NSƯT Xuân Bắc: ‘Sân khấu giúp khán giả tin vào những điều tốt đẹp’
NSƯT Xuân Bắc chia sẻ những câu chuyện khó khăn về sân khấu đương đại khi nhiều nhà hát đang xuống cấp, cơ sở vật chất nghèo nàn nhưng nghệ sĩ vẫn bám trụ với từng vai diễn.
Zing có cuộc trao đổi với NSƯT Xuân Bắc – quyền Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam về vai trò, nhiệm vụ của sân khấu nói riêng và nghệ thuật nói chung trước thềm hội nghị Gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nhân kỷ niệm 90 truyền thống ngành Tuyên giáo (1/8/1930-1/8/2020).
NSƯT Xuân Bắc xúc động kể về tình yêu của khán giả dành cho sân khấu
Nghệ sĩ sân khấu đã ngủ quên trên chiến thắng
- Khoảng thời gian sau những n ăm 1975, sân khấu từng ở thời kỳ hoàng kim rực rỡ. Khán giả xếp hàng dài mua vé vào nhà hát. Là người quản lý – anh nghĩ gì khi sân khấu ngày càng mất đi vị thế ?
- Tôi vẫn được nghe kể lại sân khấu của những năm tháng đó rực rỡ như thế nào. Trước năm 1975, khi chiến tranh còn diễn ra, Nhà hát Kịch Việt Nam đã có vai trò lớn trong đời sống nghệ thuật. Những ngày ấy, nhà hát phải chia hai đoàn, đoàn kịch Nam và đoàn kịch Bắc phục vụ biểu diễn ở các mặt trận.
Thời kháng chiến, kịch nghệ có đóng góp rất lớn về mặt tuyên truyền, xây dựng hình tượng người chiến sĩ anh hùng, truyền cảm hứng, khích lệ tinh thần yêu nước, bảo vệ tổ quốc. Diễn viên ngày ấy lấy phiến đá làm sân khấu, xung quanh là súng ống, có thể điềm nhiên diễn, khi bom nổ đạn rơi cách đó không xa.
Nhiều vở kịch khi diễn xong, chiến sĩ ôm chầm lấy diễn viên khóc nức nở. Bởi lẽ, họ nhìn thấy hiện thân của gia đình, hình ảnh quê hương, hình ảnh của chính mình trong đó. Sân khấu ở những năm tháng ấy là bản anh hùng ca bi tráng về chủ nghĩa anh hùng, chủ nghĩa yêu nước của dân tộc.
Sau này, khi thời đại có những bước chuyển biến đã kéo theo sự thay đổi lớn của sân khấu, với nhiều yếu tố khách quan và chủ quan.
Xuân Bắc nhấn mạnh vai trò của Nhà hát Kịch Việt Nam trong đời sống nghệ thuật. Ảnh: Hoàng Hiệp.
- Sân khấu từng được đầu tư, hỗ trợ kinh phí trước khi bước vào thời kỳ xã hội hóa. Có phải việc xã hội hóa khi đưa nghệ sĩ đứng trước cơn bão thị trường, trước bài toán “cơm áo” đã khiến sân khấu gặp khó khăn?
- Những năm 1980, Nhà hát Kịch Việt Nam có ngày diễn 4 suất, từ sáng tới tối. Khán giả xếp hàng mua vé. Sau thời kỳ đó, xã hội có những bước vận hành khác đi, kéo theo nhiều thay đổi.
Nếu như trước đây, chúng ta có rất ít phương tiện giải trí, nhà nào khá lắm mới có chiếc Tivi đen trắng. Những ngày có chiếu bóng lưu động trở thành ngày hội của cả làng cả xã. Bây giờ đã khác, sự bùng nổ nhanh và mạnh của quá nhiều các phương tiện giải trí đã khiến sân khấu bỗng nhiên có quá nhiều đối thủ cạnh tranh.
Truyền hình, rạp chiếu phim đã có những bước tiến xa về công nghệ. Trong khi, sân khấu có những đặc thù rất riêng, chưa thể thay đổi trong ngày một ngày hai.
Thói quen thưởng thức của khán giả đã thay đổi. Xã hội đã thay đổi. Trong khi sân khấu vẫn vận hành theo cách cũ.
- Dư luận từng cho rằng, sân khấu bị thất sủng phần lớn là do tài năng của nghệ sĩ bị hạn chế, bị “lạc hậu” so với sự phát triển chóng mặt của thời đại công nghệ?
