Nụ cười trở lại với người phụ nữ nhiễm HIV từ chồng
Chỉ trong một năm, chị vừa làm vợ, làm mẹ, vừa nhận hung tin nhiễm HIV từ chồng. Chồng chết, chị rơi vào tận cùng nỗi đau nhưng người phụ nữ ấy đã đứng dậy để tìm kiếm nụ cười cho mình và đứa con gái nhỏ.
Nhận được tin chị giành giải nhất cuộc thi “ Ký ức gia đình – thắp sáng tương lai” với tác phẩm “Nụ cười trở lại”, chúng tôi tìm đến chia vui cùng chị. Khác với tưởng tượng của chúng tôi, chị khá kiệm lời khi nói về những bất hạnh của cuộc đời mình.
Chị có cái tên chân chất cha mẹ đặt cho nhưng tôi xin phép chỉ gọi chị là chị, cũng bởi lý do người dân quê chị chưa hiểu hết về căn bệnh thế kỷ. Chị muốn được sống bình yên sau những biến cố, để đứa con gái nhỏ được học hành, được vui chơi cùng chúng bạn và không bị kỳ thị xa lánh bởi là con của những kẻ nhiễm HIV.
Chị gần 30 tuổi, quê huyện Nam Đàn (Nghệ An), hai mí mắt sưng húp, có lẽ chị đã khóc rất nhiều cho số phận hẩm hiu của mình. Tốt nghiệp một trường ĐH khá nổi tiếng ở miền Trung, chị lên huyện miền núi Con Cuông làm việc. Công việc dù không phù hợp với chuyên ngành đã được đào tạo nhưng ở đó chị tìm thấy tình yêu của cuộc đời mình.
Sau đám cưới nho nhỏ, chị chuyển về huyện Đô Lương quê chồng để sinh sống và đón nhận niềm vui chuẩn bị làm mẹ. Thế nhưng, niềm hạnh phúc ấy chỉ “ngắn như một tiếng thở dài”. Chồng chị cứ ốm đau liên miên, hết bệnh này đến bệnh khác. Đưa chồng đi khám bác sỹ, chị càng hoang mang hơn bởi người ta cũng không tìm thấy nguyên nhân bệnh tình của anh.
Theo gợi ý của bác sỹ, chị đưa chồng đi khám tổng thể. Nhận kết quả xét nghiệm, chị tưởng như mình đã chết cả đời người. “Có lẽ suốt cuộc đời tôi không bao giờ quên được buổi chiều định mệnh đó, cảm giác bàng hoàng, khủng khiếp như vừa ngày hôm qua, khi bác sĩ thông báo chồng tôi đã nhiễm HIV. Đất dưới chân tôi như sụp đổ, nước mắt chảy dài, bàn tay run rẩy mặc cho các bác sĩ hết sức cảm thông vỗ về. Tôi lảo đảo bước đi vô định mặc cho chồng tôi chạy theo hỏi có chuyện gì thế? Tôi đưa cho anh tờ giấy xét nghiệm và câu hỏi: Tại sao? Anh đã làm gì để ra nông nỗi này? Lúc đó, tôi ngồi bệt xuống đất, khóc tưởng như không thể ngừng”(*).
“Đó là cú sốc quá lớn đối với tôi. Trong từ điển suy nghĩ của tôi chưa bao giờ có từ HIV. Nó quá xa lạ với một người sống lành mạnh như tôi”. Ngày nhận được cái tin khủng khiếp đó cũng chính là thời điểm chị đang mang thai tháng thứ 6. Lo sợ cả mình và con đều nhiễm căn bệnh chết người này, chị tiếp tục đưa chồng đi các bệnh viện khác để kiểm tra. Đau đớn hơn, chính chị cũng đã bị lây bệnh từ chồng.
Đau đớn đến tận cùng nhưng chị không dám tâm sự với ai. Nếu bố mẹ chị biết được, họ còn đau khổ đến nhường nào. Chị âm thầm chịu đựng nỗi đau giằng xé, cố gắng chăm sóc chồng đang ở giai đoạn cuối của căn bệnh. Chị cũng không muốn tìm hiểu nguyên nhân vì đâu bởi có biết, sự thật khủng khiếp và đau đớn này cũng không thể nào khác được. Điều hy vọng duy nhất của chị là những viên thuốc dự phòng lây nhiễm có thể cứu sinh linh bé bỏng đang ở trong bụng mình thoát khỏi cái án tử hình đang treo lơ lửng trên đầu.
Video đang HOT
Chị cứ bấu víu vào tia hy vọng nhỏ nhoi đó để gắng gượng sống tiếp. Chị mang thai tháng thứ 8, bụng đã vượt mặt nhưng vẫn theo ra Hà Nội để chăm sóc chồng ở Bệnh viện Lao phổi Trung ương. Bố chồng mất sớm, mẹ chồng đi bước nữa, lại không thể nói để bố mẹ đẻ chia sẻ, chị gần như kiệt sức để làm tốt “hai vai” của mình.
