NSƯT Chí Trung: ‘Mưa bão, mất điện khán giả vẫn không về, chúng tôi thắp đèn dầu lên diễn tiếp’
Chia sẻ với báo điện tử Tổ Quốc, NSƯT Chí Trung đã dành thời gian để nhớ về thời kỳ hoàng kim Nhà hát Tuổi trẻ với những vở kịch diễn được 500 suất… Và thời gian qua, sau khi tạm dừng hoạt động vì dịch Covid-19, nhà hát đã có những dự định và hứa hẹn mang những vở kịch hấp dẫn, chất lượng đến với khán giả.
Là người chứng kiến sự thăng trầm của sân khấu, anh còn nhớ giai đoạn huy hoàng nhất diễn ra thế nào không?
- Nói về thời “hoàng kim” thì chúng tôi hay nhớ về thời “sung sướng” khi sân khấu đạt được lượng khán giả như mơ.
Những năm 80 thế kỷ trước, đất nước vừa hội nhập nên chưa có nhiều loại hình giải trí, phim truyền hình lại chưa hay thì sân khấu là duy nhất. Lúc đó, chúng tôi nói đùa “phở mậu dịch – kịch ti vi”.
Nói thật, sân khấu hồi đó chúng tôi làm kém hơn bây giờ vì chưa có nhiều hiệu ứng như đèn, cảnh trí… nhưng lại vẫn đông khán giả bởi nhu cầu nhiều hơn bây giờ, “có cung thì ắt sẽ có cầu”.
Đó cũng là lý do, chúng tôi chưa chắc đã cố gắng và nỗ lực được như bây giờ nhưng vẫn thành công hơn.
Nhà hát Tuổi trẻ đã có những vở diễn đến 500 suất như Lời thề thứ 9, Tin ở hoa hồng 400 suất, Điều không thể mất 400 suất, Romeo và Juliet 300 suất… Có những thời điểm chúng tôi diễn 5 suất một ngày liên tục và rạp kín khán giả. Có những vở diễn liên tục 80 – 90 suất trong nhiều ngày mà không có ngày nghỉ.
Trong thời kỳ đó, hẳn anh đã có nhiều kỉ niệm khó quên?
- Kỉ niệm thì rất nhiều. Có những vở diễn chúng tôi mang đi khắp đất nước diễn 3-4 suất một ngày ở các tỉnh. Tôi nhớ có một đêm diễn “Lời thề thứ 9″ tại Nha Trang vào năm 1989. Có hôm diễn, thời tiết khắc nghiệt đến mức bay cả mái tôn, gió đập, mưa bão, mất điện nhưng khán giả vẫn không về và chúng tôi thắp đèn dầu lên diễn tiếp.
Sau buổi diễn kết thúc, các cựu chiến binh mặc quần áo đeo đầy huy hiệu vẫn nán lại nắm tay nghệ sĩ chúng tôi và khóc. Họ nói tin vào ngày mai, tin vào tương lai đất nước sau khi xem vở kịch này.
Nghe nói, thời kỳ đó, cát xê diễn viên không cao, nhưng ai cũng đắm đuối với nghề. Điều gì đã tạo nên sự đam mê đó, thưa anh?
- Cát-xê nghệ sĩ sân khấu thì không mua được gì nhiều ngoài “bát phở”. Suốt ngày chúng tôi đuổi theo bát phở (cười). Vì thời đó trong giai đoạn đất nước đang phát triển nên để có được bữa ăn có thịt là điều không đơn giản.
Trải qua nhiều giai đoạn lên xuống của sân khấu, tôi vẫn nói với các diễn viên nhà hát: Nghệ thuật sân khấu chỉ có thể tạo niềm vui, hương hoa nhưng không thể nuôi sống được bản thân. Các nghề khác đang phát triển từ cho thuê áo cưới, đóng truyền hình…
Thế nhưng tâm huyết và sự sung sướng của sân khấu, từ giọt mồ hôi, thậm chí là máu đổ xuống thì khác hoàn toàn với nghề khác. Đó là sự giao thoa trực tiếp với khán phòng.
Tôi đã thành công và được sống trong những điều đó nên tôi muốn truyền lại năng lượng đó đến với các bạn trẻ.
