Nữ bệnh nhân chạy thận rưng rưng ôm túi gạo được tặng về nhà trọ
4 người phụ nữ xuất hiện tại điểm trao quà từ thiện. Họ là những bệnh nhân chạy thận, xúc động với số gạo ‘cứu đói’ được cho trong mùa dịch.
Món quà tặng thêm
Hơn 750 suất quà đã được nhóm từ thiện có tên Sen Hồng (ở Hà Nội) trao đi trong mùa dịch và con số này chưa dừng lại ở đó.
Vào ngày 11/4, nhóm từ thiện đã kết hợp với UBND và Công an phường Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) trao 206 suất quà cho những người có hoàn cảnh đặc biệt.
Mỗi phần quà bao gồm 5kg gạo, 1 thùng mì tôm, 1 chai dầu ăn và 5 gói gia vị.
Ban đầu, nhóm từ thiện dự kiến phát khoảng 200 suất quà nhưng có phát sinh khiến số quà đã phải tăng lên.
Các suất quà gồm gạo, mì tôm… được chuẩn bị cho người nghèo.
Trước khi chương trình diễn ra, nhóm từ thiện đã liên hệ với ủy ban phường và xin danh sách các trường hợp khó khăn.
‘Đó là những bệnh nhân chạy thận, những gia đình chính sách, hoặc các hộ làm nghề xe ôm, bán trà đá… mất thu nhập do dịch bệnh. Mỗi gia đình này được phát 1 phiếu.
Đến ngày chương trình diễn ra, họ mang phiếu đến ủy ban phường và nhận quà’, chị Nguyễn Hải Vân (SN 1968), một thành viên của nhóm từ thiện, cho biết.
Những trường hợp nhà xa, sức khỏe yếu, lực lượng công an sẽ chở quà đến tận nhà.
Nhiều người dân đã bật khóc, xúc động, trong đó có 4 người phụ nữ từ một phòng trọ nghèo.
Video đang HOT
Họ là các bệnh nhân chạy thận tại BV Bạch Mai đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau cùng thuê một phòng trọ. Người gầy, da xanh và mặc trên người bộ quần áo cũ… những phụ nữ này đã khiến nhóm từ thiện chú ý.
‘Theo quy định, mỗi hộ chỉ được nhận 1 phần quà. Vì vậy 4 người phụ nữ trên cũng chỉ được nhận 1 phần nhưng nhìn dáng vẻ của họ chúng tôi không đành lòng.
Đối tượng được trao quà là các gia đình chính sách, hộ nghèo, người vô gia cư…
Khi họ rời khỏi ủy ban phường với 1 phần quà, tôi day dứt mãi. Tôi nói với người đại diện phường – đơn vị đồng hành trao quà, hãy tặng thêm họ 3 phần quà. Nếu thiếu hụt quà cho các trường hợp sau, tôi sẽ bỏ tiền túi ra để bù vào’, chị Vân kể lại.
Cuối cùng, nhóm từ thiện của chị Vân đã nhờ một người cảnh sát khu vực chở 3 suất quà đến tận phòng trọ, tặng thêm cho những người chạy thận.
‘Nhiều người nhận được quà rưng rưng nói lời cảm ơn. Người ta không nghĩ rằng sẽ được chia sẻ những tình cảm ấm áp đến vậy’ chị Vân nói.
‘Từ thiện đưa chúng tôi lại gần nhau’
Nhóm từ thiện Sen Hồng khoảng 20 thành viên là viên chức, người kinh doanh… ở các độ tuổi khác nhau. Dù kinh tế không quá khá giả nhưng họ có mong muốn chung – hoạt động vì cộng đồng.
Chị Vân chia sẻ, 10 năm trước, chị đến khu chợ, mua quần áo để làm chương trình từ thiện tại miền núi và gặp chị Nguyễn Thị Minh Huệ (SN 1976, trưởng nhóm từ thiện Sen Hồng). Chị Huệ tò mò hỏi: ‘ Sao chị mua nhiều quần áo thế?’. Biết được việc chị Vân đang làm, chị Huệ đã đề nghị giảm giá số quần áo, để góp phần ủng hộ chương trình.
‘Tôi đã ấn tượng với Huệ từ dạo đó. Sau này, tôi được biết, Huệ cũng làm nhiều chương trình từ thiện khác nhưng vì không có thời gian và điều kiện, tôi chưa tham gia được.
Trao tặng lương thực giúp người dân vượt đói.
Vừa rồi, Huệ đã kêu gọi ủng hộ người nghèo, khó khăn trong thời gian dịch bệnh trên Facebook. Đọc những dòng kêu gọi đó, tôi đã liên hệ với Huệ’.
Chương trình đầu tiên, ngày 7/4, họ chuẩn bị 550 suất quà (mỗi suất gồm 10 kg gạo, dầu ăn, mì tôm…) để tặng người bán vé số, vô gia cư và thông báo trên Facebook để người dân đến nhận tại Nam Đồng. Tuy nhiên vào ngày phát quà số người đến quá đông, khiến những người làm chương trình vô cùng bất ngờ.
Để tránh việc tụ tập đông người, phòng việc lây lan dịch bệnh, nhóm từ thiện đã chuyển số quà trên đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Đống Đa để chuyển đến người cần trợ giúp.
Chương trình lần 2 họ đã liên hệ với ủy ban phường Phương Mai để nhờ hỗ trợ, đảm bảo người dân đến nhận 206 suất quà được an toàn, phòng tránh lây lan dịch bệnh.
Chương trình lần 3, nhóm dự kiến sẽ kết hợp cùng Công an phường Phương Mai phát 550 suất quà cho bệnh nhân chạy thận và bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo ở BV Bạch Mai. Mỗi phần quà là một số tiền 100 nghìn đồng và kèm theo quà là 1 hộp sâm.
