NTK Đức Hùng: ‘Tôi muốn cô Đẩu trở thành hoa hậu Thiên đình’
Nhà thiết kế chia sẻ rằng, anh phải tìm hiểu kịch bản, nắm rõ tính cách nhân vật mới có thể “hóa phép” Bắc Đẩu – Công Lý trở thành nhân vật xinh đẹp, quyến rũ trong Táo Quân 2016.
Nhà thiết kế Đức Hùng và một số nghệ sĩ trong Táo quân 2016. Năm nay, Đức Hùng tham gia thiết kế trang phục cho một số Táo và hai ca sĩ Mỹ Dung, Minh Quân. Ảnh: NVCC
- Trang phục của các nghệ sĩ trong chương trình Táo Quân 2016 nhận nhiều phản hồi tích cực từ phía khán giả. Cảm xúc của anh thế nào?
- Tôi quan niệm những lời khen tặng không chỉ là phần thường mà còn là sự ghi nhận của công chúng dành cho nghệ sĩ. Sau nhiều ngày tháng miệt mài với màu sắc và hình ảnh, không có niềm vui nào lớn hơn khi sản phẩm của mình được mọi người đón nhận.
Tôi được đạo diễn Đỗ Thanh Hải tin tưởng giao trách nhiệm thiết kế trang phục cho một số Táo trong chương trình Táo Quân năm nay. Táo quân là một chương trình được đông đảo mọi người quan tâm nên yếu tố hình ảnh đóng vai trò rất quan trọng. Tôi và đạo diễn Đỗ Thanh Hài đã trao đổi với nhau về trang phục Táo Quân trước đây mấy tháng, do vậy, khi chính thức bắt tay vào thiết kế, hai chúng tôi nhanh chóng thống nhất ý tưởng về trang phục. Để có được một Thiên đình rực rỡ như vậy là công sức của rất nhiều người, tôi xin chia sẻ niềm vui này với toàn thể ê-kíp và đặc biệt là đạo diễn Đỗ Thanh Hải.
- Nhân vật nào trong Táo Quân khiến anh mất nhiều công sức nhất khi bắt tay vào thiết kế trang phục?
- Đó là trang phục của Bắc Đẩu hay còn được mọi người gọi với cái tên thân mật là “cô Đẩu”, do NSƯT Công Lý thủ vai. Bắc Đẩu là một người đanh đá nhưng cũng rất nữ tính, trong lòng khán giả “cô Đẩu” là một hình tượng khó có thể thay thế và được đông đảo mọi người yêu thích. Trang phục của Bắc Đẩu thay đổi theo từng năm và mỗi năm lại có những ấn tượng riêng, đó cũng là lý do khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều khi thiết kế trang phục cho nhân vật này.
Thú thực là, năm nay tôi có mong muốn “hóa phép” cô Đẩu thành “hoa hậu Thiên đình” với trang phục lộng lẫy nhất. Để làm được điều đó, tôi và Công Lý đã nghiên cứu rất kỹ kịch bản để tìm tòi ra những yếu tố sáng tạo. Ví dụ như khi “cô Đẩu” nói từ “bung lụa” thì mình cũng phải có trang phục, phụ kiện sao cho phù hợp với cách diễn tả của cô ấy. Tôi nghĩ rằng, trên sân khấu, hình ảnh phải ăn nhập với tích cách mà nhân vật thể hiện, có như vậy mới chiếm được cảm tình của khán giả.
Khoảnh khắc “bung lụa” của Bắc Đẩu trên sân khấu. Ảnh: NVCC
Video đang HOT
- Anh có thể nói rõ hơn về quá trình “hóa phép” Bắc Đẩu?
- “Cô Đẩu” đã đóng đinh trong lòng khán giả là một người điệu đà mà người điệu đà, như chúng ta biết, bao giờ cũng thích nơ, thích khăn điểm xuyết cho trang phục của mình. Thế nên tôi quyết định thiết kế một chiếc nơ dành riêng cho “cô Đẩu” và chính tôi là người đã tết chiếc nơ duyên dáng đó cho Công Lý.
Còn về trang phục, ngay khi nhận thiết kế cho cô Đẩu, tôi nghĩ ngay đến một “bộ cánh” màu đỏ và hồng, vừa nữ tính, vừa lung linh, sặc sỡ nên chắc chắn sẽ giúp nhân vật thăng hoa trên sân khấu. “Cô Đẩu” là một nhân vật rất hay, Công Lý diễn rất xuất sắc nên quá trình “hóa phép” cũng cần phải rất kỳ công thì Thiên đình mới có một “hoa hậu” xinh đẹp như vậy (cười).
- Tiêu chí thiết kế trang phục trong Táo Quân 2016 của anh là gì?
