Nụ cười ở nơi tưởng toàn nước mắt
Nói đến Viện huyết học là nói đến bệnh hiểm nghèo. Nói đến bệnh nhân ở đây là nói đến những người tưởng như đang tuyệt vọng. Thế nhưng, cũng tại nơi này, bệnh tật, đau đớn và nước mắt đã nhường chỗ cho những nụ cười trong buổi Trung thu “ kết nối yêu thương”.
Chiều 13/9, tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, những trẻ em không may mắn ở đây đã được hưởng một cái Tết Trung thu sớm, một Tết Trung thu thật đặc biệt. Chị Đào Thu Hà, một thành viên trong ban tổ chức cho biết, công tác chuẩn bị cho ngày Tết Trung thu này đã được thực hiện từ nhiều ngày qua và ngay từ sáng 13/9, nhiều anh chị, cô chú, đã có mặt để lo hậu cần. Một hội trường rộng với sân khấu vui mắt, một bộ âm thanh “khủng”, một dàn ca sĩ trẻ trung và tất nhiên, vô số quà (cả tiền và hiện vật) được gửi đến từ các đơn vị thuộc khối các doanh nghiệp Trung ương.
Thiệt thòi nhất và cũng là đối tượng được ưu tiên nhất chính là các bé đang bệnh nặng không thể xuống hội trường. Ngay khi được phép của các bác sĩ, đại diện các đơn vị cùng những bạn sinh viên tình nguyện đến từ Học viện Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã có mặt tại từng phòng để tặng quà cho các bệnh nhi. Dọc hành lang, tiếng trống rộn ràng, ông địa nghễu nghện đi trước, chú sư tử lăng xăng nhảy múa theo sau khiến không khí ở khoa nhi thực sự là một ngày hội.
Dù còn đeo trên tay hay dưới chân những chiếc băng quấn chặt kim luồn, nhiều bé vẫn ríu rít chạy theo chú sư tử để túm đuôi nghịch ngợm. Những em nhỏ hơn, được mẹ bế cũng hào hứng vỗ tay, mắt sáng long lanh tận hưởng một không khí vui nhộn chưa từng có.
Tiếng trống rộn ràng cùng chú sư tử vui tính đã thu hút lũ trẻ ra khỏi giường bệnh
Tuy nhiên, cũng có những đứa trẻ không thể bước chân ra khỏi giường bệnh. Em Nguyễn Văn Huy (14 tuổi), nằm trên giường, đôi mắt hướng ra cửa, nơi có tiếng trống rộn ràng xen lẫn tiếng cười lanh lảnh của nhiều em nhỏ. Mẹ Huy kiên nhẫn ngồi bên cạnh, tay cầm quạt phẩy nhẹ cho con dù thời tiết hôm nay khá mát mẻ. Nhà Huy ở tận Điện Tiến, Điện Bàn (Quảng Nam ). Em được phát hiện bệnh khi đang học lớp 7 và lần tái phát này, Huy phải ra Hà Nội điều trị.
“Lễ khai giảng vừa rồi, con không đến trường được nhưng vẫn đòi mua cho 3 bộ quần tây áo trắng, có gắn phù hiệu hẳn hoi. Lúc ra Hà Nội nhập viện, con bắt mẹ phải mang theo 3 bộ đồ đó” – người mẹ, mắt ngân ngấn nước kể về đứa con đang tha thiết được chữa khỏi bệnh để về đi học. Nhận suất học bổng “VNPT – chắp cánh tài năng Việt”, Huy xúc động lắm. Dù rất mệt mỏi, con vẫn cố nghiêng người, tự tay đặt khung giấy chứng nhận học bổng dựa vào chiếc tủ nhỏ cạnh giường rồi nhè nhẹ lướt các ngón tay trên mặt kính như đang chạm vào giấc mơ có thật. Đôi mắt đăm đắm của Huy dường như nói lên tất cả nỗi khát khao cháy bỏng được trở về với mái trường, với các bạn.
Kết nối yêu thương, truyền thêm nghị lực
Với tất cả những ai có mặt tại hội trường Viện huyết học và truyền máu Trung ương chiều 13/9, chắc đều cảm nhận được một không khí hết sức sôi động nhưng cũng rất nhiều cảm xúc.
