NSƯT Quế Trân nói gì chuyện nghệ sĩ cải lương đi hát đám ma, đám cưới?
NSƯT Quế Trân có những trải lòng với Thanh Niên về hành trình gắn bó với sân khấu cải lương, đặc biệt là giai đoạn khó khăn khi ba ruột – NSND Thanh Tòng qua đời.
NSƯT Quế Trân sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Cô là con gái của NSND Thanh Tòng. Từ bé, Quế Trân đã bộc lộ năng khiếu và giành giải Trần Hữu Trang với vai Thiên Kiều công chúa trong vở Trắng Hoa Mai. FBNV
Chỉ khi đứng trên sân khấu tôi mới được là chính mình
* Chào NSƯT Quế Trân. Chị cảm nhận thế nào về tình hình sân khấu cải lương hiện nay?
- NSƯT Quế Trân: Thời gian qua, tôi nghe tin các nghệ sĩ, các đoàn cải lương hoạt động nhiều. Có các chương trình đầu tư tốt, bán vé khả quan, tôi thấy đó là tín hiệu đáng mừng. Tất nhiên khi so với thời hoàng kim thì mình không thể bằng. Bởi vì cải lương hiện nay phải cạnh tranh với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Khán xem cải lương đa số là người lớn tuổi. Gần đây, các nghệ sĩ cũng thu hút được một số khán giả trẻ tuổi. Nhưng với tôi, đây là một quá trình lâu dài theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Tôi thấy đây cũng là sự nỗ lực đáng trân trọng và chúng ta nhận được một tín hiệu vui là các bạn trẻ đang dần quan tâm đến cải lương nhiều hơn.
Trong giai đoạn khó khăn này mà các nghệ sĩ nỗ lực và khán giả phản hồi tích cực như vậy, tôi cảm thấy được an ủi và có thêm động lực. Nhưng để so với thời xưa thì làm sao bằng được. Ngày xưa cải lương gần như độc tôn, ít cạnh tranh và khán giả chỉ mua vé đến rạp mới có thể gặp nghệ sĩ. Còn bây giờ truyền hình có quá nhiều chương trình khác nhau mà người ta có thể lựa chọn xem. Nhiều người ở nhà có thể xem truyền hình, YouTube… cho nên ai còn đến sân khấu mua vé xem cải lương, tôi thấy rất trân quý.
* Quế Trân có thấy mình may mắn khi có cơ hội tiếp xúc với những “cây đa cây đề” của sân khấu cải lương. Nhờ vậy mà chị “cứng nghề” hơn?
- Tôi may mắn vì từ nhỏ được xem ba (NSND Thanh Tòng) và các cô chú biểu diễn. Điều đó hun đúc cho tôi niềm say mê, ao ước được hát hay, nổi tiếng như mọi người. Ngày xưa, sân khấu sáng đèn mỗi ngày nên đêm nào tôi cũng ngồi trong cánh gà xem. Nhờ vậy tôi được học nghề, từ lời ca tiếng hát đến cả những điệu bộ. Sau này lớn lên tôi được tham gia nhiều đoàn, được nghệ sĩ Bạch Long chỉ dạy. Tôi đến đâu cũng được mọi người chia sẻ, hướng dẫn cho mình.
Ở tuổi 42, Quế Trân vẫn miệt mài với các dự án nghệ thuật. Cô gây ấn tượng bởi nhan sắc trẻ trung, giọng hát ngọt ngào. FBNV
* Khi là con nhà nòi, Quế Trân có thấy áp lực không vì dù cố gắng bao nhiêu chị cũng sẽ bị nói nhờ người thân mới nổi tiếng?
