Nữ công an suốt 40 năm khiến nhiều kẻ truy nã khiếp vía
Gần 40 năm làm công an xã, rồi công an thôn, người phụ nữ ấy đã “quên” không lấy chồng. Chị đã không ít lần một mình truy bắt những kẻ phạm tội, những kẻ trốn nã ẩn náu tại địa phương.
Không những thế, bằng tình cảm và trách nhiệm của mình, chị còn vận động nhiều đối tượng phạm tội ra đầu thú. Chỉ cần nghe đến tên người nữ công an thôn này, là những kẻ xấu đều phải kiêng dè. Vì quá mải mê với công việc, nên đến khi đầu hai thứ tóc chị mới giật mình thèm có một gia đình nhưng đã muộn, chị chỉ biết lấy công việc làm vui.
Niềm tự hào của người dân
Giữa rất nhiều những bóng hồng trong ngành Công an của cả nước, chị Trần Thị Minh (59 tuổi, Công an thôn Đông Hải, xã Tam Anh Bắc, Núi Thành, Quảng Nam) dẫu chỉ như một chấm nhỏ trong công tác gìn giữ ANTT, nhưng với người dân nơi đây lại khác, chị là niềm tự hào của nhiều người dân ở Quảng Nam.
Vì không hẹn trước, nên khi tìm đến ngôi nhà nhỏ của chị nằm bình lặng bên Quốc lộ 1A thì chị không có ở nhà. Chúng tôi phải ngồi đợi đến buổi trưa đứng bóng mới thấy chị về nhà trên chiếc xe đã cũ. Thấy chúng tôi ngồi đợi, chị cười rồi vồn vã: “Chị có chi mô mà viết! Các chú viết người khác đi, nhiều người còn đóng góp được nhiều hơn chị nữa!”. Mặc dù vậy, chị vẫn niềm nở mời chúng tôi vào căn nhà đơn sơ của mình.
Chị Minh chuẩn bị cho một lần tuần tra
Giữa danh sách hàng trăm công an viên của tỉnh Quảng Nam, cái tên Trần Thị Minh đã gây nhiều sự chú ý với mọi người. Hơn 37 năm nay, chị đã khiến nhiều người dân trong thôn, xã phải nể phục, còn các đối tượng phạm pháp thì sợ hãi, kiêng dè khi nhắc đến tên chị.
Chị đã góp sức cùng lực lượng công an làm tốt công tác giữ gìn ANTT tại địa phương. Địa bàn do chị phụ trách bao năm nay luôn được giữ vững. Chị cho biết cơ duyên đến với nghề của chị cũng thật tình cờ. Cách đây gần 40 năm, khi ấy, các cán bộ Công an huyện Núi Thành đến nhà chị đặt vấn đề đưa chị vào làm công an thôn.
Thời gian đó, chị gặp phải sự phản đối của mọi người thân trong gia đình bởi công việc của một công an viên vốn đã vất vả với nam giới, thì đối với những phụ nữ chân yếu, tay mềm như chị còn nguy hiểm hơn trăm bề.
Chị kể lại ngày mới “nhậm chức”, lúc ấy vừa kết thúc chiến tranh, cấp trên giao ngay cho việc dẫn anh em trong thôn đi tháo gỡ bom mìn, thu hồi chiến lợi phẩm, rồi “thân gái một mình” chị dẫn số anh em chế độ cũ đi học tập cải tạo. Đầu năm 2003, chị Minh được phân công phụ trách thôn Đông Hải, địa bàn trọng điểm tập trung các cơ quan hành chính, trường học cấp 2, cấp 3 và khu dân cư mới với cả trăm hộ dân từ nơi khác đến.
Là công an một thôn có địa bàn phức tạp, với hơn 8.400 khẩu thì có đến gần một phần mười đối tượng “cộm cán”. Có nhiều vụ việc đã xảy ra nhiều năm về trước, nhưng mỗi lần nhắc lại, tiếng tăm “bà công an thôn” khiến thanh niên trai tráng cả xã ai cũng nể. Thậm chí, đến đứa học trò quậy nhất trường trung học huyện cũng phải nói “chỉ sợ cô Minh công an”.
