Nữ đại tá Trung Quốc ngạo mạn: Hạm đội Nam Hải chấp tất cả các nước ở Biển Đông
Theo Lương Phương, tất cả vũ khí của những “nước nhỏ” ở Biển Đông cộng lại thì chỉ “một Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc cũng thừa khả năng trừng trị”.
Lương Phương – Đại học Quốc phòng Trung Quốc.
Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 13 tháng 3 đưa tin, gần đây, Nhật Bản liên tục có các động tác nhỏ trong vấn đề đảo Senkaku, không chỉ có kế hoạch đóng quân ở đảo Yonaguni – nơi cách đất liền Trung Quốc chỉ 130 km, cách đảo Senkaku chỉ 150 km, đồng thời còn yêu cầu Trung Quốc cắt bỏ trang mạng chuyên đề về đảo Senkaku, nhấn mạnh Trung Quốc “bẻ cong sự thật, hoàn toàn không thể chấp nhận”.
Đối với vấn đề này, Lương Phương mang danh giáo sư thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc trả lời phỏng vấn báo chí dũng “võ mồm” cho rằng, Trung Quốc tiến hành tuần tra thường xuyên ở vùng biển đảo Senkaku “còn chưa đủ”, bước tiếp theo “cần phát triển vũ khí trang bị nhằm vào Nhật Bản”.
Theo Lương Phương, từ sau khi Nhật Bản mua đảo (quốc hữu hóa) vào năm 2012, Trung Quốc đã tiến hành hoạt động rất lớn, đã “ra tay”, chẳng hạn tuyên bố cái gọi là Vùng nhận dạng phòng không biển Hoa Đông, tuyên bố đường cơ sở lãnh hải đảo Điếu Ngư (đảo Senkaku), đồng thời điều tàu đến “tuần tra” ngày đêm 24/24.
Tàu đổ bộ xe tăng La Tiêu Sơn số hiệu 993 Type 072A, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc, triển khai ở Biển Đông.
Lương Phương cho rằng, sau khi sự kiện đảo Senkaku xuất hiện, Trung Quốc đã đạt được “thắng lợi và tiến triển quan trọng” trên phương diện gọi là “bảo vệ chủ quyền đảo Senkaku”. Trước đây nói Trung Quốc đến đảo Senkaku là điều không thể tưởng tượng, chưa nói đến đi vào khu vực 12 hải lý, mà là đi vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, Nhật bản đều sẽ tiến hành xua đuổi, căn bản không thể tiến vào.
Video đang HOT
Hiện nay, Trung Quốc đã phần nào “chiếm được chủ động”, Trung Quốc thường xuyên đến vùng biển đảo Senkaku để tiến hành “tuần tra, bảo vệ chủ quyền”. Vì vậy, Trung Quốc “đã tiến một bước lớn” trong vấn đề này. Chỉ có như vậy thì chưa đủ, bước tiếp theo Trung Quốc còn phải “phát triển vũ khí trang bị” nhằm vào đối thủ mạnh Nhật Bản”.
Lương Phương kiêu căng ngạo mạn cho rằng, Nhật Bản không giống lắm các nước xung quanh Biển Đông, các nước xung quanh Biển Đông là “nước nhỏ”, hơn nữa vũ khí trang bị của họ “tương đối lạc hậu”, tất cả vũ khí của những “nước nhỏ” này cộng lại thì chỉ “một Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc cũng thừa khả năng trừng trị”.
Tháng 5 năm 2013, tàu chiến ba hạm đội lớn của Hải quân Trung Quốc (Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Đông Hải, Hạm đội Nam Hải) tổ chức tập trận quy mô lớn ở Biển Đông (ảnh tư liệu).
Nhưng, theo Lương Phương, biển Hoa Đông thì khác, Trung Quốc đối mặt với một đối thủ mạnh, không chỉ có vũ khí trang bị tiên tiến nhất thế giới, đồng thời còn có đồng minh quân sự Mỹ-Nhật, điều này ảnh hưởng rất lớn đối với Trung Quốc, việc “chuẩn bị đấu tranh quân sự” của Trung Quốc chống lại đối thủ mạnh ở khu vực này phải cấp bách và khó khăn hơn các khu vực khác, cho nên độ khó trong giải quyết vấn đề đảo Senkaku của Trung Quốc lớn hơn.
Lương Phương cho rằng, đối mặt với tình hình như vậy, Trung Quốc cần phát triển trang bị nhằm vào đối tượng cụ thể. Trước đây, Hải quân Trung Quốc thường không vượt ra ngoài chuỗi đảo thứ nhất, cũng rất ít đến khu vực xung quanh đảo Senkaku tiến hành “tuần tra”. Những năm gần đây, đặc biệt là sau năm 2012, hạm đội Hải quân Trung Quốc nhiều lần vượt qua chuỗi đảo thứ nhất, đến Thái Bình Dương tiến hành diễn tập quân sự quy mô lớn.
Trước đây, Trung Quốc nói đến huấn luyện và tác chiến là hai cấp độ, “huấn” là một dạng, “luyện” là một dạng, “chiến” lại là một dạng; ở khu vực rất có thể xảy ra chiến tranh trong tương lai, Trung Quốc rất ít tới. Nhưng, hiện nay thì khác, trận đánh ở đâu thì binh huấn luyện ở đó.
Hải quân Trung Quốc hiện mới sở hữu 3 tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071 (Côn Luân Sơn, Tỉnh Cương Sơn, Trường Bạch Sơn), đều biên chế cho Hạm đội Nam Hải, triển khai ở Biển Đông. Loại tàu này từng được Trung Quốc điều 2 chiếc đến hỗ trợ cho giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 hạ đặt bất hợp pháp ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam trong năm 2014 và cũng thường xuyên tiến hành tập trận đánh chiếm đảo trên Biển Đông.