Những ai chưa từng bước chân vào Viện huyết học và truyền máu Trung ương, có lẽ, điều mà họ nghĩ tới là thân hình quặt quẹo, những khuôn mặt đau khổ, những ánh nhìn đờ đẫn… Nhưng hôm nay, những khuôn mặt bừng sáng, những nụ cười hồn nhiên, những tiếng hát vui nhộn, những tiếng vỗ tay không ngớt và cả những cú nhảy ngộ nghĩnh của các bệnh nhi đã khiến cho mọi người hết sức bất ngờ và phấn chấn.
Chỉ trừ những em đang quá mệt, hầu hết bệnh nhi ở Viện đã có mặt tại hội trường. Những chú tò he do các nghệ nhân nặn tại chỗ, những chiếc đèn lồng đặc trưng của Tết Trung thu, chú sư tử ngoáy mông nhảy nhót và những món quà bất ngờ đã tạo nên một không khí tuyệt vời không kém bất cứ một lễ hội Trung thu hoành tráng nào. Sự hưng phấn không chỉ ở các em nhỏ mà còn lan tới cả cha mẹ của chúng, những người đã quá vất vả vì phải chăm sóc và lo lắng cho đứa con bệnh tật của mình. Khi được ca sĩ đưa micro, một bà mẹ đã vui vẻ hát khiến cả hội trường vỗ tay không ngớt.
Nếu không tận mắt chứng kiến, thật khó hình dung được những em bé mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo lại có thể cuồng nhiệt đến như vậy trong những trò chơi do các anh chị, cô chú mang đến
Giữa hàng trăm em nhỏ đang tận hưởng niềm hạnh phúc, hai chị em ruột của cô bé Trần Thị Như cũng quên đi tình cảnh đáng thương của mình, cất tiếng hát hòa theo ca sĩ Việt Tú trong bài Alibaba và bài Trống cơm. Như năm nay 17 tuổi, nhưng bệnh tan máu bẩm sinh đã khiến em trông chỉ nhỏ như đứa trẻ 12. Suốt 17 năm qua, Như đã phải chung sống với căn bệnh kinh khủng này, với nỗi vất vả dồn lên đôi vai bố mẹ em, hai người nông dân ở ngoại thành Hà Nội.
Bất hạnh hơn khi không chỉ mình Như mà cậu em trai kém Như 11 tuổi cũng bị phát hiện căn bệnh quái ác giống chị gái khi mới tròn 4 tháng tuổi. Kể từ lúc đó, cứ hàng tháng, 2 chị em lại đưa nhau vào viện để được truyền máu. “Bố mẹ em ở nhà làm ruộng, làm thuê lấy tiền chữa bệnh cho hai đứa nên em phải vừa điều trị, vừa chăm sóc em trai trong bệnh viện” – Như nói về sự bất hạnh của gia đình, nhưng khuôn mặt em không hề biểu lộ sự lo lắng. Có lẽ, niềm vui của sự chia sẻ trong Tết Trung thu này đã khiến em cảm thấy vững lòng hơn.
Hai chị em cô bé Trần Thị Như đã quên đi hoàn cảnh đáng thương của mình để tận hưởng ngày Trung thu đặc biệt
Điều dưỡng Tống Quang Mạnh, làm việc tại Trung tâm Thalassemia cho biết, hai chị em Như đều mắc bệnh tan máu do di truyền từ gen của bố mẹ hoặc người thân. Bệnh khiến cơ thể các em luôn ở thể trạng thiếu máu và hàng tháng, nếu không được truyền máu thì sẽ rất mệt mỏi, ốm yếu và phát sinh các bệnh khác như lách to phải cắt, biến dạng về xương, tiểu đường, suy gan, suy thận… “Mặc dù vậy, nhưng có những giai đoạn chúng tôi thiếu nguồn máu trầm trọng, phải cân nhắc nên truyền cho bệnh nhân nào trước, bệnh nhân nào sau” – anh Mạnh nói.
Đúng lúc điều dưỡng Mạnh đang chia sẻ thì ngay bên cạnh, một người mẹ sau khi nghe điện thoại đã vội vàng quay sang bế đứa con nhỏ ra khỏi chỗ ngồi. “Về thôi con, có máu để truyền rồi” – người mẹ gấp gáp nói và ra khỏi hội trường rất nhanh, khuôn mặt ánh lên niềm hy vọng.
Video đang HOT
“Một người mắc bệnh này, chi phí từ nhỏ cho đến năm 30 tuổi phải mất khoảng 3 tỷ đồng.” – anh Mạnh cho biết. Mặc dù các bệnh nhi đều có thẻ bảo hiểm y tế, tuy nhiên, số tiền 5% phải đóng thêm, cộng với các khoản chi phí khác cũng là một khó khăn cực lớn đối với những người nông dân như bố mẹ của chị em cô bé Như.