- Tôi đặt câu hỏi thế này, hãy thử mang những vở diễn kinh điển đang được diễn đắt sô ở các sân khấu lớn bậc nhất thế giới như Bóng ma nhà hát, Romeo và Juliet… về Việt Nam diễn, bạn có dám chắc với tôi là sẽ bán được vé không?
Đó đều là những vở kinh điển được nghệ sĩ tài năng của thế giới biểu diễn, liệu khán giả Việt Nam có đổ xô đến xem không? Câu trả lời của tôi là: Chưa chắc.
Việt Nam không thiếu nghệ sĩ tài năng. Lý do dẫn đến sự khó khăn của sân khấu không thể gói gọn trong một, hai câu chuyện.
Nếu xét đến trách nhiệm của nghệ sĩ, góc nhìn của tôi sẽ theo hướng khác. Có thể, khi bước vào giai đoạn mới, khi xã hội thay đổi, nghệ sĩ của giới sân khấu vẫn đang say sưa ngủ quên trên chiến thắng. Họ vẫn nghĩ mình hay lắm, tuyệt lắm. Họ không trau dồi kỹ năng chuyên môn để đáp ứng với nhu cầu thưởng thức mới của xã hội. Những giá trị họ mang lên sân khấu không còn hợp với tính thời đại.
Vở kịch Điệp vụ báo đen của Nhà hát Kịch Việt Nam. Ảnh: Dân trí.
Sân khấu phải được đầu tư để là thánh đường đúng nghĩa
- Ở thời kỳ mới, khi sân khấu đang “ế”, khó bán vé, Nhà hát kịch Việt Nam vẫn chọn dựng những vở chính kịch kén khán giả, vì sao ?
- 12 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể. Nhà hát Kịch Việt Nam là đơn vị tiên phong trong kịch nghệ. Vai trò của chúng tôi là xây dựng những vở kịch có ý nghĩa nhân văn và bắt kịp cuộc sống hiện đại. Đồng thời, các vở diễn phải mang được thông điệp về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Từng có những đơn vị nghệ thuật chạy theo tính giải trí đơn thuần, chạy theo thị hiếu khán giả để bán vé. Tôi cho đó không phải là đường dài. Thực tế đã chứng mình, nhiều sân khấu từng bán được vé giờ cũng lâm vào khó khăn.
Sân khấu không thể chiều theo khán giả, phải có tính định hướng, thẩm mỹ rõ ràng. Sân khấu phải có vị thế và đẳng cấp riêng. Nhà hát Kịch Việt Nam luôn tôn trọng tôn chỉ mục đích của nghệ thuật sân khấu. Chúng tôi tự hào với những vở chính kịch của mình. Chính những vở diễn ấy đã đưa chúng tôi trở thành “anh cả đỏ” của sân khấu.
- Nhưng nếu nhìn vào thực tế, chỉ thấy “anh cả đỏ” nhiều năm nay đã phải vật lộn, bươn chải đủ mọi cách để thêm thu nhập cho nghệ sĩ. Tiền và tài năng – đâu là bi kịch lớn hơn của sân khấu đương đại, theo anh?
- Đời sống khó khăn là câu chuyện chung của nhiều nhà hát, nhiều sân khấu. Cơ sở vật chất của chúng tôi đã xuống cấp. Hiện, nhà hát tôi chỉ có 182 ghế. Nhiều lần, khi nghệ sĩ đang diễn, bê tông rơi xuống phòng hóa trang, khán giả đang xem bỗng thấy bụi bay mù mịt.
Đến bây giờ, cát-xê một đêm diễn của vai chính là 200.000, vai phụ 80.000.
Thiết chế văn hoá nói chung chưa được đầu tư đồng bộ và chưa đáp ứng được thực tế. Trên thế giới, nhà hát được đầu tư khủng khiếp. Cách đây hơn 10 năm, tôi đã có dịp đến London (Anh) và nhà hát của họ đã lộng lẫy, xa hoa, khác xa những gì mình có thể tưởng tượng. Tôi không bàn đến kiến trúc, chỉ nhìn vào trang thiết bị sân khấu của họ đã hiện đại gấp nhiều lần. Tất nhiên, mọi sự so sánh đều vô cùng khập khiễng.
Nhưng sân khấu – lẽ ra, cần phải là thánh đường đúng nghĩa. Sân khấu phải là nơi khiến cả người diễn viên và khán giả đều tự hào khi bước vào. Những vở diễn đẳng cấp phải được diễn ở những sân khấu đẳng cấp. Nhưng chúng ta không có được điều đó.
