NSND Việt Anh: Ở nhà thuê, ăn cơm hàng cháo chợ vẫn không bằng sống cô đơn
Dù ở nhà thuê, ăn cơm hàng cháo chợ nhưng với NSND Việt Anh, những thứ đó không quan trọng bằng sự cô đơn suốt 17 năm qua. Dù vậy, nam nghệ sĩ tâm sự theo thời gian thì ông dần quen, tìm vui bên bạn bè và công việc.
Nghệ sĩ Việt Anh hài lòng với cuộc sống hiện tại, không chạnh lòng cảnh đi ở trọ tuổi xế chiều. FBNV
Tôi thích vai phản diện hơn
* Xin chào NSND Việt Anh! Nhiều năm làm nghề và trải qua nhiều thể loại vai, có khi nào ông thấy nhàm chán khi nhân vật của mình bị lặp lại?
- NSND Việt Anh: Với người khác thì tôi không biết thế nào, nhưng đối với tôi thì mỗi nhân vật tôi đều tìm chìa khóa để mở ra và bước vào nhân vật đó. Cũng như tôi từng diễn nhiều vai phản diện thì trong mỗi nhân vật của tôi đều khác nhau, không vai nào giống vai nào. Tôi tìm cái khác từ lý lịch, nhân thân, tính cách của nhân vật để tự khắc họa. Đạo diễn không cho mình lý lịch mà tự mình vẽ ra, phân tích tới tận cùng có thể. Mình tìm cái lõi nhất của nhân vật để có cách diễn phù hợp nhất.
* Với ông, thể hiện dạng vai hiền lành, tử tế và vai gian manh, độc ác, cái nào khó hơn?
- Tôi thấy vai nào cũng khó nếu chúng ta không tìm ra được chìa khóa cho nó. Nhưng là một diễn viên giỏi nghề, người ta sẽ thích vai phản diện. Một số diễn viên trẻ đẹp thường không thích đóng vai phản diện bởi người ta sợ khán giả ghét. Còn những người thích diễn, thích tìm tòi thì thích vai phản diện hơn. Bởi vai phản diện có nhiều đất để mình tung tẩy, còn vai chính diện chỉ đẹp thôi. Mà cái đẹp khó tung tẩy, phải thể hiện từ bên trong, khó bộc lộ ra bên ngoài được. Những người chuyên đóng dạng vai tính cách như tôi thường thích đóng phản diện hơn.
NSND Việt Anh bức xúc về diễn viên hài trẻ: “Diễn mà không biết hài là gì”
* Vì sao một người yêu sân khấu như NSND Việt Anh lại rất lâu rồi không trở lại sân khấu?
- Trước hết là tôi không tìm được kịch bản hay. Thứ hai, tôi xin lỗi trước khi nói, tôi không tìm ra được những đồng đội có sự đồng điệu với mình trong nhận thức về một vở diễn, về nghệ thuật. Vế đầu tiên không có kịch bản hay thì quan trọng hơn, còn vế thứ hai thì tôi diễn với các em nhỏ cũng được. Bây giờ kịch bản ít lắm, vì sân khấu không nuôi được tác giả. Người ta không sống được với nghề viết kịch, có người viết chỉ vì yêu cái nghề này thôi, yêu công việc đang làm chứ không nuôi sống được họ. Vậy thì khó để người ta toàn tâm toàn ý cho công việc đó, bởi có thực mới vực được đạo.
Với tôi thì diễn sân khấu là sướng nhất, tôi có thể đứng đó vài giờ đồng hồ, thể hiện tâm lý liên tục. Trước mặt tôi là người xem trực tiếp, nó sướng hơn phim nhiều. Phim quay sai mình sửa là được, khi quay thì chỉ đứng trước ống kính, phía sau là đoàn thôi. Còn sân khấu thì khán giả ngồi chăm chú xem, có sự hòa cảm giữa người xem và người diễn viên.
Chu Phác Viên của Lôi Vũ tâm sự dù yêu sân khấu nhưng chưa tìm được kịch bản nào ấn tượng để trở lại. FBNV
* Với môi trường nghệ thuật hiện tại, nhiều đồng nghiệp của ông thường chia sẻ về chuyện bị các nghệ sĩ trẻ lên mặt, thiếu tôn trọng bậc tiền bối. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?
