NSƯT Bạch Tuyết: “Vẫn mắc nợ nhân sinh”
Bao niềm vui, nỗi buồn, cả những vị mặn của thế thái nhân tình đi qua cuộc đời – sàn diễn, lại là chất liệu sống – gom thành cái triết lý xanh tươi nhất cho NSƯT Bạch Tuyết: “Sống là cho và được cho”.
Và, hôm nay, may mắn được trò chuyện cùng chị, tôi mới thực sự nhận ra những điều người ta nói.
Nếu ai đọc tiểu sử của chị, ắt hẳn có nhiều xúc cảm khác nhau. Đó là một Bạch Tuyết lúc trên đỉnh vinh quang, lúc tràn đầy nghị lực, cũng có lúc yếu đuối đến khó ngờ, nhưng chung quy lại người ta vẫn dành cho chị một sự ngưỡng mộ đáng kính?
Khi bàn tay ấm nóng của mẹ vừa buông khỏi tay tôi, lời dặn của mẹ ở lại “hai chị em sống sao đừng để người ta cười là con không mẹ”. Cũng từ ngày ấy, theo năm tháng, lời dặn của mẹ cũng là tâm niệm sống của tôi để đến hôm nay tôi tự hào mình đã làm đúng và sống đúng với những gì mẹ tôi gửi lại trước khi đi xa.
Nghệ sĩ cải lương Bạch Tuyết
Bằng cách nào chị vượt qua những khúc gấp của số phận?
Tôi không quan niệm cuộc đời – số phận là một đường thẳng chính xác thì đó là một không gian đa chiều, do đó, bạn không chỉ nhìn nhận và tự đặt mình trong hai điểm A và B mà bạn phải quy chiếu mình qua nhiều điểm R khác. Từ đó, mỗi biến cố, sự cố đến với tôi, tôi cố gắng bình tĩnh để có sự đối diện và xử lý một cách… lặng lẽ nhất, đơn giản nhất. Dĩ nhiên, nói như R. Tagore thì cho dù cái đập nước đã được đắp lại thì một ít nước cũng đã tràn qua…
Đã có lần chị nói “Sự nổi tiếng âu cũng chỉ là tình cờ số phận…”, phải chăng nếu không có sự tình cờ trong số phận, chị sẽ không có thành công?
Một khảo sát của các nhà Xã hội học đã đưa ra một thực trạng: hầu hết những người nổi tiếng (ở nhiều lĩnh vực) đều có một tuổi thơ…không bình thường, nghĩa là mồ côi cha mẹ, hoặc cha hoặc mẹ. Tôi xót xa với thành quả nghiên cứu ấy bởi hình như, không ai có quyền được lựa chọn bởi còn có sự chọn lựa nào đau đớn hơn khi hành trình đi đến sự nổi tiếng lại phát khởi từ sự mất mát, nỗi đau về một tình yêu thương không trọn vẹn.
Cả cuộc đời tôi là sự cố gắng để “vượt trước” với chính mình, sống tốt hơn chính bản thân mình, trả ơn nhiều hơn những gì mình đã nhận được nhưng tôi thấy mình vẫn “mắc nợ” nhân sinh…
Giờ đây, chị có gặp nhiều khó khăn để đối mặt với áp lực của một người đứng trên đỉnh vinh quang?
Ngày đầu tiên đi theo gánh hát, sáng mở mắt, thức giấc ở một phòng khách sạn đẹp đẽ ở tỉnh Kiên Giang, tôi thả bộ xuống phố và bắt gặp hình ảnh cùng cái tên Bạch Tuyết giăng to ở trước cửa rạp hát. Tôi lơ mơ. Nhưng thật lạ, tôi thầm hãnh diện và tự hào nghĩ về mẹ mình, tôi lại vừa tự nhủ: sáng nay người ta treo mình lên thì sáng mai người ta sẽ tháo xuống.
