NTM Hưng Yên: Người trồng đào hứa hẹn bung nở đúng dịp Tết
Để cây đào ra hoa đúng hẹn mùa xuân, người trồng phải “trông trăng” từ trung thu. Đây chỉ là một trong những bí quyết mà người trồng đào Hưng Yên áp dụng để mang đến những cành đào đẹp nhất đúng dịp Tết đến xuân về.
Chăm sóc đào cho dịp tết tại vườn đào làng Phú Đa (Mỹ Hào)
Đến thăm làng đào Ngọc Đà, xã Tân Quang (Văn Lâm) những ngày cuối năm, trên những thửa ruộng, mảnh vườn, hàng trăm gốc đào đang được uốn dáng. Lác đác trên cành cây khẳng khiu là những bông đào phai, đào bích nở sớm, sắc hoa phơn phớt lẫn trong những chiếc lá xanh. Hiện nay, Ngọc Đà có hơn 150 hộ trồng đào với tổng diện tích khoảng 35 mẫu. Dù vài năm gần đây, thời tiết biết động khó lường nhưng người trồng đào Ngọc Đà vẫn trồng được những cây đào nhiều hoa, bung bở đúng dịp Tết.
Một trong những bí quyết để đào nở đúng Tết của người dân làng Ngọc Đà là “trông trăng”. Ông Bùi Văn Tỵ, người đầu tiên mang cây đào Nhật Tân về Ngọc Đà cho biết: “Từ rằm tháng 8 âm lịch, người trồng đào phải ngắm trăng” để “dự đoán” thời tiết lúc giáp tết. Theo kinh nghiệm của bà con, nếu năm nào trăng đục thì trời sẽ lạnh, còn trăng trong thì trời sẽ ấm. Từ đó điều chỉnh thời điểm tuốt lá cho cây đào. Nếu thời tiết nóng nhiều, người trồng sẽ tuốt lá muộn hơn khoảng chục ngày để đào nở chậm hơn”.
Theo đó, vào đầu tháng 11 âm lịch, người trồng tuốt bỏ toàn bộ lá đào để cây tập trung dinh dưỡng làm nụ, bảo đảm nụ hoa ra nhiều, đều, mập, hoa to, cánh dày, màu đẹp. Động tác tuốt lá phải theo chiều lá mọc hướng lên, tuốt ngược xuống sẽ bị rụng hết “mắt đào”. Mỗi một lá đào ngắt xuống là một lần cây đào “tức mắt”, từ “mắt đào” ấy mà cây đâm chồi, nẩy lộc, ông Tỵ nói thêm. Sau khi tuốt bỏ toàn bộ lá đào trên cây, người trồng đào Ngọc Đà tiếp tục căn thời tiết để điều chỉnh cách chăm sóc.
Anh Phùng Việt Hưng, một hộ trồng đào cho biết: Nếu thời tiết nắng ấm, đào có “nguy cơ” nở hoa sớm thì “hãm” đào bằng cách hạn chế tưới nước, thậm chí nếu gần đến ngày tết mà trời vẫn nắng nóng thì phải đánh gốc đào đặt trong phòng có điều hòa. Nếu trời quá lạnh, đào không bung hoa đúng dịp Tết thì phải “mặc áo” cho đào bằng cách lấy bao nilon chùm quanh cây, đồng thời thắp điện suốt đêm để đào “không ngủ”.
Đến thăm làng đào Phú Đa, thị trấn Bần Yên Nhân (Mỹ Hào) những ngày đầu tháng 12 âm lịch, trên những vườn đào thế, người nông dân đang tất bật tỉa lộc lá. Mùa đông năm nay thời tiết nắng ấm nhiều nhưng người trồng đào Phú Đa vẫn tự tin hoa đào sẽ bung nở đúng dịp Tết đến xuân về.
Một trong những “bí kíp” để “kích đào” ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán của người dân làng Phú Đa là tiện gốc đào. Anh Nguyễn Văn Tiến, gần 20 năm kinh nghiệm trồng đào cho biết, việc tiện gốc giúp cây dồn sức vào nuôi “mắt đào”, thúc ra hoa. Thời điểm tiện gốc đào vào tháng 8 âm lịch. Người trồng dùng dao cắt bỏ một khoanh vỏ thân ở gốc cây, sau đó 1 tuần lá đào sẽ chuyển từ màu xanh đậm sang vàng nhạt và hơi rủ xuống. Sau khi bóc vỏ xong, cần dùng túi nylon cuốn che bên trên vết khoanh, buộc chặt để nước mưa không đọng chỗ vỏ bị khoanh làm thối vỏ. Bên cạnh đó, sang tháng 12, người trồng cũng căn cứ thời tiết để “thúc”, “hãm” đào nở đúng dịp. Nếu trời nắng ấm, người trồng đào tuyệt đối không tưới nước vào gốc vì có nước đào sẽ càng nở nhanh. Nếu trời quá lạnh, đào có nguy cơ nở sớm, người trồng đào Phú Đa sẽ tưới nước ấm khoảng 40 – 50 độ C vào quanh gốc đào để bảo đảm đủ nhiệt độ kích thích cho đào ra hoa đúng thời điểm.
