NSND Trọng Trinh: Đã sống với nhau 20 năm mà còn chia tay thì đau xót đến dường nào!
“Sau ly hôn, tôi bị sốc một thời gian dài, mất lòng tin vào phụ nữ. Gặp nói chuyện bình thường không sao, chỉ cần người ta có ý quý mến, rủ đi uống cà phê là tôi sợ”, NSND Trọng Trinh kể.
Con nhà quan chức
NSND Trọng Trinh sinh ra và lớn lên ở Hà Nội trong một gia đình quan chức. Bố của anh công tác tại Bộ Văn hóa. Nhà có 4 anh chị em, người là bác sĩ, người là kiến trúc sư, người công tác ở Bộ ngoại giao, chỉ có mình Trọng Trinh theo nghệ thuật.
Học xong phổ thông, Trọng Trinh thi vào trường trung cấp rồi về công tác tại một nhà máy. Với vị trí phó bí thư, anh hăng hái tham gia các hoạt động văn nghệ, phong trào của nhà máy.
Cho tới 1 ngày, Trọng Trinh đọc báo thấy mẩu tin tuyển diễn viên khóa 1 của Nhà hát Kịch Việt Nam, anh liền nộp đơn thi. Năm đó, có tới mấy nghìn người thi mà Nhà hát chỉ tuyển vài chục người. Thế mà Trọng Trinh lại nằm trong số vài chục người ít ỏi ấy.
Sau 3 vòng thi, Nhà hát yêu cầu có xác nhận của gia đình. Trọng Trinh cầm tờ giấy về thưa chuyện với bố. Bố anh nổi trận lôi đình, đùng đùng đuổi đánh con trai vì cái “tội” công việc đang “ngon lành” lại bày vẽ theo nghề hát hò, diễn xướng.
Gian nan lắm, bố anh mới đồng ý ký vào tờ giấy xác nhận cho anh đem lên Nhà hát nộp sau rất nhiều tác động của mẹ và các anh chị em trong gia đình.
Hồi đó, Nhà hát Kịch Việt Nam chỉ tuyển diễn viên có hộ khẩu Hà Nội để đảm bảo chuẩn tiếng nói sân khấu. Và cũng vì trải qua tới 4 vòng thi nên khóa 1 năm đó đều là những tên tuổi lẫy lừng trong nghề như NSND Lan Hương, Trung Anh, Quốc Khánh, Trọng Trinh…
Trọng Trinh thời trẻ.
NSND Trọng Trinh kể: “ Bố tôi lúc đó công tác ở Bộ Văn hóa thật nhưng thời bao cấp, gia đình cán bộ nghèo lắm, không sung sướng gì đâu. So về kinh tế, nhà tôi nghèo hơn mọi người khá nhiều. Bởi nhà các bạn hầu hết đều làm nghề buôn bán nên có điều kiện.
Tôi xác định nhà mình hoàn cảnh nhất, quần áo đẹp có thể không có nhưng phải cố gắng học thật giỏi. Cũng vì học được nên tôi được bầu làm lớp trưởng“.
Vở diễn tốt nghiệp của khóa 1 ngày đó “Cuộc chia tay tháng 6″ do cố NSND Trọng Khôi dàn dựng đến giờ vẫn được các thế hệ diễn viên nhắc tới như một niềm tự hào của Nhà hát Kịch Việt Nam. Trong vở diễn “kinh điển” ấy, Trọng Trinh được trao bằng loại ưu vì thể hiện quá xuất sắc vai Cô-lê-xốp.
Bỏ hết tiền cát xê để “chơi” phim
Ra trường năm 1982, Trọng Trinh trở thành diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam. Năm 1995, Trọng Trinh bất ngờ xin chuyển công tác về Trung tâm Nghe Nhìn Việt Nam (giờ là Trung tâm Phát thanh và truyền hình Việt Nam).
Đạo diễn Khải Hưng ra điều kiện, anh phải đóng được “Gió qua miền tối sáng” mới chấp nhận. Và bộ phim chạm ngõ truyền hình ấy cũng là bộ phim mà Trọng Trinh để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả.
Năm 1997, Trọng Trinh chính thức trở thành đạo diễn phim truyền hình. Tác phẩm đầu tay của anh từ lúc còn đang ngồi trên ghế nhà trường “Sân Tranh” đã giành giải Vàng Liên hoan phim truyền hình toàn quốc. 3 năm sau, bộ phim “Sang sông” do anh đạo diễn tiếp tục nhận giải thưởng cao nhất tại Liên hoan này.