- Ai cũng có cội nguồn, nền tảng cả. Khi bước vào ngành nghề nào mình cũng phải học, không học ở trường lớp thì học ngoài cuộc sống. Đến với sân khấu, ai cũng có cho mình những người thầy. Có thể họ không phải là cha mẹ mình nhưng cũng sẽ là những nghệ sĩ nổi tiếng. Người ta thường nói “không thầy đố mày làm nên”. Gia đình tôi luôn nhắc nhở đạo lý tôn sư trọng đạo. Dù đó là người thân hay các cô chú, anh chị trong nghề đã hướng dẫn cho tôi mà tôi cảm thấy mình học hỏi được cái hay thì tôi đều tôn trọng và xem như người thầy.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, điều đó tạo cho tôi một nền tảng vững chắc mà tôi không muốn tách rời. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn tri ân những người ở trong cuộc sống làm nghệ thuật vì đã chia sẻ, chỉ dạy cho tôi.
* Hỏi thật trong quá trình làm nghề, có bao giờ Quế Trân bị mất lửa, muốn từ bỏ không?
- Đôi khi không hoạt động nghệ thuật nhiều, tôi cũng có sự lãng quên. Nhưng có một điều lạ là khi bắt tay vào làm các trích đoạn ca cổ trên kênh YouTube, tôi bị cuốn vào và rất đam mê. Tôi được hoạt động ở khía cạnh nào thì cũng muốn làm tốt. Các đài truyền hình có mời thì tôi cũng hăng hái học tuồng và thể hiện chỉn chu nhất. Cái nghề này lạ ở chỗ có nhiều cô chú vì khó khăn trong cuộc sống nên phải tìm một nghề tay trái. Nhưng có làm gì đi nữa thì sau khi ổn định cuộc sống, họ cũng muốn trở về đi hát. Dường như cái nghề này có một sự cuốn hút lạ lùng nên dù đi đâu chúng tôi cũng quay về với cái nôi của mình.
Video đang HOT
Quế Trân thừa nhận cô từng hụt hẫng, muốn buông xuôi khi cha ruột – NSND Thanh Tòng qua đời. Được sự động viên của gia đình, nữ nghệ sĩ cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn để tiếp tục với sự nghiệp nghệ thuật. FBNV
* Sống với cải lương từ bé và được diễn chung với NSND Thanh Tòng, đến khi cha mất, chắc hẳn NSƯT Quế Trân trải qua khoảng thời gian chông chênh?
- Phải nói rằng sự ra đi của ba tôi là một mất mát lớn cho nền nghệ thuật sân khấu cải lương nói chung và cho tôi, gia tộc nói riêng. Những khán giả thân thương cũng thấy tiếc nuối. Dĩ nhiên với bất kỳ người con nào thì sự mất mát của đấng sinh thành là điều khủng khiếp. Lúc đầu tôi cảm thấy hụt hẫng, thậm chí là muốn buông xuôi. Nhưng tôi nghĩ ba và những người trong gia đình muốn gắn bó cuộc đời với sân khấu cải lương. Ba tôi cũng mong con cái theo nghề nên khi nhận được sự động viên của mọi người, tôi dần lấy lại tinh thần. Chỉ khi đứng trên sân khấu, tôi mới thấy mình được là chính mình.
Cái gì tôi thấy mình làm tốt thì mới dám nhận lời
* Thời gian trước Quế Trân xuất hiện ở các chương trình truyền hình nhưng bây giờ lại khá im ắng. Lý do vì sao vậy?
- Gần đây không có nhiều gameshow phù hợp với hình ảnh hay loại hình nghệ thuật tôi theo đuổi. Cho nên đâu phải lúc nào tôi cũng tham gia được. Tôi nghĩ cái nào mình làm tốt thì mới dám nhận lời. Tôi vẫn thường đi diễn ở các tỉnh và quay clip ca cổ cho đài truyền hình. Tôi cũng tham gia một số sự kiện. Trong sự nghiệp làm nghề cũng khó nói ai là người ăn ý nhất với tôi. Đôi khi trong các vở diễn, đạo diễn thường mời nghệ sĩ phù hợp với tính cách nhân vật. Tôi có cơ hội được biểu diễn với nhiều nam nghệ sĩ khác nhau. Tôi thấy ai mình cũng có thể kết hợp để tạo được dấu ấn với khán giả. Thật ra họ đều là những người kinh nghiệm, giỏi nghề.
