NSƯT Quang Lý : Một nghệ sĩ chân chính
Tôi nhớ mãi lần đầu tiên tiếp xúc, anh đã để lại một ấn tượng thật đặc biệt khiến không bao giờ có thể quên.
Có nhiều nghệ sỹ tài năng được công chúng ghi nhận và mến mộ. Nhưng để gọi được là chân chính thì không nhiều. Từ “chân chính” cần được đi liền với một nhân cách, phẩm chất đạo đức, tinh thần phục vụ công chúng vô điều kiện, quan niệm về nghệ thuật chuẩn mực. Nghệ sỹ được coi là chân chính phải được công chúng ngưỡng mộ, nể phục không chỉ ở tài năng nghệ thuật mà còn ở sức thuyết phục lớn về nhân cách, lối sống. Một ai đó có thể hát rất hay, diễn rất giỏi hoặc sáng tác nhiều tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao nhưng cuộc sống đời thường tai tiếng thì dĩ nhiên không thể là chân chính.
Trong bài viết này, tôi muốn nhắc tới NSƯT Quang Lý (1949 -2016). Lúc sống, ông được tất thảy công chúng mến mộ bởi sở hữu một giọng hát hay, âm sắc đẹp, lại hát hết mình, luôn cháy lên với mỗi bài thể hiện. Phút qua đời (9h30 ngày 1-12-2016), đám tang đưa tiễn ông về cõi vĩnh hằng là một trong những trường hợp nghệ sỹ ra đi nhận được quá nhiều sự thương tiếc của đông đảo mọi người từ các tầng lớp công chúng đến giới nghệ sỹ.
Chẳng những chỉ các ca sỹ, nhạc sỹ đến thăm viếng mà nhiều nghệ sỹ sân khấu, điện ảnh cũng có mặt. Nhiều bè bạn văn nghệ đã khóc bên linh cữu ông và thốt lên: “Thật khó có một Quang Lý thứ hai trong giới ca sỹ”. Những người dân bình thường yêu âm nhạc thì nhắc đến những bài hát hay qua sự thể hiện của Quang Lý đã “đóng đinh” được vào tâm khảm họ như “Thuyền và biển”, “Thơ tình cuối mùa đông” (nhạc Phan Huỳnh Điểu, phổ thơ Xuân Quỳnh), “Tạm biệt chim én”, “ Sao em nỡ vội lấy chồng” (Trần Tiến), “Điều giản dị” (Phú Quang), “Chiều trên bến cảng” (Nguyễn Đức Toàn)…
Giờ đây, mỗi lần đặt chân đến Hải Phòng là tôi lại bồi hồi nhớ đến Quang Lý. Tôi nhớ mãi lần đầu tiên tiếp xúc, anh đã để lại một ấn tượng thật đặc biệt khiến không bao giờ có thể quên. Đó là mùa hè năm 1980. Khi ấy tôi đang là bạn thân của cố nhạc sỹ Vũ Ngọc Quang. Anh Quang lúc này cùng làm việc với Lý ở Đoàn Ca múa Hải Phòng.
Được biết Đoàn hay có những cuộc ra các đảo biểu diễn phục vụ bộ đội hải quân, lại nghĩ Vũ Ngọc Quang là nhạc sỹ đã có chút tên tuổi, là thành viên Hội đồng nghệ thuật của Đoàn, tôi bèn đưa anh ca khúc “Có anh ở đảo” của mình với hy vọng được Đoàn sử dụng. Anh cho biết cần có ca sỹ trong đoàn nhận hát mới được.
Rồi anh nói sẽ giới thiệu tôi gặp Hữu Lý (là tên khi Quang Lý còn ở Đoàn Ca múa Hải Phòng). Lúc ấy, tôi chưa nghe tên Hữu Lý. Nhưng Vũ Ngọc Quang nói Lý hát hay, được công chúng Hải Phòng, đặc biệt là bộ đội hải quân thích. Rồi anh dẫn tôi đến gặp Lý. Đó là một người ít hơn tôi mấy tuổi, khổ người tầm thước, gương mặt dễ thương với nụ cười tươi, hiền hậu, để lộ hàm răng đều tăm tắp.
Gặp vậy thôi chứ tôi không hy vọng được việc. Nhưng Hữu Lý đã rất nhiệt tình, đầy ý thức trách nhiệm khi tiếp nhận tác phẩm của tôi. Anh cầm văn bản âm ư xướng âm và hát luôn mấy câu đầu tiên, tôi thấy khá chính xác. Hữu Lý nói: “Anh yên tâm. Em sẽ hát bài này”.