Không thể đếm hết những lần vây ráp tội phạm
Đã hơn 37 năm trong nghề, chị không thể đếm hết những lần vây ráp, đuổi theo các đối tượng gây rối ANTT, gây án và cả đối tượng bị truy nã. Địa bàn chị quản lý có nhiều diễn biến phức tạp với các loại đối tượng như nghiện hút, cờ bạc…
Có lần, đang đi tuần tra trong đêm tối, chị phát hiện một đối tượng truy nã đang một mình ngồi uống rượu, giả vờ như không biết, chị ngồi bên cạnh rồi lân la làm quen để được cùng uống. Khi ấy đối tượng chỉ nói: “Bà công an mà cũng đi nhậu sao?”. Chị chỉ biết cười đánh trống lảng: “Thì hết giờ làm việc tui cũng phải lai rai chứ!”, thế là hắn mời chị cùng uống.
Tưởng chị là phụ nữ uống không được, đối tượng liên tục chuốc rượu cho chị, ai dè hắn lại say trước. Trong cơn say, đối tượng thú thật với chị tên hắn là Trần Nhật Phước đang bị truy nã, phải trốn chui trốn lủi mãi ở Phú Quốc, đói rách quá mới mò về quê. Hắn bảo chị muốn bắt thì cứ việc, hắn không chống cự gì hết. Chị chỉ nhẹ nhàng: “Tôi biết chú bị truy nã, nhưng cứ ăn uống no say đi rồi sáng mai đến công an đầu thú cũng không muộn!”.
Video đang HOT
Nghe chị nói tình cảm như vậy, hắn gục đầu xuống khóc. Sáng sớm hôm sau, trước khi đưa đối tượng đi đầu thú, chị ra chợ mua một bộ đồ mới cho hắn mặc. Cảm kích trước tấm lòng của chị, sau thời gian cải tạo, kẻ trốn truy nã năm nào đã trở thành một ngư dân cần cù, chất phác. Mỗi lần đi biển về, thế nào cũng mang cho chị một ít quà của biển.
Chị tâm sự: “Suốt gần 40 năm theo nghề, đã quen với tiếng gọi của bà con, quen đến độ mọi công việc của địa phương, của người dân cũng thành việc của chính mình”. Vợ chồng cãi cọ, xô xát cũng có mặt chị; nửa đêm có người gây rối trật tự thôn xóm, chị cũng có mặt; vận động sinh đẻ có kế hoạch cũng là chị; thu các khoản nghĩa vụ, công ích cũng là chị… Cứ nghe tiếng bà con gọi là chị lại tất tả dắt xe đi ngay.
Những vụ án giết người xảy ra trên địa bàn xã, hay những đối tượng truy nã trốn về địa phương đều được chị phát hiện và phối hợp cùng công an huyện bắt giữ kịp thời. Chị bảo làm nghề vui lắm, vì được dân thương. Khi người dân tin mình thì việc gì cũng làm được một cách nhanh chóng.
Hạnh phúc là được cống hiến
Công việc và niềm hạnh phúc giản đơn là như thế, nhưng cũng có những lúc chị cảm thấy yếu lòng vì những hiểm nguy với công việc. Có những đêm chị cùng anh em hình sự mai phục bắt tội phạm nguy hiểm, chị tự hỏi: “Mình có cần thiết phải đeo theo nghề nguy hiểm này không?”. Cũng đôi khi chị gặp chuyện khó xử, muốn bỏ nghề, nhưng rồi công việc cứ cuốn chị đi mãi.
Nhìn chị Minh, không ít khách lạ sẽ chào nhầm chị bằng… ông bởi cái dáng đi phăm phăm, lúc nào cũng ưỡn ngực về phía trước, cái vẻ to khỏe, mạnh mẽ luôn thường trực trong phong cách của chị.
Da tay chị sần lên, đen bóng, gân guốc, giọng nói trầm đục, khuôn mặt cứng cỏi, nét thô mộc thường thấy của một người đàn, nhưng đôi mắt chị lại ấm áp và dịu dàng đến kỳ lạ. Gặp chị ở ngoài đời những lúc không bận bịu với công việc, ít ai biết rằng đằng sau vóc dáng ấy lại là “tinh thần thép” của một người phụ nữ đảm đương nhiều trọng trách.