- Người Việt, người Á Đông thường thích được người ta tôn sùng, kính trọng, nhưng tôi thì không coi trọng. Miễn là họ đừng quá đáng, đừng lỗ mãng, nói những lời không hay đối với những người đi trước thôi, còn ngoài ra chấp nhận được. Bạn giỏi nghề đi, bạn làm được thì đối xử, ứng xử với bậc đi trước sao cũng được. Nhưng bạn phải thật giỏi và hiểu nghề. Có thể ảnh hưởng tới tôi, có thể làm tôi buồn cũng không sao. Quan trọng là bạn phải hiểu cái đẹp để đưa cái đẹp trình cho khán giả, điều đó quan trọng hơn. Còn chuyện đối xử như thế nào, tôi không bao giờ trách móc chuyện đó.
Trấn Thành sợ khóc vì bị chế giễu quá nhiều
* NSND Việt Anh nghĩ thế nào trước việc gần đây Trấn Thành bị phản ứng vì khóc quá nhiều?
- Mọi người cho rằng việc khóc là xấu ư? Tôi không nghĩ như vậy, khóc là một cảm xúc đẹp của con người. Theo tôi, khi nhìn một người khóc, tôi chạnh lòng hơn là khi nhìn một người đang vui. Bởi khi người đang vui, cười có nghĩa là họ hạnh phúc. Còn một người đang khóc, không biết khóc vì bất cứ lý do gì thì lòng họ đang thổn thức, cảm xúc đang dạt dào. Họ đang đau vì cái gì đó, tự nhiên tôi thấy cái khóc đó đẹp. Tôi quan tâm họ đau đến mức nào mà lại khóc như vậy, tôi tôn trọng những giọt nước mắt hơn.
Trấn Thành khóc vì anh ấy cảm xúc cho từng sự việc mà anh ấy trải qua. Anh ấy làm MC cho nhiều chương trình, có thể một cá nhân nào đó, hoàn cảnh nào đó khiến anh ấy xúc động và khóc. Tôi thấy cái khóc đó đẹp chứ, tại sao lại đem điều đó ra chế giễu. Đến nỗi bây giờ Thành sợ khóc luôn. Thành tâm sự rằng không hiểu sao mình cứ cảm xúc khóc hoài, tôi bảo cứ khóc. Tôi thấy cái khóc đó đẹp lắm, còn ai nói gì mặc kệ.
NSND Việt Anh lên tiếng bênh vực khi Trấn Thành bị chê “lố” vì khóc nhiều. FBNV
* Một số khán giả cho rằng NSND Việt Anh quá ưu ái cho Trấn Thành vì anh ấy là học trò. Ông có những lời khen mà khán giả nhận xét quá tâng bốc Trấn Thành là “cả trăm năm mới xuất hiện một nghệ sĩ như Trấn Thành”. Ông muốn nói gì về điều này?
- Khi tôi nói là tôi đã suy nghĩ về nó. Ở đây chúng ta phải nhìn tổng thể. Thật ra Trấn Thành chưa có một vai diễn sân khấu nào ghê gớm, nhưng tôi không nói về vai diễn. Tôi nói con người nghệ sĩ này trăm năm mới có một bởi anh ấy quá giỏi và thành công nhiều lĩnh vực. Với tôi, người nghệ sĩ này giỏi khi tất cả lĩnh vực tham gia anh ấy đều đứng đầu. Bây giờ MC ai qua Trấn Thành, doanh thu điện ảnh ai qua hai phim của Trấn Thành?
Tôi chưa nói về chất lượng nghệ thuật, có thể bàn tới bàn lui nhưng cái quan trọng là anh ấy làm ra được cho người xem suy nghĩ mới, có thể đánh động xã hội. Tôi có thể có nhiều vai diễn hay trên sân khấu hoặc nhiều người khác cũng có vai diễn hay, nhưng để đánh động xã hội thì không dễ làm được như Trấn Thành. Ngoài ra, Trấn Thành cũng có một trái tim yêu thương rất lớn, biết nghĩ cho mọi người. Còn người ta nói tôi tâng bốc, không đâu, tôi thấy mình nhận xét đúng. Nhiều người có thể hay hơn Trấn Thành về vai diễn nhưng về toàn diện thì không ai làm được như cậu ấy.
