Nữ điều dưỡng gần 30 năm chăm sóc bệnh nhân nguy kịch: Cứ stress là… đọc thơ
Gần 30 năm chăm sóc cho hàng ngàn bệnh nhân đối mặt với tử thần, đặt lên vai áp lực công việc khổng lồ khiến nữ điều dưỡng nghĩ ra cách để vượt qua khó khăn, đồng thời truyền cảm hứng cho những người xung quanh. Đó là, cứ stress chị lại đọc thơ.
Tiếng máy thở, máy đo nhịp tim lại âm vang trong căn phòng bệnh nặng của khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (ICU), Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM). Điều dưỡng Hồ Linh Duy (51 tuổi, quê Đồng Tháp) lật đật chạy vào khi biết bệnh nhân nằm trên giường đang diễn tiến nặng.
Khoa ICU, Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Người chứng kiến sự sống, cái chết chỉ trong gang tấc
“Bà cụ này bị nhiễm trùng rất nặng, đã thở máy nhiều ngày rồi. Bà được điều trị kháng sinh, lọc máu liên tục. Bệnh nhân bên kia thì được rửa dạ dày, theo dõi sinh hiệu và dùng thuốc giải độc vì bị ngộ độc nặng. Ngày nào cũng có lọc huyết tương.
Có người thì bị nhồi máu cơ tim nặng đến ngưng tim, ngưng thở. Ở đây, sự sống cái chết nhiều khi chỉ cách nhau trong gang tấc. Những ngày cao điểm quá tải, mỗi điều dưỡng phải cáng đáng đến 4-5 bệnh nhân. Nhiều buổi trưa chúng tôi chọn ăn mì gói cho nhanh để còn tiếp tục công việc, tranh thủ cho xong. Đến chiều về mới được ăn cơm…” – điều dưỡng Duy chia sẻ.
Bệnh nhân khoa ICU thường rất nặng.
28 năm công tác tại khoa bệnh nặng, điều dưỡng Duy không thể nhớ nổi đã bao nhiêu lần mình buồn bã khi nhìn bệnh nhân bị kéo từ băng ca xuống nhà xác.
Và cũng không ít trường hợp chị cùng đồng nghiệp bị người nhà bệnh nhân có những lời lẽ thóa mạ, thậm chí dọa đánh vì cho rằng nhân viên y tế có lỗi khiến bệnh nhân nguy hiểm tính mạng.
Lúc cao điểm, một nữ điều dưỡng khoa IICU có thể chăm sóc cho 4-5 người bệnh.
“Lần đó có một người phụ nữ chơi ma túy quá liều đến sốc thuốc, sùi bọt mép. Vì cô ấy cứ luôn huơ tay múa chân không hợp tác, tôi phải đến siết lại để cố định chích thuốc.
Nhưng bất ngờ người chồng từ bên ngoài lao nhanh về phía chúng tôi buông lời mắng chửi và suýt tấn công vì cho rằng chúng tôi coi thường người nhà anh ta.
Mãi một lúc sau khi nghe giải thích và bình tĩnh lại, mọi thứ mới êm xuôi” – diều dưỡng Duy nói.
Điều dưỡng Duy giải thích tình trạng bệnh nhân cho người nhà.
Lần khác, một cô điều dưỡng tên Vy đang chăm sóc, rửa dạ dày cho bệnh nhân ngộ độc thì có người vào thăm bệnh. Vì trong khoa đông lại chưa đến giờ thăm nên vị này ra sức giải thích.
Tuy nhiên người nhà bất ngờ lồng lộn lên tiến tới nắm lấy tay người điều dưỡng định tấn công.
Cái chết là thứ luôn chực chờ họ, nhân viên y tế cũng luôn chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Video đang HOT
“Thoát kịp, nhưng tôi nói điều dưỡng Vy đến tối khuya hãy lén về vì họ gọi thêm nhóm người xăm trổ ở bên ngoài bệnh viện phục sẵn chờ đánh cô ấy. Bây giờ Vy đã bỏ nghề và chuyển sang làm giáo dục rồi vì không chịu nổi áp lực, nguy hiểm” – diều dưỡng Duy kể lại.