NSƯT Xuân Bắc cho rằng các nhà hát biểu diễn ở Hà Nội cần có sự quy hoạch với tầm nhìn lâu dài. Ảnh: Hoàng Hiệp.
- Việc xây nhà hát đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, thậm chí gây tranh cãi dữ dội. Ai sẽ dám chắc khi xây xong những nhà hát nguy nga, đẳng cấp, sẽ có ngay những nghệ sĩ đẳng cấp và những vở diễn đẳng cấp?
- Tôi hiểu đầu tư cơ sở vật chất là khoản lớn. Nhưng, các nhà hát biểu diễn nói chung, đặc biệt ở Hà Nội và các thành phố lớn cần có sự quy hoạch với tầm nhìn lâu dài.
Việc đầu tư cho sân khấu nên được nhìn nhận như một dự án của tương lai. Khi một dự án được lên kế hoạch, sẽ dựa trên những nghiên cứu kỹ lưỡng, chi tiết về mọi mặt. Để từ đó, cân nhắc đầu tư phù hợp với tiêu chí và hoàn cảnh.
Sự đầu tư và phát triển cho sân khấu sẽ phải đồng bộ với cơ sở hạ tầng, điều kiện kinh tế, thậm chí cả chất lượng giáo dục, dân trí của đất nước.
Bên cạnh đó, đầu tư con người cũng là căn bản, trong đó, cần chú trọng người có tầm nhìn về nghệ thuật và người hoạt động nghệ thuật. Chúng ta cần nâng cao về đào tạo, điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ, cơ sở vật chất để anh em nghệ sĩ có cơ hội phát triển.
Hiện tại, với nguồn thu hạn hẹp có được, nghệ sĩ chúng tôi chỉ có thể cố gắng làm tốt hai việc: Dàn dựng những tác phẩm hay trong điều kiện của mình và đặc biệt là nuôi dưỡng lòng yêu nghề của thế hệ diễn viên trẻ.
Sân khấu giữa thời đại công nghệ
- Điều kiện quan trọng nhất để vực dậy được vị thế và vai trò của sân khấu trong kỷ nguyên công nghệ là gì, theo anh?
- Sân khấu là loại hình nghệ thuật tổng hợp. Sẽ có rất nhiều yếu tố vây quanh, quyết định đến sự phát triển của sân khấu. Nhưng, dù trong hoàn cảnh nào, nghệ sĩ chúng tôi luôn giữ vững tình yêu và niềm tin với sân khấu.
Cách đây gần 20 năm, khi tôi còn rất trẻ, tôi và NSND Tự Long đã chăm chỉ dựng vở và diễn kịch cho thiếu nhi. Chúng tôi muốn dẫn đường, định hướng thế hệ thiếu nhi ấy đến với kịch nói. Muốn các em thấy rằng, đến với kịch, với sân khấu rất hay, rất vui và ý nghĩa.
Thời đại công nghệ đang bủa vây trẻ em với đủ các mạng xã hội, YouTube, đủ các kênh sóng, video độc hại. Tại sao không hướng các em đến loại hình nghệ thuật với tư duy, thẩm mỹ, giá trị cao như sân khấu?
Bởi vậy theo tôi, yếu tố quan trọng nhất có lẽ là tính định hướng trong thưởng thức nghệ thuật. Và điều này phải được thực hiện từ gia đình, nhà trường, từ thế hệ thiếu nhi đến học sinh, sinh viên và những người đã trưởng thành.
Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều học sinh, sinh viên trước đây chưa từng đi xem sân khấu, một lần tình cờ theo bố mẹ đến nhà hát tôi xem kịch chiến tranh, họ đã ngồi khóc rất lâu, và chia sẻ rằng họ không ngờ sân khấu hay đến thế.
Sân khấu có những đặc thù nghệ thuật mà những loại hình khác không thể có được, nhưng những điều ấy chưa được chuyển tải đến khán giả hôm nay – khán giả của thời đại công nghệ một cách rõ ràng, cập nhật.
NSƯT Xuân Bắc hiện là Quyền Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hiệp.
- Thời đại công nghệ đã mang tới cho khán giả quá nhiều lựa chọn trước khi họ biết tới sân khấu. Sân khấu đã từng là bản anh hùng ca thời chiến. Sân khấu hôm nay sẽ phải làm gì để hấp dẫn được khán giả của thời đại của công nghệ?
