Nữ bệnh nhân thoát chết nhờ bác sĩ cho… nợ viện phí
Không đáp ứng được khoản tiền hơn 500 triệu đồng tại một bệnh viện tư, nữ bệnh nhân phải chuyển đến Chợ Rẫy. Xác định người bệnh đang trong tình trạng đặc biệt nguy kịch, bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa, “viện phí tính sau”.
Nữ bệnh nhân phải nhập viện điều trị trong tình trạng nguy kịch nhưng không đủ tiền chạy chữa
Đó là trường hợp của nữ bệnh nhân Lê Thị Quỳnh Dao (32 tuổi, quê Kon Tum, tạm trú tại quận 7, TPHCM). Sáng 18/5, chị bất ngờ lên cơn đau ngực, khó thở, choáng… phải đến cấp cứu tại Bệnh viện Quận 7. Sau khi thăm khám, bác sĩ đã chuyển chị Dao sang một bệnh viện tư nhân về chuyên khoa tim mạch trên cùng địa bàn.
Theo thông tin từ chị Lê Thị Quỳnh Liên (em gái bệnh nhân): “Sau khi nhập viện, chị em được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán bị viêm cơ tim cấp. Phía bệnh viện đề nghị gia đình đóng hơn 500 triệu đồng mới đủ chi phí cứu chữa. Gia đình khó khăn, không thể lo nổi khoản viện phí khổng lồ trên nên em định chờ cho chị tạm ổn rồi tính tiếp”.
Tuy nhiên, sau khi nhập viện bệnh nhân bắt đầu lên cơn co gồng, tím tái, suy hô hấp. “Không thể nằm lại bệnh viện tư vì gia đình em chưa có tiền đóng viện phí, em phải nhờ hỗ trợ chuyển chị gái lên bệnh viện Chợ Rẫy. Khi vào viện, chị em đã rơi vào tình trạng tím tái, hôn mê…”
Ngày 21/5, BS Huỳnh Quang Đại, khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay: “Đây là trường hợp viêm cơ tim cấp do bị vi rút tấn công vào tim. Bệnh nhân được bóp bóng để đưa tới Chợ Rẫy, qua thăm khám xác định người bệnh bị hôn mê, huyết áp tụt, sự sống chỉ còn tính bằng giờ”.
Video đang HOT
Bác sĩ quyết định “cứu người bệnh trước, chi phí tính sau”
Trước tình huống khẩn nguy, các bác sĩ chỉ định cho người bệnh chạy ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể) với hi vọng “còn nước còn tát”. Tuy nhiên, chi phí vận hành máy lên tới 100 triệu đồng, những khoản điều trị khác tối thiểu cũng tốn thêm 200 triệu.
“Bệnh nhân làm nghề uốn tóc, không có bảo hiểm y tế. Khi tiếp xúc tư vấn, người nhà cho biết không thể lo nổi viện phí vì bản thân bệnh nhân còn phải nuôi mẹ già và 3 đứa con nhỏ, điều kiện rất khó khăn. Chúng tôi cũng bị đẩy vào thế khó, nhưng nếu chờ đủ tiền mới cứu chữa thì người bệnh chắc chắn sẽ tử vong. Bệnh viện đã quyết định dồn tổng lực để cứu bệnh nhân trước, viện phí tính sau” – BS Quang Đại chia sẻ.
Nhờ đó, 3 ngày sau khi nhập viện, chị đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt nhưng chức năng tim mới chỉ đạt được khoảng 20% so với người bình thường. Hiện chi phí điều trị đã lên tới 200 triệu đồng nhưng gia đình mới chỉ đóng được 70 triệu đồng. Dự kiến, bệnh nhân còn tiếp tục phải lệ thuộc ECMO nhiều ngày nữa mới có thể cai máy. Sau nỗ lực cứu người bệnh, các bác sĩ đang kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng cho người mẹ khốn khổ để chị có thể tiếp tục được chữa trị.
Nhờ được cứu chữa, chị Dao đã qua cơn nguy kịch nhưng nợ viện phí đã lên tới hàng trăm triệu đồng
Từ trường hợp trên, BS Quang Đại cho biết: Với những ca bệnh bị viêm cơ tim cấp, khi chưa có hệ thống ECMO tỷ lệ tử vong rất cao (100 ca chỉ cứu được vài ca). Từ khi có hệ thống ECMO trên 80% bệnh nhân bị viêm cơ tim hoặc các bệnh lý nguy cấp liên quan đến tim phổi đã được cứu sống. Tuy nhiên, chi phí điều trị quá cao, bảo hiểm mới chấp nhận thanh toán 40% (chi phí chạy máy) đang là rào cản lớn với người bệnh.
Để tránh nguy cơ mắc bệnh, BS Quang Đại khuyến cáo: “Viêm cơ tim cấp do vi rút tấn công thường xảy ra ở những người có cơ địa yếu, sức đề kháng kém, người chưa được chích ngừa cúm. Ăn uống đầy đủ dưỡng chất để nâng cao sức đề kháng của cơ thể, chủ động chích ngừa cúm là giải pháp cần thiết để phòng bệnh”.