Tôi cũng mong muốn nghệ sĩ trẻ hãy đến với sân khấu một cách trọn vẹn, thay vì chúng ta chỉ nghĩ đến tiền. Tiền sẽ không bao giờ có trong nghệ thuật. Tuy nhiên, tiền sẽ đến sau khi người nghệ sĩ có tài năng, sự trau dồi, nâng cao kỹ năng.
Sự hâm mộ của khán giả thời đó dành cho các nghệ sĩ kịch ra sao thưa anh?
- Thời của chúng tôi chưa có khái niệm về Idol (thần tượng), không có fan vì nghệ sĩ sân khấu khác với ca sĩ nhưng khi họ đã yêu sân khấu thì sẽ giữ trong lòng dù là nam hay nữ và tình yêu họ bền lâu chứ không phải ăn xổi như bây giờ.
Tôi biết, ngày nay có nhiều người tự “nắm tóc mình đi trèo lên vai người khác”, dù họ có yêu thích thì tình yêu đó cũng tan như bong bóng xà phòng.
Khi sân khấu đi qua thời hoàng kim, nhiều người bày tỏ sự nuối tiếc, thậm chí đau đớn, anh thì sao?
Video đang HOT
- Sân khấu vắng khách thì tôi nghĩ đó là điều tất yếu. Vì hiện tại, phim ảnh, truyền hình, gameshow đang phát triển. Cuộc sống đi lên thì con người có quyền tự do được lựa chọn. Chúng tôi chỉ là một trong hàng nhiều thứ lựa chọn của khán giả.
Không được lựa chọn, không có nghĩa là chúng tôi phải đau khổ. Càng đau khổ thì càng mệt, cá nhân tôi không muốn mang cho mình sự mệt mỏi, thay vào đó tôi nghĩ mình phải làm tốt hơn.
Nếu ngày xưa, mình có thể làm 10 – 15 chương trình nhưng giờ chỉ cần 5 thôi nhưng phải tốt, như Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu, chương trình nghệ thuật đỉnh cao và đạt được tiêu chí, từ khán giả đến việc phát huy thế mạnh của nhà hát, trau chuốt kỹ lưỡng qua các vở diễn.
Theo anh, sân khấu thoái trào là vì những nguyên nhân nào?
- Trong một mối tình tan rã thì lỗi của anh và ả. Chúng ta thường đổ một là cho ả hoặc anh. Tuy nhiên, để tan vỡ và suy thoái đều có nguyên nhân 2 bên.
Khi khán giả có nhiều lựa chọn thì đương nhiên tình yêu sẽ bị nhạt bớt đi. Sự quan tâm sân khấu kém thì đội ngũ viết kịch bản kém đi, vì sân khấu là nơi kiếm tiền kém nhất trong các ngành nghề, trong khi đó đội ngũ diễn viên cũng thờ ơ… Tôi nghĩ, chúng ta không nên đổ lỗi tại thành tố nào cả.
Mỗi thời kỳ đều có sự khó khăn khác nhau nhưng miễn sao mình giữ tâm và chờ cơ hội. Tôi rất tự tin vào tương lai.
Cái khó lúc này là sử dụng nhân sự. Bởi chúng ta chỉ có chừng đó diễn viên thuộc nhà hát. Nếu muốn mời người khác thì không có quỹ để trả lương. Trong khi đó, nghệ sĩ các nhà hát hiện nay rất cần nghệ sĩ trẻ, còn các nghệ sĩ gạo cội thì đã cống hiến nhiều, lại có tuổi thì cũng không còn thanh xuân để mà đóng “hoàng tử, công chúa”. Trong khi đó muốn mời bạn trẻ thì lại không có tiền để trả, vé thì khó bán…
Ngày nay, nhiều nghệ sĩ sân khấu liên tục “mài mặt” trên phim truyền hình và khi quay lại sân khấu không còn chất diễn, thực tế đó như thế nào?
- Chúng tôi đang trông chờ vào diễn viên tài năng, tâm huyết và đức độ. Nếu chỉ chăm chăm tìm tiền và sự nổi tiếng sẽ không đến. Tiền sẽ chỉ đến sau sự tâm huyết của bạn.
Thời chúng tôi ngày xưa không có tiền để mà tìm, mà chỉ có tài năng và tâm huyết. Tôi luôn nhắn các em, bên cạnh đó mình cũng lựa chọn và đào thải. Tôi sẵn sàng bỏ 70 người và chỉ giữ 30 người nhưng phải chất lượng còn hơn giữ lại chỉ để đến nhà hát cho đông. Làm sân khấu giàu là không được, tôi động viên các bạn trẻ đi làm bên ngoài, kể cả là đi ship đồ… Nhưng mình vẫn phải giữ chất riêng của Nhà hát Tuổi trẻ.