* Nhưng vì sao một nghệ sĩ mà ông đánh giá là tài năng như thế lại có lượng antifan nhiều đến vậy?
- Tôi thấy lượng khán giả yêu thương Trấn Thành nhiều hơn. Bởi khi tôi tham gia một chuyến giao lưu, gặp gỡ đoàn phim từ Nam ra Bắc thì mới thấy khán giả yêu Thành khủng khiếp. Antifan thì trên mạng xã hội nên mình thấy một lượng đó thôi, chứ còn người không lên Facebook nhiều lắm. Ở ngoài đời người ta yêu thương Trấn Thành gấp 10 lần antifan.
Chuyện ăn gì, ở đâu với tôi không quan trọng lắm
* Ở tuổi 65, nhiều người chạnh lòng cho nghệ sĩ Việt Anh khi ông không có nhà, phải ở trọ, ăn cơm hàng cháo chợ. Nhưng chính ông có bao giờ thấy chạnh lòng cho mình không?
- Tôi chạnh lòng nhất ở tuổi này là sự cô đơn. Còn chuyện ăn gì, ở đâu, đúng là cũng quan trọng nhưng thực ra lại không quan trọng lắm với tôi. Sự cô đơn mới làm tôi suy nghĩ nhiều. Nhưng riết rồi cũng quen, 17 năm nay tôi sống với sự cô đơn. Dù vậy, xung quanh tôi có rất nhiều bạn bè, tôi tìm vui bên bạn bè. Cuộc sống có gia đình thì tốt nhất, không có gia đình mà có bạn bè thì tốt nhì, còn nếu không có cái đó nữa thì chắc mình sống không nổi. Tôi cần sự đồng cảm chứ không cần sự thương hại. Bởi vì tôi biết và chấp nhận hoàn cảnh của mình, nó ở một hoàn cảnh mà mình không thể làm khác được. Bình thường thôi mà.
Nam nghệ sĩ sinh năm 1958 từng có nhà nhưng cho người bạn mượn và họ không có khả năng trả. Dù vậy, Việt Anh chưa bao giờ trách móc hay trăn trở về việc này. FBNV
* Không phải lúc nào bạn bè cũng ở cạnh, với những lúc ốm đau bệnh tật, khi sự cô đơn đạt đến cực điểm, ông suy nghĩ điều gì?
- Tôi không dám nghĩ, thôi thì cái gì tới nó tới. Tôi không dám nghĩ vì nghĩ lại buồn thêm. Bây giờ tôi cứ lạc quan, vui sống với mọi người. Tôi đi tìm vui từng ngày, không dám nghĩ về sau sẽ như thế nào. Thôi thì mình cứ vui đi, được đến khi có thể, không dám nghĩ nhiều quá vì sợ sinh bệnh. Tôi suy nghĩ về những điều tích cực, vui vẻ nhất có thể. Hạnh phúc của tôi bây giờ là đi tìm điều tốt đẹp qua sách, qua phim, qua cuộc sống xung quanh. Tôi thường dễ cảm động bởi sự yêu thương của người này dành cho người khác. Tôi thấy đẹp và hạnh phúc bởi những điều nho nhỏ như thế. Hoặc khi đọc sách, thấy câu nào thú vị tôi cũng thấy hạnh phúc.
* Những thú vui của nghệ sĩ Việt Anh nếu một ngày không còn đi diễn sẽ như thế nào?
- Cái ngày đó chưa đến, vì hiện tại tôi vẫn còn làm việc được, vẫn vui vẻ và hạnh phúc khi được làm. Hôm qua tôi vừa kết thúc xong một bộ phim truyền hình tết. Tự nhiên trên đường về tôi chạnh lòng, buồn, cảm giác hụt hẫng. Vì quan điểm của những người làm nghệ thuật phương Tây có câu rất hay: “Người nghệ sĩ chỉ thăng hoa, sáng tạo và hạnh phúc khi thực hiện tác phẩm mình đang làm chứ không phải là khi nó kết thúc”. Bởi lúc mình đang thực hiện, mình sáng tạo nó thì vui lắm, mình thăng hoa. Còn khi xong vai thì coi như hết, chuyện thưởng thức là của người khác, hạnh phúc là của họ. Lúc đó mình lại đi tìm cái mới, tìm công việc mới để được hạnh phúc.