Quế Trân nói những tín hiệu đáng mừng của sân khấu cải lương thời gian qua là động lực để cô cống hiến với nghề. FBNV
* Ở hiện tại, nghệ sĩ Quế Trân có đặt nặng chuyện cát sê khi đi hát không?
- Cũng tùy thuộc vào tính chất chương trình. Có những chương trình mang tính phục vụ, tôi làm đúng trách nhiệm, nghĩa vụ của mình là cống hiến những tiết mục hay, mang đến món ăn tinh thần cho khán giả. Còn về những chương trình thiên về doanh thu hay sự kiện của doanh nghiệp thì ban tổ chức cũng sẽ đánh giá và đưa ra mức thù lao xứng đáng. Chuyện này cũng hơi nhạy cảm nên tôi cũng linh hoạt chứ không phải lúc nào mình cũng cứng nhắc.
* Nghệ sĩ thường ngại hát đám ma, đám cưới. NSƯT Quế Trân cảm thấy thế nào?
- Tôi thấy bây giờ nhiều nghệ sĩ vẫn tham gia mà. Bởi vì quan điểm của tôi là được mang lời ca tiếng hát để phục vụ cho khán giả nên dù là sân khấu gia đình hay sân khấu chuyên nghiệp đi chăng nữa thì cũng bình thường. Nghệ sĩ cũng muốn đến gần gũi hơn với khán giả và khán giả cũng rất quý nghệ sĩ cải lương. Bởi vì chúng tôi không có khoảng cách mà có sự gần gũi với người hâm mộ. Điều đó đi vào lòng khán giả không bởi nghề nghiệp mà còn bởi tấm chân tình mà chúng ta đối đãi với nhau.
* Sau bao nhiêu năm gắn bó với nghề, có điều gì ở sân khấu cải lương khiến NSƯT Quế Trân phải trăn trở?
- Những ai gắn bó với cải lương cũng có điều trăn trở. Ai cũng ra sức gìn giữ phát triển cải lương. Điều tôi thấy đáng quý là mọi người không bỏ cuộc. Có nhiều nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật họ tìm cách này hoặc cách khác, cố gắng để duy trì cải lương và thu hút khán giả đến với mình. Tôi thấy mừng vì điều đó. Ngoài ra, các cơ quan nhà nước cũng rất quan tâm đến cải lương. Có nhiều chương trình được đầu tư hoặc những giải thưởng được quan tâm. Đây cũng là cách để chúng ta động viên các bạn trẻ, các đơn vị cố gắng hơn trong hành trình gìn giữ bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
* Cảm ơn NSƯT Quế Trân đã dành thời gian chia sẻ!
NSƯT Quế Trân: "Nghệ sĩ cải lương có lượng khán giả rất chung thủy"
Dù còn hoạt động nghệ thuật sôi nổi hay đến tuổi "nghỉ hưu" thì các nghệ sĩ cải lương vẫn nhận được sự quan tâm, yêu mến của đông đảo khán giả. Có thể nói, vị trí của họ trong lòng giới mộ điệu là không thay đổi.
NSƯT Quế Trân biết ơn khi khán giả vẫn dõi theo
Mới đây, trong một bài phỏng vấn, NSƯT Quế Trân có dịp trải lòng về sự nghiệp, cuộc sống hiện tại. Khi được hỏi vì sao không xuất hiện thường xuyên nhưng khán giả vẫn dành nhiều sự yêu thương, con gái cố NSND Thanh Tòng bộc bạch rằng: "Những nghệ sĩ cải lương dường như họ có lượng khán giả rất chung thủy".
"Đóa hoa vàng" của làng cải lương Việt Nam hạnh phúc khi khán giả biết đến, yêu mến từ khi cô là thiếu nữ mười tám đôi mươi đến tận hiện tại. "Có nhiều cô chú đã 50, 60 tuổi thậm chí 70 tuổi vẫn có lượng khán giả đông đảo. Họ dõi theo từng bước chân nghệ thuật của những nghệ sĩ này và tôi cũng vậy. Tôi đi hát từ nhỏ nên khán giả yêu mến tôi từ đó. Có những người biết tôi từ khi tôi còn rất nhỏ, khoảng 18 - 20 tuổi cho đến nay" - cô nói thêm.