Với nghề, tôi luôn mang theo cảm xúc của một đứa trẻ vừa thức giấc với cái nhìn tinh khôi. Với “giao diện” cuộc đời, tôi luôn “click” bằng cảm giác đang sải bước trên đường và mọi việc vẫn hình như chưa được gì chưa mất gì, cái có và cái không đều mang đến cho tội sự thích thú khám phá của một đứa trẻ thơ hồn nhiên dùa giởn với bóng tối và ánh sáng của mình. Hơn nữa, tôi luôn thấy mình đồng hành với cuộc sống, với không thời gian chớ chẳng có đỉnh nào để phải nhón chân.
Video đang HOT
NSƯT Bạch Tuyết: “Sống là cho và được cho”.
Chị đã khiến nhiều khán giả, trong đó có tôi phải bật khóc và nhớ mãi nhân vật Cô Lựu trong vỡ kịch “Đời Cô Lựu”. Có nghĩa chị đã hóa thân thành công. Nhưng, nếu được làm lại vai diễn, chị sẽ thay đổi điều gì để nhân vật hay hơn nữa?
Tôi đã đọc ở đâu đó một bài thơ nước ngoài với đại ý như sau: Đọc một bài thơ hay. Cảm giác đầu tiên, thấy mình làm được. Cảm giác sau cùng, thấy mình bất lực. Với tôi, suất diễn đêm nào cũng là đêm diễn cuối cùng với chừng ấy sự hồi hộp, cảm xúc, nguyên vẹn, tinh khôi… Tôi chưa bao giờ hối tiếc về những đêm diễn đã qua và cũng chưa bao giờ hứa hẹn rằng, đêm mai mình sẽ ca – diễn hay hơn… Nhân vật cô Lựu là một trong những vai diễn lớn của đời ca kỹ của tôi. Cả ngàn suất diễn là ngàn xúc cảm, tôi trôi theo số phận của nhân vật của mình.
Tôi cảm nhận, trên sân khấu chị mang duyên nhiều với những nhân vật có số phận bi kịch?
Mỗi nhân vật bước lên sàn diễn là đã mang một số phận của riêng nó. Bạn thấy đấy, trong Đời cô Lựu, mỗi cái tách thôi cũng đã là một… số phận để sống cùng nhân vật. Bà Lựu cầm cái tách lên, bảo “Nói mấy đứa nhỏ lấy tro chùi cho sạch mà tụi nó quên hoài…Lâu rồi má không đi đến chổ đông người…”, để diễn tả một cảnh huống quạnh hiu, đơn tẻ… Tôi may mắn được nhận những vai diễn có tính cách và số phận nhiều nỗi niềm, lắm nghịch cảnh nên “đất” cho nghệ thuật ca – diễn trở nên giàu có…Vâng, nếu có thể gọi thì đấy là một chữ duyên.
Nếu từ thập kỷ 60 (thế kỷ trước) trở về trước, khán giả đi tìm sân khấu, thì từ thập kỷ 60 trở về sau sân khấu lại đi tìm khán giả. Theo chị, người nghệ sĩ cũng là một nhà khoa học nghiên cứu về sân khấu, sự thay đổi này là do đâu?
Hơi có vẻ lý luận một chút thì mọi lĩnh vực thuộc kiến trúc thượng tầng, trong đó có nghệ thuật sân khấu đều phụ thuộc vào hạ tầng cơ sở do đó, khi đời sống xã hội thay đổi với nhiều nhu cầu, phương tiện mới thâm nhập, hình thành thì bản thân nhu cầu thưởng thức sân khấu cũng thay đổi theo, không thể tránh. Vấn đề là trong nỗ lực của mình, chúng ta làm sao để có được sự song hành, nếu ở một cấp độ lý tưởng hơn thì bao hàm tính vượt trước để bản thân nghệ thuật – sân khấu phải mang tính phản ánh – dự báo.
Theo chị, người nghệ sĩ sân khấu cần có tố chất gì riêng biệt?
Đã là nghệ sĩ thì tố chất sáng tạo, khám phá là phẩm chất riêng với sân khấu cải lương thì cộng thêm yêu cầu giọng ca, sắc vóc và… diễn xuất sân khấu.