Rồi chị quyết định nói sự thật cho vợ chồng chú thím đằng nhà chồng khi họ ra Hà Nội thăm cháu để hy vọng có người giúp đỡ khi mình sinh con. Người chú tốt bụng khuyên chị về nhà, chị không đành lòng để chồng ở lại. Nhưng nghĩ tới con, chị vốn đã yếu, lại sinh con trong Bệnh viện Lao phổi, e rằng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của con nên quyết định về quê. 3h sáng, chị nhờ chú thím đưa xuống bệnh viện để sinh, không quên dặn khi nào sinh xong mới được báo cho mẹ đẻ.
“ Dằn lòng mình, vì con mà cố gắng nhưng tôi cũng không thể ngăn cản những giọt nước mắt tuôn trào khi con gái cất tiếng khóc chào đời. Sau khi sinh, tôi mệt quá nên thiếp đi. Lúc tôi tỉnh dậy là khoảng nửa đêm, ngoài trời mưa và lạnh quá!”. Sợ nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con nên chị cũng không dám cho con bú. Thương con khát sữa trong khi bầu sữa của mình căng tức nhưng chị đành cắn răng chịu đựng.
Ngày chị xuất viện, anh cũng xin về nhà điều trị để được gần vợ, gần con, để được nhìn thấy núm ruột của mình. Đó là những ngày giáp Tết, cái Tết đầu tiên chị làm vợ, làm mẹ nhưng đắng chát, thê lương. Trong nhà, chỉ có 3 con người, chị nằm giữa chồng và con. Khi con khóc, chị quay sang vỗ về. Con nín, chị lại ngồi xoa bóp để chồng bớt đau. Ngày Tết, thấy gia đình người ta hạnh phúc, xúng xính quần áo mới đưa nhau đi chúc Tết, chị chỉ biết ngồi khóc vì tủi thân, vì đau đớn.
Gắng gượng được qua Tết, anh cũng bỏ mẹ con chị. Chị chỉ dám cho bố mẹ biết chồng chết vì bị bệnh ung thư bởi AIDS còn là một điều quá đỗi khủng khiếp đối với người dân nơi đây. “Ma chay cho thằng H. (chồng chị) xong, có người bóng gió xa xôi rằng nó chết vì bị nhiễm HIV, tôi còn gạt đi, bảo người ta sao độc mồm. Nhìn con gái tiều tụy, xanh xao, tôi cũng chỉ nghĩ rằng nó quá mệt mỏi vì bên chồng ốm, bên con nhỏ. Hỏi thì nó gạt đi. Nó dấu bố mẹ vì sợ vợ chồng tui không chịu đựng nỗi mà ngã quỵ”, bà N. mẹ chị cho biết.
Thế nhưng rồi chính chị cũng ngã quỵ khi một mình chăm con trong thiếu thốn và đau đớn hơn mảnh đất hai vợ chồng chị ở trước kia nay lại bị những người phía anh em nhà chồng tranh giành. Chị kiệt sức, chị cần có một chỗ bấu víu và buộc lòng phải nói hết với bố mẹ đẻ để nhờ sự giúp đỡ. Cơn sốc qua đi, bố mẹ chị đón con và cháu gái về nhà chăm sóc.
Nhưng mảnh đất hương hỏa cho người chồng quá cố, đó cũng chính là thứ tài sản duy nhất vợ chồng chị có thể để lại cho con gái vì chị biết mình cũng không gắng gượng được bao lâu nữa. Chị cố gắng gượng đấu tranh để giành lại đất nhưng sức mình có hạn, sau khi gửi đơn nhờ cơ quan chức năng can thiệp, chị chán nản, bỏ mặc số phận. Chỉ bảo, bây giờ cứ nghĩ tới chuyện đất cát là đau hết cả tâm can. Niềm hy vọng và an ủi lớn nhất lúc này đã đứa con gái khỏe mạnh, lém lỉnh. Nó là động lực để chị vượt qua tất cả những khổ đau, cay đắng của cuộc đời mình.
Khỏe hơn một chút, chị xin làm công nhân cho một công ty may, lấy công việc làm niềm vui và kiếm thêm tiền mua sữa cho con. Nhưng rồi ốm đau liên miên, chị đành phải nghỉ việc ở nhà phụ giúp bố mẹ và chăm sóc cô con gái. Rồi khi biết Cuộc thi “Ký ức gia đình – thắp sáng tương lai” do Báo Gia đình Việt Nam tổ chức, chị viết câu chuyện cuộc đời của mình rồi gửi đi. Chị bảo, đó là cách để chị giải tỏa tâm trạng, để tìm kiếm sự chia sẻ của những người cùng cảnh ngộ, và nếu đạt giải, chị có thêm một khoản tiền nho nhỏ trang trải cho việc học hành của cô con gái.
