Nữ đại úy Lê Thị Hiền có mang tiền sự khi bị phạt 200.000 đồng?
Bà Hiền vi phạm quy tắc ứng xử của Công an Nhân dân không phải là một tiền sự, nhưng nữ công an bị xử phạt hành chính 200.000 đồng do vi phạm Nghị định 167 thì đó là một tiền sự.
Liên quan vụ đại úy Lê Thị Hiền (sinh năm 1983) gây rối tại sân bay Tân Sơn Nhất, Công an Hà Nội đã giao đơn vị trực thuộc quận Đống Đa ký quyết định tạm đình chỉ công tác 30 ngày đối với cán bộ này.
Với vi phạm trên, bà Hiền bị đồn công an sân bay xử phạt 200.000 đồng theo quy định tại Khoản 1, Điều 5, Nghị định 167. Sau vụ việc, nhiều độc giả Zing.vnthắc mắc án phạt này có phải là một tiền sự? Hành động của nữ đại úy vi phạm quy tắc của ngành công an ra sao?
Hình ảnh bà Hiền chửi bới ở sân bay được đánh giá rất phản cảm. Ảnh cắt từ clip.
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng việc bà Hiền vi phạm quy tắc ứng xử của Công an Nhân dân theo Thông tư 27 không phải là một tiền sự. Tuy nhiên, nữ công an bị xử phạt hành chính 200.000 đồng do vi phạm Nghị định 167 thì đó là một tiền sự.
Ông Cường lý giải Thông tư 27 chỉ quy định nguyên tắc ứng xử; quy tắc ứng xử chung của cán bộ, chiến sĩ công an; quy tắc ứng xử khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ; ứng xử trong nội bộ, trong quan hệ xã hội và với môi trường tự nhiên. Người vi phạm bộ quy tắc này sẽ bị kỷ luật theo quy định của ngành công an.
Còn Nghị định 167 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Người bị xử phạt hành chính sẽ mang tiền sự.
Theo luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM), Công an quận Đống Đa căn cứ Thông tư 27/2017 để xác định bà Hiền vi phạm về ứng xử nơi công cộng của cán bộ chiến sĩ Công an Nhân dân.
Cụ thể, Điều 11 Thông tư này quy định cán bộ, chiến sĩ không có lời nói, hành vi vi phạm các chuẩn mực về thuần phong, mỹ tục, bản sắc văn hóa dân tộc nơi công cộng.
Cũng theo Điều 11, người Công an Nhân dân phải gương mẫu chấp hành nội quy, quy tắc nơi công cộng, các chuẩn mực đạo đức công dân được pháp luật quy định hoặc đã được cộng đồng dân cư thống nhất thực hiện; ứng xử văn minh, thân thiện, giữ trật tự, vệ sinh công cộng.
Ngoài ra, Điều 6 Thông tư 27 còn quy định cán bộ, chiến sĩ công an giao tiếp, làm việc với người dân bằng thái độ niềm nở, tận tình, trách nhiệm; xưng hô đúng mực, thái độ lịch sự, hòa nhã, khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp đúng đắn.
Theo các luật sư, vi phạm trên của bà Hiền ngoài bị xử phạt hành chính còn có thể bị kỷ luật theo quy định của nội bộ ngành công an.
Căn cứ khoản 2, Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, trong 2 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính, nếu bà Hiền không tái phạm hành vi tương tự thì sẽ được xem như chưa có tiền sự.
Nữ đại úy Lê Thị Hiền. Ảnh: Diệp Anh.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Ngọc Quảng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng hành động và lời nói của bà Lê Thị Hiền được ghi nhận qua video là hết sức phản cảm, xúc phạm người khác. Đặc biệt trong clip thứ 2, bà này còn có hành vi xô xát, ăn vạ với lực lượng an ninh sân bay.
“Hành vi của bà Hiền thể hiện sự gây rối và phản cảm ở ngay sân bay. Việc gây rối ở sân bay có phần nghiêm trọng nhiều hơn so với những khu vực công cộng khác vì đây là khu vực nhạy cảm, đặc thù ảnh hưởng đến nhiều hành khách khác cũng như an ninh trật tự tại khu vực này”, luật sư Quảng nêu quan điểm.
