NTM Thanh Hóa: Đìu hiu… làng nghề
Thanh Hóa là 1 trong 5 tỉnh có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước, toàn tỉnh có 155 làng nghề, đến nay đã công nhận 20 làng nghề và 47 làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có một số làng nghề đang dần bị mai một, thậm chí bị rơi vào lãng quên.
Những người còn làm nghề mây tre đan ở xã Quảng Phong chủ yếu đã cao tuổi.
Những năm qua, việc giữ gìn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn Thanh Hóa đã được triển khai bằng nhiều hình thức, thông qua thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh và các địa phương. Trong đó phải kể đến quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; quy hoạch cụm công nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2010-2020…
Bên cạnh việc bảo tồn, phát triển thì ở một số nơi, làng nghề bỗng thưa người vì… doanh nghiệp. Câu chuyện ở huyện Hoằng Hóa là một ví dụ. Để khôi phục, du nhập và phát triển ngành nghề, làng nghề, từ năm 2002, UBND huyện đã ban hành các đề án, kế hoạch và cơ chế, chính sách khuyến khích để thực hiện việc phát triển công nghiệp, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2011-2015. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2011, một số doanh nghiệp lớn đã đến đầu tư trên địa bàn và mở rộng quy mô sản xuất nên lao động thuộc các làng nghề đã chuyển một phần sang các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp. Tuy đây là sự chuyển dịch tích cực từ khu vực có năng suất lao động thấp, sang khu vực sản xuất công nghiệp có năng suất lao động và thu nhập cao nhưng đã làm cho lực lượng lao động ngành nghề trong các làng nghề sụt giảm và có những khó khăn nhất định.
Sẽ còn mãi trong ký ức của nhiều người về một thời vang bóng của làng gốm Lò Chum (Đông Hương, TP Thanh Hóa), hay gốm làng Vồm (Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa); làng nghề đục đá, kéo sợi (Hoằng Hóa); làng nghề mây tre đan ở Quảng Phong (Quảng Xương)… Trong số này, có làng nghề đã không còn hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, rất ít người theo nghề, mà những người theo nghề phần lớn chỉ còn người già gắn bó, giữ gìn nghề truyền thống của cha ông.
Về làng Chính Trung và Đông Đa, xã Quảng Phong (Quảng Xương) chỉ còn hơn 30 hộ theo nghề mây tre đan. Hiện những người làm nên các sản phẩm rổ, rá, dần, sàng ở đây toàn là người già, trong đó người nhiều tuổi nhất là cụ Bồn, cụ Cội đã ngót nghét 90 tuổi. Theo lời giới thiệu của trưởng thôn, chúng tôi đến nhà vợ chồng ông Bùi Văn Xiểng và bà Nguyễn Thị Thắm (70 tuổi) ở làng Chính Trung. Ông Xiểng ngậm ngùi cho chúng tôi biết: Làm cho đỡ buồn, đỡ nhớ nghề thôi, chứ lời lãi được là bao. Một tháng 2 vợ chồng tôi làm được khoảng 75 sản phẩm, trừ chi phí còn được 450.000 đồng. Thời thịnh vượng, vợ chồng tôi thức làm đến 11- 12h đêm mới nghỉ, giờ chỉ làm đến cuối chiều thôi.
Thời thịnh vượng như ông Xiểng nói cách đây đã vài chục năm, khi ấy nhà ông có đến 8 nhân lực làm nghề mây tre đan, cho thu nhập khoảng 90.000 đồng/người/ngày. Sau khi thị trường Đông Âu không còn, nghề của làng cũng theo đó mà mai một. Nhất là về sau này, khi có doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện thì lực lượng lao động trẻ không còn tha thiết với nghề nên đi làm công nhân, người trung tuổi phần lớn đi làm lao động tự do, chỉ còn các ông bà già gắn bó với nghề.
Video đang HOT
Ông Lê Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Quảng Phong, cho biết: Do thị trường đầu ra rất khó khăn, sản phẩm làm ra không đủ sức cạnh tranh trên thị trường, trong khi đó thiếu nguồn nhân lực. Trước đây hàng trăm hộ sống được với nghề, giờ trong xã chỉ còn vài chục hộ theo nghề và có một gia đình đứng ra thu mua sản phẩm cho bà con, nhập cho một số tỉnh, thành phố nhưng các đơn đặt hàng cũng không thường xuyên…
Thiết nghĩ, trước những khó khăn trên rất cần các cấp, các ngành quan tâm, có các giải pháp để các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống không bị mai một, có bước phát triển.