Dù không còn xuất hiện thường xuyên, NSƯT Quế Trân vẫn nhận được sự quan tâm, yêu mến. Ảnh: Quế Trân
"Đóa hoa vàng" của làng cải lương Việt Nam - NSƯT Quế Trân không phải tên tuổi xa lạ với giới mộ điệu. Cô là con gái cố NSND Thanh Tòng, xuất thân gia tộc Bầu Thắng - Minh Tơ nổi danh. Gia tài nghệ thuật đồ sộ bậc cha chú để lại là niềm tự hào nhưng cũng trở thành áp lực đè lên cô - truyền nhân đời thứ 5.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghệ thuật, NSƯT Quế Trân được nuôi dưỡng niềm đam mê với bộ môn cải lương. Năm 18 tuổi, cô đậu giải Trần Hữu Trang - một giải thưởng lớn của nghệ thuật cải lương, nối gót các tiền bối như cố NSƯT Vũ Linh, NSƯT Kim Tử Long, nghệ sĩ Tài Linh... Vừa có tài vừa có sắc, cô nhanh chóng vụt sáng, trở thành gương mặt nổi tiếng, được ví là "đóa hoa vàng" của làng cải lương Việt Nam.
Cô là "đóa hoa vàng" của làng cải lương Việt, tài sắc có đủ. Ảnh: Quế Trân
Tuổi ngoài 40, NSƯT Quế Trân sống đời bình dị. Ba cô - NSND Thanh Tòng mất đã được 6 năm, ngần ấy thời gian cô thay ba chăm sóc mẹ. Cô cũng hạn chế xuất hiện, chỉ khi có chương trình, sự kiện phù hợp mới gật đầu tham gia. Dẫu vậy, như cô chia sẻ "những nghệ sĩ cải lương dường như họ có lượng khán giả rất chung thủy", khán giả lúc nào cũng yêu mến, ủng hộ cho con gái cố NSND Thanh Tòng.
NSƯT Quế Trân vẫn "lẻ bóng" nhưng không lấy đó làm buồn. Ảnh: Quế Trân
Với cô, ưu tiên hiện tại là gia đình, sân khấu cải lương. Ảnh: Quế Trân
Thời hoàng kim của cải lương khó trở lại
Cải lương được "khai sinh" vào năm nào vẫn là điều gây tranh cãi. Nhiều văn nghệ sĩ chấp nhận bộ môn này ra đời vào năm 1916, có người lại cho là năm 1917 hoặc năm 1918... Đầu thập niên 1920, các gánh hát đầu tiên được ra mắt nhưng phải cho đến thập niên 1950 - 1960 mới chứng kiến nghệ thuật cải lương phát triển hưng thịnh, minh chứng là hàng trăm đoàn hát như đoàn Kim Chung, đoàn Dạ Lý Hương, đoàn Thanh Minh... cùng nhiều tên tuổi mà mãi sau này các hậu bối không thể vượt mặt.
Theo lời NSND Lệ Thủy chia sẻ thời đỉnh cao của nghệ thuật cải lương, khán giả muốn xem phải rất vất vả mới mua được vé. Thậm chí, có người chấp nhận xếp hàng giành vé "chợ đen". Một đêm diễn nghìn khán giả là chuyện bình thường, vui như trẩy hội.
Thời đỉnh cao của cải lương kéo dài 30 năm. Ảnh: NSND Lệ Thủy
Hưng thịnh rồi đến suy tàn, cải lương khó tránh khỏi quy luật khắc nghiệt ấy. Sau 30 năm ở đỉnh cao chói lọi, bộ môn nghệ thuật sân khấu này bắt đầu xuống dốc vào cuối thập niên 1980. Lý do là có nhiều loại hình giải trí khác dần thay thế dòng cổ nhạc.