Luật sư Nguyễn Ngọc Quảng phân tích thêm: “Đối với bà Lê Thị Hiền là cán bộ công an, vốn là người am hiểu kiến thức pháp luật. Tuy nhiên, cách hành xử trên gây ảnh hưởng mạnh đến uy tín ngành công an và tạo sự phản cảm và bức xúc trong dư luận xã hội”.
Tuy nhiên, hành vi gây rối của người phụ nữ này chưa gây ra hậu quả quá nghiêm trọng, do đó có thể răn đe bà Lê Thị Hiền bằng mức phạt hành chính cao hơn là hoàn toàn hợp lý.
Luật sư Nguyễn Trương Quốc (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng mức xử phạt 200.000 đồng đối với bà Hiền là quá nhẹ. Ông kiến nghị cơ quan chức năng nên áp dụng Nghị định 162/2018 lĩnh vực Hàng không dân dụng với hình phạt nặng hơn.
Trong trường hợp này, bà Hiền sẽ bị áp dụng mức phạt 1-3 triệu đồng cho hành vi làm mất trật tự an ninh khu vực sân bay.
Nữ công an chửi bới, giật tóc nhân viên an ninh sân bay Tân Sơn Nhất
Bị từ chối gửi thêm hành lý, nữ hành khách chửi bới nhân viên Vietnam Airlines, sau đó tiếp tục xô xát với lực lượng an ninh sân bay khi bị yêu cầu làm việc.
Theo Zing.vn
Người chống đối, thóa mạ tại sân bay nước ngoài có thể phải ngồi tù
Gây rối, chửi bới, chống đối nhân viên an ninh ở sân bay, bà Lê Thị Hiền chỉ bị phạt 200.000 đồng trong khi hành vi tương tự ở sân bay Anh, Mỹ có thể khiến một người phải ngồi tù.
Vụ việc bà Lê Thị Hiền chửi bới nhân viên sân bay tại Tân Sơn Nhất khiến dư luận dậy sóng. Đặc biệt, sau khi được bàn giao cho đồn công an sân bay Tân Sơn Nhất, bà Hiền chỉ bị xử phạt 200.000 đồng.
Nội dung xử phạt này khiến nhiều người theo dõi video cho rằng không thỏa đáng. Theo họ, cần có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi nghiêm trọng của người phụ nữ này.
Theo luật hàng không của các nước như Anh, Mỹ, hành vi chống đối, thóa mạ nhân viên an ninh có thể bị xếp vào tội hình sự, với hình phạt tù và phạt tiền lên đến hàng chục nghìn USD.
Anh: 5 năm tù cho hành vi gây rối
Theo Cơ quan Giám sát Hàng không dân dụng Anh (CAA), những hành vi chống đối tại sân bay gây nguy hiểm cho chính bản thân và cả các hành khách khác. CAA liệt các hành vi này vào dạng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Đối với những trường hợp chống đối ở mức chưa nghiêm trọng, hành khách có thể bị cấm lên máy bay để đảm bảo an toàn cho chuyến bay và những người khác.
Hành khách gây rối tại sân bay ở Anh có thể bị phạt đến 140 triệu đồng. Đồ họa: Caa.co.uk
Đối với các hành vi nghiêm trọng bao gồm: Chống đối nhân viên an ninh; Chống đối lệnh kiểm tra, chống đối lệnh khám người; Chống đối người thi hành công vụ bằng vũ lực, lời nói lăng mạ, chửi bới; Đe dọa đến các hành khách khác; Say xỉn, có thái độ không hợp tác với nhân viên sân bay thì có thể bị phạt tiền lên đến 5.000 GBP (khoảng 140 triệu đồng), cấm bay vĩnh viễn và ngồi tù lên đến 5 năm.
Ngoài ra, đối với những hành khách gây rối trên máy bay, khiến máy bay phải chuyển hướng, quay đầu hoặc hạ cánh khẩn cấp, ngoài nộp tiền phạt, những người vi phạm còn phải nộp tiền đền bù cho hãng hàng không với số tiền không dưới 80.000 GBP (khoảng 2,3 tỷ đồng).
Không giới hạn mức tiền phạt ở Mỹ
Theo Cơ quan Giám sát hàng không Liên bang Mỹ (FAA), hành khách không tuân thủ các quy định hàng không cũng như của sân bay, gây rối, hành hung, thóa mạ nhân viên an ninh có thể bị phạt mức 25.000 USD (khoảng 580 triệu đồng), cùng việc bị truy tố và có thể ngồi tù lên đến 10 năm.