Theo Mai Phương (Báo Thanh Hóa)
Xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa: Đi trước, làm giỏi, kết quả cao
"Với quan điểm phát triển sản xuất là gốc, xây dựng cơ sở hạ tầng là cần thiết, nâng cao đời sống cho người dân là mục tiêu, lợi ích mang lại cho người dân là động lực, hơn 5 năm qua, Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, và đã thu được những kết quả đáng mừng". Ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Thanh Hóa, cho biết.
Trao đổi với phóng viên về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở Thanh Hóa đến nay, ông Nguyễn Đức Quyền đánh giá: Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự nỗ lực, cố gắng của các tầng lớp nhân dân; đồng thời với cách làm chủ động, sáng tạo, Chương trình xây dựng NTM ở Thanh Hoá đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và thu được những kết quả quan trọng. Những kết quả ấy đã và đang tạo nên diện mạo mới cho khu vực nông thôn, đời sống và thu nhập của người dân đã cải thiện một bước đáng kể.
Ông Nguyễn Đức Quyền (thứ 2 từ phải) cùng lãnh đạo tỉnh, sở ngành đi kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp. Ảnh: H.Đ
Qua 6 năm làm NTM, Thanh Hóa đã xây dựng được 1.039 mô hình phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn, thu hút 34.326 hộ gia đình tham gia... Nhờ tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, giai đoạn 2011-2015, thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng từ 11,02 triệu đồng năm 2011 lên 20,5 triệu đồng năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 13,51% năm 2011 xuống còn 11% năm 2016 (theo tiêu chí đa chiều).
Cụ thể những kết quả mà Thanh Hóa đã đạt được là gì, thưa ông?
- Đến nay, các xã xây dựng NTM đã đạt bình quân 14,2 tiêu chí, đã có 180 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 31,5% số xã xây dựng NTM), 335 thôn bản đạt chuẩn NTM được công nhận (trong đó có 203 bản miền núi), và 1 huyện đạt chuẩn NTM.
Các tiêu chí đạt tỷ lệ cao là: Quy hoạch đạt 100%, bưu điện đạt 97,9%, an ninh trật tự đạt 96.5%, điện đạt 95,1%, hệ thống chính trị đạt 93%, thu nhập đạt 73,4%, hộ nghèo đạt 47,2%...
Trong hơn 5 năm, tổng huy động vốn đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn tỉnh đạt khoảng 61.260 tỷ đồng, chiếm 19% tổng vốn đầu tư phát triển. Trong đó, nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng NTM là 32.655 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư phát triển hạ tầng là 23.515 tỷ đồng; vốn đầu tư phát triển sản xuất và xóa đói giảm nghèo là 8.739 tỷ đồng...). Từ nguồn vốn Chương trình NTM, các xã trong tỉnh đã xây dựng được 316 trụ sở, 397 trường mầm non, 425 trường tiểu học, 370 trường trung học cơ sở, 427 trạm y tế xã, 255 nhà văn hóa xã, 2.222 nhà văn hóa thôn, 260 chợ nông thôn, 5.991,8km đường giao thông nông thôn các loại, 1.910,5km kênh mương nội đồng, 48.549 công trình nước sinh hoạt, 76.450 nhà ở dân cư...
Như vậy, có thể khẳng định rằng, các địa phương đã có nhiều cố gắng và thực hiện được khối lượng xây dựng rất lớn như nêu trên.
Để có những thành quả ấy, đánh giá lại thì tỉnh Thanh Hóa thấy giải pháp nào là quan trọng và có hiệu quả nhất?
- Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, nên ngay từ khi triển khai thực hiện, Thanh Hóa đã đưa Chương trình Phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh để tập trung chỉ đạo. Đặc biệt, ngay khi chưa có hướng dẫn của Trung ương, UBND Thanh Hóa đã chủ động ban hành Quyết định số 1457/2011 về hướng dẫn lập quy hoạch xã NTM trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 1666/2011 về việc hướng dẫn quy trình đánh giá xã đạt các tiêu chí NTM; Quyết định 145/2013 quy định về trình tự, thủ tục xét, công nhận và tổ chức công bố "Xã đạt chuẩn NTM" trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và Quy trình lấy phiếu đánh giá sự hài lòng của người dân trong xây dựng NTM; ban hành các chính sách về phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM.
