Nụ cười và vẻ mặt cố chịu đau của con gái, trái tim tôi đau như có dao đâm
Con vẫn hay thì thào với mọi người rằng khi nào tóc tôi mọc ra thì tóc con bé cũng mọc, khi đó con sẽ hết bệnh.
Tôi đã từng là một người phụ nữ hạnh phúc. Sinh ra và lớn lên trong một mái ấm đúng nghĩa, tôi luôn tưởng tượng cuộc đời là màu hồng. Rồi tôi yêu và trở thành vợ của chính mối tình đầu suốt 5 năm càng khiến tôi chìm trong những ảo tưởng viên mãn.
Chồng tôi chiều chuộng vợ bậc nhất. Người ngoài nhìn vào đều khen tôi may mắn. Tôi cũng thấy thế. Chúng tôi chưa một lần to tiếng với nhau. Chồng tôi dù giận vợ đến đâu cũng chủ động làm lành trước để gia đình êm ấm. Cho đến một ngày anh trở về nhà, mặt buồn rầu thông báo kết quả kiểm tra sức khỏe mới nhất: Anh bị ung thư máu.
Sau hôm đó, bao nhiêu tiền bạc dành dụm được, chúng tôi đều đổ dồn để chữa bệnh, kéo dài sự sống cho anh. Nhưng mọi cố gắng chỉ duy trì được hơn 2 năm. Ngày anh ra đi, anh chỉ còn da bọc xương. Tôi suy sụp, đau đớn nhưng vẫn cố gượng mà chăm sóc con gái 4 tuổi. Đó là món quà quý giá nhất mà anh đã để lại cho tôi.
Sau khi chồng mất, con gái trở thành chỗ dựa cho tôi. (Ảnh minh họa)
Mẹ con tôi sống hiu quạnh trong căn nhà nhỏ. Mỗi khi nhìn con cười, tôi lại nhớ chồng da diết. Hai năm nữa trôi qua, tôi những tưởng đã có thể lấy lại thăng bằng trong cuộc sống thì một lần nữa, cuộc đời tiếp tục giáng cho tôi một cú đòn chí mạng.
Con gái tôi ngất xỉu trên trường, nhà trường đã đưa con đến bệnh viện. Nghe tin, tôi vội vã bắt xe tới bệnh viện. Cầm kết luận trên tay, tôi không sao đứng vững nữa. Con gái tôi chỉ mới 6 tuổi nhưng đã bị ung thư máu.
Tôi chết lặng khi nghe con hỏi về bệnh của mình. Cuộc sống của mẹ con tôi cũng gắn liền với căn phòng bệnh viện từ đó. Con gái tôi ngày càng hốc hác, tiều tụy. Da của nó xanh xao, yếu ớt.
Video đang HOT
Tôi đã khóc theo con trong những lần con bé phải hóa trị và lọc máu. Tôi từng ước gì mình có thể chịu đựng đau đớn thay con. Nhiều đêm nằm ôm con, tôi chỉ khóc và khóc.
Tôi biết sống làm sao khi mất con bé đây? (Ảnh minh họa)
Tiền bạc sau lần điều trị cho chồng tôi vốn đã chẳng còn. Giờ đến lượt con bé, tôi phải chạy vạy khắp nơi. Chúng tôi ăn cơm từ thiện vì chẳng dám mua cơm hộp. Tuy thế, tôi vẫn cố hết sức để kéo dài sự sống cho con bé.
Đầu tuần này, con gái tôi được bệnh viện cho về. Không phải vì nó đã khỏe hơn mà vì bệnh viện không còn chữa trị được nữa. Họ nói cho con về và hãy để con được sống những ngày thật vui vẻ cuối cùng.
Về nhà, con bé vẫn dùng thuốc giảm đau liều mạnh mỗi ngày. Tôi dẫn con bé đi siêu thị, ai cũng ngước nhìn mẹ con tôi. Chúng tôi mạnh mẽ bước đi với hai cái đầu trọc. Tôi đã cạo tóc từ ngày con hóa trị để tiếp thêm động lực cho con. Nhưng chẳng ai hiểu được, trái tim tôi đang chết dần theo con rồi.
Sức khỏe con bé càng lúc càng yếu đi. Nhưng con vẫn cười và cố gắng chịu đau, con vẫn hay thì thào với mọi người rằng khi nào tóc tôi mọc ra thì tóc con bé cũng mọc, khi đó con sẽ hết bệnh. Những lời nói của con chẳng khác nào dao đâm vào tim tôi. Tôi sợ lắm. Rồi tôi sẽ sống làm sao đây khi mất luôn con bé? Tôi sẽ sống nổi không nếu không còn con bé nữa? Tôi tuyệt vọng thật rồi.
Theo afamily
Miệng nói thương con dâu như con gái, nhưng cách hành xử 'nhất bên trọng nhất bên khinh' của mẹ chồng lại khiến tôi chạnh lòng
Bà mẹ chồng nào cũng nói thương con dâu như con gái, nhưng làm được điều đó lại chẳng có mấy người...
Ngày đi làm dâu, Phương cũng nghĩ sẽ yêu thương mẹ chồng như mẹ đẻ. Bởi vì chồng cô là con trai một trong nhà, dưới anh chỉ có một em gái. Cô em gái cũng đã lấy chồng và đi làm dâu nên có thể cho là nhà chồng Phương thuộc dạng neo người.