Nhân đây, tôi xin được nhắc lại Trường ca Hồ Chí Minh – công trình mới nhất được NSƯT Bạch Tuyết chuyển thể từ tập thơ “Nhật ký trong tù” của Bác. Chị chia sẻ gì với khán giả về sự thành công mang nhiều ý nghĩa này?
Xin được gọi đây là công trình của lòng biết ơn và trả ơn, tôi thực hiện với tâm niệm ấy và tôi hạnh phúc vì đã được sự tiếp sức của nhiều người, nhiều tổ chức, đơn vị. Thành quả của công trình này thuộc về nhiều người, trong đó đặc biệt là của NSƯT – nhạc sĩ – đạo diễn Trần Kiên, tôi xin phép để công chúng đánh giá.
Gặp chị, cũng là lúc bắt đầu một ngày mới, một sự khởi đầu mới, một niềm vui mới đón chờ?
Cám ơn bạn! Như mọi ngày, tôi thức dậy và dùng điểm tâm với món cháo trắng và muối tiêu nghe bản tin buổi sáng, đọc báo và bắt tay viết hoặc chuyển thể hay một điều gì đó có liên quan đến…cải lương. Tôi gọi điện hỏi thăm những người thân của mình. Tôi đi dạy cải lương cho các bạn sinh viên ở Trường Cao đẳng VHNT… Chưa bao giờ tôi thôi yêu cuộc sống này và đó chính là niềm vui bất tận của tôi… Thế thôi!
Cám ơn và chúc chị hạnh phúc!
Theo Dân Trí
NSƯT Bảo Quốc: Duyên nghề đến từ vai đóng thế
Sinh ra trong gia đình có truyền thống cải lương, nhưng Bảo Quốc lại không thích ca hát một chút nào, vậy mà vinh quang nghề nghiệp lại đến với ông chỉ từ một vai đóng thế.
Ngày khởi nghiệp định mệnh
Nghệ sĩ Bảo Quốc sinh năm 1949, là một trong những diễn viên gạo cội của hài kịch Việt Nam. Tuy khởi đầu sự nghiệp là một nghệ sĩ cải lương nhưng Bảo Quốc đã nhanh chóng thể hiện được tố chất diễn xuất đa dạng trong nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như hài kịch, chính kịch, phim ảnh. Ông là con thứ sáu trong một gia đình có mười người con, có cha là nghệ sĩ cải lương Năm Nghĩa nổi danh khắp miền Nam thời bấy giờ, mẹ là "bầu Thơ" - chủ Đoàn cải lương Thanh Minh (một trong năm đoàn cải lương có tiếng nhấ lục tỉnh Nam kỳ), và chị của anh là nghệ sĩ cải lương vang bóng một thời Thanh Nga.
Ít ai biết rằng, dù được sinh ra trong một gia đình "nhà nòi" về nghệ thuật cải lương, song Bảo Quốc lại không hề thích ca hát một chút nào. Mong muốn con trai mình nối nghiệp cha, mỗi đêm đi diễn nghệ sĩ Năm Nghĩa đều dắt theo cậu bé Bảo Quốc để truyền nghề, chăm chút dạy cho Bảo Quốc từng lối hát, ngón đàn. Khi đó, ham chơi hơn học, cậu bé Bảo Quốc thường hay trốn đi chơi mỗi khi cha mình "sơ hở" và cũng không ít lần bị cha bắt về đánh đòn.
Ấy vậy mà, con đường đến với nghệ thuật của Bảo Quốc như một định mệnh. Năm mười tuổi, Bảo Quốc bất ngờ được cha gọi vào thế vai cậu bé Mộng Hùng trong vở cải lương Người vợ không bao giờ cưới do diễn viên ngã bệnh đột ngột vào giờ chót. Khi đó Bảo Quốc rất sợ vì chưa từng đứng trên sân khấu bao giờ, may mắn thuộc lòng kịch bản nhờ những lần được cha đi diễn dắt theo và được sự động viên của mọi người trong đoàn, Bảo Quốc đã mạnh dạn nhận vai mà không ngờ rằng, đó cũng chính là cơ duyên đưa anh đến với nghiệp diễn.
