Nụ cười khuyết
Mỗi khi ai đó hỏi tôi có buồn chuyện bố mẹ ly dị không, tôi đều nói dối rằng tôi không buồn. Tôi sợ ánh mắt thương hại của người đời.
ảnh minh họa
Tôi nhớ ngày còn bé, đất Sài Gòn sung túc và an lành lắm, nên việc ly dị được xem như cái gì đó rất ghê gớm. Có một cô bạn thời tiểu học, vì gia đình đổ vỡ nên bất đắc dĩ trở thành nạn nhân của những lời xì xầm nhỏ to. Con nhỏ thì muốn giấu kín chuyện, mà nhiều lúc ấm ức quá lại bắt đầu gắt gỏng với bạn bè. Cũng khoảng đó, gia đình bác tôi xích mích lớn đến nỗi chỉ còn cách ly dị để giải quyết. Tôi chẳng thể ngờ chuyện kinh khủng đó có thể xảy đến với chính người thân của mình. Tôi cũng thắc mắc làm sao các con của bác vẫn cứ bình thản như không.
Rồi cũng đến lượt bố mẹ tôi. Chỉ vài tháng sau kỷ niệm 20 năm ngày cưới, họ quyết định kết thúc hôn nhân chỉ với một tờ giấy, quyết định quay lưng lại với miền ký ức hạnh phúc mà cả gia đình đã đắp xây. Tuổi thơ tôi luôn bị ám ảnh bởi những trận cãi vã của bố mẹ, rồi ngày qua ngày trông chờ họ làm lành để được thở phào nhẹ nhõm. Nhưng may mắn là chúng tôi thi thoảng vẫn vui cười bên nhau – tôi khắc ghi hết để sau này còn được ấm lòng khi nhớ lại. Tôi sợ mai này, định nghĩa về mái ấm gia đình trong tôi chỉ còn là một khái niệm mơ hồ.
Nhưng bao nhiêu lời nguyện cầu, bao nhiêu giọt nước mắt, bao nhiêu niềm hy vọng cũng không níu kéo được bước chân bố tôi. Năm đó tôi mới học cấp 2, chẳng còn là trẻ con nhưng chưa được ai công nhận là người lớn. Tôi cần một bàn tay vững chải để dắt dìu tôi đi bước đầu tiên chập chững vào đời, một gia đình để quay về nếu tôi có lỡ vấp ngã giữa thế giới hỗn độn ngoài kia, một người cha để cảm thấy mình vẫn còn bé bỏng và được chở che. Vậy mà bố tôi vẫn không ở lại, không nghĩ cho trái tim đứa con gái đang vỡ ra từng mảnh đau nhói.
Ngày hôm đó, nắng chang chang mà trong phút chốc mọi tia sáng, mọi hơi ấm trong cuộc đời tôi biến mất hết. Trước khi bước ra khỏi cửa, bố nắm tay tôi và nói vỏn vẹn 3 chữ “Đừng có buồn”. Đó là lần duy nhất trong đời tôi không nghe lời bố dặn. Tôi đã buồn, buồn nhiều lắm – khóc nức nở suốt 3 ngày trời mà bố không về ôm ấp dỗ dành như ngày bé con. Khi ấy, tôi mới hiểu những lời ra tiếng vào thiên hạ nói năm xưa chạm vào nỗi đau của nhỏ bạn sâu dường nào. Và tôi hiểu, các chị họ tôi đã khó khăn lắm mới có thể diễn trọn vai mạnh mẽ.
Tôi vẫn luôn nhớ bố đến òa khóc. Những đêm nằm mơ về bố, thức dậy đã thấy hai khóe mi ướt đẫm. Những cơn ác mộng về bố khiến tôi không dám chợp mắt – tôi sợ mất bố. Những ngày đến trường, nhìn chúng bạn được bố đưa đi đón về, tôi thèm khát được một lần nữa tựa đầu vào bờ vai bố, hiền hòa và an yên. Nhớ bố, nhưng tôi chẳng thể chạy đến cạnh bên. Nhớ bố, tôi tự pha cho mình tách cà phê, ngồi cạnh cửa sổ và bật những bản nhạc Lệ Quyên mà bố vẫn hay nghe. Ừ thì mái nhà nơi tôi đang chung sống cùng bố chính là bầu trời xanh bao la ngoài kia. Và biết đâu ở vùng đất xa xôi ấy, bố cũng đang cùng tôi chết lặng trong điệu nhạc buồn thiết tha, nhâm nhi giọt cà phê đắng đến nghẹn tim?