Nhắc đến chị, nhiều đồng nghiệp thường gọi là “bà công an” một cách trìu mến, khâm phục. Còn chị chỉ cười đáp lại rằng để hoàn thành tốt nhiệm vụ, “bí quyết” là phải gần gũi, vận động người dân tự giác tham gia, tự giác tố giác tội phạm và sống chấp hành pháp luật.
Qua nhiều năm công tác, chị Minh rút ra kinh nghiệm dù là việc lớn hay việc nhỏ thì cách giải quyết của người cán bộ công an luôn phải hợp lòng dân, vừa thấu tình, vừa đạt lý. Đặc biệt trước những người từng lầm lỗi nhưng biết hối cải, chị Minh luôn đến với họ bằng tất cả khả năng nghiệp vụ cùng sự chân thành của một người thân, một người bạn.
Trong căn nhà đơn sơ của chị, chẳng có gì nhiều hơn là những tấm Bằng khen, những tấm Huân, Huy chương là phần thưởng tinh thần ghi lại những đóng góp của chị với công việc. Chị bảo, mấy năm trước thấy chị ở trong một căn nhà tranh ọp ẹp, lãnh đạo huyện Núi Thành đến đề nghị xây cho chị một căn nhà tình nghĩa, chị gạt phăng đi vì còn nhiều người khó khăn hơn chị gấp bội, họ cần hơn chị. Chị một thân một mình thì cần gì đâu.
Trong nhà chị chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc xe máy cũ kỹ là phương tiện làm việc, cùng một chiếc tivi đen trắng từ thời cổ lỗ sĩ làm bầu bạn những đêm khuya thanh vắng. Chúng tôi cũng không thể hiểu nổi, bởi đồng lương của chị chỉ vẻn vẹn có vài trăm nghìn đồng một tháng, không có gì thêm, với một núi công việc không tên mà chị thường ví nghề công an thôn của mình như cảnh làm dâu trăm họ, vậy làm sao chị có thể xoay xở để sống được, trong khi chỉ cần 3 cái đám cưới là hết.
Nhìn chị, nhìn cuộc sống của chị, chúng tôi không khỏi suy nghĩ khi thấy chị suốt ngày tất tả với công việc của mình, khi tuổi xuân đã qua lâu rồi, chị cũng đã “quên mất” cả thiên chức của người phụ nữ. Chị chỉ nói: “Chỉ sợ sau này mình già rồi, không có nơi nương tựa. Nhưng thôi, tôi lấy công việc làm niềm vui mà!”.
Những giờ rảnh rỗi, chị ngoài việc dọn dẹp nhà của mình, lại dành phần lớn thời gian đi thăm hỏi bà con hàng xóm láng giềng, trò chuyện với những con người lầm lỗi một thời đã hoàn lương. Chính nhờ có chị, cuộc sống người dân ở đây thêm phần yên bình, thêm phần tin yêu vào hình ảnh của lực lượng Công an nhân dân.
Ông Nguyễn Quốc Hội, Trưởng Công an xã Tam Anh Bắc nói về chị với vẻ tự hào: “Mỗi khi có vụ việc nào đó xảy ra tại địa phương, thấy có bóng dáng của chị Minh là chúng tôi rất tin tưởng. Bởi chị biết cách giải quyết vấn đề nhanh gọn mà lại hợp lý khiến ai cũng cảm phục. Trong gần 40 năm đảm nhiệm công tác gìn giữ ANTT tại địa phương, chị Minh luôn được người dân tin tưởng, đồng cảm và khâm phục”.
Trời ngả về tây, chúng tôi chào chị ra về mà vẫn còn thấy được niềm khao khát cháy bỏng của người phụ nữ quên mình cho công việc, một công việc lặng lẽ vì sự bình yên của xóm làng. Bây giờ chị đã bước sang tuổi 59, chỉ mấy năm nữa thôi, chị sẽ nghỉ hưu, ai sẽ thay được chị…
Theo Minh Ngọc
An ninh thủ đô
Ly kỳ bà trưởng công an thôn bắt trùm giang hồ bằng... thùng bia
Hơn 37 năm trong nghề chị đã trải qua biết bao vụ án khó quên. Nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất là việc thuyết phục được Phước "ổi", một tên tội phạm truy nã ra đầu thú.