Nghệ sĩ Việt Anh bày tỏ nhờ được làm nghề, có bạn bè và đọc sách giúp ông vơi bớt sự cô đơn. L.X
* Ông không chờ đợi sự đón nhận của khán giả cho vai diễn đã thể hiện hết mình sao?
- Nói là không mong chờ khán giả đón nhận thì không đúng. Nhưng tôi đang nói quá trình của người nghệ sĩ làm thôi, mình vui sướng lúc đang thực hiện. Còn khi thành quả ra, chuyện đánh giá như thế nào là tùy khán giả. Như tôi, mỗi khi đóng một cảnh nào đó, chẳng bao giờ tôi chạy lại máy để xem lại mình diễn như thế nào. Vì tôi biết mình diễn đến đâu và đạt được hay không lúc tôi đang quay chứ không cần phải đi coi lại. Thường mấy em trẻ mới vào nghề, sau khi quay xong một phân đoạn thì chạy lại coi mình diễn ra sao. Còn tôi thì biết mình diễn như thế nào, không cần coi. Đó là do quá trình làm nghề lâu năm và bản thân tôi hiểu mình đang làm công việc gì.
* Ông có nghĩ sau nhiều năm cống hiến cho nghệ thuật, đến một lúc nào đó bản thân cần nghỉ ngơi và “về hưu”?
- Tôi nghĩ rằng người nghệ sĩ không có tuổi hưu, tuổi hưu của họ là sức khỏe. Khi sức khỏe không còn cho phép thì họ mới ngưng. Và cũng không có khán giả nào có thể định cho người nghệ sĩ phải nghỉ hưu vì không có luật. Chỉ có người nghệ sĩ mới định tuổi hưu cho mình được bằng sức khỏe đang hiện hữu của mình.
* Xin cảm ơn NSND Việt Anh đã dành thời gian chia sẻ!
Trấn Thành bị chê khóc nhiều, NSND Việt Anh lên tiếng bênh vực
NSND Việt Anh: Đem khuyết điểm của người khác ra gây cười là điều tệ hại nhất
NSND Việt Anh có dịp chia sẻ với Thanh Niên về quan điểm làm nghề, đặc biệt là với cách diễn hài của một số diễn viên trẻ hiện nay.
Lối sống và cách làm nghề của NSND Việt Anh được nhiều đồng nghiệp, học trò kính trọng và quý mến. FBNV
Nhiều diễn viên trẻ đang gây cười chứ không phải diễn hài
Sinh năm 1958 và có chặng đường hoạt động nghệ thuật bền bỉ, NSND Việt Anh nhận được sự tôn trọng từ đồng nghiệp, đặc biệt là thế hệ trẻ cũng như người hâm mộ vì ông luôn hết mình với nghệ thuật và hướng đến những giá trị tốt đẹp. Ngoài ra, nam nghệ sĩ cũng tích cực chia sẻ, chỉ dẫn kinh nghiệm làm nghề của mình cho đàn em, học trò.
Trong một chia sẻ trên Facebook cá nhân, NSND Việt Anh bày tỏ bản thân "dị ứng" với kiểu diễn giả vờ, diễn ngoại hình của một số diễn viên trẻ hiện nay. Theo ông, về phương pháp biểu diễn, Việt Nam chịu ảnh hưởng của phương pháp sân khấu mang tên đạo diễn Stanislavsky, tức là phương pháp biểu diễn hiện thực tâm lý. Nghệ sĩ Việt Anh nhấn mạnh rằng kể cả sân khấu hay điện ảnh, diễn viên luôn phải diễn thật thì mới thuyết phục được người xem.
