Nữ bác sĩ đón công dân Việt từ Vũ Hán và cảm giác “cơm cách ly” ngon miệng
Vừa tham gia đoàn công tác đón 30 công dân Việt Nam từ Vũ Hán về nước, nữ bác sĩ N.T. H. P (31 tuổi, BV Phụ sản Trung ương) đã “yên vị” trong phòng cách ly 14 ngày tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
Nhiệm vụ hoàn thành và cơm bệnh viện rất ngon!
BS N.T.H. P công tác tại khoa Phụ ngoại và kế hoạch tổng hợp (BV Phụ sản Trung ương) đang được cách ly tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, sau khi hoàn thành nhiệm vụ cùng đoàn đón 30 công dân Việt Nam về nước.
BS P. và đồng nghiệp trước giờ xuất quân.
Chị P. chia sẻ, khi nhận được nhiệm vụ giao cùng đoàn đi đón công dân tại Vũ Hán, chị khá bất ngờ và lo lắng vì nơi đây đang là tâm dịch của thế giới.
Nhưng ngay khi nhận nhiệm vụ, gia đình động viên “nhiệm vụ phải hoàn thành”, Giám đốc bệnh viện động viên và tìm hiểu trong đoàn có thai phụ mang thai 36 tuần, chị P. đã bắt tay ngay vào quá trình chuẩn bị cho chuyến công tác đặc biệt.
“Lúc đầu lo lắng chứ, vì mình không biết sẽ cách ly như thế nào, rồi quá trình di chuyển, liệu thai phụ phát sinh vấn đề gì. Tất nhiên, mình vẫn giấu bố, vì sợ bố lo lắng. Nhưng chị gái mình là bác sĩ nhi khoa đã kịp thời cập nhật rất nhiều phương pháp phòng bệnh, nên mình cũng yên tâm hơn”, bác sĩ P. chia sẻ.
Rồi sau khi nhận nhiệm vụ, tham gia quá trình họp, chuẩn bị cùng đoàn, chị P. bắt đầu yên tâm hơn khi biết rõ quy trình sàng lọc, sự phân công nhiệm vụ của từng người. “Mọi thứ đều được nhà nước chuẩn bị chu đáo cho đoàn công tác”, bác sĩ P. chia sẻ.
P cho biết thêm, chị chỉ nhận được thông tin có 1 thai phụ khoảng 8 tháng trong số 30 công dân về nước, ngoài ra không có thông tin gì thêm. Vì thế, với vai trò là một bác sĩ sản khoa, được giao nhiệm vụ bác sĩ “chủ trị” của riêng ca bệnh đặc biệt này, bác sĩ P. đã chuẩn bị sẵn một số kịch bản có thể xảy ra để kịp thời xử lý trong quá trình di chuyển.
“Mình đã chuẩn bị một số kịch bản có thể xảy ra: thai phụ chuyển dạ sinh trên máy bay; hay bị tiền sản giật, sản giật; hay bị rau tiền đạo ra máu; bị dọa đẻ non”, P. cho biết.
Từ những kịch bản này, bác sĩ P. đã được các thầy cô, các bác sĩ tại BV Phụ sản Trung ương hỗ trợ, hướng dẫn, lên danh sách các đồ dùng, vật tư y tế, thuốc cần thiết để xử lý nếu một trong các tình huống trên xảy ra.
Gần chuyến đi, BS P. cũng đã tiếp cận được với thai phụ qua điện thoại. “Những hình ảnh thai phụ gửi cho mình rất quý báu, đó là kết quả siêu âm, khám thai, xét nghiệm. Vì một tháng nay đang có dịch, thai phụ không đi khám thai được, nhưng mình cũng nắm được rõ hơn tình trạng của bạn ấy”, BS P. cho biết.
Theo đó, thai phụ 36 tuần tiền sử khỏe mạnh, mang thai con so, thai hết 36 tuần, quá trình khám thai hoàn toàn bình thường.
