Nữ CEO xinh đẹp và hành trình xây dựng startup kỳ lân tỷ đô duy nhất tại Australia
Melanie Perkins đã xây dựng nên startup kỳ lân tỷ USD Canva từ tình yêu với thiết kế đồ họa và mong muốn tạo ra công cụ đồ họa ‘đơn giản, trực tuyến và hiệu quả’ cho những người không chuyên.
Năm 2013, Melanie Perkins (khi đó 24 tuổi) đã cùng các đồng sáng lập Cameron Adams và Cliff Obrecht ra mắt trang web Canva, cung cấp các công cụ thiết kế kỹ thuật số và tài nguyên thiết kế cho những người không có nhiều kinh nghiệm thiết kế.
Giao diện của Canva
Kể từ đó, trang web này đã không ngừng phát triển thành một nền tảng có 15 triệu người dùng trên 190 quốc gia.
Trên nền tảng thành công đó, năm ngoái bộ ba đồng sáng lập Canva đã huy động thành công 40 triệu USD từ các nhà đầu tư, trong đó có Sequoia Capital (một trong hai quỹ đầu tư mạnh nhất ở Mỹ), giúp Canva được định giá 1 tỷ USD và trở thành startup kỳ lân đầu tiên trong lĩnh vực công nghệ của Australia.
Ba năm trước, ở tuổi 28, Perkins đã được ghi danh vào danh sách 30 Under 30 của Forbes châu Á.
Động lực giúp cô gái trẻ Perkins – khi đó còn là sinh viên tại Đại học Tây Úc – nảy ra ý tưởng thành lập Canva đến từ vấn đề khó khăn khi làm việc với phần mềm thiết kế mà rất nhiều sinh viên trong lớp cô cùng gặp phải.
Perkins nghĩ rằng phải có một cách nào đó dễ dàng hơn để mọi người thể hiện được ý tưởng của họ mà không gặp khó khăn khi sử dụng Photoshop hoặc các phần mềm tương tự.
Nghĩ là làm. Bước đầu tiên là cô cùng với Cliff Obrecht, một bạn học đại học tạo ra Fusion Books vào năm 2007. Đây là một công cụ trực tuyến giúp tạo ra các niên giám học đường. Cả hai đã thành lập công ty và nhân rộng Fusion Books ra ngoài phạm vi Đại học Tây Úc. Hiện nay, công cụ này đã được hàng trăm trường học sử dụng và giúp tạo ra hàng ngàn cuốn kỷ yếu.
Năm 2012, bộ đôi sáng lập này đã gặp Cameron Adams, một cựu kỹ sư của Google và ba người đã nảy ra ý tưởng sử dụng các nguyên tắc thiết kế nền tảng của Fusion Books để tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Họ đã ra mắt Canva vào một năm sau.
Canva không giống bất cứ công cụ nào đã từng có trên thị trường. Thường thì các công cụ khác bị phân mảnh, yêu cầu người dùng tìm kiếm các yếu tố khác nhau như ảnh, bố cục và phông chữ ở các nơi khác. Sau khi có được các tài nguyên cần thiết, các nhà thiết kế sau đó phải sử dụng một công cụ như Photoshop để ghép các thiết kế của họ lại với nhau trong một quy trình chậm và khá phức tạp.
Trong khi đó, Canva đã tạo ra một giao diện duy nhất đủ đơn giản để các nhà thiết kế có thể đạt được kết quả tuyệt vời với những thao tác đơn giản.
Video đang HOT
Melanie Perkins, CEO và đồng sáng lập của Canva. Ảnh: Canva
“Chúng tôi muốn trao quyền cho tất cả mọi người để thiết kế mọi thứ và xuất bản chúng ở bất cứ đâu”, Perkins nói.
Perkins và các cộng sự của cô đã lo lắng rằng các nhà thiết kế chuyên nghiệp có thể sẽ không thích nền tảng mới có thể ảnh hưởng tới “lãnh địa” độc quyền của họ. Thế nhưng, cả nhóm đã rất ngạc nhiên khi thấy rằng các nhà thiết kế chuyên nghiệp đã tích cực sử dụng công cụ của họ để tương tác với khách hàng.
