NSƯT Thu Lan: Không cẩn thận múa sẽ thành ‘hàng chợ’
Nhìn nhận mặt tích cực từ game show về nhảy múa trên truyền hình nhưng NSƯT Lưu Thu Lan cũng lưu ý với chính lớp trẻ và khán giả đừng “dễ dãi” trong biểu diễn và thưởng thức múa.
NSƯT Lưu Thu Lan hiện đang là giảng viên múa cổ điển châu Âu (ballet) tại trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh. Chị từng là một trong số những học sinh may mắn được tuyển sang học tại Kiev. Sau khi tốt nghiệp, chị ở lại làm việc 2 năm cho Nhà hát Opera – Ballet Kiev, Ucraina. Hiện nay, nghệ sĩ Thu Lan đã trở về làm việc tại Nhà hát Vũ kịch Việt Nam.
NSƯT Lưu Thu Lan.
- Chị thấy đời sống của nghệ thuật múa tại Việt Nam dạo này như thế nào?
- Tôi thấy mọi thứ đang tốt lên và phát triển với dòng mạch riêng. Các đoàn ballet quốc tế đến Việt Nam biểu diễn nhiều hơn, nghệ sĩ trong nước cũng có những vở diễn thu hút. Khán giả cũng quan tâm và xem múa nhiều hơn.
- So với thời của chị, nghệ sĩ trẻ ngày nay có lợi thế gì khi theo đuổi múa?
- Tôi nghĩ các bạn trẻ ngày nay có cơ hội hơn chúng tôi ngày xưa rất nhiều. Các bạn được tiếp cận với nhiều thể loại múa khác nhau, phong phú và mang nhiều màu sắc hơn.
Tuy nhiên, sự tiếp nhận không được tinh tế và chọn lọc, một phần nào đó đã làm cho các bạn trẻ rối loạn về thể loại. Thành ra, tác phẩm của họ có xu hướng rất thập cẩm, không mang sự tinh tế cũng như cái hồn cốt của từng thể loại.
Video đang HOT
- Theo chị đó là việc thiếu nền tảng kiến thức hay cố trộn các thể loại với nhau?
- Tối nghĩ là do cả hai. Thứ nhất họ chưa nghiên cứu sâu, chưa có cơ hội tiếp cận từng thể loại múa riêng biệt để thấy được nét đẹp độc đáo. Họ nghĩ miễn cơ thể chuyển động thì là múa. Họ cóp nhặt, lắp ghép vào với nhau để trở nên sinh động. Vì thế mà họ bị nhầm lẫn. Tuy vậy, sự kết hợp đôi khi mang lại sự thú vị nếu người nghệ sĩ có đủ sự khéo léo và gu thẩm mỹ.
- Hiện tại trên truyền hình có nhiều chương trình về nhảy múa. Chị nghĩ sao về những chương trình này?
- Bản thân tôi thấy việc múa được xã hội hóa và có những game show về lĩnh vực này là rất tốt và cần thiết. Truyền hình là nơi truyền thông và quảng bá các hình thức nghệ thuật đến với khán giả. Múa đến với khán giả nhiều hơn nghĩa là các bạn trẻ cũng có cơ hội và mong muốn thử sức nhiều hơn.
Tuy vậy, cũng phải có suy nghĩ ngược lại về vấn đề này. Sau khi được trải nghiệm cái mới, những người nghệ sĩ trẻ và mới phải có những người thầy, những người hướng dẫn. Họ phải học nghiêm túc để biết múa không phải là thứ hổ lốn. Nếu không cẩn thận chúng ta sẽ biến múa thành hàng chợ và thiếu tính nghệ thuật.
NSƯT Lưu Thu Lan (thứ 2, từ phải sang) là giám khảo và giảng viên trực tiếp giảng dạy các thí sinh nhí tham gia vở vũ kịch Kẹp hạt dẻ cùng các nghệ sĩ đến từ Nga.
- Làm sao để phân biệt đâu là “hàng chợ” đâu là nghệ thuật đích thực?
- Cái chúng ta nhìn trên sân khấu bây giờ có thể dễ dãi hơn, mang tính pop nhiều hơn. Các bạn có thể có những chuyển động, kỹ thuật bắt mắt cũng như nhiều chiêu trò hơn. Đôi khi các bạn làm trò của xiếc, khiến mọi người ồ lên nhưng lại thiếu đi chiều sâu.
Múa đi từ dân gian mà lên và bắt nguồn từ những chiêu trò như thế. Tuy nhiên, khi đã mang múa lên sân khấu thì nó đã được tiết giảm, làm cho tinh tế, mang tính tinh thần nhiều hơn và bớt đi những trò như làm xiếc… Hiện tại chúng ta đang bị nhầm lẫn như vậy và biến múa trở nên thiếu sự tinh tế. Về điều này, cũng phải nhìn nhận lại những người có trách nhiệm trong ngành.
