NSƯT Minh Châu: Nhà làm phim lịch sử Việt nên nhìn lại mình
Theo NSƯT Minh Châu, nhà làm phim lịch sử Việt không nên tự ru ngủ bản thân bằng những triết lý cao siêu như phim của mình là nghệ thuật hay phim nghệ thuật thì phải kén khán giả.
Nổi tiếng với vai diễn trong các phim Cô gái trên sông, Bí thư tỉnh ủy, Bánh đúc có xương, NSƯT Minh Châu ghi dấu ấn trong lòng khán giả bởi những vai diễn số phận, cá tính. Ngoài đời, bà thừa nhận mình cũng có đủ mọi cung bậc hỉ nộ ái ố như trên phim. Sau buổi giao lưu của đoàn nghệ sĩ điện ảnh với khán giả tại TP HCM, NSƯT Minh Châu đã có những chia sẻ thẳng thắn vớiZing.vn về thực trạng phim lịch sử Việt Nam.
NSƯT Minh Châu tươi trẻ ở tuổi U60.
- Trước đây phim chính luận, lịch sử giữ vị trí quan trọng trong điện ảnh nhưng những bộ phim đó hiện tại lại lép vế so với phim thị trường về sự lan tỏa và sức ảnh hưởng. Là diễn viên gắn bó lâu năm với phim lịch sử, phim nhà nước, theo bà, vì sao lại như vậy?
- Theo tôi, các hãng phim tư nhân hiện nay làm rất tốt khâu PR, quảng cáo vì thế khán giả biết đến phim của họ nhiều hơn. Có nhiều phim làm tốt đến mức, phim không hay nhưng người ta vẫn bỏ tiền mua vé vì tò mò, hiếu kỳ. Dù không ít người xem phim xong lại ngán ngẩm: “Phim không hay như quảng cáo”. Còn phim nhà nước, bao năm qua cũng vẫn thế, sản xuất xong, trình chiếu chứ không quan tâm đến PR.
Đó là chưa kể nội dung của các phim về đề tài xã hội sẽ sinh động, hấp dẫn hơn nhiều phim chiến tranh. Nói như thế không có nghĩa rằng phim lịch sử sẽ không bao giờ được hấp dẫn, thu hút. Vấn đề là câu chuyện được kể thế nào, nội dung ra sao. Tôi nghĩ phim lịch sử vẫn có khán giả nếu có nội dung tốt.
- Theo thống kê gần đây, đa số phim điện ảnh do nhà nước sản xuất về đề tài lịch sử đều có doanh thu thảm hại. Có những phim đầu tư tiền chục tỷ đồng nhưng doanh thu thậm chí là 0 đồng hoặc vài trăm triệu đồng. Bà đánh giá thế nào về thực trạng này?
- Tôi nghĩ, khán giả có lý do khi không xem phim lịch sử của Việt Nam. Đã đến lúc các nhà làm phim lịch sử phải nhìn lại mình nghiêm túc và thẳng thắn nhất. Khi sản xuất xong một bộ phim, chúng ta cần phải ngồi xem lại ở vị trí của khán giả, cảm nhận những cái được và chưa được, chứ không nên tự ru ngủ bản thân bằng những triết lý cao siêu kiểu như phim của ta là nghệ thuật, nhân văn, ý nghĩa hay phim nghệ thuật thì phải kén khán giả.
Tôi thấy nhiều nghệ sĩ bây giờ “cuồng” tác phẩm của mình hơi thái quá nên không còn nhìn thấy những hạt sạn nữa. Không đặt tác phẩm của mình hòa nhập vào dòng chảy chung của lịch sử, xã hội thì sẽ bị lạnh nhạt là điều dễ hiểu.
Video đang HOT
NSƯT Minh Châu tại buổi giao lưu với khán giả.
- Tham gia nhiều dự án chiến tranh, bà thấy có những bất cập gì trong quá trình làm phim khiến dòng phim này chưa tạo được sức hút với người xem?