Tuy nhiên, cũng vì thành công quá nhanh với quy mô và tốc độ tăng trưởng lớn đã đặt Canva trước những thách thức. Canva đã phát triển từ đội ngũ ban đầu chỉ gồm 8 nhân viên cho đến hiện tại là hơn 300 nhân viên. “Mỗi lần lượng nhân viên tăng gấp đôi, mọi thứ bắt đầu khó kiểm soát”, Adams, người hiện là giám đốc sản phẩm của Canva cho biết.
“Bất cứ ai là người mới đến Canva đều phải trải qua quá trình ‘bước lên chung thuyền’, nơi chúng tôi ghép họ với một người bất kỳ trong nhóm của họ và để người đó hướng dẫn họ”, Adams nói thêm. Họ sẽ được chỉ dẫn rất nhiều từ những chi tiết kỹ thuật nhỏ của Canva cho đến những triết lý rộng lớn hơn và cả những giá trị mà công ty hướng đến cũng như cách chúng tôi đưa ra quyết định.
Các nhà lãnh đạo Canva cho biết, từ tháng 7/2017, công ty đã nhận được nhiều nguồn doanh thu. Thứ nhất, là doanh thu từ những người dùng trả tiền, họ phải trả 12,95 USD mỗi tháng cho mỗi tài khoản đăng ký, mặc dù cũng có sẵn phiên bản cơ bản miễn phí. Thứ hai, tất cả người dùng phải trả 1 USD cho mỗi bức ảnh được mua từ trang web. Fusion Books có mẫu trả tiền cho mỗi lần in, cũng như thanh toán cho các bức ảnh được sử dụng.
“Chúng tôi đang tập trung vào việc tiếp tục phát triển Canva để mở rộng khả năng tiếp cận với nhiều người dùng hơn trên toàn cầu và chúng tôi cũng đang còn rất nhiều mục tiêu để hiện thực”, Perkins cho biết.
“Mặc dù, chúng tôi đã có những bước tiến lớn trong việc hiện thực hóa tầm nhìn trong vài năm qua, nhưng chúng tôi chỉ mới thực hiện được 1% trong kế hoạch giúp công ty và đưa ra nhiều cải tiến để có thể trao quyền cho cộng đồng những nhà thiết kế”, cô nói thêm.
Để thúc đẩy tăng trưởng, Canva đã điều chỉnh các công cụ của mình cho phù hợp với từng thị trường. Canva gần đây đã ra mắt một phiên bản tiếng Trung với phông chữ tiếng Trung, các mẫu thiết kế phù hợp với văn hóa bản địa và có thêm một nhóm hỗ trợ tại Bắc Kinh.
“Thật không thể tin được khi chứng kiến Canva hiện được sử dụng tại 190 quốc gia và có sẵn hơn 100 ngôn ngữ. Năm ngoái, chúng tôi đã ra mắt một số ngôn ngữ phức tạp hơn, chẳng hạn như tiếng Ả Rập và tiếng Do Thái. Điều này cũng buộc Canva phải thiết kế lại toàn bộ giao diện vì hai ngôn ngữ này thường đọc từ phải sang trái”, Perkins cho hay.
Tất nhiên, như một hệ quả tất yếu, khi phát triển lớn hơn, Canva cũng sẽ phải đối mặt với các đối thủ lớn hơn như Adobe – công ty tạo ra Photoshop.
Phiên bản miễn phí của Canva hiện đang được sử dụng bởi hơn 25.000 tổ chức phi lợi nhuận, nhờ đó nó góp phần tạo nên nhiều hành động đẹp hơn. Đây là điều đáng kinh ngạc cho thấy tác động mà công cụ của chúng tôi đã tạo ra, Perkins nói thêm.
“Hầu hết mọi nghề nghiệp đều cần tạo ra nhiều nội dung trực quan hơn. Canva sẽ là nền tảng cung cấp ‘năng lượng’ cho lực lượng lao động hiện đại”, cô khẳng định.
Theo bizlive
CEO Viber phản hồi bài viết 'Những sự thật về Facebook' của Mark Zuckerberg
Dưới góc độ của một người trong cuộc, ông Djamel Agaoua - CEO Viber đã có những ý kiến phản hồi về bài viết của Mark Zuckerberg trên tờ Wall Street Journal (WSJ).
