NTM xứ Quảng: Giải quyết việc làm cho gần 6.000 lao động
Những năm qua, các làng nghề ở Quảng Nam đã góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương.
Giải quyết việc làm gần 6.000 lao động
Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 44 làng nghề, làng nghề truyền thống, trong đó có 28 làng nghề thống được UBND tỉnh công nhận.
Các làng nghề, làng nghề truyền thống phân bố không đều giữa các địa phương, phần lớn tập trung ở các huyện đồng bằng (Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình). Các làng nghề chủ yếu tập trung vào một số ngành nghề như: Trồng, chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản (trồng rau, chế biến nước mắm, hải sản, làm bánh tráng, phở sắn); sản xuất thủ công mỹ nghệ (dệt vải, dệt thổ cẩm, dệt chiếu cói; gốm sứ; gỗ gia dụng; mây, tre đan); nhóm khác (rèn, đóng tàu…).
Các làng nghề ở Quảng Nam hiện nay đang giải quyết việc làm
cho gần 6.000 lao động ở nông thôn. ảnh: Đại Nghĩa
“Đến nay, Quảng Nam có 3.005 cơ sở sản xuất tham gia hoạt động ngành nghề tại các làng nghề, trong đó: doanh nghiệp (5 đơn vị) chiếm 0,17%; HTX (4) chiếm 0,13%; tổ hợp tác (7) chiếm 0,23%; hộ làng nghề (2.989 hộ) chiếm 99,47%. Tổng số lao động trong làng nghề là 5.981, chủ yếu là lao động nữ và độ tuổi trung niên, lớn tuổi…” – ông Muộn cho hay.
Video đang HOT
Quảng Nam có 10 nghệ nhân vinh dự được Chủ tịch nước công nhận danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú; 30 cá nhân được UBND tỉnh công nhận danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Trong các năm 2014, 2015 và 2016, UBND tỉnh Quảng Nam đã công nhận 63 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh, trong đó có nhiều sản phẩm của các cơ sở sản xuất tại các làng nghề.
Từ năm 2011 – 2017, bằng nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi, UBND tỉnh Quảng Nam đã phân bổ 29.377 triệu đồng cho các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư phát triển làng nghề. Bên cạnh đó, đầu tư 11,835 tỷ đồng hỗ trợ hoạt động khuyến công để phát triển các làng nghề, trong đó hỗ trợ đầu tư phát triển tiểu thủ công nghiệp trong làng nghề chiếm khoảng 60%…
Theo ông Muộn, bên cạnh sự hỗ trợ, đầu tư của nhà nước, các tổ chức quốc tế cũng đã quan tâm, hỗ trợ phát triển nhiều chương trình, dự án, trong đó có một số chương trình, dự án có liên quan đến hỗ trợ phát triển các làng nghề như: Đào tạo, tập huấn về các kỹ năng quản lý, kỹ năng làm du lịch, kỹ năng thiết kế sản phẩm, mẫu mã bao bì, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ mua sắm máy móc, thiết bị…
“Hoạt động ngành nghề, làng nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Nhất là sản xuất ngành nghề còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết; sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống, sử dụng công nghệ lạc hậu, năng suất thấp; thị trường tiêu thụ khó khăn. Một số địa phương còn thiếu quan tâm, trong khi đó việc quản lý nhà nước về ngành nghề, làng nghề còn chồng chéo…” – ông Muộn nói.
Theo ông Muộn, để các làng nghề ở Quảng Nam phát triển ổn định, trong những năm tới tỉnh sẽ lồng ghép các chương trình, dự án trọng điểm về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh nhằm đầu tư hỗ trợ cho một số làng nghề có tiềm năng, gắn với phát triển du lịch nhằm tạo thêm động lực phát triển cho các làng nghề. Xây dựng các chương trình liên kết với các đơn vị du lịch để đưa khách đến làng nghề. Đặc biệt quan tâm đến các xã có làng nghề có công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, làng nghề có doanh thu cao, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động với mức thu nhập ổn định, có vùng nguyên liệu chủ động… nhằm phát triển làng nghề bền vững, lâu dài.
Theo Danviet
Xứ Quảng sẽ có nhiều mô hình nông nghiệp sạch
Trong nhiều năm qua, ngành nông nghiệp (NN) tỉnh Quảng Nam luôn chú trọng đến việc triển khai sản xuất theo hướng an toàn, sạch hơn, bền vững trên nhiều lĩnh vực. Đến nay nhiều mô hình, dự án về trồng trọt, chăn nuôi ở Quảng Nam đã bước đầu đem lại hiệu quả lớn, góp phần tích cực tăng thu nhập cho người nông dân...
Nhiều mô hình hiệu quả
Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, sản xuất NN theo hướng sạch và an toàn luôn là một nhu cầu tất yếu, vì thế trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam luôn chú trọng đến việc này và bước đầu đem lại hiệu đáng kể.