Xã hội ngày nay, như đã không còn định kiến về hai chữ ly dị, đã không còn cái nhìn thiếu thiện cảm đối với những đứa trẻ lớn lên thiếu thốn tình thương mẹ cha. Bây giờ, viễn cảnh bố mẹ mỗi người một nơi sao quen thuộc và phổ biến quá. Tôi tìm thấy sự đồng cảm chính từ nơi mấy đứa bạn thân, vì quá trình trưởng thành của chúng tôi đều gắn liền với chuỗi ngày bất lực chứng kiến gia đình tan vỡ, chẳng thể nào hàn gắn. Gặp gỡ chúng nó, tôi vẫn vô tư chuyện trò, hồn nhiên cười đùa như rằng thế giới của tôi vẫn tràn ngập sắc hồng. Nhưng mấy ai hiểu, nếu không cố gắng gượng cười thì tôi tìm đâu ra sự lạc quan mà sống tiếp đến ngày mai? Nhiều lúc chênh vênh giữa dòng đời, tôi chỉ biết đưa tay lau khô nước mắt và ước ao phải chi có bố ở đây lúc này, chắc cuộc sống tôi sẽ khác đi nhiều lắm.
Trước đây, mỗi khi ai đó hỏi tôi có buồn chuyện bố mẹ không, tôi đều nói dối rằng tôi không buồn. Tôi sợ ánh mắt thương hại của người đời, sợ có trải lòng mình ra thì họ cũng chẳng thể nào hiểu cho thấu. Nhưng ngày hôm nay, tôi đủ can đảm để nhìn thẳng vào mắt họ mà nói rằng tôi đã từng và vẫn đang rất buồn. Và tôi sẽ kể họ nghe về cái con bé thuở ấu thơ, hay cười hay đùa với mọi người. Đến khi khôn lớn, con bé lại sống khép kín, chẳng còn dám đặt niềm tin nơi ai. Mặc dù nó cũng mơ mộng về chàng hoàng tử, về váy cưới trắng thanh tao, về ngôi nhà và những đứa trẻ. Nhưng nó sợ người chồng sẽ bỏ nó đi như cái cách bố nó bỏ mẹ nó, sợ những đứa con của nó sẽ trải qua nỗi niềm đắng chát như nó đã từng. Người đàn ông sinh ra nó đã khiến nó đau vô cùng, thì nó còn trông chờ yêu thương từ ai được nữa?
Video đang HOT
Thời gian mãi chẳng thể làm lành được vết thương này, nhưng ít ra tôi học được cách sống sao cho bình ổn với nỗi đau. Đôi khi tôi cũng muốn nói với bố rằng, “Bố ơi, bố quay về đi, con nhớ bố, gia đình cần bố. Chuyện cũ đau thương, con quên hết rồi bố à”. Nhưng lòng tự trọng và kiêu hãnh của một đứa con gái khiến tôi cứ lặng im hoài. Với lại, một đứa trẻ tuổi chưa chạm ngưỡng 18 như tôi, đã đủ chững chạc đâu mà dành cho mình cái quyền được lên tiếng cho cảm xúc, được chia sẻ những tâm tư cứ chất đầy theo năm tháng…
Theo PNO
Vì sao người lương thiện cả đời gặp nỗi buồn và trắc trở?
-Vì sao những người lương thiện như con lại thường xuyên cảm thấy khổ, mà những người ác lại vẫn sống tốt như vậy
Thầy hiền hòa nhìn tôi trả lời:
- Nếu một người trong lòng cảm thấy khổ, điều đó nói lên rằng trong tâm người này có tồn tại một điều ác tương ứng. Nếu một người trong nội tâm không có điều ác nào, như vậy, người này sẽ không có cảm giác thống khổ. Vì thế, căn cứ theo đạo lý này, con thường cảm thấy khổ, nghĩa là nội tâm của con có tồn tại điều ác, con không phải là một người lương thiện thật sự. Mà những người con cho rằng là người ác, lại chưa hẳn là người thật sự ác.
Một người có thể vui vẻ mà sống, ít nhất nói rõ người này không phải là người ác thật sự.