Bảo Quốc vốn ghét... ca hát, vậy mà vinh quang nghề nghiệp lại đến với ông từ vai đóng thế.
Trớ trêu thay, ngay đêm định đệnh đó, khi những tràng pháo tay tán thưởng dành cho cậu bé diễn viên Bảo Quốc vừa dứt thì cũng là lúc cha anh - nghệ sĩ Năm Nghĩa đột ngột qua đời. Chính hình ảnh người cha quá cố thân yêu là tấm gương, động lực thúc đẩy Bảo Quốc cống hiến không mệt mỏi cho nghệ thuật cải lương nói riêng và loại hình sân khấu nói chung đến tận ngày nay, trở thành tấm gương sáng về nghề cho cả dòng họ.
"Niềm vui đến với tôi thật ngắn ngủi. Vui mừng vì mình hoàn thành vai diễn và nhất là đã làm được điều mà cha mong muốn. Nhưng rồi cha lại ra đi quá đột ngột, không kịp nhìn thấy cậu con trai bướng bỉnh ngày nào giờ đã đam mê sân khấu bằng cả cuộc đời mình", chú Sáu Bảo Quốc ngậm ngùi kể lại. Sáu năm sau đó, Bảo Quốc chính thức theo đoàn Thanh Minh đi diễn, và chỉ hai năm sau ông đã vinh dự đạt huy chương Vàng giải Thanh Tâm với vai hiệp sĩ mù trong vở diễn cùng tên. Từ đó tên tuổi của Bảo Quốc bắt đầu giành được nhiều tình cảm yêu mến của khán giả.
Bước ngoặt sang hài kịch
Năm 1972, Bảo Quốc bước sang một bước ngoặt mới trong cuộc đời biểu diễn nghệ thuật của mình. Lần đó, diễn viên thủ vai chính của vở hài kịch Con ma nhà họ Hứa cũng đột ngột ngã bệnh, mọi người kêu Bảo Quốc vào đóng thế, song ông không dám nhận lời vì hài kịch nằm ngoài kinh nghiệm diễn xuất của ông. Được chi gái Thanh Nga đã động viên, Bảo Quốc đã "liều mạng" diễn thử, ai ngờ vở kịch lại thành công vang dội ngoài sức tưởng tượng và trở thành cột mốc đánh dấu con đường bước vào làng hài của ông.
Càng dấn thân vào nghiệp tấu hài, ông càng thấy yêu nghề. Bảo Quốc chính là một trong những người đầu tiên đã khởi xướng và phát động phong trào tấu hài trong chương trình Tiếng cười sân khấu vào năm 1980. Ông cũng là lớp diễn viên đầu tiên của tiết mục hài kịch trường kỳ Trong nhà ngoài phố (gắn liền với tên tuổi của lớp nghệ sĩ hài Quốc Hoà, Minh Hoàng, Hồng Đào, Khánh Hoàng, vợ chồng Nguyễn Dương - Thu Tuyết, vợ chồng Việt Anh - Phương Linh, Hữu Nghĩa, Hồng Vân, Phước Sang...) của Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh rất được khán giả lúc bấy giờ yêu thích.
Bước ngoặt sang hài kịch của "chú Sáu" cũng lại bắt nguồn từ một vai đóng thế.
Ngày xưa Bảo Quốc diễn hài theo lối phô trương hình thể đặc trưng của phong cách miền Nam, ngày nay ông đã tiết chế hơn nhiều với lối diễn uyển chuyển giữa lời thoại, biểu cảm khuôn mặt và hình thể. Bản thân Bảo Quốc cũng thừa nhận rằng sự chuyển biến này diễn ra một cách âm thầm sau nhiều đêm tự suy xét, tìm tòi phong cách thể hiện mới, đến một ngày khi nhìn lại thì mình đã đi qua một cuộc "cách mạng diễn hài" hồi nào không hay.