Video đang HOT
“Số thuốc, vật tư y tế các khoa phòng, bệnh viện và lãnh đạo bệnh viện chuẩn bị rất chu đáo, trong trường hợp phát sinh tình huống sẽ giúp bác sĩ hoàn toàn chủ động xử lý. Nhất là bên Bệnh viện Nhiệt đới đã chuẩn bị rất chu đáo cả máy thở, dịch truyền… tình huống phát sinh mình hoàn toàn có thể dùng các phương tiện này”, bác sĩ P. cho biết.
Chia sẻ ấn tượng về chuyến đi, BS P. cho biết: “Có tham gia mới biết, để có chuyến bay này là cố gắng nỗ lực của rất nhiều bộ, ban ngành; Công tác chuẩn bị rất chu đáo, đoàn công tác nhận được sự chỉ đạo và giúp đỡ rất nhiều: từ làm hộ chiếu công vụ trong 1 ngày, xin giấy phép đặc biệt để được mang đồ lên máy bay (có nhiều dao, kéo, dụng cụ phẫu thuật mang theo). Đặc biệt mình nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ hai bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới TƯ tham gia cùng đoàn.
Các anh đã hướng dẫn mình cách mặc và cởi đồ bảo hộ an toàn, chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, thuốc,…. Trong thời gian chuẩn bị, các anh chị em đã thường xuyên liên lạc để chuẩn bị đầy đủ”, bác sĩ P nói.
Sau khi về Việt Nam, bác sĩ P. cùng tất cả thành viên trong đoàn cách ly 14 ngày theo quy định tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương.
“Mình được cách ly rất an toàn, được các y bác sĩ chăm sóc từ cơm ăn tận giường. Cơm cách ly BV Nhiệt đới TƯ rất ngon, mình thấy rất cảm kích các y bác sĩ đã chăm sóc cho cả đoàn”, bác sĩ P chia sẻ.
Chuyến đi nước ngoài “siêu ngắn” nhất của bản thân
BS P. chia sẻ, đây là lần xuất ngoại chớp nhoáng nhất của chị, từ mọi thứ hộ chiếu công vụ trong 1 ngày, bay đến, rồi về trong một ngày.
Các bác sĩ tham gia đoàn công tác.
“Mình nhớ lịch trình rất rõ: 18h ngày 9/2, có mặt tại viện Phụ sản Trung ương, mang theo vali cấp cứu. 18h45 đến Nhiệt đới 2: tập trung với đoàn y tế, nghe dặn dò, học cách mặc, cởi đồ bảo hộ. 20h có mặt tại sân bay, check in, tập kết đồ. 21h: lên máy bay, mặc đồ bảo hộ. 22h 10 máy bay cất cánh, bay mất 1h45ph. Gần 12h giờ Trung Quốc đoàn hạ cánh tại sân bay Vũ Hán, bốc hàng viện trợ, thay đồ bảo hộ lần 2.
12h 45, xuống chân máy bay đón công dân VN. Nghe tim thai cho thai phụ, hỏi bệnh, sau đó mọi người mặc đồ bảo hộ rồi đưa công dân lên máy bay theo sắp xếp của tiếp viên.
Trên máy bay, đo lại huyết áp cho thai phụ. Sau khi cất cánh đo lại thân nhiệt hành khách (do dưới sân bay lạnh quá, đo không chính xác) và đến 5h10 hạ cánh tại Vân đồn. 7h lên xe về Nhiệt đới 2 và giờ ở đây 14 ngày cách ly.
“Trên chuyến bay, thai phụ và mình được đặc biệt ưu tiên sắp xếp chỗ ngồi phù hợp nhất để kịp thời xử lý tình huống phát sinh. Nhưng thật may mắn, tất cả mọi người đều ổn, cô ấy hiện cũng đang được cách ly, thai nhi ổn định”, bác sĩ P. chia sẻ.
Bác sĩ P. chia sẻ thêm, ở bệnh viện mới một đêm, chị cũng nghe được những câu chuyện có những người phản ứng cách ly, có thái độ này nọ với nhân viên y tế, cho rằng đã “bắt nhốt” họ.