Đối với những hành khách gây rối trên chuyến bay, khiến máy bay phải chuyển hướng hoặc quay đầu thì phải chịu tiền đền bù hủy chuyến, tiền vé, nhiên liệu cho toàn bộ chuyến bay, có thể lến đến hơn 100.000 USD (khoảng 2,3 tỷ đồng).
Trả lời trên Washington Post, luật sư Chris Smith, thành viên của hãng luật Air Law Firm tại London, cho biết ông đã đại diện cho rất nhiều hãng hàng không kiện những hành khách gây rối. Kết quả, 100% hãng hàng không luôn thắng kiện và những hành khách này thường phải trả một số tiền khổng lồ.
Ông Smith cho biết nếu bị kết tội gây rối theo luật hàng không, hành khách có thể bị phạt 15.000-100.000 USD, kèm theo cấm bay vĩnh viễn và sẽ bị truy cứu tố.
Hành khách gây rối tại sân bay có thể bị truy tố và phạt tiền lên đến hàng chục nghìn USD ở Mỹ. Ảnh minh họa: RT.com.
Tại Singapore, những người gây mất an toàn, an ninh tại sân bay cũng bị xử lý rất nghiêm khắc. Theo cơ quan quản lý hàng không dân dụng của Singapore (CAAS), luật pháp nước này cho phép cảnh sát và các nhân viên an ninh bắt giữ ngay lập tức các hành khách gây rối, hoặc chống đối tại sân bay.
Những hành khách này có thể bị khép tội gây rối, chống đối người thi hành công vụ và bị phạt tù. Trường hợp hành khách gây rối trên máy bay khiến máy bay phải chuyển hướng hoặc hạ cánh khẩn cấp sẽ bị phạt 8.000-100.000 USD.
An ninh sân bay còng tay nữ hành khách Lê Thị Hiền sau khi người này có hành vi quá khích. Ảnh cắt từ clip.
Còn tại Trung Quốc, thị trường hàng không lớn nhất thế giới, các hãng hàng không nước này còn có các biện pháp khắc chế những hành khách gây rối bằng cách tạo 1 "danh sách đen".
Theo Reuters, những hành khách có tên trong danh sách này sẽ bị từ chối phục vụ bởi 5 hãng hàng không lớn nhất Trung Quốc gồm Air China, China Eastern, China Southern, Hainan Airlines và Spring Air.
Ngoài ra, nhân viên sân bay cũng sẵn sàng phối hợp với cảnh sát để bắt giữ những người có hành vi chống đối, nhục mạ nhân viên sân bay để xử lý theo pháp luật Trung Quốc.
Tại Việt Nam, hiện Chính phủ có 2 nghị định cùng đề cập đến việc xử phạt hành vi gây rối tại cảng hàng không là Nghị định 167 và Nghị định 162. Sau khi được bàn giao cho đồn công an sân bay Tân Sơn Nhất, bà Lê Thị Hiền đã bị xử phạt 200.000 đồng theo quy định tại Khoản 1, Điều 5, Nghị định 167.
Điều khoản này quy định người vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng khi có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Hành vi gây mất trật tự ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác cũng bị phạt mức tương tự.
Trao đổi với Zing.vn, luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TP.HCM, việc chỉ áp dụng Nghị định 167 để xử phạt với mức phạt 200.000 đồng là chưa đúng. Hành vi này thuộc lĩnh vực hàng không do đó phải căn cứ cả quy định của Nghị định số 162 năm 2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Vậy nên mức phạt dành cho người phụ nữ này phải nhiều hơn con số 200.000 đồng.
Theo Zing.vn
Ông trùm Nam 'ngọ' và đường dây đánh bạc qua mạng hơn 1.600 tỷ đồng Kẻ cầm đầu đường dây qua mạng hơn 1.600 tỷ đồng là Hoàng Lại Nam "ngọ", một giang hồ có số má, có tiếng tăm cả trong Nam ngoài Bắc. Là một "ông trùm" với 2 tiền án, 5 tiền sự về các hành vi gây rối trật tự công cộng, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có..., Hoàng...