Viêm cơ tim do vi rút là bệnh cấp tính, nguy cơ tử vong rất cao, nhiều trường hợp chậm trễ đến bệnh viện khiến bác sĩ không kịp trở tay. Một số ca bệnh qua được nguy kịch nhưng tình trạng thiếu máu nuôi não kéo dài khiến người bệnh phải sống đời thực vật. Khi cơ thể có biểu hiện bất thường như mệt, chóng mặt, đau tức ngực, khó thở… người bệnh cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được bác sĩ chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Vụ tử vong sau tiêm thuốc dị ứng: Đúng phác đồ nhưng cần rút kinh nghiệm
Đến bệnh viện điều trị vì nổi mẫn ngứa, nữ bệnh nhân được bác sĩ tiêm thuốc trị dị ứng sau đó rơi vào hôn mê, tử vong. Báo cáo được Sở Y tế gửi đến cơ quan quản lý khẳng định bệnh viện xử lý "đúng phác đồ" nhưng cần xử lý tiêm bắp thay vì tiêm dưới da....
Như Dân trí đã thông tin, ngày 17/4 sau khi ăn cơm với thịt bò, ăn bánh tráng trộn và uống trà sữa tráng miệng, cơ thể chị L.N.T. (30 tuổi, ngụ tại TPHCM) bị nổi mẩn ngứa. Ngày 18/4 tình trạng mẫn ngứa không thuyên giảm, chị T. được chồng đưa đến Bệnh viện An Sinh điều trị.
Sau thăm khám, thực hiện xét nghiệm, bác sĩ đã tiêm thuốc trị dị ứng cho bệnh nhân. Sau chích thuốc, người bệnh có diễn tiến nặng nên được đưa vào phòng cấp cứu. Tại đây người bệnh được tiêm thêm 2 mũi thuốc nhưng diễn tiến bệnh ngày càng nặng, phải chuyển sang Bệnh viện Nhân Dân 115. Dù được bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng bệnh nhân không qua được nguy kịch.
Bệnh viện An Sinh nơi tiếp nhận, điều trị ban đầu cho người bệnh
Sau vụ việc, ngày 27/4 Sở Y tế đã họp Hội đồng chuyên môn làm rõ quá trình khám, chữa bệnh của Bệnh viện An Sinh và Bệnh viện Nhân Dân 115 về ca bệnh trên. Ngày 14/5, Sở Y tế TPHCM cung cấp thông tin cho biết, ngày 3/5 sở đã báo cáo kết quả lên Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế.
Theo báo cáo được PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế ký và gửi Cục Quản lý Khám, chữa bệnh: "Sau khi Bệnh viện An Sinh, Bệnh viện Nhân Dân 115 báo cáo kết quả khám chữa cho người bệnh và xem xét các dữ liệu trên hồ sơ Hội đồng chuyên môn kết luận, bệnh nhân bị phản vệ độ IV do dị ứng thức ăn; nguyên nhân tử vong, tổn thương đa cơ quan (tim, phổi, gan) do sốc phản vệ.
Tại Bệnh viện An Sinh, lúc nhập viện bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán dị ứng thức ăn (độ I) là phù hợp; bệnh viện xử trí đúng phác đồ. Lúc 20h (ngày bệnh nhân nhập viện - PV) bác sĩ đã theo dõi sát và phát hiện kịp thời sốc phản vệ, xử lý tiêm Andrenalin tiêm dưới da thay vì tiêm bắp; bệnh nhân bị sốc phản vệ nguyên nhân dị ứng thức ăn, không nghĩ tới thuốc điều trị; bệnh viện đã tổ chức cấp cứu kịp thời và hiệu quả sau đó rút nội khí quản khi bệnh nhân có biểu hiện chống thở máy vào lúc 23h30 cùng ngày.
Tuy nhiên, bệnh diễn tiến nặng đột ngột, sau hội chẩn liên viện người bệnh được chuyển sang Bệnh viện Nhân Dân 115 điều trị. Tại đây các kết quả xét nghiệm tìm thấy Chlopheniramin, Seduxen là những thuốc đã được bệnh viện An Sinh sử dụng với liều lượng đúng.
Từ ca bệnh trên, trong phần rút kinh nghiệm chuyên môn Sở Y tế cho rằng, Bệnh viện An Sinh cần xử lý tiêm bắp (theo thông tư 51/2017/TT-BYT) thay vì tiêm dưới da.
Bệnh viện nên hội chẩn liên viện sớm ngay sau khi cấp cứu ngưng hô hấp, tuần hoàn thành công; tiếp tục thở máy khi người bệnh có biểu hiện chống máy thở nhưng tình trạng còn nặng; nên chụp X-quang phổi tại giường kèm siêu âm tim, đánh giá chức năng co bóp cơ tim và thể tích máu để tìm và xử lý nguyên nhân phù phổi.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Vụ bệnh nhân tử vong sau khi bị "dụ" ra ngoài mổ: Các bệnh viện vẫn "im lặng" Bị bác sĩ của Bệnh viện Bình Dân "dụ" sang Bệnh viện Bưu Điện phẫu thuật, nữ bệnh nhân gặp tai biến chết tức tưởi. Đã 3 tuần trôi qua, cả bệnh viện Bình Dân và Bưu Điện đều cố tình né tránh còn Sở Y tế vẫn "chờ báo cáo". Như Dân trí đã thông tin, nữ bệnh nhân B.H.S. (66 tuổi,...