Người công an thôn miệt mài với nhiệm vụ mà quên đi hạnh phúc riêng tư...
Hơn 37 năm kể từ ngày cô thôn nữ Trần Thị Minh (thôn Đông Hải, xã Tam Anh Bắc, Núi Thành, Quảng Nam) lên chức trưởng công an thôn. Bây giờ, cái tiếng về nữ công an "đặc biệt" này không còn gói gọn trong xóm làng Tam Anh nữa mà đã bay xa khắp. Nhắc đến chị, anh em trong ngành ai cũng phải trầm trồ, thán phục.
Gặp chị Minh vào một ngày đông lạnh lẽo, ấn tượng đầu tiên của tôi về người phụ nữ 55 tuổi này là dáng người to lớn, khuôn mặt rắn rỏi toát lên sự mạnh mẽ nhưng ẩn đằng sau đó là một sự thông minh, nhanh nhẹn và dễ gần đến lạ kỳ.
Người phụ nữ đặc biệt
Rót ly nước trà xanh mời khách rồi chị Minh tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề. Gia đình nghèo, lớp 2 đã phải nghỉ học nên ước mơ trở thành công an tưởng chừng như không thể. Rồi một ngày năm 1976, mấy cán bộ trên huyện đến động viên: "Con gái có tướng cao to, oai phong ri mà không làm công an thì phí lắm". Lúc đầu ngần ngại, nhưng sau thấy đúng sở thích nên chị liền gật đầu... đại.
Là trưởng công an một thôn có địa bàn phức tạp, với 8.000 dân thì đã có hơn 500 đối tượng "đen", ngày mới nhận nhiệm vụ chị lo lắm...
Vụ đầu tiên trong bộ quân phục là tham gia mật phục băng thanh niên trộm cướp khét tiếng. Nhiều đêm, thân gái một mình nằm lại giữa núi rừng hoang vắng, chị tự hỏi: "Mình có nhất thiết phải làm cái nghề nguy hiểm này không?". Nhưng sau đó, nghĩ về sự bình yên của người dân chị lại gạt phăng ý nghĩ đó.
Biết chị đang theo dõi, bọn cướp hăm dọa: "Con Minh mà còn theo dõi thì "xử" hết cả nhà luôn".Nhưng thầm nghĩ nếu không diệt trừ bọn chúng thì hậu quả càng khôn lường hơn, thế nên sau 5 tháng tìm hiểu, chị và đồng đội đã tóm gọn chúng sau một cuộc đọ súng quyết liệt.
Nghề nghiệp buộc chị phải nhanh trí và quyết đoán, chị luôn tự nhủ với lòng, tội phạm cũng vì hoàn cảnh xô đẩy nên mới quay lưng với pháp luật. Đôi khi dùng vũ lực không có hiệu quả nhưng chỉ cần kiên trì thuyết phục, giảng giải thì người ta sẽ hiểu ra...
Đúng vậy, tuy nhiều năm trôi qua nhưng giờ nhắc lại người dân Núi Thành vẫn trầm trồ thán phục: "Cô Minh gan thật, dám ôm xác chết đứng giữa đường chặn xe, quá liều luôn". Đó là vụ án đồng nghiệp của chị đã bắn chết một thanh niên chỉ vì va chạm nhỏ trong đêm văn nghệ.
Trong lúc cả sân vận động đều hoảng sợ, người công an kia vẫn lăm lăm khẩu súng. Biết rằng thật nguy hiểm nếu gã dùng khẩu súng để liều chết thoát thân. Chị liền lấy khăn che mặt nạn nhân lại, rồi nói chỉ bị thương nhẹ thôi và thuyết phục anh ta đưa vũ khí.
Cầm được khẩu súng trong tay, chị ôm xác nạn nhân chạy ra đường chặn xe đưa đi cấp cứu. Sau đó chị quay lại đưa đồng đội đi trốn vì biết nếu người nhà tới, họ sẽ đánh hung thủ đến chết.
Nghề nghiệp buộc chị phải nhanh trí và quyết đoán, chị luôn tự nhủ với lòng, tội phạm cũng vì hoàn cảnh xô đẩy nên mới quay lưng với pháp luật...
