NSƯT Lê Chức: “Anh Tú chỉ được trời cho đến đấy thôi”
“Trong cuộc đời này, cảm giác như mỗi người có một số phận riêng. Rất nhiều người được ngưỡng mộ khi hưởng thọ trăm tuổi thì Tú… chỉ được trời cho đến đấy thôi”, NSƯT Lê Chức nói.
NSND Anh Tú đã đi về nơi rất xa nhưng người ở lại sẽ không bao giờ quên anh: một người có cá tính riêng trong cuộc sống và bản lĩnh riêng trong nghệ thuật; một đạo diễn tài năng của sân khấu Việt Nam.
Dưới đây là những chia sẻ của đạo diễn NSƯT Lê Chức – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam về quyền Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam – Phạm Anh Tú.
Cá tính riêng trong cuộc sống và bản lĩnh riêng trong nghệ thuật
“Anh Tú là một trong những thành viên đầu tiên của Nhà hát Tuổi Trẻ cùng lứa Chí Trung, Lê Khanh, Ngọc Huyền, Lan Hương… Đây là lứa diễn viên được tuyển theo mô hình sân khấu cho thanh thiếu niên, được đào tạo vào độ quãng năm 1978.
Cùng với việc tổ chức đào tạo lứa diễn viên này, Nhà hát cũng mời về đây nhiều nghệ sĩ đã thành danh để cùng diễn và hướng dẫn họ trong quá trình học tập dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Nhà hát – đạo diễn Hà Nhân và hai Phó Giám đốc, bà Phạm Thị Thành và bà Thuỳ Chi.
Tốp nghệ sĩ được mời khi ấy, phía Nam có thầy Trần Minh Ngọc, Tuệ Minh, tôi, Đặng Tú Mai của Nhà hát Kịch Việt Nam, Đức Trung của Nhà hát Kịch Quân đội, chị Phương Nhi của Nhà hát Múa rối Việt Nam, anh Hoàng Phúc Dĩ và một số nghệ sĩ đã thành danh khác như Thọ Hoà, Lê Hùng…
NSND Anh Tú và NSND Lan Hương.
Chúng tôi đã làm việc với nhau ở dạng cùng diễn và đào tạo. Chính lớp diễn viên đầu tiên này là lực lượng nòng cốt của Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam sau này.
Năm 1985, khi tôi về nhà hát dựng vở tốt nghiệp, Tú có tham gia một vai. Trong vở đó, còn có cả Chí Trung, Lê Khanh, Minh Hằng, Lê Vân. Và đó cũng là lần duy nhất tôi làm việc trực tiếp với Tú.
Nhưng ở trách nhiệm của mình, sau này tôi vẫn qua lại nhà hát xem, trao đổi nghề nghiệp thì thấy, về mặt diễn viên, Tú không tạo ra những vai diễn lớn như kiểu Chí Trung, Lê Khanh, Lan Hương nhưng khi nhắc tới những vở diễn của Nhà hát Tuổi trẻ thì không thể không nhắc tới Tú.
Video đang HOT
Sau đó, Tú đi học đạo diễn. Người thầy trực tiếp của Anh Tú là NSND Lê Hùng. Tú có một cá tính riêng trong cuộc sống và một bản lĩnh riêng trong nghệ thuật nên sau khi học xong, Tú nằm trong cơ cấu lãnh đạo của Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam.
Khi nhận trách nhiệm của mình ở cương vị một đạo diễn kiêm nhà quản lý nghệ thuật cho Nhà hát Tuổi Trẻ, Tú đã tiếp nhận và kế thừa được phong cách, đường hướng của những người chỉ đạo nghệ thuật trước đó là bà Hà Nhân, Phạm Thị Thành, Thuỳ Chi, Lê Hùng.
Và Tú lại thể hiện được phong cách, cá tính riêng của mình trong vai trò chỉ đạo nghệ thuật ở một loạt vở diễn sau này. Tú là một tính cách sáng tạo. Điều đó vô cùng cần thiết trong nghệ thuật. Tú có ý thức trong chuyện thay đổi phương pháp nghệ thuật, rất chịu khó tìm ngôn ngữ và hình thức thể hiện mới.