Tôi cũng không đồng tình với nhiều nghệ sĩ chỉ mong có vai diễn, có danh tiếng để kiếm tiền cho cuộc sống thì không thành nghệ sĩ được. Phải có trái tim đau đời, một trái tim ấm và cái đầu lạnh và có nhân cách, tri thức chân chính.
Sau thời gian nghỉ do dịch Covid-19, sân khấu đã bắt đầu trở lại, Nhà hát Tuổi trẻ có thay đổi gì chiến lược ?
- Trong thời gian nghỉ dịch vừa qua, tôi dành thời gian sửa lại nhà hát để cơ sở vật chất thêm mới và tốt hơn. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang tìm các nhà tài trợ cho nhà hát để làm những chương trình cho các em nhỏ. Tới đây, chúng tôi sẽ diễn miễn phí cho bệnh nhân ở bệnh viện Bạch Mai, đại học Y.
Nhà hát Tuổi trẻ có lợi thế 600 chỗ ngồi và địa điểm trên phố rất thuật tiện cho việc đi lại. Làm những chương trình hướng tới khách du lịch thì thú thật, tôi có nghĩ đến nhưng chưa đủ tự tin làm bằng các anh chị bên loại hình dân tộc. Nếu làm du lịch thì phải diễn được song ngữ, cơ sở hạ tầng thật tốt. Để nước ngoài sang thì họ xem ít nhất phải bằng họ, thế nên chúng tôi vẫn đang khát khao.
Tuy nhiên, tới đây Nhà hát Tuổi trẻ sẽ mời đạo diễn Nhật sang để dựng vở thiếu nhi nhưng mang hơi thở quốc tế. Sức chúng tôi còn hạn hẹp nhưng sẽ luôn cố gắng và tôi luôn có niềm tin sân khấu sẽ trở lại.
Ngoài ba vở thiếu nhi mới dựng, tháng 8 này tôi còn dựng vở của Lưu Quang Vũ. Tôi muốn làm đa dạng vở để phân khúc được đối tượng khán giả, từ 4 – 100 tuổi vẫn có thể xem và lựa chọn.
Anh làm nghệ thuật đã lâu, gặp không ít sóng gió, anh vượt qua điều đó thế nào?
- Tôi nghĩ mình phải giàu tâm, giàu đức và biết mình là ai. Chí Trung của ngày hôm nay có được nhiều nhất chính là tình yêu khán giả. Nếu thò tay đếm tiền thì không biết ai giàu hơn ai.
Có những điều đều duyên và phận mà mình không tránh được. Có những thứ xảy ra thì đó là số phận, không ai muốn người thân mình bị đau khổ và mình chuốc lấy những điều không vui.
Sức khỏe của anh ra sao rồi? Từng có thời gian anh khá mệt mỏi?
- Tôi vẫn đang rèn luyện cho mình sức khỏe tốt hơn. “Hoạ từ miệng, bệnh từ mồm”, đôi khi cả nể từ những lời nhậu…và dẫn đến sức không khỏe tốt. Hàng ngày tôi dậy sớm đi bơi, tập thể dục và đến nhà hát nghiên cứu kịch bản…
Ở thời điểm hiện tại, khi nhìn lại tất cả có bao giờ anh nuối tiếc?
- Lúc này, tôi chỉ mong một người tiếp nối vị trí của tôi, người đó phải có tâm và tài để đưa nhà hát đi lên.
Tôi đang cảm thấy mình may mắn và không hối hận về điều gì.
Cảm ơn NSƯT Chí Trung về những chia sẻ!
Ảnh: Minh Khánh
Thiết kế: Minh Khánh
NSƯT Chí Trung: Lương tôi cao nhất Nhà hát Tuổi trẻ là 9,2 triệu đồng
"Trong cái thời này, số tiền đó làm sao đủ trang trải...", Chí Trung chia sẻ.
"Tôi vẫn luôn nói rằng mình đang giữ 107 mảnh linh hồn rách nát"
Mới đây, NSƯT Chí Trung - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ đã có những lời chia sẻ gan ruột về Chương trình ca nhạc Hài kịch - ca nhạc có tên gọi: "Chào 2020 - Lời chúc đầu xuân" sẽ công diễn buổi đầu tiên vào tối mùng 8 Tết Canh Tý.