Có một sự kiện hết sức đặc biệt tại buổi Trung thu này, đó là sự xuất hiện của cô gái Hoàng Diệu Thuần – cũng là một bệnh nhân ung thư và là tác giả của cuốn tự truyện “Như hoa hướng dương”. Sau 7 năm mang bệnh, năm 2012, Thuần đã được ghép tủy thành công. Trong 8 năm qua, vừa chiến đấu kiên cường với căn bệnh hiểm nghèo, Thuần vừa viết sách, vừa hoàn thành chương trình đại học của Đại học Quốc gia Hà Nội. “Em chỉ muốn nói với các em nhỏ đang ở đây rằng, hãy kiên trì, hãy tin tưởng vào các bác sĩ. Tương lai còn ở phía trước và chúng ta sẽ chiến thắng bệnh tật” – cô gái nhỏ bé, vẫn còn đang phải điều trị tại bệnh viện nói.
Diệu Thuần, cô gái đầy nghị lực vừa đàn, vừa cất tiếng hát ngọt ngào tiếp thêm niềm tin cho các bệnh nhi ung thư
Cầm trên tay những suất học bổng khuyến học của VNPT, thưởng thức giọng hát ngọt ngào của Diệu Thuần khi cô tự tay chơi đàn ghi ta, nghe lời chia sẻ chân tình của cô gái kiên cường này, những đứa trẻ như Huy, như em trai của Như và cả người thân của chúng sẽ được thắp thêm niềm tin, tiếp thêm sức mạnh để hy vọng về một ngày nào đó, chúng sẽ được trở lại mái trường, với bạn bè, với thầy cô…
Có thể, những đứa trẻ còn quá nhỏ để cảm nhận được sự quan tâm mà rất nhiều cá nhân, tổ chức đã dành cho chúng, nhưng niềm vui mà các em được tận hưởng ngày hôm nay chắc chắn sẽ trở thành một kỷ niệm đẹp, một ấn tượng không thể quên và đặc biệt, sẽ trở thành một động lực lớn lao để vươn lên, vượt qua sự nghiệt ngã của số phận, tận hưởng những giây phút quý giá của cuộc đời và giành lấy sự sống từ tay thần chết.
Một số hình ảnh tại buổi Trung thu – Kết nối yêu thương:
Chú sư tử chạy dọc hành lang, ghé thăm các phòng bệnh để mang niềm vui Trung thu đến cho các bé
Khuôn mặt hài hước, đáng yêu của ông địa khiến em bé này, rất thích thú
Một cậu bé hiếu động, rình rập chú sư tử
Hai mẹ con hạnh phúc trước sự quan tâm của những đơn vị trong khối các doanh nghiệp Trung ương
Ông Nguyễn Tất Hồng Dương, Phó Tổng biên tập báo Điện tử VnMedia đến tận phòng những bệnh nhân nặng để trao các suất học bổng VNPT – Chắp cánh tài năng Việt
Huy, cậu bé đang là học sinh lớp 8 ngắm nghía phần học bổng, đôi mắt em chứa đựng nỗi khát khao được trở về với mái trường
Bà mẹ trẻ này, chắc đã từng khóc hết nước mắt vì con, hôm nay cũng đã nở nụ cười rạng rỡ
Giây phút này, cậu bé đã quên đi căn bệnh hiểm nghèo của mình để tận hưởng niềm vui được sống trong một trung thu đặc biệt
Sà vào lòng những nghệ sĩ múa lân như đến với người thân
Hòa tiếng hát cùng các ca sĩ trẻ
Ngay cả người mẹ bất hạnh này cũng đã quên đi nỗi đau, cầm micro hát cùng ca sĩ
Trong phút chốc, những nỗi đau bị đẩy lùi
Các y, bác sĩ, những người luôn đau đáu nỗi đau của các bệnh nhi cũng cùng các em tận hưởng niềm vui
Sung sướng được nặn tò he cùng các nghệ nhân
Say mê sáng tạo
Nhất đinh em sẽ lại đến trường trong sự yêu thương của gia đình và sự sẻ chia của toàn xã hội
Tuệ Khanh
Theo_VnMedia
Người chinh phục vạn trái tim
Gần bốn năm nay, Mai Thế Trung, sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội, hiến máu 14 lần, vận động hơn 50.000 người tham gia hiến máu, chủ yếu nhờ những câu chuyện bằng hình ảnh về những đứa trẻ bất hạnh "mong máu như mong mẹ đi chợ về".