Vì thương chồng và tự tin vào khả năng hòa nhập của mình nên Phương chẳng ngại ngần khi chồng đề cập tới chuyện sau khi cưới sẽ về sống chung với bố mẹ anh. Phương nghĩ, dù sao sau này hai vợ chồng trẻ sinh con cũng cần bàn tay chăm sóc, đỡ đần của mẹ chồng, nên nếu có thể chung sống hoà thuận với ông bà sẽ tốt hơn, cháu được chăm bởi bà cũng còn hơn là được chăm bởi người lạ.
Nghĩ vậy, Phương hết mực nghe lời mẹ chồng, cũng biết điều lo lắng chu toàn cơm nước. Thi thoảng khi có đồng ra đồng vào, cô cũng hay bàn với chồng mua biếu mẹ chồng quà nọ quà kia cho bà phấn khởi.
Mẹ chồng Phương không thuộc dạng cay nghiệt, nhưng bà cũng không vồn vã với con dâu như Phương mong đợi. Bà ở cùng con dâu nhưng lúc nào cũng giữ khoảng cách nhất định, nói chuyện cũng chỉ thích nói thông qua chồng Phương, chẳng mấy khi chủ động chuyện trò với cô.
(Ảnh minh họa)
Mặc dù nhiều lần cảm thấy hai mẹ con hơi xa cách, nhưng Phương vẫn cố tạo thiện cảm để mong mọi chuyện sẽ đi lên theo chiều hướng tốt hơn. Cô nghĩ, âu thì cũng là người dưng trước khi về chung một nhà, chỉ cần cô thành tâm chắc bà sẽ hiểu.
Nhưng mọi chuyện có vẻ tệ hơn kể từ khi cô em chồng thường xuyên lui tới nhà Phương ở. Cứ mỗi khi cô em chồng đến, mẹ chồng Phương lại lích kích mua nào gà, nào chim để hầm thuốc bắc cho con gái ăn. Chiều Phương đi làm về bụng cũng đã đói meo, ngửi thấy mùi thơm ngào ngạt từ nồi gà hầm mà lại tủi thân cho phận làm dâu con của mình.
Con gái nhà người ta thì người ta cưng hơn trứng mỏng, còn phận làm dâu như Phương đến câu đãi bôi đầu môi cũng không có. Nhưng Phương biết thân biết phận, cũng chỉ dám tự tủi hờn vậy thôi chứ không hé răng nửa lời.
Đỉnh điểm có lẽ phải là cái trận Phương ốm sốt 40 độ, đi làm về mệt nên cáo ốm lên trên phòng nằm. Hôm ấy nhà chồng Phương lại tụ tập ăn uống nhân dịp cô em chồng sang chơi. Mọi người lích kích chuẩn bị ba mâm cơm ngon lành, cũng có gọi Phương xuống ăn nhưng mẹ chồng ngăn vội: "Thôi kệ nó, đau ốm không ăn được thì thôi. Mọi người cứ ăn trước đi!"
Nằm trên lầu nghe mẹ chồng nói câu lạnh tanh ấy, Phương lại chảy nước mắt khi nghĩ tới bố mẹ mình. Đúng là không ai thương mình hơn bố mẹ ruột, ở nhà bố mẹ cũng luôn muốn dành miếng ngon, miếng bổ dưỡng cho mình. Chứ còn đi làm dâu thì mấy ai quan tâm?
(Ảnh minh họa)
Những tưởng bi kịch cũng chỉ có thế, nhưng sáng hôm sau khi ốm dậy, người Phương vẫn còn hầm hập nóng, bước xuống nhà cố đi làm thì cô thấy bát đũa la liệt ở bồn rửa. Quá hoảng hồn trước đống chiến trường ngổn ngang, Phương nhìn chồng rơm rớm nước mắt. Chồng cũng hiểu nổi khổ tâm của cô, chỉ vỗ vai nhẹ an ủi vợ và hỏi mẹ:
"Mẹ, sao hôm qua ăn xong không bảo cái Linh nó dọn xong rồi hãy về? Ai lại bừa bộn ra thế này!"
"Thôi ai lại bắt nó dọn, để nó ăn xong còn về sớm không nhà chồng nó mong. Còn cái Phương nay dậy sớm mà, ù tí là xong chứ mấy. Lại cứ nằm õng ẹo tới trưa trời trưa trật mới dậy thì chả bừa cả nhà."
Từng câu từng chữ của mẹ chồng Phương như cứa vào trái tim đang rướm máu của cô. Cô nghĩ sao ngày xưa bà từng nói sẽ thương cô như thương con gái trong nhà, vậy mà giờ đây lại khác xa một trời một vực vậy?
Là con gái bà thì bà mong về chơi nhiều ngày, ở lại lâu, cho ăn nhiều món, thậm chí ăn xong còn không cần phải dọn. Còn là con dâu thì ăn uống gì, sống chết mặc bay, kể cả có ốm vẫn nai lưng ra làm cho đúng phận vợ hiền dâu thảo?
Nước mắt Phương lăn dài, cô không biết mình còn có thể chịu đựng cảnh phân biệt đối xử này bao lâu nữa...
Theo Afamily
Là một cô gái mạnh mẽ, em hiểu thế nào là cô đơn? Em chẳng cần ai vặn hộ nắp chai nước, xe có hư cũng tự dắt đi sửa, bóng đèn không sáng cũng tự tìm hiều để thay,... vì em là một cô gái mạnh mẽ. Chào em - cô gái mạnh mẽ đang quay cuồng giữa cuộc sống trầm bổng này. Em là người con gái đa năng, khi có thể tự thay...