Video đang HOT
Với người trồng đào ở xã Nhật Tân (Tiên Lữ), sau gần một năm chăm đào, giờ đang là giai đoạn khó khăn nhất bởi chỉ lơ là một chút, thành quả của cả năm chăm bẵm có thể phút chốc trở thành công cốc.
Anh Phan Xuân Huy, chủ vườn đào Xuân Huy cho biết: “Năm nay, thời tiết nắng ấm nên đào có nguy cơ nở sớm hơn so với mọi năm. Muốn có hoa đào nở đúng vào dịp Tết, người trồng đào đều vận dụng những “bí quyết” riêng để điều chỉnh cho hoa đào nở vào đúng dịp. Tuốt lá, hãm đào, thúc đào, thiến đào… là những cách mà nông dân trồng đào Nhật Tân thường hay sử dụng để giúp đào ra hoa đúng vào dịp Tết Nguyên đán”.
Theo Dương Miền – Nguyễn Nhân (Báo Hưng Yên)
Xuân về ở làng hoa lớn nhất Hưng Yên
Nổi tiếng với nghề trồng hoa khoảng 4 năm trở lại đây, Tết đến xuân về, Xuân Quan lại tràn ngập sắc hương của hàng triệu đóa hoa..
Trồng hoa làm giàu
Xã Xuân Quan (Văn Giang) là vùng chuyên sản xuất hoa áp dụng công nghệ cao có diện tích lớn nhất Hưng Yên hiện nay, với trên 120 ha trồng hoa, cây cảnh.
Người dân Xuân Quan chăm sóc hoa Tết
Những ngày gần cuối năm về làng hoa Xuân Quan, người ta có thể cảm nhận không khí tết đang đến gần hơn lúc nào với hàng triệu đóa hoa đua nhau khoe sắc. Hồng, phong lan, dạ yến thảo, ngọc thảo, trạng nguyên... là những loại hoa chủ đạo của làng hoa Xuân Quan.
Làng hoa những ngày này đang hối hả chuẩn bị hoa Tết. Công việc bận rộn và vất vả. Mỗi ngày, làng hoa đón hơn 100 xe ô tô tải của thương lái đến "ăn" hàng để chuyển đi các nơi.
Những nụ cười rạng rỡ trên gương mặt người trồng hoa là hình ảnh chúng tôi gặp nhiều nhất khi về Xuân Quan những ngày này.
Anh Lê Mạnh Tuyến, người có diện tích trồng hoa, cây cảnh lớn của xã phấn khởi: "Năm nay, làng hoa thắng lợi lớn nhất từ trước tới nay. Dù thị trường hoa Tết ở nhiều làng hoa, cây cảnh gặp khó khăn về tiêu thụ, nhưng tại Xuân Quan rất sôi động với nhiều bạn hàng mới đến từ nhiều tỉnh, thành phố bên cạnh các bạn hàng truyền thống."
Ông Đàm Mạnh Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Quan cho biết: "Năm nay, thu nhập của bà con trồng hoa tăng 30% so với năm ngoái. Nhiều gia đình có mức thu đạt từ 1- 2 tỷ đồng/năm. Tổng lợi nhuận từ hoa, cây cảnh của Xuân Quan ước đạt trên 200 tỷ đồng. Chưa bao giờ, người trồng hoa giàu như bây giờ."
Mùa đông năm nay thời tiết diễn biến bất thường đến nỗi, người trồng hoa ở đây đùa rằng "Mùa đông năm nay nóng hơn mùa hè năm ngoái". Trong khi đó, một lượng lớn hoa tết của Xuân Quan là các chủng loại hoa ưa lạnh. Tuy vậy, việc ảnh hưởng của thời tiết đến chất lượng hoa đã được hạn chế nhờ phần lớn các nhà vườn đều chọn lựa giống hoa tốt và đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà kính trồng hoa.
Vùng hoa Xuân Quan hiện có khoảng 700 hộ làm nghề. Nhờ sự sáng tạo, khéo léo và táo bạo ứng dụng công nghệ cao của người trồng hoa, hoa Xuân Quan đẹp, bền có tiếng, được xuất đi khắp các tỉnh, thành phố.
Không giống bất cứ làng hoa nào ở Hưng Yên, Xuân Quan nổi tiếng với hoa chậu, hoa giỏ treo, hoa thảm, với hơn 100 chủng loại hoa. Trong đó, nhiều loại hoa độc, lạ chiều lòng thị hiếu người chơi...