Trở thành chuyên gia tâm lý của bệnh nhân và đồng nghiệp
Dù có rất nhiều chuyện buồn đã xảy ra, động lực khiến điều dưỡng Duy cố bám trụ với nghề là những lúc giúp đỡ bệnh nhân, gia đình họ hạnh phúc thoát khỏi những cơn nguy kịch.
Chăm sóc người bệnh là niềm vui của nữ điều dưỡng.
“Tôi nhớ mấy năm trước có một ông nhà báo già đến nhập viện vì tự tử không thành. Lại giường hỏi, ông ấy nói mình tự ti cực độ vì người vợ suốt ngày chì chiết chồng chẳng ra gì, việc làm ba cọc ba đồng.
Nghe vậy, tôi liền liên hệ người nhà rồi nói chuyện với các con của bệnh nhân, bảo họ hãy quâm tâm sức khỏe của cha và giải thích cho mẹ hiểu rằng gia đình hôm nay thế nào, con cái học hành nên người đều có công của ông ấy. Chỉ vài ngày sau gia đình ông có con trở lại và tìm cho được điều dưỡng để cảm ơn. Tôi vui lắm” – chị Duy nói.
Khoa ICU tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định có khoảng 30 giường bệnh.
Điều dưỡng Duy tâm sự ngày còn nhỏ cô còn mơ ước làm giáo viên mà không thành. “Trồng người không được thì mình chăm người” – cô nói.
Với đồng nghiệp, điều dưỡng Duy cố gắng làm tấm gương đi trước, chia sẻ mọi kinh nghiệm cho đàn em. Mỗi lần có ai muốn nghỉ, chị Duy lại đến tìm hiểu và khuyên nhủ.
“Tôi nói với người muốn nghỉ nghề bận rộn và rất áp lực nhưng em đặt hết tâm huyết vào nó là sẽ sống được. Cũng như tôi ngày xưa lúc theo nghề gian khổ trăm bề nhưng cũng được chị điều dưỡng trưởng thương vì siêng năng chịu khó, tháng nào cũng cho thêm tiền.
Đã làm nghề này thì phải luôn luôn nhớ đến 2 chữ y đức. Tôi bây giờ chỉ muốn làm tốt công việc đến suốt đời, để làm sao chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân” – nữ điều dưỡng giải thích.
1 ngày khoa tiếp nhận 5-7 ca mới, thường là ngộ độc, nhiễm trùng.
Điều dưỡng làm thơ, đọc thơ khi stress
Hỏi những lúc rãnh ở nhà lẫn trên viện chị thường ăn gì, điều dưỡng Duy đáp hồn nhiên:
“Tôi với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là anh em họ. Dính chút dòng máu văn chương nên tôi cũng… thích thơ lắm. Những lúc stress hoặc vắng bệnh nhân, tôi tranh thủ làm mấy bài thơ để đọc cho vui mà còn là tâm sự của người điều dưỡng nữa…” – điều dưỡng Duy giải thích.
Không chỉ là một điều dưỡng tận tâm mà chị Duy còn có tâm hồn nghệ sĩ.
Những lúc phải chạy đua với thời gian cấp cứu bệnh nhân, chị cũng dùng thơ để xả stress.
Đó là những câu từ giàu vần điệu miêu tả công việc chân thực qua bài thơ Tâm sự ICU:
“Hết sáng rồi lại chiều đêm
Vào ca chạy tiếp liên miên hết giờ
Chuyên môn không được thờ ơ
Tập trung công việc sạch dơ phải làm
Vệ sinh răng miệng hút đàm
Sáng trưa chiều tối phải làm đều tay
Kế đến công việc thứ hai
Tiêm truyền uống thuốc hai tay không ngừng
Chưa kể những lúc bệnh đông
Nhồi tim bóp bóng tưng bừng cả khoa
Vậy mà các bác không tha
Ra nhiều y lệnh đến hoa mắt người…”.