Thanh Hóa là tỉnh có xuất phát điểm về kinh tế thấp, chưa tự cân đối được ngân sách; có trên 80% dân số sống ở vùng nông thôn; 11 huyện và 210 xã miền núi, trong đó có 102 xã thuộc 7 huyện nghèo đang thực hiện các chính sách theo Nghị quyết 30a, 37 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; mặt bằng dân trí của dân cư khu vực miền núi còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, do đó, gặp nhiều khó khăn trong triển khai cũng như huy động nguồn lực để thực hiện chương trình. Vì thế, UBND Thanh Hoá đã chủ động chỉ đạo xây dựng thôn, bản NTM với việc ra Quyết định số 717/2014 về ban hành tiêu chí, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và tổ chức công bố thôn, bản đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh. Đây là cách làm phù hợp tình hình và điều kiện của Thanh Hóa với những vùng nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, chưa có điều kiện để xây dựng xã NTM.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2016-2020, để huyện đạt chuẩn NTM, cần có 100% số xã trong huyện đạt chuẩn và 9 tiêu chí với 14 nội dung cấp huyện đạt chuẩn. Qua rà soát thực tế ở các huyện chưa đạt chuẩn NTM, các nội dung tiêu chí huyện NTM liên quan đến hạ tầng cấp huyện như Trung tâm y tế huyện, Trung tâm văn hóa-thể thao huyện, Trường THPT, khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt... đạt tỉ lệ thấp. Do vậy, để đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 5 huyện và 60% số xã đạt chuẩn NTM, Thanh Hóa đã ban hành cơ chế hỗ trợ xây dựng huyện NTM giai đoạn 2016-2020. Cơ chế theo định hướng hỗ trợ kinh phí để các địa phương chủ động lựa chọn nội dung thực hiện, đồng thời có thêm điều kiện đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêu chí huyện NTM.
Vừa qua, theo thống kê sơ bộ, Thanh Hóa nợ đọng trong vấn đề xây dựng NTM là khá cao. Những con số đó đã ở mức đáng lo ngại và có nguy cơ thành "nợ xấu" không, thưa ông?
- Thời gian qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp nhằm tăng cường các biện pháp xử lý, khắc phục cơ bản tình trạng nợ xây dựng cơ bản, sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh; các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng đã thực hiện nghiêm các quy định về thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các chủ đầu tư trong quá trình quản lý thực hiện dự án, đặc biệt là xử lý nợ xây dựng cơ bản; kịp thời chấn chỉnh những sai phạm của các chủ đầu tư trong việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, đảm bảo không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.
Kết quả, tình hình nợ xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh qua các năm 2014, 2015 đã chuyển biến tích cực, đặc biệt năm 2016 đã giảm đáng kể, cơ bản không để phát sinh nợ không có khả năng thanh toán.
Qua báo cáo của các địa phương và kiểm tra theo dõi của các sở, ngành chức năng cho thấy, trong những năm qua, không có tình trạng các địa phương đi vay để thực hiện xây dựng các công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; số nợ đọng đã giảm đi so với các năm và sẽ được thanh toán bằng các nguồn vốn sau: Hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn; cơ chế chính sách khuyến khích xây dựng NTM; cơ chế về tỷ lệ phân chia tiền thuê đất, sử dụng đất thu từ các xã xây dựng NTM để đảm bảo nguồn cho các địa phương xây dựng NTM.
Vấn đề xây dựng NTM là "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra...", việc này ở Thanh Hóa đã thực hiện như thế nào?
- Để sức dân trở thành một động lực quan trọng trong xây dựng NTM, quan điểm chỉ đạo được thống nhất đối với cấp ủy, chính quyền các cấp là phải triệt để đảm bảo nguyên tắc: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ. Đồng thời, phải lấy công khai, minh bạch làm đầu, phát huy tính dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện cho người dân có quyền quyết định việc sử dụng nguồn vốn do mình đóng góp, giám sát việc sử dụng nguồn vốn đó. Bên cạnh đó, cán bộ, đảng viên cần gương mẫu đi đầu trong việc hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công, tham gia tích cực vào xây dựng NTM, làm tấm gương cho nhân dân noi theo.
Ngoài ra, các cấp ủy Đảng, chính quyền phải quán triệt tinh thần huy động sự tham gia của người dân vào xây dựng NTM không có nghĩa là "cào bằng, tận thu", mà phải được bàn bạc dân chủ và được sự đồng tình của người dân, tuyệt đối không bắt buộc và huy động quá sức dân... Có như vậy kết quả của Chương trình xây dựng NTM mới thực sự ý nghĩa và xã đạt chuẩn NTM mới bền vững, đích thực.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
NTM Thanh Hóa: Hướng tới thu nhập 30 triệu đồng/người/năm Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được xác định là mục tiêu cốt lõi trong Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của xã Xuân Phú, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa. Để thực hiện mục tiêu này, Ban chỉ đạo NTM của xã đã xác định giải pháp hàng đầu là chuyển dịch cơ cấu kinh...