- Có rất nhiều thứ làm cản trở sự phát triển của dòng phim này. Trước tiên là khâu duyệt kịch bản. Người trong hội đồng duyệt phim thường làm theo những quy định cứng nhắc, hạn chế sự sáng tạo của nghệ sĩ. Ví dụ, có chút hở hang, có cảnh nóng hay một chút không đúng như sự thật là cắt ngay.
Đa số bộ phim lịch sử nhà nước làm với mục đích tuyên truyền. Nhưng cách tuyên truyền chưa hiệu quả. Người ta tuyên truyền nên nghĩ phải xây dựng con người thật hoàn hảo mà không nghĩ rằng ai cũng có đúng sai, ngọc còn có vết mà. Nếu ca ngợi một chiều thái quá sẽ làm cho nhân vật không chân thật, không tạo cảm xúc cho người xem.
Lịch sử đã qua bao nhiêu lâu rồi, người xem không cần các nhà làm phim phải làm đúng mọi thứ của ngày xưa, miễn sao anh phải nói được vấn đề, thời cuộc, truyền được thông điệp mà không cần lên gân, giáo điều. Làm phim lịch sử cũng như nấu một món ăn cổ truyền xưa. Chúng ta không thể nấu lại nguyên như thế và có khi người ta lại không thích hương vị cũ, mà muốn pha trộn với nhiều gia vị hiện nay.
- Khán giả cũng rất phàn nàn về kỹ xảo của những bộ phim điện ảnh do nhà nước sản xuất. Phải chăng đây cũng là yếu điểm khiến phim lịch sử bị thờ ơ?
- Không thể so sánh kỹ xảo của điện ảnh Việt Nam với thế giới vì họ đã sử dụng kỹ xảo vô cùng tinh vi, còn chúng ta vẫn dùng máy móc thô sơ, lạc hậu. Đây cũng là bài toán khá đau đầu với người làm điện ảnh khi kinh phí hạn hẹp, máy móc cũ kỹ.
Để có những bộ phim thu hút người xem, nội dung tốt nhưng phải được truyền tải bằng hình ảnh đẹp. Nếu không đổi mới, phim lịch sử, phim nhà nước sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng sản xuất xong, đem cất kho vì không có khán giả.
- Nếu nhận lời đóng một bộ phim lịch sử, bà sẽ có những tiêu chí gì?
- Bây giờ tôi đóng phim không phải để kiếm sống nên lựa chọn những thứ mình thật sự thích. Tiêu chí của tôi khi nhận phim phải là kịch bản, đạo diễn và cát-xê. Có những đạo diễn mình tin tưởng về tài năng thì có khi không cần đọc kịch bản cũng nhận lời vì với họ, một kịch bản chưa hay lắm, họ cũng biết cách tạo cho hấp dẫn như NSND Bạch Diệp.
Theo Zing
NSƯT Minh Châu kể về kỷ niệm say thuốc lào
Bà Thiện của "Bánh đúc có xương" chia sẻ, khi tham gia bộ phim "Bí thư tỉnh ủy", bà phải tập hút thuốc lào như đàn ông.
Minh Châu là một trong những diễn viên gạo cội của làng phim Việt. Hơn 30 năm gắn bó với nghiệp diễn, bà ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người hâm mộ qua nhiều vai ấn tượng, cả trên màn ảnh rộng lẫn màn ảnh nhỏ.
Tuy nhiên, đỉnh cao trong sự nghiệp của NSƯT Minh Châu phải kể đến thời kỳ phim đen trắng. Vào thời đó, tên tuổi bà "nổi như cồn" nhờ hóa thân xuất sắc vào vai Nguyệt trong phim Cô gái trên sông và Liên trong Người đàn bà nghịch cát. Hai vai này đã mang về cho Minh Châu giải Nữ diễn viên chính xuất sắctại LHP Việt Nam lần thứ 8 và lần thứ 9.
Một số phim ấn tượng khác của nghệ sĩ Minh Châu có thể kể đến như Nguyễn Thị Minh Khai, Người thừa, Bí thư tỉnh ủy... Trong năm 2015, Minh Châu tiếp tục chinh phục khán giả qua vai bà Thiện đồng bóng trong Bánh đúc có xương.