Đạo diễn Trọng Trinh và diễn viên Thu Hà vừa được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Nhớ lại những ngày đầu bước chân vào con đường đạo diễn phim, NSND Trọng Trinh tâm sự: “ Thời nào làm phim cũng có cái khó của nó. Thời bao cấp, đi làm phim được các cơ quan ban ngành giúp đỡ rất nhiều nhưng tiền ít lắm.
Làm phim đầu tay, thiếu kinh phí, tôi bỏ hết tiền cát xê của mình ra để làm. Tôi đưa xe cẩu lên 1 quả đồi ở Việt Trì. Tôi “chơi” tới mức, không có miếu, anh em xây hẳn 1 cái miếu ở đầu làng cho đúng bối cảnh, dĩ nhiên là làm đơn giản thôi nhưng cũng rất tốn kém”.
Sau đó, Trọng Trinh làm đạo diễn của hàng loạt phim truyền hình ăn khách như: Ngày hè sôi động, Cầu vồng tình yêu, Cả một đời ân oán… Bên cạnh đó, anh vẫn liên tục tham gia nhiều dự án ở vai trò diễn viên như Nhật ký Vàng Anh 2, Tuổi Thanh xuân, Nàng dâu Order…
Trọng Trinh chia sẻ: “ Những lúc khó khăn hay gặp chuyện không vui trong nghề, tôi thường tự động viên mình rằng, mình vừa được làm công việc mình đam mê lại được trả tiền thì còn gì bằng. Mấy ai được làm nghề mà mình yêu thích tới già đâu. Chỉ cần nghĩ thế, tôi thấy khỏe ngay”.
Vì những cống hiến của anh cho nghệ thuật mà chỉ vài ngày trước, Trọng Trinh được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Video đang HOT
Hôn nhân đổ vỡ, hơn 1 năm mất niềm tin vào phụ nữ
Trọng Trinh kết hôn năm 1987. Vợ anh là người ngoài ngành. Họ có với nhau 2 người con trai. Những tưởng cuộc hôn nhân ấy sẽ bền vững mãi mãi khi mà Trọng Trinh là người cực kỳ chung thủy. Nhưng tạo hóa khéo trêu người hay định mệnh, định số đã buộc anh phải trắc trở, để rồi sau 20 năm, cuộc hôn nhân ấy tan vỡ.
NSND Trọng Trinh trên phim trường.
“Cuộc sống này có nhiều điều uẩn khúc và mong manh lắm nhưng đời là thế. Đã sống với nhau 20 năm mà còn chia tay thì đau xót đến dường nào nhưng mình phải chấp nhận. May là các con tôi rất ngoan, chúng nó hiểu hết.
Dĩ nhiên, không có đứa con nào muốn bố mẹ nó chia tay nhưng chứng kiến bao nhiêu năm, chúng nó biết muốn bố mẹ sống tiếp với nhau cũng khó nên hiểu đến lúc phải như thế và chấp nhận.
Khi mà vợ chồng càng ngày càng xa nhau về văn hóa, quan điểm thì người ta chỉ chịu nhau đến một lúc nào đó thôi, khi không chịu được nữa thì đành dứt áo ra đi”, NSND Trọng Trinh bày tỏ.
Hỏi Trọng Trinh ai là người chia tay trước, anh bảo “là cô ấy, cô ấy không muốn tiếp tục. Sau khi ly hôn, tôi bị sốc một thời gian dài.
Hơn 1 năm sau đó, tôi mất lòng tin vào phụ nữ. Gặp nói chuyện bình thường không sao, chỉ cần người ta có ý quý mến, rủ đi uống cà phê là tôi sợ”.
Từ ngày vợ chồng chia tay, Trọng Trinh nuôi cả hai người con. Anh bảo “ mình có điều kiện hơn thì nuôi thôi”. Cũng bởi gia đình không trọn vẹn nên anh luôn cố gắng bù đắp cho con. Hỏi han, quan tâm, chăm sóc con nhiều hơn.
Nhưng anh cũng thích dạy con tư duy độc lập, không bao bọc, dung dưỡng, chiều hư. Cũng bởi cách dạy tâm lý đó mà hai người con của Trọng Trinh đều thành đạt và rất ngoan, chia sẻ với bố như những người bạn.
Con trai lớn của anh du học chuyên ngành marketting ở nước ngoài, mới về Việt Nam mở công ty truyền thông và đã lập gia đình. Cậu con trai thứ hai đang học ở Tây Ban Nha để lấy bằng Thạc sĩ kinh tế.
Giờ đây, NSND Trọng Trinh hài lòng với cuộc sống với người vợ kém anh 16 tuổi.