Sau khi đọc bài viết "Những sự thật về Facebook" của nhà sáng lập mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook trên tờ Wall Street Journal hồi cuối tháng 1 qua, ông Djamel Agaoua - CEO của Viber đã rất ấn tượng với những chia sẻ mà Mark Zuckerberg đề cập trong bài.
Dưới góc độ của một người trong cuộc, ông Djamel Agaoua đã có những ý kiến phản hồi bài viết trên. Những quan điểm mà vị CEO của nền tảng nhắn tin toàn cầu đưa ra vừa khái quát tình hình thực tế vấn đề bảo mật thông tin nóng hổi hiện nay vừa phân tích những hướng đi mới cho những công ty công nghệ hàng đầu thế giới.
Ông Djamel Agaoua - CEO Viber.
"Hãy làm điều đúng đắn!",
Djamel Agaoua - CEO Viber
Tôi vừa xem qua bài viết "Những sự thật về Facebook" của nhà sáng lập mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook đăng tải trên tờ Wall Street Journal và khá ấn tượng. Bằng việc tránh sử dụng những biệt ngữ khó hiểu với giọng văn dễ hiểu vốn rất hiếm gặp tại thung lũng Silicon, Mark đã giải thích cách thức và lý do nền tảng Internet của anh ta sử dụng thông tin và những mối quan hệ cá nhân của chúng ta để vận hành, và quan trọng hơn là để kiếm tiền. Bài viết của Zuckerberg có thể được hiểu như một lời biện hộ công khai và chân thành. Đây cũng chính là ống kính phản ánh thực trạng chung của nền công nghệ tiêu dùng, cùng sự lựa chọn giữa đạo đức và lòng tham mà chúng ta phải đối mặt.
Lá thư của Zuckerberg là lời nhắc nhở rõ ràng về một sự thật đơn giản rằng, ngành công nghệ đã khiến người dùng thất vọng ở vô số những điểm then chốt. Phần lớn những thất bại này đều đến từ thiếu sót chứ không xuất phát từ chủ ý. Tuy nhiên, chúng lại là những triệu chứng của một căn bệnh lớn hơn mà chúng ta thường dễ mắc phải khi cố gắng đuổi theo lợi nhuận. Căn bệnh này chính là việc sẵn lòng, nếu không phá vỡ những quy tắc, luật lệ, thì bẻ cong chúng để phù hợp với lợi ích của mình. Mặc dù bản thân nhiều vụ xâm phạm, lạm dụng quyền riêng tư và dữ liệu người dùng bị lộ trong vài tháng gần đây không vi phạm pháp luật, nhưng chúng lại là một sự đả kích không thể chối cãi đến tinh thần khi đưa khách hàng trở thành trung tâm của những quy chuẩn đạo đức trong giới kinh doanh.
Mark Zuckerbeg - CEO Facebook.
Tại Rakuten Viber, chúng tôi không phải là những nhà hảo tâm hay những người hoạt động xã hội, càng không phải những người cực đoan hay chính trị gia. Nhưng chúng tôi luôn tin rằng, những công cụ nhắn tin đóng vai trò rất quan trọng trong việc thể hiện quyền tự do ngôn luận - một quyền cơ bản của con người, và nên được cung cấp miễn phí, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Theo lẽ tự nhiên, để duy trì điều này, doanh nghiệp chúng tôi cần phải có lợi nhuận và rắc rối nảy sinh từ đây.
Chỉ có hai cách để làm điều này lâu dài: (1) trở thành một nền tảng (như mô hình Wikipedia) hoặc (2) mở cửa hợp tác để kiếm lời với các thương hiệu muốn tiếp cận người dùng của chúng tôi. Chúng tôi đã chọn cách thứ hai và đang rất thành công. Chúng tôi biết rằng mình có thể tạo dựng những hình thức kinh doanh lớn và có khả năng mở rộng mà không cần lợi dụng ai. Trên thực tế, như ông Zuckerberg đã chỉ ra, đa số công ty công nghệ đều phải đảm bảo tính bảo mật và toàn vẹn của thông tin người dùng để duy trì lợi thế cạnh tranh.