Các nghệ sĩ cải lương tuồng cổ từng là thần tượng của biết bao người dân, đặc biệt là vùng Nam Bộ. Ảnh: Bình Tinh
Thời hoàng kim của nghệ thuật sân khấu cải lương được nhận định rất khó trở lại. NSƯT Quế Trân trong buổi trò chuyện mới đây cũng trăn trở, nhưng vẫn tin tưởng sẽ truyền lửa đam mê nghề cho thế hệ sau. "Tình hình đời sống sân khấu ngày càng khó khăn, thật sự đây là một áp lực rất lớn đối với thế hệ trẻ. Nhưng bằng cả sự đam mê, yêu thích và tấm lòng thì tôi thấy mọi người cứ việc sống với đam mê, cứ việc hát và tới đâu hay tới đó" - cô trải lòng.
Khán giả còn thương, nghệ sĩ cải lương còn cống hiến
Đúng như NSƯT Quế Trân bộc bạch, nghệ sĩ cải lương vẫn có lượng khán giả rất thủy chung, một lòng một dạ sắt son. Chỉ cần có người vẫn yêu thích thì bộ môn này vẫn sẽ tiếp tục được giữ gìn, phát huy. Bằng chứng là các tên tuổi "cây đa", "cây đề" của sân khấu như NSND Bạch Tuyết ngày ngày nỗ lực đưa nghệ thuật cải lương đến gần giới trẻ bằng cách tiếp cận đầy mới mẻ. Hay nghệ sĩ Bạch Long lập nhóm Đồng Ấu Bạch Long đào tạo nhiều lứa nghệ sĩ cải lương giỏi nghề.
NSND Bạch Tuyết là tấm gương làm nghề nhiệt huyết mà hậu bối nể phục. Ảnh: Bạch Tuyết
Nghệ sĩ Bạch Long là "thầy" của biết bao ngôi sao cải lương trẻ. Ảnh: Đồng Ấu Bạch Long
Bản thân con gái cố NSND Thanh Tòng thi thoảng vẫn nhận lời tham gia làm huấn luyện viên, giám khảo một số chương trình phù hợp. Tại đây, cô truyền dạy hết những điều mình biết về nghề nếu nhận thấy nhân tố thật sự đam mê, có khả năng cũng như chịu lắng nghe, tiếp thu.
Vẫn có những nghệ sĩ trẻ sẵn sàng tiếp bước tiền bối giúp nghệ thuật sân khấu cải lương trường tồn với thời gian. Ảnh: Quế Trân
Vẫn biết, cải lương rất khó quay lại mốc vàng son như thập niên 1950-1960 với hàng trăm đoàn hát, vô vàn tên tuổi tài danh. Nhưng, đúng như NSƯT Quế Trân chia sẻ, dù nhiều loại hình giải trí khác ra đời nhưng cải lương vẫn có được lượng khán giả rất trung thành, nghệ sĩ theo đuổi dòng cổ nhạc vẫn nhận được nhiều tình cảm đong đầy ngay cả khi không còn hoạt động sôi nổi. Hiểu sự yêu mến bền bỉ ấy, các nghệ sĩ cải lương đã, đang và sẽ nỗ lực hơn nữa để giữ gìn, phát huy bộ môn nghệ thuật sân khấu độc đáo này.
Còn bạn, bạn nghĩ sao về chia sẻ của NSƯT Quế Trân, chia sẻ cùng chúng tôi nhé!
NSƯT Quế Trân đầu năm khoe nhan sắc rạng rỡ, chưa sẵn sàng kết hôn Quế Trân được ví như "đóa hoa vàng" trong làng cải lương Việt Nam vì tài năng lẫn nhan sắc không thể chê. Cô luôn xuất hiện trên sân khấu với hình ảnh tươi tắn, đầy năng lượng nhất. Sang năm mới, nữ nghệ sĩ tiếp tục khiến fan bất ngờ vì ngoại hình chẳng mấy thay đổi. Song cô vẫn kín tiếng...