Lý nói câu ấy gây cho tôi niềm tin chứ không nghĩ anh đãi bôi, xã giao, “không mất gì” nên hứa “đại” cho được lòng đối tượng như tôi vẫn gặp phải ở nhiều người. Thời gian này, do có chuyện riêng tư nên hầu như tuần nào tôi cũng có mặt ở Hải Phòng một lần. Nhưng tôi chỉ tìm gặp Vũ Ngọc Quang mà rất ngại gặp Lý vì sợ anh nghĩ mình có ý giục chuyện bài hát. Nhưng anh Quang cho biết bài hát đã được thông qua và Lý đang miệt mài tập, Quang phối khí, chỉ huy.
Tôi rất vui, đang định tìm gặp Lý để cảm ơn thì ca sỹ đã chủ động tìm đến tôi trước để hỏi thêm về ca khúc, giúp anh thể hiện tốt nhất. Tôi thực sự cảm kích và trân trọng tinh thần đó của anh. Quả là tôi chưa gặp được nhiều những ca sỹ sẵn sàng làm việc như thế. Thường thì họ không có nhu cầu phải gặp tác giả làm gì. Nếu tác giả có ý định muốn tập cùng ca sỹ thì họ sẽ tìm cách né tránh vì cho rằng phiền hà, mất thời gian. Nhất là khi ấy, tôi chỉ là một tác giả trẻ, mới có dăm ba bài hát được phát trên Đài phát thanh, không có lý do gì khiến ca sỹ phải…nể.
Cử chỉ của Hữu Lý cho tôi nghĩ anh là một diễn viên rất nghiêm túc, cầu thị trong công việc và rất tôn trọng tác giả cho dù họ có là ai, nổi tiếng hay chưa, “tầm cỡ” hay không. Sau đó ít ngày, Lý tìm cách gọi điện lên cơ quan cho tôi báo ngày về Đoàn để dự buổi tổng duyệt chương trình mới có bài của tôi (ngày ấy, chưa có điện thoại tại nhà, càng không điện thoại di động như bây giờ). Nhưng tôi mắc việc không thể về. Anh đã ghi âm bài hát gửi cho tôi nghe.
Video đang HOT
Tôi hoàn toàn vừa ý phần thể hiện của anh. Đến khi tôi lĩnh tiền thù lao tác phẩm, có ý tặng lại anh chút xíu để “uống nước”. Nhưng tôi nói thế nào anh cũng kiên quyết không nhận. Vũ Ngọc Quang – với tư cách đàn anh, người thầy của Lý – nói thêm, anh vẫn khăng khăng không đổi ý. Tôi mời nhạc sỹ và Lý đi liên hoan một chầu thì anh cũng từ chối nốt với lý do “Em có việc nhà đột xuất. Mong hai anh thông cảm và cứ tự nhiên vui vẻ”.
Quang nói với tôi: “Tính Lý nó như thế. Sẵn sàng giúp người khác hết mình, vô điều kiện, nhưng rất ngại nhận sự trả ơn. Ở đoàn, ai cũng quý cậu ấy. Tác giả nào cũng muốn trao bài vào tay Lý vì yên tâm. Nó hát thì luôn nâng thêm hiệu quả của tác phẩm”.
Vẫn nhạc sỹ Vũ Ngọc Quang kể: Nhiều lần nhạc sỹ mời ca sỹ đi báo cáo tác phẩm cho mình (tức là đi hát ca khúc mới sáng tác theo lời mời của các nơi). Lý luôn học thuộc lòng lời mà không cầm giấy khi hát như các ca sỹ khác. Việc này rất mất thời gian vì là sáng tác mới. Sau những cuộc như vậy, nhạc sỹ Quang thường tặng thêm thù lao cho ca sỹ từ tiền túi của mình. Nhưng Lý không bao giờ nhận, nói là cơ sở đã trả công cho anh rồi. Trong khi đó thì có ca sỹ khác đã nói thẳng với tác giả: “Anh nói họ trả gấp đôi như thế. Trả như vậy thì lần sau xin anh đừng gọi em”. Nhạc sỹ lại rút tiền riêng trả thêm. Họ nhận nhưng vẫn chê ít.
Cố NSƯT Quang Lý và vợ.