Với tác phẩm “Nụ cười trở lại” – câu chuyện của người vợ, người mẹ đã chịu bao tủi nhục nhưng vẫn lạc quan, tin tưởng vào ngày mai, vào tương lai của đứa con nhỏ đã giúp chị vượt qua hàng nghìn cây bút chuyên và không chuyên để giành giải cao nhất của cuộc thi với giải thưởng 5 triệu đồng. Ngoài ra, chị còn tích cực tham gia các cuộc thi tìm hiểu lịch sử hay thi trắc nghiệm với mục tiêu lớn nhất là… giành phần thưởng, góp tiền để lo cho con.
Niềm vui lớn nhất bây giờ của chị là sự mạnh khỏe của đứa con gái. Nhờ sự nỗ lực của chị và cả những phép màu, cháu may mắn không bị nhiễm căn bệnh quái ác này từ bố mẹ. Chị chỉ mong con được học hành tới nơi tới chốn, không bị người đời xa lánh, kỳ thị và có một cuộc sống bình yên. Chị bảo, điều quan trọng nhất bây giờ là giữ được tinh thần ổn định, vui vẻ và cố gắng điều trị ARV để kéo dài thời gian được sống bên con. Chị sẽ tham gia các nhóm đồng đẳng, không để cho đầu óc mình phải vướng bận những điều không hay và để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ như mình.
Chúng tôi xin trích lại nguyên văn đoạn kết trong tác phẩm “Nụ cười trở lại” của chị để kết thúc cho bài viết này. “ Hai năm trôi qua, tôi đã vui vẻ và đi làm trở lại. Sau bao nhiêu tổn thương và đau đớn, tôi trở thành một người phụ nữ mạnh mẽ, kiên cường. Con gái tôi xét nghiệm và âm tính với HIV. Nụ cười đã trở lại. Chấm dứt chuỗi ngày đau khổ, tôi lạc quan, tin tưởng vào tương lai phía trước…”. Nụ cười sẽ trở lại với những ai sống có niềm tin!
Theo Dantri
Thân phận những phụ nữ có HIV
Chồng chết vì nhiễm HIV khi làm ăn xa nhà, bản thân cũng bị mắc căn bệnh thế kỷ này từ người "đầu ấp má kề" nhưng nhiều phụ nữ vẫn cố chống chọi với bệnh tật để nuôi con khôn lớn, tránh sự kỳ thị của xã hội.
Lấy chồng năm 1996, chị Đặng Thị Luyên (40 tuổi, ở cụm 7, xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) sinh được 3 con. Chồng chị thường xuyên đi làm ăn xa nhà. Tháng 1/2006, chồng chị bỗng nhiên ốm nặng, đi khám mới biết là nhiễm HIV, giai đoạn cuối. Vài ngày sau anh mất, để lại chị cùng 3 con thơ.
Chị Luyên vội đưa các con đi xét nghiệm. Kết quả, chị bị nhiễm HIV, rất may cả 3 cháu đều không bị lây nhiễm. Từ đó chị phải sử dụng thuốc hàng ngày.
Từ ngày chồng mất, chị phải đóng cả "vai" bố của các con. "Cháu lớn nhà tôi là học sinh giỏi nhiều năm đấy", chị Luyên tự hào khoe.
Rồi chị trầm ngâm: "Bệnh này chẳng nói trước được, không biết thế nào đâu. Chị em chúng tôi vẫn nói với nhau là phải cố sống được 10 năm nữa để các cháu trưởng thành thêm chút nữa thì mới yên tâm".
Chị Phùng Thị Hoan (22 tuổi, xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ) cũng bị lây nhiễm HIV từ chồng. Ngoài việc đồng áng, chị Hoan làm thêm nghề thu mua phế liệu kiếm tiền nuôi con.
Chồng chị Hoan chết cùng tháng với chồng chị Luyên. Hai chị gặp nhau trong một lần xuống bệnh viện Hà Đông lấy thuốc. Giờ hai chị đều là thành viên Câu lạc bộ Tự lực Hoa Hướng Dương. Những lúc rảnh rỗi, họ lại ghé thăm, động viên lẫn nhau.
Cả gia đình chị Luyên sống nhờ mấy sào ngô, Cháu Bùi Quốc Việt (con út chị) đi học về sớm, ra ruộng ngô giúp mẹ. Những đứa con là niềm vui, niềm động viên, mục đích sống lớn nhất của chị. "Không có các cháu, có lẽ tôi không sống nổi đến ngày hôm nay", chị Luyên nói.
Theo VNE
Hoa hậu HIV và những mùa xuân cuộc đời Chồng chết vì bị nhiễm HIV. Rồi chị và hai đứa con trai cũng nhiễm phải căn bệnh quỷ ác này. Vượt qua nỗi đau ấy, chị cố sống thật tốt, giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh. Số phận đưa đẩy, trái tim chị lại thổn thức với một người đàn ông khác. Bi kịch của một nhan sắc đang dần được...