NSƯT Trần Hạnh: “Xin đừng thương hại chúng tôi”
“Chúng tôi là những con người bình thường, làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, đừng đem thế hệ chúng tôi so sánh với những người được gọi là “ngôi sao” bây giờ”- NSƯT Trần Hạnh chia sẻ.
Gặp Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Trần Hạnh vào một buổi sáng đầu hạ Hà Nội, ông khá dè dặt khi tôi đặt vấn đề, ông chia sẻ: “Sao từ ngày ông Văn Hiệp mất, mọi người cứ đổ xô tìm tôi, đừng thương hại chúng tôi kiểu như vậy, chúng tôi chỉ là những nghệ sĩ già bình thường như bao người khác và vẫn vui vẻ cống hiến cho nghệ thuật, mọi người hãy nhìn vào nghệ thuật chứ đừng quá quan tâm đến cuộc sống của chúng tôi”.
Buổi nói chuyện của chúng tôi nhiều lần bị gián đoạn vì ông đang ngồi bán hàng cho cô con dâu, đây là công việc mà ông đảm nhiệm mỗi sáng khi không đi quay phim, mỗi ngày từ 8 giờ đến 9 giờ, khi cô con dâu đi lấy hàng. Ông kể vui: “Lúc bán hàng có nhiều người nhận ra ông quen quen và có khi xin cả số điện thoại, nhưng ông bảo tôi giống chứ không phải Trần Hạnh, vì sợ nếu cho họ biết mình là diễn viên thì họ đứng nói chuyện mãi thì làm sao bán được hàng”.
Con người ông là thế, chân chất đến mức nhiều người khó tin và có lẽ cuộc đời đã vận vào những nhân vật trên phim của ông, luôn chân chất và giản dị không hoa mĩ ngay cả trong lời nói và trang phục. Với chiếc áo phông đã sờn chỉ, chiếc quần màu bộ đội đã phai màu và nụ cười hiền chất phác, khiến cho nhiều người tiếp xúc với ông không khỏi ngạc nhiên vì ông quá đỗi giản dị.
84 tuổi đời với hơn 50 năm cống hiến cho nghệ thuật, cuộc sống của người nghệ sĩ già khiến cho người tiếp xúc không thể không xót lòng. Sáu người con đã có gia đình riêng, còn người con trai út bị bệnh về thần kinh nên ông tự chăm sóc mà không muốn phiền lụy con cháu. Ông bảo “cuộc đời không cho ai tất cả và không lấy đi của ai tất cả, có lẽ ông không giàu có về tiền bạc, nhưng ông luôn hài lòng với những gì mình có, nhiều người ở tuổi ông đã phải cậy nhờ con cháu nuôi, nhưng ông vẫn đi làm được và nuôi được bản thân, đó là điều ông vui nhất. Chứ cứ ở nhà với bốn bức tường, có lẽ ông không sống được”.
NSƯT Trần Hạnh vào nhà hát kịch Việt Nam từ năm 1959, đã đạt được nhiều thành tích với nhà hát, khi nói về những huy chương mà ông đạt được khi làm nghề, ánh mắt ông vẫn ánh lên một niềm vui khó tả. Ông nhớ rõ, vai diễn đầu tiên ông diễn và đạt được giải thưởng là vai Nguyễn Trãi trong Lam Sơn tụ nghĩa đạt huy chương vàng năm 1964.
Năm 60 ông về hưu, ông mới bắt đầu tham gia những vai trong phim truyện nhựa và truyền hình vừa để có thêm thu nhập vừa để thỏa mãn niềm đam mê. Với vai diễn “Thần làng xổ số”, tác giả Toàn Lê trong phim truyện nhựa và phim truyền hình là “Chiếc bình tiền kiếp” của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần.
Ông bảo: “Nhiều người nghĩ làm diễn viên dễ và sướng lắm, nhưng không sướng đâu cháu ạ, đang gắp miếng thịt lại phải bỏ xuống quay đi quay lại nhiều lần, thời tiết thì có chiều lòng ai đâu, lúc nóng nực, lúc rét buốt mà có được nghỉ đâu”. Trong cuốc đời làm diễn viên, với nhiều kỷ niệm, nhưng có lẽ kỷ niệm ông nhớ nhất là cái rét mùa đông ba năm trước, quay bộ phim “ Mường động” của đạo diễn Triệu Tuấn. “Nó (đạo diễn Triệu Tuấn) mặc hai áo khoác dày, đi hai đôi tất mà còn kêu lạnh, mình đây có mỗi cái áo nâu nông dân, phải quay đi quay lại còn không kêu, về phòng tưởng bị cóng mà chết, nhưng mở mắt ra thấy mình còn sống là vui rồi”.
