Nữ cựu thanh niên xung phong trồng 200ha rừng trên sa mạc cát
“Nhìn những hàng cây vừa trồng lên lại khô héo khiến không ít lần hai vợ chồng định bỏ cuộc. Nhưng với quyết tâm, gia đình tôi đã trồng được 200ha rừng chắn cát dọc biển Hải Ninh”, bà Trần Thị Khương (SN 1953, trú xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) chia sẻ.
Ngày ấy, dọc bờ biển huyện Quảng Ninh, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) hầu như là những sa mạc cát trải dài, không có cây cối gì có thể sống nổi trên nền đất cát khô cằn ấy. Người dân nơi đây càng khổ cực hơn khi vào những ngày hè nóng nực, nhiệt độ trên những sa mạc cát có thể lên đến 50 – 60 độ C, kèm theo đó là nạn “bão cát”, đất đai bị cát bồi lấp không thể trồng trọt.
Nơi sa mạc cát khô cằn, cây giống gì mới trồng xuống đều không thể sống nổi
Từ những năm 1994 – 1996, nhà nước có triển khai dự án trồng rừng chắn cát dọc bờ biển Hải Ninh (huyện Quảng Ninh). Từ thành công của mô hình vườn ươm cây giống của gia đình, bà Khương đã đứng ra nhận trồng 200ha rừng chắn cát ven bờ biển Hải Ninh.
“Để trồng được 200ha đất rừng chắn cát đó, gia đình tôi đã phải bỏ ra rất nhiều tâm huyết, công sức. Có những lúc, nhìn thấy hàng nghìn cây giống vừa trồng lên đã bị chết khô trên vùng cát khô cằn, tôi đã định bỏ cuộc. Nhưng rồi hai vợ chồng lại động viên nhau cố gắng, rút kinh nghiệm sau những lần thất bại trước nên tỷ lệ cây giống trồng ra bị chết ngày một ít lại khiến chúng tôi mừng lắm”, bà Khương bùi ngùi nhớ lại.
Bằng ý chí chịu khó, không chịu khuất phục. Giờ đây, những đồi cát đã được phủ một màu xanh
Trời không phụ lòng người, bằng ý chí chịu khó, chịu khổ với mong muốn lớn nhất của hai vợ chồng là “phủ xanh đồi cát”, hàng vạn cây giống đã sống được trên vùng sa mạc cát khô cằn và ngày một xanh tốt. Đến cuối năm năm 1996, gia đình bà Khương đã giao toàn bộ 200 ha rừng chắn cát cho Nhà nước.
Không những trồng rừng chắn cát ven biển mà gia đình bà còn nhận đất rừng để khai hoang phục hóa trên địa bàn huyện Quảng Ninh. Đến nay, gia đình bà còn sở hữu trong tay hơn 80 ha rừng tràm và cao su đang trong giai đoạn phát triển tốt, chờ thu hoạch.
Video đang HOT
Nhìn ngôi nhà khang trang với một trang trại kinh tế, trồng rừng mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng ngay trên chính quê hương của mình, bà Khương không thể quên những ngày tháng khó khăn: “Ở cái chốn hoang vu này, ngày xưa có ai thèm ngó ngàng gì tới, bởi đụng đâu là gặp bom đạn ở đó. Năm 1992, giữa lúc khó khăn trăm bề, chúng tôi được nhà nước vận động nhận đất rừng khai hoang, phục hóa. Thấy chúng tôi nhận mảnh đất này làm ăn, rất nhiều người tỏ ra ái ngại, khuyên can chúng tôi chuyển sang chỗ khác an toàn hơn. Nhưng vợ chồng tôi vốn liều lĩnh, dám nghĩ, dám làm nên ngay khi nhà nước giao đất, chúng tôi đồng ý nhận luôn”.
Bà Khương còn được nhiều người biết đến vì làm kinh tế giỏi
Với nguồn lực đất đai sẵn có, bà Khương bàn với chồng mở rộng diện tích chăn nuôi thành mô hình trang trại. Đến nay, trang trại của bà đã có 70 con lợn nái, 1.500 con lợn thịt và trên 10.000 con gà. Mô hình trang trại giúp gia đình bà thu về mỗi năm hàng trăm triệu đồng tiền lãi ngay trên chính vùng đất khô cằn ấy. Không chỉ làm kinh tế giỏi, gia đình bà Khương còn góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng chục người dân địa phương với thu nhập từ 4 triệu đến 5 triệu đồng một tháng.
Điều hạnh phúc nhất đối với bà Khương và gia đình là được vinh dự Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tới thăm (Ảnh gia đình cung cấp)
Từ mảnh đất khô cằn với đầy rẫy bom đạn nằm sâu dưới lòng đất, bằng sự siêng năng và một ý chí kiên cường, nhẫn nại, đến nay, mảnh đất ấy đã trở nên trù phú, được phủ một màu xanh bạt ngàn của cây cối.
Nhưng điều khiến gia đình bà Khương hạnh phúc nhất là đã hai lần vinh dự được đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tới thăm.