Anh nói: “Hồi nhỏ chúng nó cũng đóng phim nhiều lắm nhưng lớn thì không theo nghề của bố. Không phải chúng nó không thích mà tôi không muốn con theo, bởi nghề này quá vất vả. Đam mê hay yêu thích chưa đủ, thời nay muốn làm nghệ thuật còn phải có rất nhiều điều kiện.
Bản thân tôi trước khi trở thành đạo diễn đã phải trải qua rất nhiều vị trí và vô cùng vất vả, từ trợ lý, phó đạo diễn, thư ký, hiện trường tới sản xuất…
Nếu chỉ học đạo diễn, ra nghề sẽ rất khó để tồn tại vì không có trải nghiệm và vốn sống. Chưa kể mình phải biết công việc của các bộ phận khác như ánh sáng, quay phim thì mới có thể làm tốt được”.
Hiện tại, NSND Trọng Trinh đã kết hôn lần thứ 2. Người phụ nữ hiện tại kém anh 16 tuổi cũng đã từng đổ vỡ trong hôn nhân.
Anh chia sẻ: “Cuộc sống hiện tại của vợ chồng tôi đơn giản lắm. Chúng tôi không có con nhưng cũng không quá kỳ vọng, trời cho thì mừng, không được cũng không sao. Bởi cuộc sống này mong manh lắm.
Tôi chỉ sợ người khác thôi, chứ bản thân tôi không thích thay đổi. Cái gì thay đổi thì được, riêng gia đình, tôi cần ổn định, êm ấm, có một nơi để đi về, tôi sợ cảm giác chới với… “.
Theo Trí Thức Trẻ
NSND Trọng Trinh: "Tôi nói những điều này không sợ mất lòng"
"Năm ngoái, tôi vào Sài Gòn đạo diễn một phim sitcom dự kiến phát vào cuối năm nay. Tuần đầu tiên tôi bị choáng, bị sốc với cách làm việc của anh em trong Sài Gòn", nghệ sĩ Trọng Trinh nói.
Trọng Trinh xuất thân là diễn viên khóa 1 Nhà hát Kịch Việt Nam cùng lớp với NSND Lan Hương, Quốc Khánh, Trung Anh. Diễn sân khấu từ khi ra trường tới năm 1995, Trọng Trinh chuyển sang điện ảnh với tác phẩm đầu tay "Gió qua miền tối sáng" do Khải Hưng đạo diễn.
Ngay từ khi học lớp đạo diễn, bộ phim đầu tay " Sân tranh" của Trọng Trinh đã đạt giải Vàng Liên hoan phim truyền hình toàn quốc. 3 năm sau, bộ phim " Sang sông" của anh lại tiếp tục nhận giải thưởng cao nhất của Liên hoan Phim này.
Trọng Trinh là đạo diễn của hàng loạt phim truyền hình ăn khách như Ngày hè sôi động, Cầu vồng tình yêu, Cả một đời ân oán... Bên cạnh đó, anh cũng tham gia diễn xuất ở nhiều phim nổi tiếng như Nhật ký Vàng Anh 2, Tuổi thanh xuân, Nàng dâu order...
Chỉ 2 ngày nữa, Trọng Trinh sẽ được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vì những cống hiến của anh cho bộ môn nghệ thuật thứ 7. Nhân dịp này, anh đã dành cho phóng viên một cuộc trò chuyện thân tình và thẳng thắn về nghề nghiệp.
1 trong những hạn chế khiến phim kém chất lượng là do lồng tiếng chứ không thu tiếng trực tiếp
Anh chuẩn bị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Và nếu nói về tuổi tác, anh cũng đã ở tuổi hưu... nhưng dạo gần đây, thấy anh vẫn rất tích cực tham gia phim ảnh?
(Cười) Tôi đang đóng "Sinh tử", phim do Khải Hưng đạo diễn. Phim này tôi vào vai một bí thư tỉnh ủy, còn Hoàng Dũng đóng chủ tịch tỉnh. Đề tài khá nhạy cảm về chống tiêu cực. Kịch bản do Lê Ngọc Minh, Phạm Ngọc Tiến viết, có Đỗ Thanh Hải biên tập.
Phim làm hoành tráng lắm. Mới hôm vừa rồi, quay đại cảnh với hơn 500 diễn viên quần chúng, chưa kể diễn viên có thoại và nhân vật trong phim. Lần đầu tiên có một đại cảnh huy động quy mô lớn đến như thế. VFC có bao nhiêu máy, bao nhiêu nhân sự là huy động hết.