Có cảm giác như bị xúc phạm, tôi không phục, liền nói:
-Con sao có thể là người ác được? Gần đây, tâm con rất lương thiện mà!
Thầy trả lời:
-Nội tâm không ác thì không cảm thấy khổ, con đã cảm thấy khổ, nghĩa là trong tâm con đang tồn tại điều ác. Con hãy nói về nỗi khổ của con, ta sẽ nói cho con biết, điều ác nào đang tồn tại trong con.
Tôi nói:
-Nỗi khổ của con thì rất nhiều! Có khi cảm thấy tiền lương thu nhập rất thấp, nhà ở cũng không đủ rộng, thường xuyên có "cảm giác thua thiệt" bởi vậy trong tâm con thường cảm thấy không thoải mái, cũng hy vọng mau chóng có thể cải biến tình trạng này; trong xã hội, không ít người căn bản không có văn hóa gì, lại có thể lưng quấn bạc triệu, con không phục; một trí thức văn hóa như con, mỗi tháng lại chỉ có một chút thu nhập, thật sự là không công bằng; người thân nhiều lúc không nghe lời khuyên của con, con cảm thấy không thoải mái...
Cứ như vậy, lần lượt tôi kể hết với thầy những nỗi thống khổ của mình.
Thầy gật đầu, mỉm cười, một nụ cười rất nhân từ đôn hậu, người từ tốn nói với tôi:
Thu nhập hiện tại của con đã đủ nuôi sống chính con và gia đình. Con còn có cả phòng ốc để ở, căn bản là đã không phải lưu lạc nơi đầu đường xó chợ, chỉ là diện tích hơi nhỏ một chút, con hoàn toàn có thể không phải chịu những khổ tâm ấy.
-Nhưng, bởi vì nội tâm con có lòng tham đối với tiền tài và của cải, cho nên mới cảm thấy khổ. Loại lòng tham này là ác tâm, nếu con có thể vứt bỏ ác tâm ấy, con sẽ không vì những điều đó mà cảm thấy khổ nữa.
Trong xã hội có nhiều người thiếu văn hóa nhưng lại phát tài, rồi con lại cảm thấy không phục, đây chính là tâm đố kị. Tâm đố kị cũng là một loại ác tâm. Con tự cho mình là có văn hóa, nên cần phải có thu nhập cao, đây chính là tâm ngạo mạn. Tâm ngạo mạn cũng là ác tâm. Cho rằng có văn hóa thì phải có thu nhập cao, đây chính là tâm ngu si; bởi vì văn hóa không phải là căn nguyên của sự giàu có, kiếp trước làm việc thiện mới là nguyên nhân cho sự giàu có của kiếp này. Tâm ngu si cũng là ác tâm!
Người thân không nghe lời khuyên của con, con cảm thấy không thoải mái, đây là không rộng lượng. Dẫu là người thân của con, nhưng họ vẫn có tư tưởng và quan điểm của riêng mình, tại sao lại cưỡng cầu tư tưởng và quan điểm của họ bắt phải giống như con? Không rộng lượng sẽ dẫn đến hẹp hòi. Tâm hẹp hòi cũng là ác tâm.
Sư phụ tiếp tục mỉm cười:
- Lòng tham, tâm đố kỵ, ngạo mạn, ngu si, hẹp hòi, đều là những ác tâm. Bởi vì nội tâm của con chứa đựng những ác tâm ấy, nên những thống khổ mới tồn tại trong con. Nếu con có thể loại trừ những ác tâm đó, những thống khổ kia sẽ tan thành mây khói."
Con đem niềm vui và thỏa mãn của mình đặt lên tiền thu nhập và của cải, con hãy nghĩ lại xem, căn bản con sẽ không chết đói và chết cóng; những người giàu có kia, thật ra cũng chỉ là không chết đói và chết cóng. Con đã nhận ra chưa, con có hạnh phúc hay không, không dựa trên sự giàu có bên ngoài, mà dựa trên thái độ sống của con mới là quyết định. Nắm chắc từng giây phút của cuộc đời, sống với thái độ lạc quan, hòa ái, cần cù để thay thế lòng tham, tính đố kỵ và ích kỷ; nội tâm của con sẽ dần chuyển hóa, dần thay đổi để thanh thản và bình an hơn.