Video đang HOT
Ông bảo “Hôm nay ông mặc áo xấu, cháu đừng chụp. Về lấy cái ảnh nào đẹp đẹp của ông mà đăng bài nhé, lấy cái ảnh ông đóng phim ấy cho đẹp”.
Ông kể nghề diễn mang lại cho ông nhiều thứ, có những mối quan hệ thân tình và nhiều người cả trong và ngoài nghề yêu mến, đó là niềm vui mà không phải ai cũng có được. Ông bảo “Nhiều lần lên hội nghệ sĩ sân khấu chơi, Lê Chức (NSƯT Lê Chức) hay cho ông tiền, nhưng ông không nhận, ông còn đùa mày như tao là ăn mày ý. Hay đang quay phim “Ma làng 2″ cùng nghệ sĩ Kim Oanh, Kim Oanh vẫn “dụ” là nếu con dựng vở mới, “bố” nhất định phải tham gia với con nhé, mình thì đồng ý luôn nhưng nó thì bận lắm, lại nhờ người khác làm thay thì vừa khổ nó lại vừa khổ mình”.
Hơn 50 năm cống hiến cho nghệ thuật, tuổi nghề và tuổi thọ luôn song hành cùng nhau, nhưng ông vẫn có một tâm nguyện với nghề mà chưa thực hiện được, đó là được đóng một vai diễn thoát khỏi một ông nông dân nghèo khổ, chất phác, hiền lành mà thay vào đó là một vai diễn phản diện, mưu mô chẳng hạn, để ông có thể “tung hoành thể hiện” một lần trên phim cho thỏa đam mê với nghiệp diễn.
Cuộc đời “Ông nông dân chất phác” – Trần Hạnh như những vai diễn trên phim cuả ông vậy, cứ trôi đi theo thời gian, có những biến cố, có những nỗi thằng trầm, nhưng với sự lạc quan và niềm đam mê với nghề, ông vẫn luôn đón nhận những gì của ngày mai mà cuộc đời ban tặng, không oán trách mà luôn mỉm cười để vui sống với đời.
Theo Dantri
Có cần "truy tặng"?
Một anh đồng nghiệp đến lễ tang ông Hồ Kiểng về nói rằng, anh bất ngờ khi chữ tình trong giới showbiz nhạt đến mức đáng sợ như thế, bởi anh cứ tưởng sẽ có nhiều nghệ sĩ đến viếng, nhưng hóa ra anh đã lầm...!
Con người ở mọi nền văn hóa đều giống nhau ở chỗ là dễ dàng nhìn nhận người khác một cách độ lượng khi đã rời xa nhau...
Giới nghệ thuật những ngày tháng 4 liên tiếp đón nhận hai tin buồn. Đó là sự ra đi của NSƯT Hồ Kiểng ở TP Hồ Chí Minh và sau đó là nghệ sĩ hài Văn Hiệp ở Hà Nội.
Sự ra đi của hai nghệ sĩ này là điều đáng tiếc, bất cứ một nghệ sĩ tài năng nào ra đi đều là mất mát cho nghệ thuật. Và hai ông là những người nghệ sĩ tài năng thật sự. Song nhìn cái cách mà thiên hạ tiếc thương hai nghệ sĩ tài năng này thì có một nỗi bùi ngùi ngoài sự tiếc thương.
Mở các trang báo những ngày qua, sự ra đi của hai người nghệ sĩ lớn này xuất hiện đồng loạt trên trang nhất. Mở các trang mạng xã hội, hàng loạt các ta thán về sự ra đi của hai ông. Chợt nghĩ, hai người nghệ sĩ vừa khuất núi ấy thân thiết với mọi người nhiều hơn mình nghĩ rất nhiều khi những lời bi tráng cất lên để vĩnh biệt họ.
Hai nghệ sĩ, một ông ở Nam còn người ngoài Bắc nhưng giống nhau nhiều thứ đến lạ thường!