“Dịch bệnh là điều không ai mong muốn, nếu có yếu tố nguy cơ, chúng ta phải là những công dân gương mẫu, sống theo quy định của pháp luật. Dù cách ly ảnh hưởng đến công việc, gia đình, nhưng đó là nhiệm vụ để phòng nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Sau thời gian cách ly âm tính, đó là một điều may mắn. Tôi là bác sĩ, tôi cũng muốn nói lời cảm ơn các bác sĩ BV Nhiệt đới Trung ương họ đã rất vất vả chăm lo cho cả người theo dõi, bệnh nhân dương tính, phục vụ bệnh nhân cơm ăn, nước uống tận giường bệnh đến mọi nhu cầu sinh hoạt khác. Hãy chia sẻ và yêu thương”, bác sĩ P. tâm sự.
Cảm ơn những “chiến sĩ áo trắng” thầm lặng
BS Nguyễn Đình Anh – Vụ trưởng Vụ Truyền thông, Thi đua và Khen thưởng (Bộ Y tế) cho biết, trong chuyến bay chở 30 công dân từ Vũ Hán trở về Việt Nam sáng 10/02/2020, ít ai biết rằng có 3 đồng nghiệp của chúng tôi tháp tùng đoàn để chăm lo sức khỏe cho những người có mặt trong chuyến bay đó đồng nghiệp của chúng tôi – họ là những “chiến sĩ áo trắng” thầm lặng.
Đó là một bác sĩ sản khoa từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương được cử đi vì trong đoàn 30 người được đón về nước lần này có một phụ nữ mang thai 36 tuần. Chị có nhiệm vụ đi để kịp thời xử lý mọi tình huống phát sinh với thai phụ trong quá trình di chuyển về Việt Nam.
Bác sĩ thứ hai là Phó khoa Cấp cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Đây là bác sĩ rất quan trọng để ứng cứu, đề phòng chuyện bất trắc xảy ra nếu có tình huống bất thường trên máy bay.
Người thứ ba là một Điều dưỡng Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để thực hiện các y lệnh của bác sĩ khi sức khỏe của những người này có vấn đề.
Tối 09/02/2020, đoàn công tác đã tới Hồ Bắc, Trung Quốc và đón hành khách. Rạng sáng ngày 10/02, máy bay đã đưa hành khách trở về cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh. Để đảm bảo an toàn và ngăn chặn dịch bệnh nCoV, ngay sau khi xuống máy bay, các cơ quan chức năng Việt Nam đã nhanh chóng làm thủ tục khử trùng và kiểm tra y tế theo đúng quy định phòng dịch cho các y bác sĩ, tổ bay và 30 công dân.
“Giờ đây, cũng như 30 công dân kia, các y bác sĩ và tổ bay cũng đang tạm cách ly, đề phòng nếu họ đi từ vùng dịch trở về có thể tiếp xúc với nguồn bệnh, để 14 ngày sau không có vấn đề gì thì họ sẽ được về với gia đình, về với bệnh viện nơi công tác. Cám ơn các anh – những chiến sĩ áo trắng, luôn thầm lặng, dấn thân, không ngại vất vả, hiểm nguy”- BS. Nguyễn Đình Anh chia sẻ.
Tại BV Phụ sản Trung ương, PGS.TS Trần Danh Cường cho biết do tính chất phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ và Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ. Tại bệnh viện Phụ sản Trung ương, công tác phòng chống dịch bệnh cũng hết sức khẩn trương, sát sao và nghiêm túc.
Ngay từ trước Tết Bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ các giải pháp để phòng bị như bố trí 01phòng cách ly tại khu vực phòng khám đảm bảo riêng biệt, thuận tiện cho việc tiếp nhận cũng như di chuyển người bệnh. Ngoài ra còn bố trí phòng cách ly tại khoa sản nhiễm khuẩn. Bệnh viện tổ chức phân loại người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám, kiểm tra nhiệt độ cơ thể, khai thác yếu tố dịch tễ của người bệnh, truyền thông rộng rãi cho người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế bằng cách in tờ rơi, poster, phát loa hàng ngày từ 6h sáng, trên Fanpage hay website của Bệnh viện.