-Trong xã hội, nhiều người không có văn hóa nhưng lại giàu có, con hãy nên vì họ mà vui vẻ, nên cầu chúc họ càng giàu có hơn, càng có nhiều niềm vui hơn mới đúng. Người khác đạt được, phải vui như người đó chính là con; người khác mất đi, đừng cười trên nỗi đau của họ. Người như vậy mới được coi là người lương thiện! Còn con, giờ thấy người khác giàu con lại thiếu vui, đây chính là tâm đố kị. Tâm đố kị chính là một loại tâm rất không tốt, phải kiên quyết tiêu trừ!"
Con cho rằng, con có chỗ hơn người, tự cho là giỏi. Đây chính là tâm ngạo mạn. Có câu nói rằng: "Ngạo mạn cao sơn, bất sinh đức thủy" (nghĩa là: ngọn núi cao mà ngạo mạn, sẽ không tạo nên loại nước tốt) người khi đã sinh lòng ngạo mạn, thì đối với thiếu sót của bản thân sẽ như có mắt mà không tròng, vì vậy, không thể nhìn thấy bản thân có bao nhiêu ác tâm, sao có thể thay đổi để tốt hơn. Cho nên, người ngạo mạn sẽ tự mình đóng cửa chặn đứng sự tiến bộ của mình. Ngoài ra, người ngạo mạn sẽ thường cảm thấy mất mát, dần dần sẽ chuyển thành tự ti. Một người chỉ có thể nuôi dưỡng lòng khiêm tốn, luôn bảo trì tâm thái hòa ái từ bi, nội tâm mới có thể cảm thấy tròn đầy và an vui.
-Kiếp trước làm việc thiện mới chính là nguyên nhân cho sự giàu có ở kiếp này, (trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu). Mà người thường không hiểu được nhân quả, trồng dưa lại muốn được đậu, trồng đậu lại muốn được dưa, đây là thể hiện của sự ngu muội. Chỉ có người chăm học Phật Pháp, mới có được trí huệ chân chính, mới thật sự hiểu được nhân quả, quy luật tuần hoàn của vạn vật trong vũ trụ, nội tâm mới có thể minh tỏ thấu triệt. Để từ đó, biết làm thế nào lựa chọn tư tưởng, hành vi và lời nói của mình cho phù hợp. Người như vậy, mới có thể theo ánh sáng hướng đến ánh sáng, từ yên vui hướng đến yên vui."
-Bầu trời có thể bao dung hết thảy, nên rộng lớn vô biên, ung dung tự tại; mặt đất có thể chịu đựng hết thảy, nên tràn đầy sự sống, vạn vật đâm chồi! Một người sống trong thế giới này, không nên tùy tiện xem thường hành vi và lời nói của người khác. Dẫu là người thân, cũng không nên mang tâm cưỡng cầu, cần phải tùy duyên tự tại! Vĩnh viễn dùng tâm lương thiện giúp đỡ người khác, nhưng không nên cưỡng cầu điều gì.
-Nếu tâm một người có thể rộng lớn như bầu trời mà bao dung vạn vật, người đó sao có thể khổ đây?
Vị thầy khả kính nói xong những điều này, tiếp tục nhìn tôi với ánh mắt đầy nhân từ và bao dung độ lượng.
Ngồi im lặng hồi lâu...xưa nay tôi vẫn cho mình là một người rất lương thiện, mãi đến lúc này, phải! chỉ đến lúc này, tôi mới biết được trong tôi còn có một con người rất xấu xa, rất độc ác! Bởi vì nội tâm của tôi chứa những điều ác, nên tôi mới cảm thấy nhiều đau khổ đến thế. Nếu nội tâm của tôi không ác, sao tôi có thể khổ chứ ?
Xin cảm tạ thầy, nếu không được người khai thị dạy bảo, con vĩnh viễn sẽ không biết có một người xấu xa như vậy đang tồn tại trong con!
Theo VNE
Lên giường rồi vợ hỏi: "Sắp xong chưa?" Chồng ngán ngẩm khi vợ lên giường toàn hỏi: "Anh sắp xong chưa, em còn phải đi giặt đồ" Ai cũng biết, chuyện chăn gối không chỉ là một nhu cầu bản năng của mỗi cặp vợ chồng. Nó không chỉ là chuyện "cần phải làm" mà còn là sợ dây kết nối tình cảm vợ chồng thêm mặn nồng. Ai cũng hiểu...