Thứ nhất, cả hai ông đều là người lao động hết mình vì nghệ thuật. Ông Hồ Kiểng - người đóng nhiều vai phụ nhất trong các phim truyện Việt Nam. Ông là nghệ sĩ có niềm đam mê điện ảnh đến lạ kỳ. Dù tuổi ngoài 80 nhưng ông vẫn tham gia đóng phim và không phân biệt vai chính hay phụ. Ông cũng không quan tâm đến cát-sê miễn có vai là đóng. Đối với ông được đi diễn là hạnh phúc!
Với nghệ sĩ Văn Hiệp, trong sự nghiệp diễn viên 40 năm của mình, ông tham gia tới 1.000 tác phẩm kịch, phim truyện. Với thân hình nhỏ thó, gầy guộc, khuôn mặt khắc khổ, phong cách xuề xòa, nghệ sĩ hài Văn Hiệp thường được giao những vai lão nông thật thà, tốt bụng. Các vai diễn của ông dù là chính diện hay phản diện, đều có điểm chung là mang lại tiếng cười cho người xem. Đặc biệt, từ khi có series truyền hình "Gặp nhau cuối tuần", Văn Hiệp trở thành gương mặt gần gũi với khán giả qua vai diễn nổi tiếng "ông trưởng thôn".
Hai người nghệ sĩ lớn này còn tương đồng nhau ở chỗ đều có cuộc sống khó khăn, nhọc nhằn về già cho đến khi lâm chung. Ông Văn Hiệp hay đóng vai cười trên màn ảnh nhưng ngoài đời thì sống cảnh "gà trống nuôi con", lại nhiều bệnh tật... Cả đời ông làm nghệ thuật, không màu mè, không tiền bạc, không danh xưng nhưng lại được mọi người nhắc đến với cả lòng tôn kính.
Một bài báo vào năm 2008 mô tả về nơi mà ông đang sống thế này: Trên tầng 3 của một ngôi nhà cạnh phố Hoàng Mai, Hà Nội là căn phòng ông ở, nó chỉ nhỏ chừng 8m2, ông kê một chiếc bàn gỗ nhỏ để ngồi hút thuốc lào và tiếp đôi ba người khách. Trong căn phòng bé nhỏ, ông treo 2 bức vẽ ở vị trí trang trọng, một bức là chân dung vợ và một bức là chân dung con gái. Vợ ông đi xuất khẩu lao động tại Đức từ cách đây hơn 20 năm, để ông lại một mình. Ông vẫn sống như thế, một mình, mãi sau này con trai ông mới về Việt Nam cạnh ông.
Có lần ông nói với con khi tình trạng bệnh tật hoành hành: "Nếu bố có làm sao thì để thở ôxy một hai buổi rồi rút ra nhé, vì nhà mình chẳng có tiền". Nghe sao đắng lòng!
Còn với NSƯT Hồ Kiểng, người nghệ sĩ già này từng bao năm sống neo đơn trong chung cư cũ chưa đầy 15m2 tại quận 3, TP HCM. Ông sống nơi đây không người thân, với một quả tim nhân tạo tới cuối đời! Nhà ông, hay như cách ông gọi là "cõi trần gian lụp xụp" gồm có chiếc giường được ông sử dụng vừa để ngủ, vừa làm nơi để ngồi tiếp khách, để ăn và sống. Món đồ có vẻ đắt giá nhất là chiếc quạt máy cũ kỹ để ở đầu giường. Những bức hình về các vai diễn đã cũ đều ố vàng được ông đặt cẩn thận xung quanh chiếc giường.
Chỉ hình dung thôi, có lẽ bất cứ ai cũng thấy nhói lòng trước cuộc sống đời thường của hai người nghệ sĩ này. Những căn nhà bé nhỏ, "cõi trần gian lụp xụp" ấy là một thế giới đối lập hoàn toàn với những thứ xa hoa hào nhoáng của thế giới nghệ sĩ.
Trong suốt thời gian sống cơ cực ấy, cũng có những bài báo viết về hai người nghệ sĩ này dù chỉ rất ít, với sự cảm thông, chia sẻ. Dưới mỗi bài báo, công chúng cũng bày tỏ lòng thương cảm, xót xa với thân phận của người nghệ sĩ nghèo. Thế nhưng, tôi tự hỏi trong những người bày tỏ sự xót thương về sự ra đi của hai ông vừa qua thì có những ai thật sự quan tâm lúc hai ông còn sống? Thậm chí dù là đến thăm hai ông trong những ngày cô đơn bệnh tật thôi!?