Năm 1982, Hữu Lý vẫn còn ở Hải Phòng. Một lần anh lên Hà Nội có ghé đến cơ quan chơi với tôi. Anh nói có việc còn ở Hà Nội vài ngày. May quá, lúc đó tôi được một trại điều dưỡng thương bệnh binh mời đến nói chuyện về âm nhạc, cần ca sỹ hát minh họa. Trước đó, tôi có mời một nữ ca sỹ trẻ khi ấy rất nổi tiếng, đang “hot”. Nhưng cô ta “quát” “cát-xê” trên trời mặc dù tôi nói rõ là đến phục vụ một nơi toàn thương, bệnh binh. Tôi mời Hữu Lý. Anh vui vẻ nhận lời, không hỏi mức thù lao mà chỉ hỏi rõ đối tượng phục vụ là những ai.
Sau khi nghe tôi nói rõ, anh có thoáng băn khoăn về tiết mục. Tôi nói anh có thể hát bất cứ bài gì “tủ” (vì biết rõ sở trường của anh là hát nhạc trữ tình cách mạng, tức “nhạc đỏ”). Nhưng anh nói: “Phải hát bài hay về đề tài thương binh. Em sẽ hát hai bài. Một là “Vết chân tròn trên cát” của Trần Tiến. Bài này em đã thuộc. Và sẽ tập thêm bài “Hương tràm” của Thuận Yến. Bài này em chỉ biết, chưa thuộc lời”.
Tôi nói chỉ còn một ngày, liệu có kịp? Lý tỏ rõ sự quyết tâm. Và lúc hát, anh đã thể hiện rất trôi chảy, cứ như bài “tủ” của mình vậy. Trước lúc ra về, thấy tôi không nhận tiền thù lao (vì là chỗ ân nghĩa với nơi mời), Lý cũng không nhận. Tôi nói anh cứ nhận tự nhiên thì Lý nói: “Với em, phục vụ thương binh là niềm hân hạnh, sao nỡ nhận tiền?”. Tôi thực sự nể cử chỉ này của Lý, mới thấy cô ca sỹ nổi tiếng kia khi yêu cầu một cơ sở thương binh phải trả tiền mình hậu hĩnh mới hát thật vô duyên làm sao!
Năm 1983, Hữu Lý chuyển vào cư trú ở TP Hồ Chí Minh. Nghe nói anh đầu quân cho Đoàn Ca nhạc Tháng Tám. Bẵng đi nhiều thập niên, tôi không có dịp gặp lại anh. Mãi tới sau này, theo dõi trên tivi thấy anh có chân trong Hội đồng nghệ thuật chương trình “Sao Mai – điểm hẹn”, nhưng được giới thiệu là nghệ sĩ Quang Lý.
Tôi định bụng nếu vào Sài Gòn sẽ thăm lại anh và hỏi đầu đuôi ra sao mà từ cái tên Hữu Lý hồi còn ở Ca múa Hải Phòng lại đổi thành Quang Lý? Nhưng rồi sau đó, một số lần gặp lại anh, khi thì xem anh hát trên sân khấu, lúc thấy anh đi bộ ( thể thao) ở vườn hoa 23/9 tại Sài Gòn mỗi buổi sáng, chuyện trò líu tíu rồi quên khuấy. Cho đến ngày anh đột ngột ra đi, việc này vẫn còn là sự tò mò của tôi, chưa được “giải mã”.
Ngoài biểu diễn, Quang Lý còn tham gia dạy thanh nhạc ở Nhạc viện thành phố. Anh có nhiều học trò. Ai cũng ngưỡng mộ anh bởi giọng hát quý hiếm, giàu sức thuyết phục và sự tận tụy hết mình với học trò. Anh là một nghệ sỹ tài đức song toàn.
Ở mọi tư cách: Làm chồng, làm cha, làm nghệ sỹ, làm thầy giáo, làm bè bạn… anh đều nêu gương sáng về sự mẫu mực, chỉn chu, nhân hậu, luôn có trách nhiệm cao nhất, sống chân thành, vị tha, nhân ái và rất khiêm nhường, biết mình, biết người, không bao mắc những thói tật giới nghệ sỹ dễ mắc. Anh đích thực là một nghệ sỹ chân chính, để lại sự tiếc nuối khôn xiết cho tất thảy mọi người khi ra đi quá đột ngột giữa lúc sức sáng tạo vẫn còn sung mãn.