Theo ông Muộn, lĩnh vực trồng trọt của tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là sản xuất lúa với diện tích gieo trồng 85.000ha/năm theo hướng IPM, ICM, 3 giảm - 3 tăng... rộng khắp trên các cánh đồng của tỉnh. Tỉnh đã hình thành các cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa và đã áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, tăng cường sử dụng phân vi sinh, hữu cơ vi sinh để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Qua đó, giảm đáng kể lượng hóa chất, thuốc BVTV trong sản xuất, tăng hiệu quả sản xuất.
Quảng Nam đã hình thành được nhiều vùng chuyên canh rau sạch. Ảnh: Làng rau hữu cơ Trà Quế (Hội An)- điểm sáng của ngành NN Quảng Nam. ảnh: Đại Nghĩa
Ngành NN Quảng Nam còn tập trung xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh rau theo hướng VietGAP. Hiện tỉnh đã có 2 vùng rau được chứng nhận VietGAP là vùng rau quả Bầu Tròn ở xã Đại An, huyện Đại Lộc với diện tích trên 30ha; vùng Bình Triều, Thăng Bình với diện tích trên 20ha. Đặc biệt, hình thành được vùng rau chuyên canh hữu cơ, kết hợp với hoạt động du lịch trải nghiệm NN ở làng Trà Quế, xã Cẩm Hà, TP.Hội An (11ha)...
Ông Võ Văn Nghi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam cho biết, ngoài trồng trọt, thì lĩnh vực chăn nuôi cũng triển khai được nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Tỉnh đã xây dựng các mô hình chăn nuôi lợn, gà trên nền đệm lót sinh học. Hiện nay, mô hình này đã được ứng dụng toàn tỉnh, nhất là chăn nuôi gà. Tiêu biểu như trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng sạch Văn Học ở xã Tam An (huyện Phú Ninh) với sản phẩm trứng gà đã được bán ở hệ thống Siêu Thị Coop-Mart.
Tỉnh Quảng Nam cũng đang triển khai xây dựng các chuỗi sản phẩm an toàn (sạch): Lợn, gà, tôm, rau và nước mắn. Tổ chức xây dựng các mô hình nuôi tôm VietGAP, nuôi an toàn sinh học... Triển khai, hướng dẫn nông dân miền núi sản xuất lâm nghiệp, trồng lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu theo hướng mô phỏng tự nhiên, hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng phân, thuốc hóa học trong sản xuất các loại cây dược liệu...
Khuyến khích nhân rộng
Ông Lê Muộn cho cằng, việc triển khai sản xuất NN của Quảng Nam bước đầu đạt được kết quả như vậy là nhờ tỉnh đã có các quy hoạch từ trước, nhất là tại các địa phương trung du, miền núi để hình thành những vùng sản xuất sạch, sản xuất NN hữu cơ... Bên cạnh đó, hệ thống cán bộ NN từ tỉnh đến cơ sở luôn chú trọng việc tập huấn, hướng dẫn sản xuất theo hướng an toàn, sạch, thân thiện môi trường.
"Trong bối cảnh chung của cả nước, nhất là hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, yêu cầu thị trường cần sản phẩm an toàn, sạch, có nguồn gốc, xuất xứ ngày càng cao và là tất yếu. Quảng Nam có nhiều cơ hội để triển khai mạnh mẽ các mô hình sản xuất NN sạch" - ông Muộn nói.
Cũng theo ông Muộn, bên cạnh những thuận lợi cơ bản trên, việc triển khai các mô hình sản xuất NN theo hướng sạch thời gian qua ở Quảng Nam cũng gặp không ít khó khăn, thánh thức. Bởi, hiện nay yêu cầu của người tiêu dùng rất lớn, song nhìn chung sản phẩm an toàn và sạch chưa bán được với giá phù hợp, đôi khi giá bằng với sản phẩm chưa an toàn, nên chưa khuyến khích được người sản xuất. Công tác tuyên truyền cho người sản xuất, tiêu dùng có chú trọng nhưng chưa được nhiều, nhất là người tiêu dùng...
"Sản xuất NN sạch, an toàn là nhu cầu cần thiết và trong thời gian tới Quảng Nam sẽ đẩy mạnh hơn nữa. Tuy nhiên, trước mắt, tỉnh sẽ duy trì và khuyến khích nhân rộng các mô hình hiện có thông qua công tác khuyến nông và liên kết với các doanh nghiệp" - ông Muộn khẳng định./.
Theo Dantri
Khánh thành cầu Giao Thủy bắc qua sông Thu Bồn Sáng 24/3, đúng dịp 40 năm ngày giải phóng tỉnh (24/3/1975-24/32017) và kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Quảng Nam (1997-2017), UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức lễ khánh thành, đưa vào sử dụng cầu Giao Thủy. Hàng vạn người dân hai bên cầu gồm các xã của huyện Duy Xuyên và Đại Lộc vui mừng trong ngày khánh thành cây cầu...