“Chàng kịch sĩ trên sân khấu” Anh Tú.
“Tú… chỉ được trời cho đến đấy thôi”!
Khi Tú mới được bổ nhiệm sang Nhà hát Kịch Việt Nam, lúc đó tôi còn là Phó Cục trưởng Cục biểu diễn nghệ thuật. Chính tôi là người đề nghị sau khi tiếp nhận Anh Tú thì nhà hát tạm đừng trao cho Tú trách nhiệm chỉ đạo nghệ thuật vội mà để Tú là Phó Giám đốc phụ trách nghệ thuật.
Hai năm sau, cũng vẫn là tôi, sau vở “Bão táp Trường Sơn” mà Tú dựng, trong cuộc họp nghiệm thu vở diễn, tôi nói: Đến hôm nay, chính thức tôi có ý kiến đề nghị với Bộ bổ nhiệm chức danh Chỉ đạo nghệ thuật cho đạo diễn phó giám đốc Phạm Anh Tú.
Vì ngày hôm nay, anh ấy đã đủ năng lực, đủ tài năng, đủ quan điểm để đứng mũi chịu sào ở công tác nghệ thuật của một nhà hát hàn lâm là Kịch nói Việt Nam. Đối với tôi, một người được đào tạo nghiêm cẩn, khi nói ra những chữ đó không phải dễ.
Tú dựng “Romeo và Juliet”, “Kiều” với phong cách rất hay. Và đặc biệt gần đây nhất, Tú dựng lại “Bão táp Trường Sơn” của tác giả Trương Minh Phương – một tác giả lớn tuổi, trước kia cũng chỉ viết theo dạng không chuyên nghiệp.
Với một kịch bản không chuyên nghiệp như vậy mà Tú dàn dựng một cách đầy hấp dẫn, đầy sáng tạo.
Trong đó nhân vật do Xuân Bắc đảm nhận – anh chàng giả giọng tiếng Thanh Hoá rất duyên dáng trong ý đồ của Tú và trong khả năng hoá thân xuất sắc của Bắc đã tạo cho vở diễn hấp dẫn hơn, dù đề tài xưa cũ.
Và cũng chính trong lúc đó, Tú bộc lộ tài năng của mình. Nghĩa là Tú đưa một kịch bản bình thường trở thành vở diễn có sự chuẩn mực.
Đạo diễn, NSƯT Lê Chức (ngoài cùng bên phải) và NSND Anh Tú.
Đêm hôm đó, cũng chính tôi nói: Cá nhân tôi nghĩ Tú nên nhận trách nhiệm chỉ đạo nghệ thuật Nhà hát kịch Việt Nam. Ở nước ngoài, vai trò chỉ đạo nghệ thuật thường được giới thiệu trước cả chức danh Giám đốc Nhà hát.
Nhà hát kịch Việt Nam lúc này là lực lượng diễn viên trẻ. Tú không được bổ nhiệm làm Giám đốc vì Tú nằm trong khung hết tuổi để nhận trách nhiệm, cũng như Chí Trung là quyền giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quang Vinh là quyền Cục trưởng và Phạm Anh Tú là quyền giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam.
Đó là điều kiện về tuổi đời chứ không mang ý nghĩa của tài năng.
Rất tiếc là Tú có bệnh sớm. Trong thời gian Tú nằm viện, anh em đồng nghiệp chúng tôi đều qua lại và lo lắng.
Thời điểm Tú làm “Bão táp Trường Sơn”, tôi đến xem, chụp vài tấm ảnh. Lúc đó Tú đã hốc hác lắm rồi và tôi hiểu là Tú đang ốm.
Tôi hỏi thì Tú nói “em tiểu đường, em có vài bệnh khác”, nhìn Tú thương lắm. Tú vẫn ngồi ghế giám đốc, vẫn tiếp khách, vẫn làm việc, vẫn có những dự kiến này, dự kiến khác cho nhà hát trong tương lai.
Trong cuộc đời này, cảm giác như mỗi người có một số phận riêng. Rất nhiều người được ngưỡng mộ khi hưởng thọ trăm tuổi thì Tú… chỉ được trời cho đến đấy thôi!