Một anh đồng nghiệp đến lễ tang ông Hồ Kiểng về nói rằng, anh bất ngờ khi chữ tình trong giới showbiz nhạt đến mức đáng sợ như thế, bởi anh cứ tưởng sẽ có nhiều nghệ sĩ đến viếng, nhưng hóa ra anh đã lầm...!
Rồi thêm nữa, cái cách báo chí ồ ạt khai thác thông tin viết về hai ông sau khi hai ông đã ra đi vĩnh viễn cũng làm cho người ta không khỏi bùi ngùi xót xa. Thậm chí trong lễ tang của nghệ sĩ Văn Hiệp, những người nghệ sĩ đồng nghiệp đã ký vào văn bản đề nghị phong tặng danh hiệu cho ông để trình lên các cấp lãnh đạo. Đó như là lời cảm ơn, lời tri ân chân thành nhất của những người đồng nghiệp, người hâm mộ đến người nghệ sĩ cả đời đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật.
Có thể đó là điều an ủi đối với người nghệ sĩ nghèo vừa khuất núi, dẫu danh hiệu với ông có thể là thứ mà ông không màng đến, cả đời làm nghệ thuật ông có danh hiệu gì đâu nhưng bao người vẫn rất tôn kính! Và bây giờ có phong tặng danh hiệu, người nghệ sĩ ấy cũng đã đi xa.
Vậy đấy, con người ở mọi nền văn hóa đều giống nhau ở chỗ là dễ dàng nhìn nhận người khác một cách độ lượng khi đã rời xa nhau...
Nhắc đến điều này, tôi chợt nhớ thuở nhỏ, ông tôi có kể một câu chuyện của Pháp, đó là chuyện về một người họa sĩ. Ông lao động rất miệt mài, rất chịu khó tìm tòi những hình thức thể hiện độc đáo cho tác phẩm của mình nhưng sau nhiều năm ông không được ghi nhận. Những bức tranh của ông không bán được và cũng không được các nhà phê bình hội họa đánh giá cao. Người họa sĩ đó chán nản, không thiết tha với hội họa, ông bỏ lên núi để chinh phục những đỉnh cao của thiên nhiên. Thế rồi trong một lần leo núi, ông bị bão tuyết cuốn ông vào một cái hang. Người nhà cho rằng, ông đã chết và tổ chức tang lễ. Rất đông bạn bè, đồng nghiệp của ông đến dự, họ thay nhau nói những lời tiếc thương, bày tỏ sự tiếc nuối vì ông đã bỏ dở sự nghiệp hội họa đầy triển vọng.
Và cũng từ đó, những bài viết, những lời tán dương về ông và các tác phẩm hội họa của ông cũng được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành. Thế rồi, những sáng tác của ông bỗng trở thành những báu vật mà ông đã để lại trên cõi đời này.
Về phần ông họa sĩ, ông may mắn thoát chết vì được những người dân miền sơn cước cứu. Một thời gian qua đi, ông trở về Paris và biết được rằng, mình đã trở thành một danh họa lẫy lừng. Đó là điều mơ ước cả đời của ông, nhưng dù đã đạt được nhưng ông không hề lấy làm vui sướng gì. Ông buồn và nghĩ rằng, mình chỉ có được thành công khi không còn sự sống.
Kể câu chuyện trên, tôi muốn nói một điều rằng, nếu có quan tâm nhau hãy thể hiện điều đó khi họ còn sống và có cần suy tôn, truy tặng danh hiệu này danh hiệu kia nữa hay không?
Theo Dantri
Cung đường mang hình Tổ quốc Đường vành đai tuần tra biên giới thường vắng những chuyến xe xuôi ngược nhưng bù lại là muôn trùng mây núi, mỗi mùa một sắc hoa. Những cung đường mây nơi huyện lỵ Sốp Cộp Tôi đã đi nhiều cung đường trên dặm dài đất nước, nhưng cung đường hành quân thì đây là lần đầu trải nghiệm và có những cảm...