Nhưng có lẽ, chính những người "ăn cùng hoa, thức cùng hoa" ở Xuân Quan, những người mà chỉ riêng năm 2016 thôi đã cầu thị "tầm sư, học đạo", say mê học hỏi ở 6 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về hoa cây cảnh bởi những chuyên gia đầu ngành, mới cảm nhận trọn vẹn niềm vui của hàng triệu đoá hoa đang khoe sắc dâng đời khi xuân đến...
Làng hoa sẽ làm du lịch
Làng hoa Xuân Quan (Văn Giang) nằm ở phía bắc Hưng Yên, cách trung tâm Hà Nội chừng hơn 20km và tiếp giáp nhiều khu đô thị lớn, rất thuận lợi cho việc thu hút du khách tham quan vãn cảnh.
Chuẩn bị hoa cho khách
Nổi tiếng với nghề trồng hoa khoảng 4 năm trở lại đây. Mỗi độ Tết về, Xuân Quan lại ngập tràn hương sắc, với nhiều chủng loại hoa đa dạng, đáp ứng được thị hiếu ngày càng cao của người chơi hoa và từ đây, hoa được chuyển đi khắp các vùng.
Dù rằng hơn 95% hoa, cây cảnh ở Xuân Quan được bán buôn, nhưng chính số ít ỏi còn lại được bán lẻ tới tận tay người yêu hoa đã gợi mở cho những người trồng hoa Xuân Quan cách nghĩ, cách làm mới đầy linh hoạt, mới mẻ: Gắn trồng hoa với du lịch sinh thái.
Chị Nguyễn Thị Bích Vượng trú tại khu đô thị Ecopark cười tươi tắn, cuối tuần gia đình tôi thường tới làng hoa Xuân Quan ngắm hoa, chụp ảnh. Ở đây có rất nhiều loại hoa, vừa đẹp, vừa độc đáo lại rẻ, còn chơi được lâu. Khoe chậu dạ yến thảo rực rỡ mới mua, chị xuýt xoa: Loại hoa này là nữ hoàng của hoa ban công. Ngót trăm nghìn đấy, mà chơi được những nửa năm cơ!
Gần đến tết Đinh Dậu 2017, làng hoa Xuân Quan khoe sắc lộng lẫy với nhiều chủng loại hoa phong phú, thu hút nhiều khách tham quan, chụp ảnh, trong đó có nhiều khách nước ngoài. Làng hoa này bắt đầu trở thành điểm đến của nhiều du khách tham quan, ngắm hoa mỗi dịp cuối tuần.
Bây giờ, nhà vườn nào ở làng hoa Xuân Quan cũng bày bộ bàn uống nước rộng rãi ngay trong vườn hoa. Khách đến mua hoa, thăm quan, chụp ảnh chồn chân ghé nghỉ tự pha nước uống, vừa nhâm nhi thư giãn, vừa thả sức thưởng thức bữa tiệc thịnh soạn của thị giác, khứu giác, với cơ man hoa treo trên giàn, hoa còn dưới luống...
Về vựa hoa Xuân Quan thăm quan cuối tuần, du khách được đội bảo vệ hướng dẫn nơi để xe tận tình, miễn phí. Đường liên thôn ở Xuân Quan giờ thông thoáng, khang trang hơn nhiều. Đó là công sức ngót 1000 ngày công, tự nguyện đóng góp 1,2 tỷ đồng cùng hàng trăm mét vuông hiến đất làm đường của bà con và xi măng hỗ trợ của tỉnh trong năm 2016. Dù vậy, những ngày cao điểm giáp tết hiện nay, nhất là dịp cuối tuần, khách đến với làng hoa ngoài thương lái còn là hàng trăm du khách thăm quan, mua lẻ, việc tắc đường vẫn xảy ra...
Ông Đàm Mạnh Cường, Chủ tịch Hội nông dân xã Xuân Quan bày tỏ: Bởi vậy, để vựa hoa Xuân Quan trở thành điểm du lịch sinh thái như người trồng hoa ở đây mong muốn và đang biến thành hiện thực, mong lắm sự quan tâm, đầu tư cho Xuân Quan, không chỉ là đường giao thông phục vụ sản xuất, vận chuyển hoa cây cảnh, mà còn là hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, thuận tiện khiến du khách lưu luyến khi rời làng hoa và muốn được trở lại...
Theo Minh Huệ -Đức Tuấn (Báo Hưng Yên)
Ngắm vườn đào "xuyên hai thế kỷ" cực hiếm ở Hà Nội Những cây đào có tuổi đời ít nhất 20 năm với thân cây sần sùi, thậm chí sâu mục nhưng lại có trị giá kinh tế rất lớn bởi độ quý hiếm và tính thẩm mĩ... Càng gần dịp Tết âm lịch, không khí tại các vườn trồng đào ở Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) lại càng hối hả hơn. Bên cạnh...