Nghệ sĩ Việt Anh không hài lòng trước tình trạng một số diễn viên "diễn giả vờ". FBNV
"Ngay cả sân khấu lớn thì diễn cũng phải thật. Nhiều người nói rằng sân khấu lớn, khán giả ngồi xa thì phải cường điệu. Tôi không cho là như vậy, vì khán giả sẽ cảm nhận được qua đài từ của mình có thật hay không. Ngay cả hài trong các gameshow, tại sao các bạn cứ phải cường điệu lên, ngoại hình phải nhăn mày, nhíu mặt. Hài không phải như vậy, hài là một phạm trù của mỹ học. Xin lỗi có nhiều người diễn hài nhưng không biết hài là gì, nhất là những em trẻ. Hài cũng phải thật chứ không chỉ để gây cười. Các em ấy đang gây cười chứ không phải hài", ông thẳng thắn.
Trong định nghĩa của Việt Anh, hài là phạm trù mỹ học phản ánh một hiện tượng phổ biến của thực tế đời sống vốn có khả năng tạo ra tiếng cười ở những cung bậc và sắc thái khác nhau. Nam nghệ sĩ nói ông không dám đánh giá về một cá nhân nào đó nhưng thấy rằng ít người hiểu về hài. Theo ông, đại đa số diễn viên ngày nay có thể gây cười chứ không phải làm hài. Cũng trong chia sẻ của mình, Việt Anh phê phán việc người diễn hài đem khuyết điểm, khuyết tật của người ra để gây cười.
Nam nghệ sĩ 5X cho rằng những khán giả có hiểu biết sẽ không chấp nhận người đem khuyết tật, khuyết điểm của người khác để gây cười. FBNV
Ông bày tỏ: "Theo tôi đó là cái tệ hại nhất khi chọc những người khuyết tật, người có khuyết điểm như ngọng nghịu, bị cái này cái kia. Thế giới bây giờ người ta đi vào cái nhân văn, không bao giờ làm những trò đó nữa. Còn anh nghĩ gì khi làm việc đó, lẽ ra phải chia sẻ mất mát với người ta chứ sao lại đem nó thành phương tiện, cái cớ để gây cười. Nếu khán giả có hiểu biết thì người ta sẽ không chấp nhận kiểu gây cười như thế. Gần đây tôi chia sẻ những đoạn clip về việc gây cười. Ở đây không phải về khuyết tật mà vì người ta tôn sùng cái đẹp rồi lại chê bai khuyết điểm của những người chưa đạt được nó. Theo tôi cái đó cũng tương ứng với những người đem khuyết tật của người khác để gây cười. Nó y vậy, tệ hại như nhau. Nếu là một người nghệ sĩ có tâm hồn hướng về cái đẹp, biết nghĩ cho người khác thì sẽ không bao giờ dám làm như thế".
Là quán quân của các cuộc thi không 'ngon' bằng việc vững nghề
Là một nghệ sĩ gạo cội, Chu Phác Viên trong vở Lôi Vũ còn là người thầy đào tạo nhiều thế hệ trẻ bước vào nghệ thuật. Nam nghệ sĩ cho biết việc ông thường có những chia sẻ thẳng thắn trên Facebook cá nhân không nhằm mục đích đả kích ai mà chỉ để dạy học trò. "Tôi có dạy nhiều học trò nên tôi sợ họ quên. Mỗi lần hơi ngà ngà say, tôi lại nhớ phải nói cái này cái kia nên viết trên Facebook. Tôi mong học trò tôi đọc thôi chứ đừng ai đọc. Nhiều khi cũng bâng quơ, nói hoài thì người ta nghĩ mình thiếu khiêm tốn, nhưng tôi chỉ nói chừng mực, vừa phải chứ không đả kích, chê bai ai. Tôi chỉ muốn chia sẻ những suy nghĩ đúng đắn nhất về nghề mình, những cái theo tôi là có ích cho người làm nghề, để thấy mình cần làm gì, nên tránh gì", ông chia sẻ.
Khi được hỏi về việc đưa quan điểm của bản thân để truyền dạy cho học trò, NSND Việt Anh bày tỏ ông dạy học trò hãy nên biết nghĩ cho người khác trước khi nghĩ cho mình. Theo ông, nếu không có điều kiện để sống cho người thì cũng nên nghĩ cho người, đừng nghĩ cho mình nhiều quá.