Theo VNCA
Võ Hạ Trâm: 'Với tôi không có ca sĩ hạng A-B-C-D, chỉ có nghệ sĩ chân chính hay không'
Võ Hạ Trâm và Lân Nhã đã có buổi ra mắt album song ca với giới truyền thông và khán giả.
Tối ngày 6/12, ca sĩ Võ Hạ Trâm và Lân Nhã vừa tổ chức buổi họp báo cho ra mắt Album song ca mang tên Heart's Melody. Có thể nói đây là lần đầu tiên, 2 giọng ca "vàng" của showbiz Việt có dịp làm việc cùng nhau trong một album nhạc trữ tình bao gồm 6 ca khúc từ thập niên 90.
Trong album lần này, Võ Hạ Trâm sẽ hóa thành quý cô kiêu kì, Lân Nhã là quý ông lịch lãm của thập niên 90. Tất cả 6 bài hát là sự hòa quyện tuyệt vời của âm nhạc kết hợp cùng 2 giọng hát điêu luyện và tình cảm.
Võ Hạ Trâm và Lân Nhã trong buổi họp báo.
Lý do để Võ Hạ Trâm và Lân Nhã chọn đi ngược lại xu hướng của giới trẻ bởi vì cả hai muốn mang đến giá trị tâm hồn cho người nghe. Một khi giai điệu ấy vang lên lại đánh thức biết bao kí ức cũ xưa của nhiều người.
Theo Võ Hạ Trâm và Lân Nhã, những ca khúc này tuy đã cũ nhưng không hề lỗi thời. Dù là chủ đề về tình yêu hay cuộc sống thì giá trị nghệ thuật vẫn sống mãi.
Trong buổi họp báo, Võ Hạ Trâm cũng lần đầu chia sẻ cô là fan ruột của Lân Nhã. Những bài hát của Lân Nhã thường nằm trong list nhạc mà Hạ Trâm hay nghe mỗi lúc buồn. Còn về phía Lân Nhã, anh cho biết, đã quen Võ Hạ Trâm từ rất lâu và cũng rất ngưỡng mộ giọng hát của nữ ca sĩ trẻ. Tất cả mọi thứ đưa vào Võ Hạ Trâm sẽ rất thăng hoa và đẹp.
Nhận được câu hỏi, có phải Võ Hạ Trâm không nhận mình là ngôi sao mà luôn tự cho bản thân mình là nghệ sĩ? Võ Hạ Trâm trả lời: "Thực sự khi làm nghề tôi không nghĩ mình là ngôi sao hạng A B hay C. Tôi đến với nghề để được cống hiến và được hát. Nghệ sĩ có 2 loại chân chính và không chân chính. Tôi và Lân Nhã chính là nghệ sĩ chân chính. Tôi không có lực lượng fan đông nhưng tôi có khán giả cùng nghe, cùng đồng cảm với những gì chúng tôi hát. Đó chính là nỗ lực để tôi cố gắng từng ngày để mang đến những sản phẩm chất lượng cho khán giả".
Theo quan điểm của Võ Hạ Trâm và Lân Nhã, sản phẩm khi phát hành là để thưởng thức, chiêm nghiệm và sống thật lâu trong lòng chứ không phải 1 bài hát theo trend, hết trend thì không ai còn nhớ.
Võ Hạ Trâm cũng tiết lộ, 6 ca khúc lần này cô và Lân Nhã chọn lựa sẽ mang một màu sắc hoàn toàn mới - thời thượng và bắt tai hơn. Chính cả hai cũng cảm thấy "sướng" đi được nghe lại sản phẩm của chính mình.
Cuộc sống hiện nay vội vã quá, âm nhạc cũng vậy. Đã lâu rồi rất ít những ca khúc có được chiều sâu về tâm hồn và ý nghĩa trong thông điệp được giới thiệu ra công chúng, thì Heart's melody chính là những ca khúc sẽ mang lại sự hoài niệm cho ai đã và đang thưởng thức CD này.
Một số hình ảnh trong buổi họp báo ra mắt Album:
Theo Báo Mới
NSND Quang Thọ: Nửa thế kỷ cống hiến cùng âm nhạc Xuất thân là một công nhân hầm lò, từ phong trào văn nghệ quần chúng của tỉnh Quảng Ninh, NSND Quang Thọ đã bộc lộ tài năng, nỗ lực rèn luyện, trở thành giọng opera xuất sắc hàng đầu Việt Nam. Nghệ sỹ Nhân dân Quang Thọ với các học trò Tận tâm cống hiến, giữ gìn và phát triển dòng nhạc chính...