- Táo Quân là một chương trình hài kịch nên tiêu chí đầu tiên phải là rực rỡ, lung linh nhằm mục đích gây ấn tượng với người xem ngay từ trang phục của các nghệ sĩ. Sân khấu Thiên đình lại có tính ước lệ cao nên yếu tố màu sắc rất quan trọng. Ngoài ra, trang phục của các Táo được xây dựng phù hợp với kịch bản của từng nhân vật, như Táo Giáo Dục có màn chiến đấu thì cần phải có áo giáp. Áo giáp của Táo Giáo Dục do Vân Dung thủ vai, tôi đã tỉ mỉ thiết kế những vảy rồng trên chất liệu da để khi “xung trận” Táo được hoành tráng nhất có thể.
Một tiêu chí không thể không kể đến khi thiết kế trang phục cho Táo quân là làm sao để gần gũi với khán giả Việt. Tôi chủ ý thiết kế rồng, phượng trên thân áo vì hình ảnh này chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, hồn cốt của dân tộc Việt và cũng gần gũi với tất cả khán giả Việt Nam. Chúng ta vẫn nói nhau rằng, chúng ta là “con Rồng, cháu Tiên”, vậy không có lý gì mà trang phục của các Táo lại không có rồng, phượng.
- Các nghệ sĩ tham gia Táo Quân phản hồi như thế nào về các thiết kế của anh?
- Tôi rất vui mừng khi các nghệ sĩ đồng cảm và ủng hộ các thiết kế của mình bởi họ là người diện chúng, mang chúng đến với khán giả nên tình cảm của họ đối với trang phục là rất quan trọng. Và cũng không chỉ có nghệ sĩ mà người nhà của nghệ sĩ cũng bị mê hoặc khi ngắm nhìn trang phục Táo Quân. Con trai của Vân Dung phải thốt lên “Mẹ đẹp quá”, khi nghe thấy những nhận xét như vậy, tôi cảm thấy rất ấm lòng.
Nhà thiết kế Đức Hùng cho biết anh đã tỉ mỉ thiết kế vảy rồng trên chất liệu da trong áo giáp của Táo Giáo Dục Vân Dung. Ảnh: NVCC
- Trong quá trình thiết kế trang phục cho Táo Quân anh có kỷ niệm nào đáng nhớ?
- Táo Quân liên tục thay đổi kịch bản, ê-kíp luôn phải trao đổi với nhau trực tiếp. Và trang phục cũng phải thay đổi theo kịch bản mới nhất, đó là lý do khiến tôi có khá nhiều kỷ niệm với chương trình. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là lần mang trang phục của Bắc Đầu đến nơi tập Táo Quân. Mọi người đều biết rằng, Táo Quân tập luyện về đêm, do vậy, thử đồ cũng phải thử về đêm. Mặc dù không tham gia diễn xuất nhưng bản thân tôi cũng phải có nhiều đêm đồng hành cùng các nghệ sĩ.
Tôi nhớ có lần, hôm đó mưa và rét, tôi đi lấy trang phục cho Bắc Đẩu, trên đường đến nơi tập, tôi vô tình làm rơi trang phục xuống đất. Lúc đó, tôi sợ lắm vì sắp đến ngày ghi hình, bây giờ mà hỏng thì không thể nào kịp thiết kế lại. hoặc nếu bị bẩn cũng cần phải có quá trình xử lý. Tôi ngơ ngác đến mức suýt nữa bị một xe ôm đi ngược chiều đâm phải. Nhưng may trang phục không sao cả, cũng không bị bẩn. Đôi khi, chỉ những kỷ niệm nhỏ như vậy mà tôi ấn tượng, không thể nào quên được.
- Theo anh, việc Táo Quân năm nay chú trọng đầu tư về mặt hình ảnh có phải là một cách để “lội ngược dòng” sau một vài năm bị chê là “năm sau không hay bằng năm trước”?
- Tôi nghĩ rằng, truyền hình là một sân khấu nghe nhìn, tức là khán giả không chỉ có nhu cầu lắng nghe nghệ sĩ nói gì mà còn muốn quan sát, đánh giá trang phục và cách biểu diễn của nghệ sĩ. Thế nên việc Táo Quân chú trọng đầu tư về mặt hình ảnh cũng là điều dễ hiểu, nó chứng tỏ đạo diễn và ekip luôn nghĩ đến công chúng và người hâm mộ.
Theo Zing
NSƯT Công Lý sợ bị cắt vai Bắc Đẩu
Nhắc đến "Bắc Đẩu" Công Lý, khán giả thường nhớ ngay đến ánh mắt, nụ cười "láu cá", lối diễn tưng tửng trong chương trình Gặp nhau cuối năm.
