gói, sữa, khẩu trang, chăn màn, đệm cho tới băng vệ sinh, tã bỉm, nước súc miệng...
Chị Minh Hoa - chủ một tiệm ăn ở Đà Nẵng - cho Zing biết ngày nào cũng tự tay nấu hàng chục suất cơm, kèm nước hoa quả mang tới cổng Bệnh viện C Đà Nẵng gửi tặng y bác sĩ.
Trong khi đó, anh Vũ Thành - chủ nhà hàng ở Đà Nẵng - cũng kêu gọi bạn bè "tiếp sức" cho các y bác sĩ chống dịch Covid-19 tại 3 bệnh viện đang bị phong toả. Sau 1 ngày, anh đã kêu gọi được 70 triệu đồng để quyên góp.
Anh Trần Quang Vũ, chủ nhà hàng Riêu Việt (đường Chương Dương, quận Ngũ Hành Sơn), đã tổ chức phát khẩu trang miễn phí cho người dân, đồng thời tham gia nấu hàng trăm suất ăn gửi tới các nhân viên y tế đang phải cách ly, chiến sĩ tuyến đầu chống dịch.
Những hình ảnh xúc động của lực lượng nhân viên y tế, bác sĩ của Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng.
Trước tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng đang diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ có văn bản gửi TP Hải Phòng và Bình Định mong nhận được sự hỗ trợ y bác sĩ cùng khống chế dịch Covid-19.
Đáp lời kêu gọi này, ngay lập tức, TP Hải Phòng đã cử đoàn cán bộ 33 người, gồm 8 bác sĩ và 25 điều dưỡng vào TP Đà Nẵng hỗ trợ điều trị, phòng chống dịch.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho hay đã nhận được công văn của UBND TP Đà Nẵng về đề nghị chi viện nhân lực, hỗ trợ chống dịch Covid-19.
"Có thể ngày 5/8, tỉnh Bình Định sẽ tổ chức đoàn cán bộ y tế lên đường ra Đà Nẵng. Tinh thần là tỉnh Bình Định sẽ làm hết sức mình vì cả nước, vì Đà Nẵng để góp phần nhanh chóng dập dịch", ông Thanh thông tin.
Sáng nay (5/8), Bộ Y tế công bố 2 ca mắc Covid-19 mới ở Quảng Nam, đều liên quan Bệnh viện Đà Nẵng.
Như vậy, đến nay, cả nước ghi nhận 672 trường hợp mắc Covid-19, trong đó, 308 bệnh nhân nhập cảnh được cách ly ngay. Trong 12 ngày (25/7-5/8), Việt Nam phát hiện 259 người mắc Covid-19 với 224 bệnh nhân trong nước.
Đà Nẵng: CĐM tranh cãi vì đồ ăn bị bỏ do mọi người ủng hộ quá nhiều Những hình ảnh từ Đà Nẵng trong những ngày dịch Covid-19 lây lan khiến dân mạng không khỏi xúc động bởi cư dân nơi đây không ngừng hỗ trợ cho tuyến đầu chống dịch. Họ ủng hộ từ đồ dùng, nước uống, vật tư y tế đến những suất ăn đặc biệt cho bệnh nhân và y bác sĩ ở bệnh viện. Thực...