Điều dưỡng Duy hào hứng khoe những bài thơ mình sáng tác.
Sau những cực khổ ban đầu, điều còn lại là tinh thần lạc quan và điều ước vì người bệnh của nhân viên y tế:
“Vậy mà vẫn cố mỉm cười
Đánh lừa bình tĩnh cho người an tâm
Lòng thành khẩn vái lâm râm
Cầu cho bệnh ổn cả năm con nhờ…”.
Đọc xong, điều dưỡng Duy cười thoải mái. Chị bật mí khi nào về hưu sẽ “xuất bản” một bài thơ khác kể về hành trình gần 30 năm làm nghề với đầy ắp nỗi nhớ của mình. Với người phụ nữ, đến giờ này chị vẫn còn nguyên niềm cảm hứng với nghề.
Theo afamily
Khi nào nên đi khám tâm thần?
Áp lực công việc và học tập gia tăng được cảnh báo đang tác động xấu đến sức khỏe tâm thần của giới trẻ.
Áp lực học tập là một yếu tố ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần của học sinh - SHUTTERSTOCK
Tọa đàm "Rối loạn liên quan stress và gánh nặng" vừa được Viện Sức khỏe tâm thần (SKTT) T.Ư (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) tổ chức tại Hà Nội.
Theo Viện SKTT T.Ư, đang có xu hướng tăng tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần ở các mức độ khác nhau liên quan đến stress với khoảng 15% dân số (theo nghiên cứu điều tra của Bộ Y tế năm 2017), gấp 3 lần so với năm 2010.
Không phải "hâm hâm dở dở" mới là bệnh tâm thần
Khi nào nên đi khám tâm thần?
Theo TS-BS Dương Minh Tâm, ai cũng có những cảm xúc căng thẳng nhất định nhưng sau đó sẽ giảm dần. Tuy nhiên, nếu mình vốn khỏe nhưng sau này bắt đầu xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, âu lo kéo dài, mất ngủ, khó thở, đau đầu hay các hiện tượng về tim mạch (hồi hộp, trống ngực) mà không thể giải thích được về mặt cơ thể, không tìm thấy căn nguyên gây triệu chứng và bệnh thường dao động theo trạng thái tinh thần, thì nên đi khám tâm thần.
TS-BS Dương Minh Tâm, BS điều trị rối loạn liên quan stress, Viện SKTT T.Ư, cho biết nhiều bệnh nhân (BN) đến Viện rất muộn do đa phần không nhận biết được mình bị bệnh gì, hoặc đều nghĩ bệnh tâm thần phải là "hâm hâm dở dở", trong khi bệnh thật ra ẩn dưới nhiều biểu hiện khác nhau, thậm chí trước khi được điều trị đúng bệnh, họ được "nhận diện" các bệnh lý hoàn toàn khác như: tim mạch, hô hấp...
Trong khi đó, rối loạn tình dục, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống đều liên quan đến tâm thần. Nhiều ca sĩ, diễn viên nổi tiếng cũng gặp các sự cố về SKTT mà căn nguyên đều liên quan đến stress.
BS Tâm lưu ý: Lo âu do tình trạng stress kéo dài chiếm tỷ lệ rất cao từ 2,9 - 9%. Lo âu là sự lo lắng, căng thẳng không phụ thuộc vào yếu tố kích thích. Lo âu khác lo lắng; mai đi thi nay lo lắng, bồn chồn, bất an, tim đập nhanh, đánh trống ngực. Lo âu thường kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng, triệu chứng giống hệt lo lắng. Vì thế, các BN hay đến khám chuyên khoa tim mạch hơn là tâm thần. Tình trạng này gặp ở cả nam và nữ.
