NSND Tự Long, Hồ Bích Trâm khóc xúc động trước câu chuyện của Á hậu Thùy Dung
NSND Tự Long và Hồ Bích Trâm đã rơi nước mắt khi lắng nghe câu chuyện về chiếc bếp lửa, hình ảnh lưu giữ những ký ức về người bà của Á hậu Thùy Dung.
Mượn cảm hứng từ bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt, hình ảnh hai bà cháu bên bếp lửa đùm bọc che chở nhau trong thời chiến tranh gian khổ đã được tái hiện trên sân khấu Ký ức vui vẻ. Ngay khi nhìn thấy hoạt cảnh này, dàn nghệ sĩ đã nghẹn ngào rưng rưng khi cả tuổi thơ chợt ùa về với nỗi nhớ bà, người thân, với mùi khói bếp quen thuộc.
Đối với Á hậu Thùy Dung, dù lớn tới đâu cô vẫn là “trẻ con” trong gia đình. Ký ức của cô gắn liền với nồi bánh chưng ngày Tết và ông bà ngoại. Nhìn thấy bếp lửa, hình ảnh người bà hiền hậu chợt hiện về khiến cô không cầm được nước mắt. Giờ đây, không còn ông bà ngoại nữa nhưng những ký ức thân thương luôn tồn tại mãi mãi trong trái tim Thùy Dung.
Tâm sự của Thùy Dung khiến NSND Tự Long, Hồ Bích Trâm rơi nước mắt đồng cảm. NSND Tự Long kể hồi còn bé, người dân ở quê anh đun bằng rơm, rạ, lá, nhà nào có điều kiện thì phải phơi khô củi từ giữa năm để Tết dùng nấu bánh chưng. Bếp ở quê anh là loại bếp gang có 3 chân với một vòng tròn và 3 cái chẽ để đặt nồi, đun lâu gang tụt xuống phải gá lên vòng tròn, thậm chí có lúc nồi canh đổ ụp xuống bếp phải nấu lại. NSND cho biết nhiều người đọc thư của người yêu, của con mà đang nấu bếp cũng là để giấu đi cảm xúc giống như khói bếp làm cay chảy nước mắt.
Trong khi đó, diễn viên Hồ Bích Trâm lại có kỷ niệm vui lẫn buồn liên quan tới bếp lửa. Sinh ra trong gia đình nghèo khó, tuổi thơ của cô gắn liền với bão lũ miền Trung. Dù hiện tại cuộc sống đã khá hơn, cô cũng sắm sửa cho gia đình đầy đủ nhưng mẹ của Hồ Bích Trâm vẫn khăng khăng dùng bếp củi vì cơm nấu cháy ngon hơn, cá kho đượm vị hơn.
Bếp lửa trong ký ức của Hồ Bích Trâm còn gắn liền với nồi cám heo và cô bé con ngày đó thức dậy từ 4-5 giờ sáng nấu cám chăm “heo còi”. Ngày bán heo, ba của Hồ Bích Trâm mua cho con gái một chiếc kiềng cùng với 100 quả trứng vịt lộn để cả nhà cùng ăn.
Hồ Bích Trâm kể lại: “Từ nhỏ, tôi đã sống gần gũi với bếp lửa nên rất xúc động khi nhìn thấy hình ảnh này. Tháng trước, tôi về quê đúng lúc nhà đang mất điện, mẹ nấu cho tôi một nồi nước tắm bằng bếp củi. Bất cứ dịp nào tôi về quên, kể cả dịp Tết, mẹ luôn nấu bằng bếp củi dù tôi đã mua nồi cơm điện, bếp ga để gia đình dùng. Tôi hỏi mẹ vì sao lại nấu bằng bếp củi, mẹ nói nấu củi có cơm ngon, có cháy để ăn, kho đồ ăn cũng ngon hơn bếp ga và tiết kiệm điện”.
Hồ Bích Trâm hài hước khoe có kinh nghiệm 15 năm nấu bếp củi, nấu cám cho lợn. Cha của cô nuôi 60 con lợn, trong đàn có một con lợn bị còi, nên cha cho riêng cô để chăm, còn cô lấy đó là “động lực” để nấu… cám cho lợn. Cô kể phải cắt dây lang trộn chung với cám và nấu từ 4-5 giờ sáng bằng bếp củi.
Hồ Bích Trâm cho biết giây phút lắng đọng trong chương trình khiến cô nhớ nhà mình ở quê. Khi còn nhỏ ở quê, mỗi khi nấu cơm xong còn củi, cha cô hay bảo cô nướng bánh tráng để bán. Nhìn chiếc bếp củi, cô bật khóc “bánh tráng thì còn nhưng cha thì không”.
NSND Thanh Hoa và mối tình dang dở cùng bức thư tay được gửi từ chiến trường
Nói về những bức thư tay của người chiến sĩ trong chương trình Ký ức vui vẻ, NSND Thanh Hoa đã có những chia sẻ lần đầu tiên về mối tình thời trẻ của mình.
Khi ấy NSND Thanh Hoa có một người bạn học được ví như "đôi chim sơn ca" của trường. Ngày anh phải lên đường ra chiến trận, chỉ dí nhẹ đầu của cô em gái và nói: "Nhớ đợi anh về, anh sẽ nói một điều bí mật".
Khi đó NSND Thanh Hoa còn quá trẻ để hiểu hết những tâm tư tình cảm trong trái tim của người chiến sĩ ấy. Cô không hay biết rằng đó cũng chính là câu nói cuối cùng được nghe từ anh. Ngày biết tin anh tử trận, thắp cho anh nén hương và nhận được bức thư tay từ anh, NSND Thanh Hoa đã bật khóc, đến mức nước mắt làm nhòe nát hết lá thư.
"Trong thư toàn là dấu chấm. Thanh... Em phải trở thành con chim sơn ca để khi anh về hát cho anh nghe. Anh rất nhớ và y em rất nhiều" - NSND Thanh Hoa nghẹn ngào chia sẻ - "Thời đó không ai dám viết chữ yêu. Tôi rất tiếc và mỗi lần hát cho bộ đội lại nhớ anh, nhớ bàn tay anh dí vào đầu nói là đợi anh về".
Chiến tranh đã cướp đi tuổi thanh xuân của biết bao chiến sĩ, khiến nhiều mối tình đẹp dở dang và trở thành nỗi nuối tiếc mãi mãi về sau cho người ở lại. NSND Thanh Hoa muốn nhắn nhủ tới các nghệ sĩ và bạn trẻ: "Các cháu có ngày hôm nay hãy nhớ tới những người đã hi sinh. Khi ấy các anh cũng chỉ như các cháu thôi, trẻ lắm và hát rất hay".
Những tình tiết nhiều cảm xúc khác sẽ có trong tập 6 Ký ức vui vẻ phát sóng vào 21h15 ngày 27/12 trên kênh VTV3.
Cao Sao Vàng khiến NSND Hồng Vân nhớ bà nội thời tuổi thơ Hình ảnh hộp Cao Sao Vàng thân thuộc với tuổi thơ được tái hiện trên sân khấu Ký ức vui vẻ khiến nhiều nghệ sĩ Việt xúc động. NSND Hồng Vân nhớ mùi thơm không bao giờ quên gắn liền với bà nội Nhắc tới Cao Sao Vàng có lẽ không chỉ thập niên 80 mà rất nhiều thập niên khác cũng có...