Với tố chất nghệ thuật bẩm sinh và khả năng diễn xuất đa dạng, ngoài việc tham gia nhiều loại hình sân khấu khác nhau như cải lương, hài kịch, chính kịch, Bảo Quốc còn có thể hoá thân vào nhiều loại vai từ chính diện, phản diện đến vai hề chọc cười khán giả. Một số vở diễn tiêu biểu của ông như vở cải lương Tiếng trống Mê Linh (vai Chương Hầu), vở hài kịch Con ma nhà họ Hứa (vai chính), vở cải lương Kiều Nguyệt Nga (vai Bùi Kiệm), vở cải lương Bàn thờ Tổ một cô đào (vai Hai xiên), vở cải lương Bóng tối và ánh sáng (vai Y xì ke). Năm 1991, Bảo Quốc được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú nhằm ghi nhận công lao đóng góp của ông cho bộ môn nghệ thuật cải lương và kịch nói.
Làm live show để tri ân cải lương
Nếu nhằm mục đích phô trương sự nghiệp, hẳn vào dịp kỷ niệm 50 năm làm nghề, Bảo Quốc đã làm một live show hơn cả sự hoành tráng. Vậy mà, nói ra mới biết, một nghệ sĩ lão làng như Bảo Quốc lại chưa từng có ý nghĩ đến việc làm một live show cho riêng mình. Năm 2009, do bị con gái Hồng Loan... năn nỉ dữ quá, Bảo Quốc đành gật đầu làm một đêm văn nghệ nho nhỏ với mục đích "vui là chính" tại cộng đồng người Việt ở Mỹ. Chương trình đó cũng do chính Hồng Loan tự tay tổ chức từ A đến Z cho cha mình, nhân Ngày của cha (Father"s Day) 21/6/2009.
Tiếng lành đồn xa, sau thành công của đêm diễn tại Mỹ, nhiều khán giả đã gọi đến xin Bảo Quốc tổ chức lại live show, nhưng khi đó ông đã từ chối. Năm 2011, đứng trước tình cảm quá to lớn của những khán giả yêu cải lương và tiếng cười của nghệ sĩ Bảo Quốc, "chú Sáu" quyết định làm live show "số lẻ" kỷ niệm 52 năm làm nghệ thuật. Lần này, chương trình lại do đích danh cháu nội Gia Bảo quán xuyến toàn bộ cho ông mình. Nghệ sĩ trẻ tài năng kiêm "ông bầu mát tay" Gia Bảo cho hay, để dồn sức lo chương trình cho ông nội, anh chỉ tham gia vào một vai nhỏ xíu là... lính lệ để góp vui cùng ông.
Nghệ sĩ Hồng Loan từng tổ chức thành công đêm văn nghệ nho nhỏ kỷ niệm 50 năm theo nghề cho cha mình tại cộng đồng người Việt ở Mỹ vào đúng dịp Ngày của cha.
"Thật ra tôi chưa có ý nghĩ sẽ làm một chương trình riêng như thế này bao giờ, nhưng bạn bè, rồi con cháu cứ thúc giục hoài, thôi thì bây giờ vẫn còn sức khoẻ, còn minh mẫn nên phải cố gắng làm một lần, trước là để kỷ niệm với con cháu mai này, sau nữa là dịp mình để ơn đáp nghĩa với khán giả đã yêu thích mình suốt mấy chục năm qua. Và tôi nghĩ không cần đến lần thứ hai, lỡ có gì sơ suất tôi sợ có lỗi với khán giả lắm", Bảo Quốc tâm sự.