Quảng cáo nhắm đến đối tượng khách hàng cụ thể dựa trên sự cho phép của người dùng, các điều khoản người dùng rõ ràng và siêu dữ liệu được bảo mật kín là những hình thức minh bạch và ổn định để vận hành nền tảng tiêu dùng. Tuy nhiên, vấn đề bắt đầu nảy sinh khi một số doanh nghiệp có tham vọng quá lớn, quyết định vượt quá giới hạn và đặt phương châm "tiến nhanh và phá vỡ mọi thứ" rồi sẽ sửa chữa sau lên trước việc tôn trọng quyền giao tiếp riêng tư của chúng ta.
Chúng ta phải đánh giá các công ty công nghệ, cũng giống như con người, qua những việc họ làm chứ không phải những lời họ nói. Có thể thấy rõ ràng rằng, công ty nào coi trọng và tích hợp những tính năng bảo vệ quyền riêng tư như mã hóa dữ liệu hai chiều hay quản lý thận trọng thông tin người dùng, đều là những người "quản gia" trung thực, đáng tin tưởng và đầy trách nhiệm trong việc quản lý đời sống số của chúng ta. Còn đối với những công ty chú trọng vào "tiến nhanh và phá vỡ mọi thứ" thì cuối cùng, thứ họ phá vỡ sẽ là niềm tin của khách hàng.
Với tư cách là một sản phẩm và một doanh nghiệp, Facebook đã thực hiện rất nhiều điều đúng đắn - ở một quy mô chưa từng thấy trước đây trên thế giới. Đây là những thành tựu to lớn và mang lại nhiều ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội của chúng ta. Đi đôi với những thành tựu này là một trách nhiệm không thể tránh khỏi: Đặt tiêu chuẩn hành xử cho phần còn lại của toàn ngành công nghiệp và thế giới. Tôi tin rằng, Facebook có thể thay đổi không chỉ ngành công nghiệp công nghệ, mà cả cấu trúc văn hóa của chúng ta bằng cách cam kết sẽ mặc định bảo vệ quyền riêng tư của người dùng và bảo mật mã hóa.
Đây là lý do tôi đang kêu gọi Facebook và toàn bộ ngành công nghiệp công nghệ cùng chung tay với chúng tôi trong một Cam kết Bảo mật:
- Không đọc hoặc lưu trữ bất kỳ cuộc trò chuyện riêng tư nào.
- Không nghe hoặc ghi âm bất kỳ cuộc gọi riêng tư nào.
- Không quét kiểm tra bất kỳ phương tiện truyền thông cá nhân nào được trao đổi (hình ảnh hoặc video).
- Không nghe các cuộc hội thoại trực tiếp qua micro của điện thoại di động.
- Theo mặc định, tất cả các cài đặt (như mã hóa hai chiều) sẽ được đặt thành tùy chọn an toàn nhất. Nếu cần, người dùng sẽ phải tự mở khóa các tính năng bảo mật đó và đồng thuận với những điều đó.
Hơn nữa, những việc làm này cần phải được giải thích cho người dùng bằng loại ngôn ngữ thường được giới kỹ sư gọi bằng cái tên "ngôn ngữ người thường". Điều này đồng nghĩa với việc phải có một thỏa thuận minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu và có thể được giải thích trong một vài dòng.
Cam kết này có thể đem đến một cuộc cách mạng về niềm tin rằng nếu "con người" là trung tâm của sản phẩm chúng ta cung cấp, thì quyền riêng tư của "chúng ta, những con người" chính là điều tối quan trọng. Đã đến lúc cho thế giới thấy rằng, công nghệ còn hơn cả những tiến bộ vượt bậc, cổ phiếu IPO và sự dư thừa. Đã đến lúc sử dụng những công cụ chúng ta tạo nên không vì mục đích lợi dụng, chuyển nhượng hay rút cạn, mà để tạo nên những tín hiệu của sự công minh, sự tôn trọng và bảo vệ người dùng.
Thế giới đang chờ đợi. Quyết định thuộc về ông, ông Zuckerberg, liệu ông sẽ làm điều đúng đắn?
Theo dân việt
Australia cân nhắc biện pháp cứng rắn với Google và Facebook Australia đang cân nhắc đề xuất các biện pháp cứng rắn nhằm hạn chế sự tác động của Google và Facebook đối với báo chí. Ủy ban cạnh tranh và người tiêu dùng Australia (ACCC) vừa thông báo khả năng sẽ đưa ra khuyến nghị cứng rắn đối với các tập đoàn công nghệ lớn như Google và Facebook để bảo vệ tương...