NSƯT Hồng Nhung – vợ cũ của nhạc sĩ Phú Quang – qua đời
Nghệ sĩ Hồng Nhung (vợ cũ của nhạc sĩ Phú Quang) ra đi ở tuổi 71 sau một thời gian dài chiến đấu với căn bệnh tiểu đường và suy thận.
Nghệ sĩ Hồng Nhung tên thật là Nguyễn Thị Nhung, sinh năm 1953 tại Hải Phòng. Bà tốt nghiệp từ Trường Trung cấp Nhạc viện Hà Nội và Nhạc viện Sofia, Bulgaria. Bà nổi tiếng là nghệ sĩ có khả năng chơi sáo flute (sáo điện tử).
Nghệ sĩ Hồng Nhung và nhạc sĩ Phú Quang gặp gỡ sau khi cả hai đã trải qua cuộc hôn nhân đầu tiên không trọn vẹn. Bà và nhạc sĩ Phú Quang chung tình với âm nhạc và tình yêu. Bà đã đóng góp rất nhiều cho sự nghiệp âm nhạc của ông, đặc biệt trong giai đoạn đầu tại TP.HCM.
Nghệ sĩ Hồng Nhung.
Ngoài là bạn đời, nghệ sĩ Hồng Nhung và nhạc sĩ Phú Quang còn là tri kỷ trong nghệ thuật. Bà từ bỏ sự nghiệp trên sân khấu để trở thành viên chức nhà nước và tập trung vào việc tạo dựng tổ ấm gia đình. Bà là nguồn động viên lớn giúp nhạc sĩ Phú Quang có điều kiện để sáng tác.
Khi con cái lớn, nghệ sĩ Hồng Nhung quay lại với nghề nghiệp và trở thành một giảng viên tại Nhạc viện TP.HCM trong thời gian dài. Bà luôn giữ vai trò cây sáo chính trong dàn nhạc của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM cho đến khi nghỉ hưu.
Hành trình nghệ thuật của NSƯT Hồng Nhung và nhạc sĩ Phú Quang đánh dấu bằng nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Khát vọng, Tình yêu của biển, Chuyện kể tình yêu, Câu chuyện truyền thuyết và Bao giờ cho đến tháng Mười…
Nghệ sĩ Hồng Nhung và nhạc sĩ Phú Quang có một con trai và một con gái. Dù chia tay, cả hai vẫn giữ mối quan hệ trong sự tôn trọng và êm đẹp.
Đại Trí
Ca khúc 'Tiếng đàn' qua giọng hát NSƯT Hương Giang và Mai Nguyễn Anh
Thượng tá, NSƯT Hương Giang và ca sĩ Mai Nguyễn Anh gây xúc động với MV 'Tiếng đàn' - một sáng tác của cố nhạc sĩ An Thuyên.
Nhân kỷ niệm 112 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2023), Thượng tá, NSƯT Hương Giang, Giảng viên Thanh nhạc Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và ca sĩ Mai Nguyễn Anh, Đoàn Văn công Quân khu 2 đã thể hiện xúc động ca khúc Tiếng đàn do cố nhạc sĩ An Thuyên sáng tác.
Thượng tá Nguyễn Hương Giang và Ca sĩ Mai Nguyễn Anh
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là thiên tài quân sự lỗi lạc trong thời đại Hồ Chí Minh. Chỉ trong 15 phút sau khi nghe tin Đại tướng về với cõi Bác Hồ vào ngày 4/10/2013, Thiếu tướng An Thuyên đã sáng tác ca khúc Tiếng đàn đầy xúc động.
Bài hát mang âm hưởng dân ca Nam Bộ được cất lên nhẹ nhàng, sâu lắng, đọng lại trong lòng người nghe nỗi nhớ, niềm xót thương người anh hùng của dân tộc. Một không gian "phố phường Hà Nội, một ngày ngừng gió" man mác buồn. Mô típ tiết tấu chủ đạo được xuất hiện và xuyên suốt cho đến cuối bài, tạo cảm giác khoan thai, bay bổng tựa như những ngón tay lướt nhẹ trên phím đàn.