"Bắc Đẩu" Công Lý (ảnh nhân vật cung cấp).
Nhưng Công Lý còn một chân dung khác với những vai diễn mang nặng số phận, đậm chất bi kịch như Khoái trong phim Gió làng Kình, Đận trongBão qua làng và vẻ ngoài ít nói, trầm ngâm.
Bắc Đẩu là vai vất vả
Cũng như nhiều nghệ sĩ đóng hài Táo quân, gặp NSƯT Công Lý thời điểm này thật khó, bởi lịch tập luyện chủ yếu về đêm còn ban ngày phải thu xếp thời gian, công việc. Đặc biệt là ê-kíp chương trình có lưu ý... tránh tiếp xúc với báo chí, kẻo nhỡ lời tiết lộ kịch bản sẽ bị cắt vai như chơi.
Trái với vẻ chua ngoa, hay lý sự trên sân khấu, ngoài đời Công Lý lặng lẽ, chừng mực hơn hẳn. Anh tự nhận chỉ giỏi thuộc thoại nhanh còn chuyện đời, chuyện mình thì "khù khờ lắm". "Tính cách của nghệ sĩ không phải là tính cách của nhân vật và tôi không bao giờ sợ bị người ta hiểu nhầm", Công Lý nói. Anh tâm sự, cứ vào "mùa" Táo quân là anh có một nỗi sợ, đó là... trang điểm. Anh bảo: "Hóa trang vai Bắc Đẩu lâu gấp đôi các vai khác. Tôi phải đội tóc giả, đánh mắt kẻ mày, tô son trát phấn ngồi suốt 4-5 tiếng đồng hồ. Xong xuôi, mọi người cứ xúm lại khen mình xinh, dù thú thực tôi thấy phát... ngốt".
Nói về vai diễn vốn được xem là vất vả nhất trong chương trình hài Táo quân, Công Lý cho biết, do phải đi lại, nói năng liên tục nên giọng anh lúc nào cũng trong tình trạng khản đặc. Chưa kể việc phát âm cũng phải "khác người", tức là giọng lả lướt, the thé và õng ẹo kiểu "nửa nạc, nửa mỡ".
Công Lý cho biết: "Trong khi các Táo khác xuất hiện lần lượt thì vai Nam Tào, Bắc Đẩu, Ngọc Hoàng gần như phải tương tác liên tục. Nhiều khi tôi rất muốn đề nghị đạo diễn cho làm một Táo thôi để đỡ vất vả nhưng nói vậy thôi chứ đạo diễn đã tính toán cả rồi, thành ra mình cố gắng. Khán giả chính là sự động viên lớn nhất với nghệ sĩ chúng tôi. Sự tương tác giữa diễn viên và khán giả khi chương trình ghi hình chính là yếu tố quan trọng làm nên một kịch bản Táo quân hoàn chỉnh".
Hơn 10 năm qua, dù chỉ đóng vai Bắc Đẩu, nhưng Công Lý vẫn tạo được dấu ấn với khán giả nhờ kết hợp được vẻ đa tính cách trong vai giả gái. Lần đầu tiên Công Lý đóng vai hài là phim Ảo ảnh giữa đời thường của đạo diễn Trần Lực vào năm 1993, nhưng phải đến khi kết hợp với đạo diễn Đỗ Thanh Hải thì Công Lý mới chinh phục được khán giả. "Tôi và anh Hải học chung với nhau từ cấp 1, cấp 2 cho đến đại học. Có lần, anh ấy gọi điện bảo tôi đi quay tiểu phẩm cho Gặp nhau cuối tuần. Đó là một trong những người đầu tiên đặt viên gạch cho sự nghiệp của tôi. Đời sống là bạn bè thật nhưng trong công việc vẫn phải nghiêm túc. Như kịch bản Táo quân, nếu tôi tiết lộ gì với các bạn, chắc anh ấy cũng chả ngại cắt vai luôn", Công Lý tiết lộ về mối quan hệ đặc biệt với đạo diễn Đỗ Thanh Hải. Năm nay, ngoài Táo quân, anh cũng đắt sô với tiểu phẩm Đại gia chân đất 6 cùng một số đồng nghiệp như: Trung Hiếu, Quang Tèo, Chiến Thắng, Thu Huyền, Thanh Tú, Hải Anh...
Chưa bao giờ sao nhãng trách nhiệm với con
Thời điểm cuộc hôn nhân giữa Công Lý và MC Thảo Vân tan vỡ, nhiều người đã chạnh lòng bởi tài sản của họ chỉ có mỗi cái nhà và mẹ con Thảo Vân ở, Công Lý ra ngoài mãi không thuê được nhà, lại dọn về ở với cùng bố mẹ. Họ đã có cuộc chia tay văn minh, không kể lể, chẳng so tính thiệt hơn nhưng nỗi niềm tưởng chừng chẳng bao giờ dứt bởi cả hai cuộc hôn nhân, anh đều ly hôn khi con cái còn nhỏ. Điều khiến Công Lý thanh thản nhất là anh chưa bao giờ sao nhãng trách nhiệm với con và vẫn coi Thảo Vân là bạn bè.