100% bệnh nhân đến khám đều được kiểm tra thân nhiệt. Khi phát hiện các trường hợp sốt, nghi ngờ nhiễm virus Corona yêu cầu các khoa phòng theo chức trách, nhiệm vụ cách ly người bệnh, báo cáo đường dây nóng tới Bộ Y tế, nhanh chóng chuyển người bệnh tới Bệnh viện Bạch Mai hoặc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Bệnh viện sẽ đảm bảo cung cấp đủ khẩu trang, dung dịch sát khuẩn tay nhanh, mũ, áo trang phục để tiếp xúc với bệnh nhân bị nghi nhiễm (nếu có). Dung dịch sát khuẩn tay nhanh được treo ở các vị trí trọng điểm để thuận tiện cho việc sử dụng, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đến khám cũng được sử dụng. Giám đốc yêu cầu các đơn vị quản lý, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm.
Hồng Hải
Theo dantri
Hải Phòng cách ly thêm 5 người nghi nhiễm nCoV
Các bệnh nhân có tiền sử từ Trung Quốc về hoặc tiếp xúc với người Trung Quốc, sau đó bị sốt, ho, đau đầu, nghi nhiễm nCoV.
Chiều 3/2, Sở Y tế Hải Phòng thông tin, trong 5 người có 3 bệnh nhân đang điều trị tại khu vực cách ly của Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp, 2 bệnh nhân cách ly tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng.
Khu vực cách ly bệnh nhân nCoV tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Giang Huy
Trường hợp đầu tiên trong 5 người mới cách ly là nữ bệnh nhân 30 tuổi, ở xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng. Ngày 31/1, người bệnh bay từ Tứ Xuyên (Trung Quốc) về Việt Nam. Hôm sau, chị có dấu hiệu sốt, ho húng hắng, không đau tức ngực, không khó thở, được vào khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp. Hiện, người bệnh có tình trạng nhiễm trùng rõ, không sốt. Trung tâm Y tế dự phòng lấy mẫu mang đi kiểm tra.
Trường hợp thứ hai là nữ bệnh nhân 30 tuổi, ở phường Minh Đức, quận Đồ Sơn. Cách đây 10 ngày, người bệnh tiếp xúc trực tiếp với hai người Trung Quốc, lần cuối tiếp xúc cách đây một ngày, có con nhỏ sốt hai ngày nay, hiện hết sốt. Ngày 1/2, người bệnh sốt, ho thúng thắng, không đau tức ngực, không khó thở. Hiện chị đang được cách ly tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp.
Trường hợp thứ ba là bệnh nhân quốc tịch Trung Quốc). Ngày 20/1, người bệnh từ Quảng Châu (Trung Quốc) về Việt Nam, sau đó bị sốt, đến khám tại Bệnh viện đa khoa quốc tế Vimec. Sau đó, bệnh nhân chuyển vào khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp và được cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm.
Trường hợp thứ tư là cháu bé 7 tuổi, ở thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải. Người bệnh có bố làm lái xe chở người Trung Quốc. Bố mẹ bệnh nhân hiện không sốt, không ho. Ngày 2/2, cháu bé sốt cao liên tục từ 39 độ C, ho nhiều khàn tiếng, được chuyển vào Bệnh viện Trẻ Em Hải Phòng, cách ly.
Trường hợp thứ năm là bệnh nhân 15 tuổi, xã An Tiến, huyện An Lão. Gia đình người bệnh đi du lịch tại Tứ Xuyên (Trung Quốc), ngày 30/1 về Việt Nam. Ngày 2/2, người bệnh sốt cao trên 39 độ C, kèm ho ít, chảy nước mũi, đại tiện phân sệt một lần một ngày, khám tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế sau đó chuyển đến Bệnh viện Trẻ em.
Như vậy, tổng số ca cách ly của Hải Phòng lên tới 13. Sở Y tế Hải Phòng cho biết, trong số này có 4 trường hợp có kết quả âm tính với virus Corona, 3 người xuất viện.
Theo VnExpress
Kiểm tra nồng độ cồn có thể làm lây lan virus corona Hiện đã có 3 người Việt Nam nhiễm virus corona, Thủ tướng yêu cầu xem xét việc tạm dừng kiểm tra vi phạm nồng độ cồn để phòng ngừa lây lan. Chiều ngày 30/1/2020, trong cuộc họp liên ngành về dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các đơn vị nghiên...