Nghệ sĩ Minh Châu tham gia chương trình Bữa trưa vui vẻ.
Chia sẻ trong chương trình Bữa trưa vui vẻ, phát sóng ngày 12/10, NSƯT cho biết đây là một trong những vai bà ấn tượng nhất vì tính cách nhân vật khác hẳn trước đây. Hơn nữa, khán giả xem truyền hình cũng dành nhiều tình cảm cho bộ phim này.
Minh Châu kể, khi nhận kịch bản phim Bánh đúc có xương, bà đã đề nghị đạo diễn thay đổi ngoại hình và tính cách nhân vật cho phù hợp.
"Khi làm phim, chúng tôi luôn nghĩ đến chuyện phải làm lý lịch cho nhân vật. Khi thay đổi, đương nhiên mình phải chuẩn bị tốt từ trang phục cho đến diễn xuất để thuyết phục được đạo diễn" - nghệ sĩ chia sẻ.
Một vai diễn khác cũng để lại nhiều kỷ niệm cho nghệ sĩ Minh Châu là bà Thường trong Bí thư tỉnh ủy. Minh Châu cho biết, tại thời điểm đó, bà rất vui vì được đạo diễn tin tưởng giao cho một vai khó. Và cái khó nhất ở đây là bà phải hút thuốc lào - điều tưởng chừng như chỉ có đàn ông mới làm được.
"Đây là nhân vật có thật, bác này nghiện thuốc lào từ bé vì phải châm thuốc cho bố hút... Lúc đầu tôi cũng gian, đề nghị đạo diễn cho hút thuốc lá vì thuốc lào hôi. Nhưng khi xem lại cảnh thấy hơi thuốc lá mỏng manh quá. Cuối cùng, tôi phải tập hút thuốc lào. Hơi thuốc lào khiến mình lâng lâng, cảm thấy hình như say" - Minh Châu nhớ lại.
Đam nghê nghiệp diễn, không quản ngại khó khăn để mang đến cho khán giả những bộ phim ấn tượng, ít ai ngờ nghệ sĩ Minh Châu từng có khoảng thời gian muốn bỏ nghề. Bà kể, đó là thời kỳ dòng phim "mỳ ăn liền" lên ngôi và bà cảm thấy chỗ đứng của mình không ở đấy.
"Tôi bỏ 3 năm không làm phim. Chính NSND Bạch Diệp đã kéo Minh Châu trở lại với phim ảnh và bộ phim đầu tiên tham gia là Nguyễn Thị Minh Khai. Cảm ơn nghệ sĩ Bạch Diệp kéo tôi lại để thấy mình vẫn yêu điện ảnh và sống chết vì nó" - Minh Châu chia sẻ.
Hiện nay, ở tuổi lục tuần, nghệ sĩ Minh Châu vẫn giữ được tinh thần trẻ trung và nhiệt huyết với nghề. Bà hào hứng chia sẻ vừa quay xong bộ phim truyền hình Gia phả của đất của đạo diễn Quốc Trọng. Trong phim, NSƯT vào vai một đại gia bất động sản.
Hơn 30 năm làm nghề, tham gia trên dưới 100 phim, Minh Châu là một trong những nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND trong năm 2015. Nhưng với bà, điều quan trọng nhất vẫn là tình cảm của khán giả dành cho mình.
"Nghệ sĩ nào cũng mong muốn có danh hiệu, được khán giả công nhận. Nhưng với Minh Châu, điều hạnh phúc nhất là đi đến đâu cũng được mọi người yêu quý. Còn những danh hiệu cao quý thì mình cần phải chờ đợi. Tôi rất tâm đắc với câu chờ đợi là hạnh phúc" - diễn viên gạo cội bộc bạch.
Theo Zing
Những thước phim lịch sử về ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Nhân ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - 30/4, cùng điểm lại những bộ phim ghi lại những thời khắc lịch sử quan trọng của đất nước. 30/4/1975 là ngày kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh kéo dài 55 ngày đêm, giải phóng miền Nam, giành lại độc lập hoàn toàn cho đất nước. Đây là ngày có ý...