Chúng ta vẫn tiếc cho một đạo diễn sân khấu tài năng với chức danh Nghệ sĩ nhân dân, đang ở giai đoạn bùng nổ của mình thì đã ra đi. Thôi thì, những khát khao còn đang dang dở của Tú cho nghệ thuật, cho nhà hát để lại cho những người khác…”.
* Ghi theo lời kể của đạo diễn – NSƯT Lê Chức
Theo Trí Thức Trẻ
Thông tin chính thức về lễ viếng NSND Anh Tú
Lễ viếng NSND Anh Tú sẽ bắt đầu từ 9h30 đến 11h30 ngày 24/12 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông. Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Khánh Hải sẽ là trưởng ban tổ chức tang lễ.
Sáng nay, gia đình NSND Anh Tú đã họp bàn thống nhất với Bộ VHTT&DL cùng Nhà hát Kịch Việt Nam - nơi NSND Anh Tú đang giữ chức Quyền giám đốc để thống nhất tổ chức lễ viếng chu toàn, trang trọng.
Chánh văn phòng Bộ VHTT&DL Nguyễn Thái Bình cho biết: "Sáng nay Bộ cùng gia đình đã họp bàn về việc tổ chức tang lễ cho NSND Anh Tú. Lễ nhập quan NSND Anh Tú vào lúc 9h05 ngày 24/12, Lễ viếng bắt đầu từ 9h30 đến 11h30 cùng ngày tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, hoả táng tại Đài hoá thân Hoàn Vũ. Sau đó, vào hồi 15h ngày 3/1/2019, tro cốt của NSND Anh Tú sẽ được đưa về an táng Công viên Nghĩa trang Lạc Hồng Viên, Hoà Bình. Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Khánh Hải sẽ là trưởng ban tổ chức tang lễ".
Anh Tú qua đời ở tuổi 56, để lại niềm thương tiếc cho giới nghệ sĩ và khán giả.
Trước đó, như VietNamNet đã đưa tin, sau nhiều tháng chữa trị căn bệnh tiểu đường biến chứng, NSND Anh Tú đã qua đời lúc 12h35 phút trưa 20/12 tại Bệnh viện nhiệt đới Trung Ương, cơ sở Đông Anh.
Trong hơn 30 năm với cương vị diễn viên, đạo diễn và quản lý tại Nhà hát Tuổi trẻ, NSND Anh Tú đã dàn dựng nhiều vở diễn: Cô gái đội mũ nồi xám, Nhà có năm anh em trai, Mùa hạ cay đắng, Mùa yêu đương và một loạt chùm kịch thiếu nhi: Tôn Ngộ Không, Thạch Sanh, Cây khế...
Từ khi làm Phó Giám đốc rồi sau đó lên Quyền giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, NSND Anh Tú cũng là người đã có công lớn trong việc dàn dựng nên nhiều vở diễn để lại tiếng vang như: Tai biến, Trong mưa giông thấy nắng, Lâu đài cát, Kiều... Không chỉ giới hạn mình ở sân khấu, NSND Anh Tú còn xuất hiện trên truyền hình với nhiều vai diễn trong các bộ phim: Của để dành, Đàn trời, Chiều ngang qua phố cũ, Ánh sáng trước mặt...
Anh còn là giảng viên, tham gia giảng dạy tại Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội; là người thầy chắp cánh, bồi dưỡng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ triển vọng và tài năng.
Với sự cống hiến của mình cho nghệ thuật, NSND Anh Tú đã vinh dự nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và nhà nước: Huân chương Lao động hạng nhì và hạng ba; Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Văn hoá Thể thao và Du lịch"; Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp sân khấu Việt Nam".
Tình Lê
Theo Vietnamnet
'Vũ Như Tô' Anh Tú qua đời, sân khấu phía Bắc còn ai tô điểm? NSND Anh Tú qua đời ở tuổi sung sức nhất của nghề đạo diễn. Kịch nghệ Hà Nội trong nỗ lực trỗi dậy đã mất đi một ngọn "hải đăng". Nhiều năm nay, NSND Anh Tú đã không còn xuất hiện trên sân khấu với tư cách một diễn viên. Nhưng giai thoại về "chàng kỵ sĩ" của kịch nghệ phía Bắc vẫn...