Là người có gốc từ cải lương, ăn cơm từ cải lương, nổi tiếng cũng từ cải lương, nên không có gì lạ khi mục đích của live show duy nhất trong cuộc đời nghệ thuật của Bảo Quốc chỉ là nhằm để tôn vinh cải lương, thay vì đề cao chính mình như những live show thường thấy. "Nhìn cải lương đang thoi thóp từng ngày từng giờ, có lúc tưởng chừng như... tắt thở, nghệ sĩ chúng tôi thấy thật đau xót. Ngày nay cuộc sống đã thay đổi nhiều, cải lương không còn như xưa khiến nghệ sĩ chúng tôi phải chuyển sang nghề khác để mưu sinh, người đóng kịch, kẻ đóng phim và cho dù trong môi trường nào chúng tôi vẫn phải cố gắng để gìn giữ nghề nghiệp của mình".
Live show của NSƯT Bảo Quốc mang tên 52 năm góp với nhân gian một tiếng cười do Tất My Loan làm đạo diễn, gồm bốn tiết mục mang nhiều màu sắc khác nhau. Trích đoạn chính kịch lịch sử Nỏ thần (tác giả: Lê Duy Hạnh) đánh dấu vai phản diện Nhan Tấn từng giúp Bảo Quốc đoạt huy chương Vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2009. Vở cải lương hài Đi biển một mình (tác giả: Hoa Phượng) nhắc ông nhớ lại thời kỳ hoàng kim của Đoàn cải lương Thanh Minh. Trích đoạn cải lương tuồng cổ Phụng nghi đình lớp Lữ Bố hí Điêu Thuyền (tác giả: Mộc Quán, Trương Phụng Hảo) từng làm rạnh danh tên tuổi của chị gái quá cố - nghệ sĩ cải lương tài danh Thanh Nga. Và cuối cùng là trích đoạn hài kịch Thị Màu (tác giả: Thế Ngữ) - dấu mốc cho sự chuyển biến sang kịch nói.
Đàm Vĩnh Hưng lần đầu tiên hát cải lương cùng "tía" Bảo Quốc và vinh dự kết màn bằng ca khúc Phận tơ tằm . Chương trình được diễn viên Gia Bảo (trái) thực hiện dành tặng ông nội.
Chương trình quy tụ đông đảo nghệ sĩ tài danh và nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực cùng tham gia như nghệ sĩ cải lương Lệ Thuỷ, Kim Tử Long, Vũ Luân, Tú Sương, Hồng Loan, Kiều Mai Lý, nghệ sĩ hài Tấn Beo, Trung Dân, Anh Vũ, Phước Sang, Tiểu Bảo Quốc, Hà Linh, Phú Quý, Duy Phương, Mỹ Chi, Hồng Tơ, Hoàng Sơn, nghệ sĩ kịch nói Kim Xuân, Hồng Vân, Hữu Châu, Thanh Thuỷ, Nguyễn Dương, Ngọc Trinh, Gia Bảo, Xí Ngầu, diễn viên Chi Bảo, Huỳnh Đông... và đặc biệt, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng sẽ lần đầu tiên hát cải lương cùng "tía" Bảo Quốc và vinh dự kết màn chương trình bằng ca khúc Phận tơ tằm.
Đêm khai mạc sẽ bắt đầu vào lúc 19h tại tiền sảnh Nhà hát Hoà Bình (thành phố Hồ Chí Minh) với buổi triển lãm tranh ảnh và phát biểu của các nghệ sĩ về hoạt động nghệ thuật suốt 52 năm của NSƯT Bảo Quốc. Live show sẽ diễn ra liên tục trong hai ngày 14 và 15/5/2011. Giá vé từ 300.000 đồng đến 1.500.000 đồng.
Theo Bưu Điện Việt Nam
NSƯT Thành Lộc dễ thổn thức trước người đẹp "Một đôi mắt, nụ cười, cử chỉ, bờ môi... tất cả đều khiến tôi say đắm và yêu", "phù thủy sân khấu" chia sẻ. Thành công với hơn 500 vai diễn lớn nhỏ, được hàng triệu người yêu mến, vậy mà Thành Lộc không nhận mình là nghệ sĩ lớn. Anh bảo: "Còn lâu mới chạm đến đỉnh" vì với anh, nghệ thuật...