Tại Khoa Nhi, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, nhiều em nhỏ khắc khoải chờ từng giọt máu. Có hai chị em ở cùng một gia đình đều mắc bệnh máu trắng. Hằng tuần, các bé đều phải truyền hóa chất 2-3 lần và truyền máu hai lần.
Bức ảnh chụp các em nhỏ thiếu máu tại Viện HHTM T.Ư luôn được Trung mang theo
mỗi khi đi vận động - Ảnh: Mai Thế Trung cung cấp
Cận tết, máu khan hiếm. Có tuần, các em chỉ được truyền máu một lần. Thiếu máu, những làn da xanh xao nằm yên trên giường chứ không vui đùa như mọi khi. Cây kim truyền máu bao giờ cũng gắn chặt trên tay nhỏ bé của các em.
Mẹ một bệnh nhi nói với Trung: "Sắp tết rồi muốn đưa các cháu về quê nhưng không đủ máu truyền nên chưa biết khi nào mới về được". Bé gái lớn mới bốn tuổi thầm thì với Trung "Cháu nhớ bà, nhớ bố".
Từ đó, mỗi lần đi tuyên truyền vận động hiến máu, Trung đều mang theo ảnh của các bé. Nhìn thấy, nhiều người khóc. Mấy bạn trai trông rắn rỏi cũng rơi nước mắt.
Một lần, Trung cùng một số bạn trong "Chi hội Thanh niên Tình nguyện Vận động Hiến máu Nhân đạo 1-12" tham gia vận động hiến máu. Quá trưa, mọi người mệt nhoài.
Đang ăn cơm thì có tin báo người nhà của một tình nguyện viên bị tai nạn, cần truyền máu gấp. Trung bỏ bữa cơm đang ăn dở, chạy đến Bệnh viện Việt Đức. "Cơm ăn lúc nào cũng được nhưng máu thì phải truyền ngay", bạn tình nguyện viên mắt ướt nhòe khi biết người thân qua khỏi cơn nguy kịch.
Mai Thế Trung - Ảnh: Nguyễn Hoài
Đếm đủ 84 ngày
Cứ ba tháng, Trung lại tham gia hiến máu một lần. Có lần vì quá sốt sắng, Trung đếm đủ 84 ngày là tham gia hiến máu. Hiến máu là cách gửi tiết kiệm máu của mình. Nếu không may phải truyền máu, bạn không những được ưu tiên mà còn được truyền đủ số lượng máu mà mình đã hiến.
Từng là Chi hội trưởng "Chi hội Thanh niên Tình nguyện Vận động Hiến máu Nhân đạo 1-12", giờ Trung là Phó Chủ tịch Hội Thanh niên Tình nguyện Vận động Hiến máu Nhân đạo thành phố Hà Nội. Nhiều khi Trung chưa kịp bước chân vào xóm trọ để tuyên truyền thì bị các bạn đóng sập cửa. Nhiều bạn khác tỏ vẻ không đồng tình bằng cách gây mất trật tự khi Trung tuyên truyền.
Vậy mà, đến thời điểm hiện tại, theo hồ sơ của Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, Trung đã huy động được hơn 50.000 người tham gia hiến máu nhân đạo. Rất nhiều trong số đó giờ trở thành đối tượng hiến máu nhân đạo thường xuyên.
Có người đã hiến máu đến sáu, bảy lần. "Giờ thì lúc nào mình cũng có thể huy động được khoảng 50 bạn tham gia hiến máu nhân đạo. Hai phần ba sinh viên lớp mình là những người hiến máu thường xuyên", Trung nói.
Nguyễn Mạnh Ninh, bạn cùng phòng nói: "Ban đầu mình kịch liệt phản đối chuyện Trung tham gia và tuyên truyền hiến máu. Mất quá nhiều thời gian. Nhưng thấy cậu ấy nhiệt thành quá nên mình tham gia hiến máu một lần". Giờ thì Ninh cũng là một đối tượng tham gia hiến máu nhân đạo thường xuyên.
Theo TNO
5 bệnh viện "chẩn" không ra bệnh, bé trai chờ chết Mỗi ngày từ 5 đến 6 lần bé Bảo sốt cao 39 - 40oC, máu truyền vào cơ thể được một tuần lại "cạn". Gia đình đưa cháu đi 5 bệnh viện nhưng mỗi nơi chẩn đoán một phách. "Tôi chỉ cần biết thằng bé mắc bệnh gì để nó có chết cũng không oan." Trường hợp thương tâm ấy là bé Dương...