Diễn viên Dạ cổ hoài lang cho biết những quan điểm của ông trên Facebook chỉ nhằm mục đích chia sẻ, truyền dạy với học trò. FBNV
Ông giãi bày: "Quan điểm của tôi là khi nghĩ cho người là đã có mình trong đó. Những cái gây ra hậu quả nhiều, tác động không hay cho mình và cho người đều bắt đầu từ việc chỉ nghĩ cho mình. Tôi dạy học trò phải biết yêu thương từ những việc nhỏ nhất cho người khác, có như thế bạn mới dễ dàng làm đúng với chức năng của người nghệ sĩ là làm ra cái đẹp. Không phải tự thân anh làm được đâu mà chỉ là góp phần với khán giả, những người xem để tạo ra cái đẹp nhất có thể. Nhiều người ngồi dưới xem anh diễn, người ta hiểu biết nhiều hơn anh nữa. Cho nên chỉ có thể là anh góp phần cùng khán giả để tạo ra cái đẹp cho xã hội thôi".
Khi đề cập đến vấn đề diễn viên trẻ ít diễn ở sân khấu mà chọn tham gia các gameshow, phim ảnh, cuộc thi để tìm cơ hội tỏa sáng, nghệ sĩ Việt Anh cho rằng nên thông cảm vì "đất lành thì chim mới đậu được". Theo ông, sau khi học ra thì ai cũng muốn diễn sân khấu nhưng có lẽ vì sân khấu không đủ chỗ cho người trẻ dung thân. Đó là lý do các diễn viên trẻ thường "tấp vào một chỗ nào đó để tồn tại".
Dù vậy, ông khuyên các diễn viên trẻ nên rèn thêm nghề từ phim ảnh, truyền hình, sitcom... Bởi theo quan sát của Việt Anh, ông thấy nhiều người trẻ có suy nghĩ muốn nhanh nổi tiếng, muốn được mọi người biết đến trong khi nghề chưa vững. Ông Năm của Dạ cổ hoài lang bày tỏ quan điểm: "Các em đi thi các gameshow để nhanh chóng bật lên. Nhưng thật ra có mấy người là quán quân của cuộc thi này kia mà đứng được lâu trong lòng công chúng. Vì đó là cuộc thi chỉ có số lượng người nhất định thôi, còn hàng ngàn người giỏi ở ngoài kia. Trong gameshow anh tưởng mình quán quân, á quân là "ngon". Nhưng tôi thấy chẳng ngon, nghề anh vững thì mới ngon".
Việt Anh khuyên học trò nên rèn nghề thật giỏi trước khi liên tục xuất hiện trước công chúng. FBNV
Cũng vì lẽ đó, nghệ sĩ Việt Anh luôn dạy học trò phải rèn nghề, hiểu về nghề đến tận cùng có thể. Nam nghệ sĩ cho biết ngày xưa ông luôn tự học, tự rèn, lúc nào cũng suy nghĩ, phân tích cách diễn của đồng nghiệp qua sân khấu, trên phim ảnh... rồi tìm ra cách diễn cho mình. "Nếu chúng ta xuất hiện nhiều mà nghề chưa vững là tác hại cho các bạn chứ không phải cứ xuất hiện nhiều là hay. Hãy hiểu về nghề rồi mới có thể làm nghề. Còn cứ ham xuất hiện, được danh hiệu là nghĩ mình đứng trên thiên hạ, không có đâu. Nghề này chúng ta không đứng trên ai cả mà phải đi tìm nó đến tận cùng, khi ta chết thì nghề cũng vẫn còn mênh mông. Bởi vì mỗi ngày cuộc sống khác, đòi hỏi nhận thức khác và mọi thứ đều khác", ông nói thêm.
NSND Việt Anh: Từ nghệ sĩ tài hoa đến người thầy đầy tâm huyết Bên cạnh là một nghệ sĩ gạo cội, NSND Việt Anh còn là người thầy đứng sau đào tạo nhiều thế hệ trẻ bước vào nghệ thuật. NSND Việt Anh (sinh năm 1958) là một nghệ sĩ gạo cội của lĩnh vực sân khấu phía Nam, ông ghi dấu tên tuổi, tài năng vào cả nền nghệ thuật Việt Nam lẫn trái tim...