Chuyên gia cũng cho hay, triệu chứng lo âu thậm chí chủ yếu lại được chẩn đoán là triệu chứng thần kinh thực vật với biểu hiện: khó thở, hồi hộp, tim đập nhanh, trống ngực, đầu chếnh choáng...; đã có nhiều người được chẩn đoán nhầm là: rối loạn tiền đình, suy nhược thần kinh, thiếu máu não... Nhưng sau nhiều đợt dùng thuốc điều trị, các bệnh trên đều không thuyên giảm.
"Thực tế đó khiến nhiều BN đến khám các chuyên khoa khác trong suốt thời gian dài, khám nhiều nơi rồi cuối cùng mới được động viên sang khám chuyên khoa tâm thần", BS Tâm cho biết.
Viện SKTT T.Ư mới đây tiếp nhận BN nữ 38 tuổi vào viện vì đau đầu kéo dài, mất ngủ (chỉ ngủ 1 - 2 giờ/đêm). Gặp căng thẳng, BN xuất hiện hồi hộp, tức ngực, vã mồ hôi, dạ dày trào ngược. Trước khi được giới thiệu đến khám tâm thần, BN này đã đi khám các chuyên khoa: dạ dày, thần kinh, tim mạch, hô hấp; được uống nhiều thuốc tại các tuyến điều trị mà không khỏi bệnh. Khi đến Viện SKTT T.Ư, được khám trực tiếp và chẩn đoán rối loạn lo âu lan tỏa, BN đỡ bệnh rất nhanh trong quá trình điều trị tại đây.
BS Dương Minh Tâm cho biết thêm, nhiều người khi gặp các rối loạn liên quan stress thường tìm đến game, rượu bia, ma túy, cờ bạc..., dẫn đến rất khó điều trị. Đây là phương thức tự tìm cách giải quyết những khó chịu, buồn phiền. Đầu tiên dùng ít để giải khuây, sau dùng nhiều gây nghiện. Khi vào viện, phải cùng lúc vừa điều trị tâm thần vừa điều trị nghiện chất.
Stress tuổi học đường
Các bác sĩ cũng lưu ý: Nhiều trường hợp bị rối loạn sang chấn và tỷ lệ mắc suốt đời rối loạn sang chấn rất đáng kể, trong đó stress sang chấn chủ yếu liên quan bạo hành, ấu dâm, bị lạm dụng tình dục. "Người lạm dụng tình dục hầu như không phải là mắc bệnh mà họ làm việc đó vì có điều kiện thuận lợi. Còn những đứa trẻ bị lạm dụng sau này bị stress sang chấn rất nhiều", bác sĩ lo ngại.
Ngoài ra, lứa tuổi học sinh (thường ở lứa tuổi THPT, THCS) có thể gặp rối loạn phân ly khi xảy ra những sự việc như: hàng loạt học sinh xuất hiện nôn mửa, cả trường ngất, lên cơn co giật, phân ly tập thể. Đây là bệnh lý tâm thần. Có nhiều rối loạn phân ly: co giật, xỉu, bệnh này gặp 1,6% ở nam và 1,4% ở nữ.
Đáng lưu ý, stress ở tuổi học sinh còn là do áp lực học tập từ cha mẹ, thầy cô.
"Có bệnh nhân vào viện với lý do mất phương hướng không biết học làm gì, chỉ biết học vì bố mẹ, thầy cô yêu cầu. Các vấn đề này thường gặp nhiều hơn ở học sinh trường chuyên, lớp chọn", bác sĩ nói và cho rằng phụ huynh, nhà trường cần tăng cường cho các em thời gian vui chơi, hoạt động văn thể mỹ...
Theo Thanh Niên
Nuôi sống trẻ sơ sinh to chỉ bằng... bàn tay Bé trai sơ sinh nặng chỉ 500gr, to chỉ bằng bàn tay người lớn đã được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) nuôi sống thành công. Bé được Bệnh viện Nhân Dân Gia Định chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng 2 vì sinh non do mẹ hở eo tử cung khi mới 25 tuần tuổi thai, cân nặng lúc sinh...