Với mong muốn mang đến cho khán giả một không gian Xuân tươi trẻ, đầy sức sống, chương trình sẽ có rất nhiều ca khúc sôi động, thấm đẫm không khí Tết cổ truyền, được trình diễn bởi các ca sĩ Hoàng Nga, Tôn Sơn, Kiên Trung, Phương Thảo, Thiên Hà, Tô Hải Ninh...
Xen kẽ trong chương trình là các tiểu phẩm hài kịch mới được dàn dựng, lần đầu ra mắt công chúng là "Nhà hoang", "Quan lớn chia lợn", "Hiệp hội những người khôn".
Ba tiểu phẩm này sẽ có sự góp mặt của những gương mặt diễn viên đang được rất nhiều khán giả yêu mến như NSƯT Vân Dung, NSƯT Đức Khuê, Thu Quỳnh, Thanh Tú, Thanh Dương, Tuấn Anh, Anh Tuấn, Tú Oanh, Chí Huy...
Tiểu phẩm "Nhà hoang" gây xúc động với nhiều khán giả
Tiểu phẩm "Hiệp hội những người ngu" lại là những tiếng cười xót xa về thời cuộc
Là người đứng đầu Nhà hát Tuổi trẻ, NSƯT Chí Trung luôn trăn trở về việc làm sao để kéo khán giả đến với sân khấu và cải thiện đời sống cho diễn viên.
Chí Trung tâm sự, ngay từ khi quyết định nhận trọng trách này, anh đã xác định bước vào một cuộc chiến khá căng thẳng giữa sân khấu và khán giả. Điều anh có thể làm tốt nhất trong những năm qua là giữ "linh hồn" cho các diễn viên đang công tác ở đây.
" Tôi bắt đầu nhận công việc này từ tháng 6/2017. Ngay từ đầu tôi đã tập trung vào con người vì tôi biết đây là giai đoạn mà cuộc chiến đấu giữa sân khấu và khán giả chưa có hồi kết.
Lúc khán giả mải mê kiếm tiền, chúng tôi ổn định lực lượng thật tốt, đến khi khán giả no đủ giàu sang, họ lại tìm đến sân khấu.
Đây là quy luật của rất nhiều sân khấu trên thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. Thế nhưng, rất có thể lúc khán giả quay lại thì tất cả diễn viên sân khân khấu đã chuyển nghề, bỏ nghề hoặc không còn khát vọng cống hiến nữa.
Tôi vẫn luôn nói rằng mình đang giữ 107 mảnh linh hồn rách nát. Tôi cố giữ linh hồn của họ chứ không giữ thể xác của họ. Vì thể xác phải nuôi bằng tiền, nuôi bằng cơm. Mà cái đó chúng tôi làm gì có.
Lương diễn viên của chúng tôi bây giờ vẫn là 1,690 triệu đồng/tháng. Lương tôi cao nhất Nhà hát là 9,2 triệu đồng. Trong cái thời này, số tiền đó làm sao đủ trang trải.
Tôi đã từng gặp một bạn diễn viên chính trong Nhà hát của mình đi phục vụ quán ăn. Dù bạn ấy tươi cười vui vẻ với công việc lao động chân tay vinh quanh ấy, nhưng tôi vẫn cảm thấy xót xa.
Nhà hát Tuổi trẻ cũng có rất nhiều bạn thành công, tồn tại được bằng nghề như Thu Quỳnh, Lưu Mạnh Dũng, Đỗ Duy Nam... hay Bảo Thanh ngày xưa. Nhưng còn hơn 100 con người kia, họ phải kiếm sống, phải tồn tại một cách rất chật vật bằng những nghề khác.
Mấy năm nay khán giả đã quay trở lại với sân khấu. Tôi hy vọng 5 năm sau, khi khán giả quay lại nhiều hơn, thì vẫn có người diễn cho họ xem. Vẫn có những món ăn tinh thần thay cho những món ẩm thực họ đã phát chán hằng ngày", Chí Trung tâm sự.
Chính bởi vậy, Chí Trung luôn động viên anh em trong Nhà hát phải nỗ lực tìm tòi, sáng tạo, đổi mới mình mỗi ngày, đem đến những món ăn tinh thần thật sự chất lượng đến với khán giả.