- Thế đối với ballet thì sao, đây là “lãnh địa” khó hơn rất nhiều so với các thể loại khác?
- Mỗi thể loại múa đều khác nhau, có tính đặc biệt của riêng mình và muốn cảm nhận được thì chúng ta phải có kiến thức về nghệ thuật. Ballet chắc chắn khác với các thể loại mua mang nhiều tính pop như bây giờ.
Để đạt được 1 trình độ nào đấy, người múa ballet phải bỏ rất nhiều tâm huyết công sức, và người xem ballet cũng cần phải có trình độ nhất định, phải có khả năng cảm thụ âm nhạc cổ điển thì họ mới xem được ballet.
- Mấy năm gần đây, các đoàn ballet nước ngoài thường đến Việt Nam biểu diễn. Chị thấy sao về hiện tượng này?
- Khi những loại hình múa xã hội hóa, những công ty mời các đoàn múa nước ngoài về, tức là họ có điểm nhấn, được quảng bá khiến cho khán giả được nghe thấy, biết đến và có thể thưởng thức trực tiếp. Tôi nghĩ đó hoàn toàn là cái lợi. Chúng ta có được một lớp khán giả mới. Còn đối với người làm nghề, tôi nghĩ để nhìn một lần và học hỏi thì điều đó chỉ mang tính vừa phải thôi.
- Là người trong nghề chị thấy đời sống của ballet và múa ở Việt Nam như thế nào?
- Bản thân ballet đã có ở Việt Nam khoảng 50 năm nay rồi và có dòng chảy riêng của nó dù không thực sôi động. Chúng ta không có nhiều kinh phí để ballet trở thành tiêu điểm nhưng nó vẫn chảy, các vở múa ballet vẫn được ra đời, kể cả múa hiện đại và đương đại vẫn được Nhà hát vũ kịch Việt Nam vẫn đưa lên sân khấu hàng tháng.
Hàng tháng các bạn vẫn thấy họ trên sân khấu với những tác phẩm ballet, hoặc múa đương đại và hiện đại. Việc khán giả không tiếp cận được, ít có cơ hội thưởng thức là vì tính quảng bá, truyền thông bị ít. Tôi nghĩ đây là điều thiệt thòi đối với những người múa chuyên nghiệp, mang tính sân khấu hàn lâm.
Nghệ sĩ Thu Lan hướng dẫn cho thế hệ vũ công mới. Ảnh: Hoàng Anh.
- Chị đang tham gia vai trò giám khảo tuyển chọn vũ công ballet nhí cho dự án trình diễn vở “Kẹp hạt dẻ”. Đây có phải cũng là một cách”xã hội hóa” nghệ thuật múa?
- Đây đơn giả là cơ hội để cho các em nhỏ một sân khấu, một nơi để các em có thể gửi gắm tình yêu và tài năng của mình đối với nghệ thuật múa và cho chính những bạn cùng trang lứa nhiều hơn là chúng tôi lựa chọn những ngôi sao ballet. Chúng tôi nghĩ rằng để có được một ngôi sao ballet ở độ tuổi này thì các em phải rèn luyện rất nhiều.
- Vì sao tuyển chọn diễn viên múa ballet nhí nhưng lại không gò ép thể loại đối với thí sinh?
- Ban tổ chức đã trao đổi với ban cố vấn nghệ thuật về điều này. Chúng tôi thấy rằng đây là cơ hội dành cho những bạn thí sinh nhí yêu thích múa. Chúng tôi vẫn kiên định ở việc tạo nên sân khấu cho các bé được thể hiện tình yêu và đam mê với múa. Cuộc thi ở đây mang tính tương đối và thúc đẩy tình yêu về nghệ thuật múa nhiều hơn ở các con.
- Đằng sau cuộc thi tuyển chọn ballet nhí thực sự là gì?
- Top 30 thí sinh của cuộc thi sẽ được tập luyện và học tập múa từ các giảng viên, chuyên gia về múa và ballet. Các bé có thể cùng tham gia một đêm diễn tên là I Have A Dream. Từ đó, chúng tôi sẽ tiếp tục chọn ra 20 bé xuất sắc để biểu diễn vở Kẹp hạt dẻ cùng các nghệ sĩ, vũ công đến từ Nhà hát Ballet Nga.
Đây là một cơ hội để các bé đến gần hơn với ballet, trải nghiệm thực sự với một trong những vở vũ kịch hấp dẫn. Tôi nghĩ chúng tôi làm việc gieo mầm nhiều hơn là gặt hái một thứ gì đó trước mắt.
Theo Zing