- Sân khấu nói riêng, nghệ thuật nói chung – dù ở thời đại nào cũng có vị trí và vai trò quan trọng. Bạn cứ nghĩ mà xem, sau thời gian giãn cách xã hội vì dịch, nhà nhà phải lo vực dậy kinh tế. Cơm áo gạo tiền là nhu cầu thiết yếu, ai cũng lo đầu tiên. Chỉ đến khi kinh tế hồi phục, cơm no áo ấm, lúc ấy người ta mới nghĩ đến thưởng thức nghệ thuật. Chỉ khi nào đời sống nghệ thuật phát triển – khi đó xã hội mới bình yên, ổn định.
Những người làm nghệ thuật thường đi tiên phong, phải có tầm nhìn xa hơn, phải có tính dự báo, tính giáo dục, nhưng sẽ là những người “về đích” cuối cùng – trong một quy trình xã hội phát triển.
Nghệ thuật của thời bình vẫn mang trên mình những trọng trách lớn, đó là tính định hướng, là gửi ngắm thông điệp có giá trị xã hội như tinh thần đấu tranh, phòng chống tham nhũng, là tiếng cổ động cho người trẻ lập nghiệp, cho doanh nghiệp dám nghĩ dám làm…
Tôi xin kể câu chuyện này, ngày 27/7/2018, tôi diễn vở Bão tố Trường Sơn ở thị trấn Nghèn, gần ngã ba Đồng Lộc. Khi vở kịch khép lại, nhiều cựu chiến binh, thương bệnh binh khóc thành tiếng. Một bà cụ gầy yếu ôm lấy tôi, nói: “Má thương con quá”. Chúng tôi tự hào lắm.
Để thấy, giá trị của tình yêu, của chủ nghĩa yêu nước, của tinh thần dân tộc vẫn còn đó. Và trên tất cả, sân khấu mang đến cho khán giả niềm tin vào những điều tốt đẹp.
Bộ 3 danh hài đất Bắc chung khung hình, và màn 'bóc phốt' cười ra nước mắt
Trên trang cá nhân, nghệ sĩ Xuân Bắc đăng khoảnh khắc vui vẻ bên bộ đôi NSND Công Lý - Tự Long, cả 3 đều diện trang phục học sinh.
Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam viết: "Nhớ mãi ngày ấy. Ngày mình làm lớp trưởng, mấy đứa kia sợ mình một phép". Trong ảnh cả 3 nghệ sĩ nổi tiếng đều mặc áo sơ mi trắng, quần short ngắn, tất trắng, giày thể thao. Cả 3 hóa thân thành những cậu học sinh trẻ trung, hóm hỉnh. Hình ảnh nhận được hơn 5 ngàn lượt like sau 1 giờ đăng tải.
Lâu lắm rồi mới thấy lại bộ 3 Xuân Bắc - Công Lý và Tự Long chung khung hình
Dưới bức ảnh, NSND Tự Long bình luận: "Yêu lớp 2B trường VFC mình quá". NSND Công Lý trêu đùa: "Cả lớp sợ một phép vì lớp trưởng bị hôi nách". Xuân Bắc lập tức hùa theo: "Ngày mình là lớp trưởng đố dám lộ sự thật này". Màn hội ngộ và tương tác của những gương mặt truyền hình đình đám phía Bắc khiến cư dân mạng thích thú, phấn khích.
Màn đối đáp qua lại giữa các nghệ sĩ nổi tiếng khiến dân mạng thích thú
NSƯT Xuân Bắc cùng với NSND Công Lý và NSND Tự Long từ lâu đã là những bạn diễn ăn ý, góp mặt trong rất nhiều chương trình giải trí như: "Gặp nhau cuối tuần", "Gala Gặp nhau cuối năm - Táo Quân"... Đời thường, cả 3 nghệ sĩ đều có mối quan hệ thân thiết. Hiện, mỗi người đều giữ một vị trí lãnh đạo cấp cao riêng ở Nhà hát - nơi họ công tác nhưng mỗi khi hội ngộ thì sự gần gũi, hóm hỉnh lại luôn luôn được bộc lộ.
Xuân Bắc nhắc nhở 2 con giữa mùa dịch: 'Nhà mình cầm cự được 6 tháng là phải cắt một nửa chi tiêu' Cuộc hội thoại giữa Xuân Bắc và 2 con trai khiến nhiều người phải suy ngẫm và cũng không thiếu đi sự hài hước quen thuộc của một nghệ sĩ hài. NSƯT Xuân Bắc có 2 cậu con trai, anh cả là Minh, em trai là Bi. Trên trang cá nhân, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam thường xuyên đăng tải những...