‘Chương trình sẽ được chia khoảng 2 đợt để tránh việc tập trung đông người. Lần 1 khoảng 300 suất quà sẽ được cho đi’, chị Minh Huệ, đại diện nhóm, cho biết.
Ở mỗi chương trình, họ đều lên kế hoạch về số lượng quà tặng, sau đó kêu gọi các mạnh thường quân tài trợ. Nếu thiếu, các cá nhân lại dùng tiền túi bỏ thêm vào.
‘Chúng tôi rất xúc động khi nhận số tiền 30 triệu đồng từ một mạnh thường quân. Sau đó, người 10 triệu, người 5 triệu… ủng hộ.
Khi chúng tôi mua gạo, mì tôm… để làm từ thiện cũng được các nhà buôn hỗ trợ giá. Ví dụ gạo 15 nghìn/kg, họ chỉ lấy 12 nghìn; thùng mì tôm 90 nghìn, họ chỉ lấy giá buôn 60 nghìn… Họ nói, họ cũng muốn góp một chút để giúp người nghèo’, chị Vân chia sẻ.
Thành viên của nhóm từ thiện Sen Hồng cũng chia sẻ thêm: ‘Lúc làm chương trình, có ý kiến về việc chúng tôi đi xin tiền, xin tài trợ. Nhưng tôi thấy rằng, nếu xin tiền cho bản thân, tôi sẽ ngượng nhưng xin tiền để giúp cho người nghèo, tôi thấy tự hào về việc mình làm.
Được người khác tin tưởng giao quà cho mình và giao được món quà đó đến đúng địa chỉ, chúng tôi không còn gì hạnh phúc hơn’.
Nhóm từ thiện cũng chia sẻ, không chỉ tiến hành hoạt động vì cộng đồng trong mùa dịch. Sau khi dịch kết thúc, họ vẫn tiếp tục công việc của mình bằng việc làm các chương trình hỗ trợ bệnh nhân tại các bệnh viện ở Hà Nội.
Ngọc Trang
Nam sinh TP.HCM gây quỹ hơn 33 triệu ủng hộ người dân vùng hạn mặn
Hơn 33 triệu đồng và 130 thùng mì tôm đã được gửi đến người dân chịu ảnh hưởng của hạn mặn. Lê Minh Đức, học sinh lớp 8 tại TP.HCM, đã kêu gọi đóng góp cho chương trình này.
Lê Minh Đức, học sinh lớp 8A9, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM, đã khởi xướng chương trình "Chia sẻ yêu thương", được thực hiện từ ngày 8/4 đến 15/4.
Số tiền quyên góp được hơn 33,7 triệu đồng, cùng 130 thùng mì gói, đã được chuyển tới Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại TP.HCM.
Mục đích gây quỹ của nam sinh là hỗ trợ cho các hộ gia đình nghèo, người già neo đơn, người ốm đau bệnh tật tại Bến Tre, Kiên Giang, Tiền Giang, Cà Mau và Long An. Đây là những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của nạn xâm nhập mặn và hạn hán.
Ngày cuối cùng của chương trình gây quỹ, Đức đã gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại TP.HCM toàn bộ số tiền quyên góp và 130 thùng mì tôm. Ảnh: NVCC.
Là người khởi xướng, Minh Đức đóng góp 3 triệu đồng, trích từ tiền thưởng học sinh giỏi trong nhiều năm. Em gái của Đức đang học lớp 5, cũng đóng góp một triệu đồng tiền lì xì Tết.
Trong số 48 người đóng góp, 10 em nhỏ tham gia bằng tiền lì xì, phần thưởng học sinh giỏi. Tất cả số tiền này đều được Minh Đức ghi chép cẩn thận.
Chia sẻ với Zing, Minh Đức cho biết ban đầu, em xin bố mẹ đóng góp số tiền nhỏ của bản thân, mong giúp đỡ người dân gặp khó khăn. Thấy số tiền của mình không đủ "lớn", Đức lên kế hoạch huy động từ những người xung quanh.
"Chúng ta là người dân của đất nước. Em mong mọi người cùng nhau đoàn kết, tương trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn, hạn hán, đại dịch", Đức nói.
Mẹ của Minh Đức cho biết bà rất bất ngờ và vui. Nam sinh tự đăng thông tin chương trình, liên lạc với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại TP.HCM. Đến ngày cuối cùng của chiến dịch, Đức mới nhờ bố mẹ đi lấy mì tôm được quyên góp về nhà.
Lê Minh Đức được mọi người biết đến là cậu bé ngoan, thường xuyên tham gia hoạt động thiện nguyện. 8 năm liên tiếp, nam sinh đạt thành tích học sinh giỏi.
Thành tích nổi bật của Đức là huy chương vàng và bạc kỳ thi Olympic Toán quốc tế Singapore và châu Á; huy chương vàng kỳ thi American Mathematics Olympiad; huy chương vàng Olympic tiếng Anh thông minh cấp quốc gia; huy chương bạc kỳ thi Toán quốc tế Singapore và châu Á - SASMO.
Nguyễn Hằng
Quán cơm dã chiến 0 đồng trong đại dịch Quán cơm dã chiến "Trái tim yêu thương" phát 500 suất cơm miễn phí mỗi ngày cho người khó khăn trong Covid -19. Mô hình quán cơm dã chiến đầu tiên tại TP HCM nằm trên đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) do nhóm bạn trẻ mở, hoạt động từ ngày 15/4. Từ 6h, đầu bếp và các bạn tình nguyện viên...