Cách đây vài năm, thời gian MC Thảo Vân đăng tải tấm ảnh nằm viện trong lúc Công Lý công khai tình mới, "gạch đá" dư luận đã dồn vào chỉ trích Công Lý đến mức sau đó, MC Thảo Vân đã phải lên tiếng: "Chúng tôi chia tay nhau lâu rồi, mỗi người đều có một cuộc sống riêng, chẳng lẽ bắt anh ấy chịu trách nhiệm về cuộc đời của tôi mãi, cũng như không thể bắt tôi chịu trách nhiệm cho anh mãi. Tôi rất cảm ơn người phụ nữ nào làm cho anh ấy hạnh phúc". Tuy đã "đường ai nấy đi", nhưng Công Lý luôn gặp con vào cuối tuần hoặc bất cứ khi nào rảnh rỗi. Con trai anh thừa hưởng từ bố nét duyên ngầm, sự hài hước, dáng đi và lúm đồng tiền không lẫn vào đâu được.
Thỉnh thoảng, người ta vẫn bắt gặp Công Lý đạp xe vòng quanh Hồ Tây. Ai nhận ra, gọi "Đẩu ơi!" là anh ghếch chân dừng lại chào hỏi, bắt chuyện. Công Lý tự nhận mình "cá biệt" từ nhỏ. Nhà anh có ba chị em, mỗi anh là con trai. Anh kể, ngày anh học cấp 1, bố anh hì hục đóng một cái bàn, mang đến lớp đặt ngay sát bàn giáo viên. Đó là chỗ ngồi của anh, hoàn toàn cách biệt với bạn bè. Sự "cá biệt" ấy đã luôn song hành cùng Công Lý. Cách đây chừng 10 năm, ngày Thảo Vân sinh con tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Con trai vừa chào đời được mấy tiếng thì Công Lý phải chạy về Nhà hát Kịch Hà Nội tập vở diễn. Đến nơi, anh chìa ảnh con ra khoe khắp lượt nhưng ai hỏi tên con, Công Lý chỉ biết gãi đầu gãi tai: "Mới áng áng thôi, chứ chưa có tên chính thức".
Ở tuổi tứ tuần, khi tóc trên đầu lốm đốm nhiều sợi bạc, Công Lý vẫn đang lặng lẽ vun đắp cho cuộc sống mới bên người phụ nữ thứ ba. Anh không muốn nhắc nhiều đến những chuyện riêng tư và những nỗi buồn đã bỏ lại trong quá khứ - trừ hai đứa con khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Anh trải lòng: "Tôi mong một chốn yên bình để đi về sau những ngày vắt sức mình lao động nghệ thuật. May mắn là cuộc sống của tôi hiện tại vẫn rất ổn và bình yên. Tôi dành nhiều thời gian hơn cho công việc vì với tôi, bận rộn cũng là hạnh phúc. Tôi sợ rảnh rỗi, ngồi nghĩ ngợi linh tinh rồi sinh ra nhiều thói hư, tật xấu".
Hỏi NSƯT Công Lý, sau tất cả những vai diễn từ bi đến hài, vai nào giống với những tính cách của anh nhất, anh không ngần ngại chia sẻ: "Có lẽ đó không phải vai hài nào cả mà là vai anh nông dân tên Đận trong phim "Bão qua làng". Tôi vốn vụng về lại khá nóng tính, không chấp nhận những điều sai trái và sẵn sàng đấu tranh đến cùng cho lẽ phải. Bạn bè hay nói tôi là người thẳng thắn quá, nếu cứ tiếp tục như vậy sẽ thua thiệt và khuyên tôi mềm mỏng để sống cho dễ dàng. Nhưng đã là bản tính thì rất khó thay đổi. Trong một số tình huống, tôi sẽ chọn thỏa hiệp bằng cách im lặng chứ không thể ba phải".
Theo Lữ Mai/ Báo Gia Đình & Xã Hội
Cháu chưa đủ tiêu chuẩn để làm dâu bác đâu Mẹ anh nói: "Hôm nay bác cũng nói thật với cháu là cháu chưa đủ tiêu chuẩn để làm con dâu bác đâu. Cháu không được 1 điểm nào cả. Cháu không có đủ tư cách đạo đức để bước chân vào nhà bác...". Em là độc giả trung thành hàng ngày của mục Tâm sự nhưng chưa bao giờ em nghĩ có...