Văn Lịnh
Theo Dantri
Thủ tướng: Chú ý việc khen thưởng đột xuất với người lao động trực tiếp
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc các bộ ngành cơ quan cần thực hiện tốt công tác khen thưởng, đảm bảo chính xác, kịp thời, nhất là khen người lao động trực tiếp và khen thưởng đột xuất; hoàn thiện chính sách khen thưởng liên quan đến yếu tố nước ngoài.
Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 59 của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương (ảnh: Chinhphu.vn).
Chiều 30/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã chủ trì phiên họp thứ 59 của Hội đồng nhằm đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm, những nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2015 và cho ý kiến về nội dung, chương trình, công tác chuẩn bị Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX. Tham dự phiên họp có Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, và các thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.
Báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015 cho thấy ngay từ những tháng đầu năm, các bộ, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương đã tổ chức nhiều phong trào thi đua với hình thức đa dạng, phong phú, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, trọng tâm là thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", gắn liền với việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Các phong trào thi đua được triển khai bài bản, có tiêu chí và nội dung thi đua rõ ràng, cụ thể, thiết thực, được người dân hưởng ứng tích cực, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Công tác khen thưởng được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện kịp thời, chất lượng khen thưởng được nâng lên. Các bộ, ngành, địa phương đã chú trọng sử dụng các hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền để khen thưởng kịp thời các trường hợp có thành tích; đồng thời quan tâm hơn trong việc khen thưởng các trường hợp có thành tích đột xuất, người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác,... Việc phong tặng, truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" được tập trung chỉ đạo thực hiện đạt kết quả tốt.
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là công tác tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng, tạo cơ sở pháp lý để quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng. Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và các bộ, ngành, địa phương đã chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc nâng cao chất lượng các phong trào thi đua và thực hiện công tác khen thưởng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về thi đua, khen thưởng tại các bộ, ngành, địa phương.
Đại hội thi đua yêu nước và hội nghị điển hình tiên tiến các cấp được tổ chức từ cơ sở, đảm bảo nội dung, kế hoạch đề ra, tạo khí thế thi đua sôi nổi và biểu dương, tôn vinh những điển hình tiên tiến, các nhân tố mới. Đến nay đã có 25 bộ, ngành, đoàn thể và địa phương tổ chức Đại hội thi đua.
Về công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, hiện Ban Tổ chức Đại hội đã họp phiên thứ nhất để triển khai kế hoạch tổ chức Đại hội, phân công nhiệm vụ cho các thành viên và thành lập 3 tiểu ban là Tiểu ban Nội dung, Tiểu ban Tuyên truyền, Tiểu ban Hậu cần và An ninh. Các tiểu ban đã xây dựng kế hoạch, phân công và triển khai nhiệm vụ, đến nay các tiểu ban đã thực hiện các công việc theo đúng yêu cầu, kế hoạch và tiến độ đề ra.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đánh giá phong trào thi đua trong những năm qua nói chung và trong 6 tháng đầu năm 2015 nói riêng tiếp tục phát triển sâu rộng, hiệu quả với hình thức phong phú, đa dạng; có nhiều phong trào tốt, mang lại hiệu quả cao;...
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị đảm bảo việc khen thưởng người lao động chính xác, kịp thời.
Kết quả đạt được trong các phong trào thi đua đã góp thiết thực vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước. Công tác khen thưởng cũng được triển khai kịp thời hơn, chính xác hơn, quan tâm hơn đến công tác khen thưởng trực tiếp người lao động, khen thưởng đột xuất.
Chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm phát động và triển khai sâu rộng, hiệu quả hơn nữa các phong trào thi đua, nhất là phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" và các phong trào thi đua được phát động trên từng lĩnh vực cụ thể nhằm hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần thiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc trong năm 2015 - một năm có ý nghĩa đặc biệt, năm cuối của Kế hoạch 5 năm 2011-2015.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt hơn nữa công tác truyên truyền đối với công tác thi đua, khen thưởng; tuyên truyền bằng các hình thức phong phú, phù hợp, hiệu quả,... qua đó góp phần nhân rộng phong trào thi đua, các mô hình hay, kinh nghiệm tốt, các điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào thi đua.
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác khen thưởng, đảm bảo chính xác, kịp thời, nhất là khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực, khen thưởng người lao động trực tiếp và khen thưởng đột xuất. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các chính sách liên quan đến công tác khen thưởng, trong đó có việc khen thưởng liên quan đến yếu tố nước ngoài.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã nghe báo cáo, thảo luận, xem xét, cho ý kiến cụ thể về nội dung, chương trình, công tác chuẩn bị Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 11/2015.
P.Thảo
Theo Dantri
Khánh thành khu lưu niệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ Ngày 29/7, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Long An đã long trọng tổ chức Lễ khánh thành và đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia khu lưu niệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Các đại biểu cắt băng khánh thành Đền tưởng niệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ Luật sư Nguyễn Hữu Thọ sinh ngày 10/7/1910 trong một gia đình...