Bắt tội phạm đâu nhất thiết phải dùng vũ lực?
Rồi có những vụ án mà khi xong xuôi, nhìn lại chị tự hỏi không hiểu sao lúc đó mình liều lĩnh thế?
Đó là vụ việc làm rúng động làng quê yên bình một thời: ông Nguyễn Huynh vì ghen mà ra tay chém chết vợ. Đến sáng khi người dân có mặt thì ông đứng bên bà vợ đã chết, tanh mùi máu, tay vẫn cầm con dao và dọa nếu ai dám bước vào sẽ liều chết.
Mọi người ai cũng khiếp vía, nhưng chị Minh lại một mình đạp cửa xông vào và nói "chú đưa con dao đây, chuyện gì cũng có cách giải quyết cả", rồi lợi dụng lúc sơ hở chị nhanh tay đoạt lấy con dao và tóm gọn tên sát nhân.
Sau những vụ án đó tiếng tăm của bà trưởng công an thôn khiến thanh niên trai tráng khắp nơi phải "kiêng dè". Ngay cả những cu cậu choai choai quậy nhất trường Cao Bá Quát đóng trên địa bàn thôn chỉ cần nghe thấy... tiếng ho của cô Minh thì phải chạy mất dép.
Gần 40 năm trong nghề chị đã trải qua biết bao vụ án khó quên. Nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất là việc thuyết phục được Phước "ổi", một tên tội phạm truy nã ra đầu thú.
Một lần tình cờ gặp Phước trong quán nước nhưng chị giả vờ không biết gì, tìm cách tiếp cận và nói chuyện vui vẻ... Còn Phước "ổi" thì không lạ gì tài phá án của người phụ nữ đáng gờm này. Hắn biết rằng không thể thoát thân được nên đã dụ chị nhậu nhằm chuốc say để tẩu thoát.
Chị Minh nhấp chén trà, cười khà khà nói tiếp: "Nó hỏi tôi biết nhậu không? Tôi trả lời uống được chút chút thôi. Sau đó hai chị em uống hết thùng bia, uống được nửa chừng nó thú tội hết... Rồi còn hỏi tại sao không bắt nó? Tôi nhẹ nhàng khuyên giải, sáng mai ra đầu thú thì tội em sẽ được giảm nhẹ".
Thật vậy, sự chân thành của chị Minh đã cảm hóa được tên giang hồ khét tiếng. Ngay sáng hôm sau, anh ta cùng chị vào huyện đầu thú. Sau khi được trả tự do, Phước quyết tâm làm lại cuộc đời. Giờ đây, anh đang là một ngư dân siêng năng cần cù và xem chị Minh như "người mẹ thứ hai" của mình.
Lấy công việc làm niềm vui
Chị tâm sự: "Làm nghề vất vả nhưng vui lắm. Hạnh phúc lớn nhất là được dân thương yêu. Khi người dân đặt niềm tin vào mình thì chuyện khó đến đâu cũng giải quyết được".
Sau bao nhiêu năm thầm lặng cống hiến cho xã hội, bây giờ ở tuổi xế chiều, chị vẫn cô đơn trong căn nhà trống hiu quạnh do người cháu xây tặng. Công việc của chị vất vả, nguy hiểm là vậy nhưng mỗi tháng chỉ nhận được 700 nghìn trợ cấp.
Tạm biệt chị ra về, trên gương mặt chị vẫn hiện rõ nụ cười tươi. Nhưng tôi biết ẩn đằng sau đó là những nỗi lo toan cho cuộc sống mưu sinh và nỗi buồn vô tận của một cô gái đã qua tuổi thanh xuân từ lâu nhưng vì quá tất tả với công việc mà quên đi hạnh phúc riêng tư của mình...
Theo Khampha
Bà trưởng công an thôn bắt trùm giang hồ bằng... thùng bia Hơn 37 năm kể từ ngày cô thôn nữ Trần Thị Minh (thôn Đông Hải, xã Tam Anh Bắc, Núi Thành, Quảng Nam) lên chức trưởng công an thôn. Bây giờ, cái tiếng về một nữ công an "đặc biệt" này không còn gói gọn trong xóm làng Tam Anh nữa mà đã bay xa khắp. Nhắc đến chị, anh em trong ngành...