Cố nhạc sĩ, Thiếu tướng An Thuyên.
Nhạc sĩ An Thuyên rất tinh tế khi đẩy đoạn cao trào của tác phẩm bằng những câu điệp khúc dồn dập. Tiếng đàn với những cung bậc cảm xúc khác nhau. Mở đầu là tiếng đàn vị tướng "mười ngón tay thô, lướt trên thăng trầm, trắng đen cuộc đời, vinh quang cay đắng cây đời vẫn xanh"; tiếng đàn đồng chí "rạng rỡ non sông, áo xanh bạc màu, thủy chung đồng đội, vào sinh ra tử ấm tình Anh Văn", tiếng đàn Tổ quốc "toàn thắng reo ca, cánh chim ngang trời vẫn không biết mỏi, vẫn mơ ước sống lo nhiều cho dân"; tiếng đàn Đại tướng "trời đất yêu thương, khóc cho dân tộc khuất xa một người rạng danh trung hiếu sáng ngời muôn sau"...
Bốn "tiếng đàn" được nhắc đi nhắc lại khiến cho người nghe có cảm giác không có sự mất mát đau thương nào. Tất cả nhường chỗ cho những âm thanh trong trẻo của chiều thu Hà Nội. Tiếng đàn của hồn thiêng sông núi với những chiến công lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu. Tiếng đàn đồng vọng thôi thúc quân dân sống trọn vẹn nghĩa tình với nước non.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường chơi đàn dương cầm cùng người bạn đời
Tiếng đàn là hiện thân cuộc đời và sự nghiệp cách mạng lẫy lừng của Đại tướng: "Đàn ngân nhân nghĩa sáng ngời, đàn ngân tri thức cao vời, danh tướng muôn đời rạng rỡ Việt Nam". Tiếng đàn cũng chính là tiếng lòng thổn thức của nhân dân tiếc thương Người: "Đàn ngân thương tiếc vô cùng, đàn ơi nước mắt tuôn trào, đất nước nhớ Người vì nước quên thân".
Ca khúc khép lại bằng giai điệu hào hùng với những nốt cao ngân dài như "tiếng đàn" vút cao vang vọng mãi sự ngợi ca, tri ân công đức của Đại tướng đã góp phần làm nên "vinh quang Tổ quốc Việt Nam". Tác phẩm Tiếng đàn có giai điệu âm nhạc mộc mạc gần gũi giúp người nghe dễ dàng tiếp cận. Tác phẩm nhờ đó cũng dễ đi vào lòng người như chính tình cảm thiết tha của triệu triệu trái tim con dân đất Việt với vị tướng huyền thoại còn sống mãi trong lòng dân tộc.
Là hai nghệ sĩ - chiến sĩ có chung niềm tự hào thiết tha về người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, NSƯT Hương Giang và ca sĩ Mai Nguyễn Anh đã thể hiện cách hát tình cảm, bay bổng khi sử dụng kỹ thuật hát legato như thể hiện một bản romance thực thụ khiến cho giai điệu của tác phẩm càng thêm sâu lắng, trữ tình.
Clip bài hát 'Tiếng đàn" do NSƯT Hương Giang và Mai Nguyễn Anh thể hiện:
Nhạc sĩ Đỗ Bảo - Phú Quang cùng hòa quyện 'Hà Nội - Mùa chuyển' Theo tiết lộ của nghệ sĩ piano Trinh Hương, trong đêm nhạc tới đây, nhạc sĩ Đỗ Bảo sẽ thoải mái sáng tạo 3-4 bài hát của bố cô - nhạc sĩ Phú Quang. Vào 20g ngày 21 và 22-4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, lần đầu tiên âm nhạc của Phú Quang và Đỗ Bảo cùng hòa quyện trong một chương...