Những năm gần đây, huấn luyện của Hải quân Trung Quốc rất có đối tượng cụ thể, thường đến khu vực rất có thể xảy ra chiến tranh trong tương lai, tiến hành huấn luyện có đối tượng cụ thể ở một số khu vực rất có thể xuất hiện vấn đề.
Trung Quốc đến Tây Thái Bình Dương huấn luyện, vượt qua chuỗi đảo, đến những khu vực nhạy cảm như xung quanh đảo Senkaku để tiến hành huấn luyện, đã tăng cường rất lớn trình độ huấn luyện, cũng đã tăng cường năng lực chiến đấu thực tế cho Quân đội Trung Quốc, rất có lợi cho phát triển tương lai của Quân đội Trung Quốc.
Lương Phương nói như vậy, có lẽ điều cần cảnh giác là: Nếu Trung Quốc huấn luyện, tập trận ở Biển Đông thì rất có thể chiến tranh sẽ nổ ra ở đây. Loại quan điểm hiếu chiến này thỉnh thoảng vẫn bộc phát từ truyền thông Trung Quốc – nước láng giềng đang tìm mọi cách trang bị vô vàn súng ống cho mình, nhất là khi súng ống nhiều mà chẳng dùng. Đó là một điều nguy hiểm, không chỉ cho những đối thủ của Trung Quốc, mà ngay cả với Trung Quốc. Chiến tranh là loạn lạc và chiến tranh có thể phá hủy tất cả. Rõ ràng, chủ quyền là thiêng liêng, không ai có thể cắt nhượng chủ quyền hay đánh đổi nói với những tuyên bố sáo rỗng, viển vông.
Theo Giáo Dục
Philippines lo ngại Trung Quốc đẩy mạnh bồi đắp ở Biển Đông
Bộ Quốc phòng Philippines lo ngại về các dự án cải tạo của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng mà Bắc Kinh đưa ra.
Những hình ảnh cho thấy trước (trái) và sau khi Trung Quốc bồi đắp đảo mới ở Gaven, quần đảo Trường Sa. Ảnh: IHS Jane's
Theo Phil Star, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Peter Galvez cho rằng các hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc ở Biển Đông có thể dẫn đến những sự cố rủi ro trong khu vực vốn đã căng thẳng.
"Chúng (các dự án của Trung Quốc) sẽ tiếp tục gây ra những sai lầm hoặc biến cố", ông Galvez nói trong một cuộc phỏng vấn. "Khả năng xảy ra sai sót trở nên cao hơn bởi sự cứng rắn và quan điểm hung hăng của họ trong khu vực. Đây là một mối lo ngại rất nghiêm trọng".
Ngoài ra, với việc Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng, ông Galvez dự đoán nước này có thể sẽ tiến hành thêm nhiều hoạt động cải tạo ở các vùng biển tranh chấp hơn.
"Ngân sách của họ là một mối quan ngại lớn không chỉ với khu vực mà còn cả cộng đồng quốc tế bởi với ngân sách hiện tại, họ đã làm như thế. Với nhiều kinh phí hơn đổ vào hoạt động quốc phòng, các bạn có thể tưởng tượng họ sẽ làm gì", ông nói. "Chúng tôi tôn trọng kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng của họ. Đó là quyền của bất kỳ ai nhưng quan trọng là cần minh bạch về việc ngân sách này được chi tiêu như thế nào".
Trung Quốc tuần trước tuyên bố tăng 10% ngân sách quốc phòng cho năm tới. Đây là năm thứ 5 liên tiếp cường quốc này duy trì mức tăng chi tiêu quốc phòng hai con số.
Ông Galvez kêu gọi Bắc Kinh ngừng các hoạt động xây dựng tại các khu vực tranh chấp vì chúng vi phạm Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ký năm 2002. Theo DOC, các bên nên kiềm chế bất kỳ hoạt động nào có thể gây căng thẳng hoặc làm phức tạp cuộc tranh chấp về lãnh thổ.
"Vấn đề cải tạo đất liên quan đến sự tôn trọng đối với DOC", ông Galvez nói.
Các hình ảnh vệ tinh được tạp chí quốc phòng IHS Jane công bố gần đây cho thấy Trung Quốc đã thực hiện khối lương công việc rất lớn trong các dự án xây dựng ở đá Ken Nan, đá Gạc Ma và đá Gaven, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gần đây biện bạch rằng những dự án cải tạo trên là cần thiết và không nhằm chống lại nước nào. Ông cũng tuyên bố Bắc Kinh không tìm cách phá vỡ trật tự quốc tế.
Trong cuộc họp báo thường kỳ tuần trước, bà Phạm Thu Hằng, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định việc Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý cùng bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. "Việc Trung Quốc xây dựng, mở rộng trái phép công trình trên các bãi, đá và làm thay đổi nguyên trạng tại khu vực quần đảo Trường Sa không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, mà còn vi phạm DOC", bà Hằng nói. "Việt Nam phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động sai trái đó".
Theo VnExpess
Philippines: Trung Quốc đang hủy hoại tự nhiên trên Biển Đông Đại sứ Philippines công khai tố cáo hoạt động xây đảo của Trung Quốc trên Biển Đông đang hủy hoại môi trường biển, ảnh hưởng đến sinh kế của ngư dân các nước trong khu vực. Ngày 3/3, Philippines đã công khai bài phát biểu của đại sứ Philippines Irene Susan Natividad phiên họp của Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 23/2, trong đó...