Năm 2019 vừa qua, Nhà hát Tuổi trẻ cũng nhận được rất nhiều lời khen ngợi khi biểu diễn thành công hàng loạt chương trình đặc sắc như: Dự án "Nàng Kiều", Vở kịch "Romeo & Juliet" (do đạo diễn người Áo Beverly Blankenship dàn dựng), khuấy động không khí nghệ thuật tại Nhật Bản với vở kịch "CậuVanya"...
Năm 2020 tới đây, NSƯT Chí Trung cũng hi vọng Nhà hát Tuổi trẻ có thể tiếp tục chuyển mình và có những bước tiến chất lượng hơn trên "mặt trận" sân khấu. Chương trình "Chào 2020 - Lời chúc đầu xuân" cũng là một trong những chương trình anh đặt rất nhiều kì vọng.
Chí Trung luôn canh cánh nỗi lo đời sống cơm áo gạo tiền cho các anh em trong Nhà hát
"Chí Trung luôn là người sống đàng hoàng"
Mải mê lo chuyện Nhà hát, NSƯT Chí Trung đặt chuyện riêng tư của mình xuống cuối cùng. Anh tâm sự: "Riêng tư của tôi là đoạn cuối. Tôi cứ tồn tại, chờ khi nào gục xuống là hết thôi".
Cũng trong năm vừa qua, NSƯT Chí Trung gặp một chút rắc rối liên quan đến đời sống riêng tư. Tuy nhiên, nam nghệ sĩ cho biết điều đó không quá ảnh hưởng đến anh và sắp tới, anh sẽ lên tiếng chính thức về tất cả những việc đã xảy ra.
"Tất cả mọi việc tôi đều kiểm soát được. Có những người chia sẻ cảm thông, có những người trách móc nhưng tôi đều hiểu được. Vì họ không có thông tin.
Nếu không có gì thay đổi tháng 3 tới tôi sẽ có thông tin chính thức để mọi người hiểu tôi hơn. Chí Trung luôn là người sống đàng hoàng.
Tôi có thể không phải là vị thánh nhưng tôi cũng không xấu hơn người chồng người cha, người bạn của các bạn. Mọi chuyện đến với tôi tự nhiên, không có gì phải khiên cưỡng cả", anh nói.
Còn về kế hoạch đón năm mới sắp đến, anh cho biết: " Kế hoạch đón xuân của tôi năm nay vẫn chán như mọi năm. Càng già càng nhiều cái chán nản. Dở hơi Tết nó cứ đến.
Tết bây giờ cũng không còn cái phong vị của ngày xưa. Với cá nhân tôi Tết giờ không còn tiếng pháo, không còn những hạt mưa rơi lắt dắc, không còn những khát vọng của tuổi trẻ, tình yêu và khát vọng của sự kiếm tìm nữa.
Bây giờ là sự no đủ. Cái bánh chưng ăn một miếng thì để lại 9 phần. Nhìn thấy thịt rất thèm nhưng gắp được miếng bì xong để lại toàn bộ phần mỡ và nạc. Đó là tâm trạng chung của tất cả mọi người. Do cuộc sống chúng ta giờ sung túc đủ đầy rồi.
Nhưng chúng tôi cũng đang chờ đón, ăn chán chơi chán thì mọi người sẽ đi xem. Chúng tôi sẽ mang những món ăn tinh thần mới mẻ phục vụ mọi người.
Tôi nghĩ rằng ở giai đoạn này, Nhà hát Tuổi trẻ đang là điểm đỏ duy nhất dành cho rất nhiều đối tượng khán giả. Từ những người già đến các em nhỏ. Tôi hy vọng năm tới, hoạt động tại Nhà hát sẽ có nhiều khởi sắc hơn".
Theo Trí Thức Trẻ
Chí Trung đeo khẩu trang ôm chặt bạn gái kém 17 tuổi NSƯT Chí Trung và bạn gái kém 17 tuổi Ý Lan đăng bức hình cả 2 đeo khẩu trang và động viên nhau cùng vượt qua dịch Covid-19. Trên trang cá nhân, NSƯT Chí Trung đăng tải bức hình anh và bạn gái đeo khẩu trang, ôm chặt nhau. Chí Trung ôm chặt bạn gái kém 17 tuổi động viên nhau chung tay...