Để set-up cảnh quay cũng mất cả tuần. Cảnh nổ đá bị sập, xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe quân đội... được huy động tới hơn chục chiếc để phục vụ cảnh quay. Nói chung, đó là cảnh mở đầu phim nên được làm rất cẩn thận.
NSND Hoàng Dũng và NSND Trọng Trinh trong phim mới "Sinh tử" của đạo diễn Nguyễn Khải Hưng.
Hình như chuyện làm phim giữa hai miền Nam - Bắc khác nhau không ít. Ở Sài Gòn, phim truyền hình đa số là do các công ty tư nhân gia công cho đài nên kinh phí hạn chế và họ luôn phải tính đến bài toán lời lỗ. Để thực hiện một đại cảnh hoành tráng như vậy, gần như là một điều không tưởng...
Miền Bắc cũng vậy thôi, hầu hết là công ty tư nhân gia công cho đài. Tiền là một chuyện, quan trọng là kịch bản. Một bộ phim hay phải có kịch bản tốt, đó là điều kiện tiên quyết. Khâu kịch bản càng kỹ, càng hay thì ra hiện trường càng hiệu quả. Ví như, bộ phim "Sinh tử" tôi đang đóng, anh em làm kịch bản mất 3 năm, thẩm định từ trên giấy về ngôn từ và rất nhiều thứ khác.
Kịch bản tốt thì mình ra hiện trường sẽ đỡ mất công chỉnh sửa và giải thích, đường dây cứ thế chạy thôi và bản thân diễn viên cũng không bị chộp giật nên đỡ rất nhiều.
Thứ hai, phải thu tiếng trực tiếp. Thu tiếng trực tiếp thì sẽ mất thời gian set-up bối cảnh sao cho không bị những tiếng ồn pha tạp nhưng người diễn viên diễn bằng cảm xúc và tiếng nói của họ chắc chắn sẽ hay hơn, chân thật hơn là lồng tiếng.
Muốn thu tiếng trực tiếp thì diễn viên phải thuộc thoại. Chỉ có thuộc lời mới có tâm lý, cảm xúc chân thật. Đơn giản như chuyện khóc thôi, không phải lúc nào cũng kêu toáng lên là khóc. Đôi khi chỉ một câu nói trong cái nghẹn, trong cái sụt sịt của cảm xúc là đủ hết rồi. Chỉ diễn viên diễn tự thân bằng cảm xúc của mình mới có được điều ấy.
Lồng tiếng bị hạn chế nhiều lắm, chất lượng phim cũng sẽ giảm rất nhiều. Tôi nói thẳng, một trong những hạn chế khiến chất lượng phim kém là lồng tiếng chứ không thu tiếng trực tiếp. 1,2 năm nay, phim ngoài Bắc đã bỏ hẳn lồng tiếng.
Anh nói thế có sợ làm mất lòng diễn viên lồng tiếng không?
Tôi không ngại chuyện đấy. Không phải riêng tôi thấy thế. Làm việc với diễn viên lồng tiếng, tôi vẫn nói vậy. Việc lồng tiếng chỉ dành cho phim dịch của nước ngoài.
Trên phim trường.
Tôi từng làm việc với nhiều diễn viên lồng tiếng phía Nam và biết không ít trường hợp diễn viên lồng tiếng cứu vai diễn vì diễn viên không thuộc thoại. Bởi vậy, những gì anh nói có thể sẽ làm họ tổn thương vì nghề nghiệp, công sức của họ không được thừa nhận. Hay chuyện đó, chỉ có trong giới làm nghệ thuật miền Nam?
Ngoài Bắc cũng có. Hồi chưa thu tiếng trực tiếp, tôi cũng gặp những chuyện tương tự và chính tôi là người đấu tranh để được thu tiếng trực tiếp.
Việc diễn viên lồng tiếng phải cứu vai nghĩa là ở hiện trường, diễn viên đã làm không tốt, nói đúng hơn là làm ẩu. Tôi không đồng ý với cách làm như thế. Hoặc không có tiền thì thôi, đã làm là phải làm đàng hoàng.
Tôi nói những điều này không sợ mất lòng, đã làm nghề thì mình phải tôn trọng chính bản thân mình, tôn trọng khán giả và tôn trọng cái nghề của mình.
Chưa nói tới chuyện cát xê, diễn viên chạy 1 ngày mấy phim thì làm sao có phim hay, làm sao đạt chất lượng. Dĩ nhiên, cuộc sống ai cũng phải lo nhưng nếu đổ tại cái này, đổ tại cái kia thì khó để rạch ròi. Khi mình còn làm nghề, còn đam mê thì hãy làm đàng hoàng và chỉnh chu.
Tôi thích cho diễn viên khoảng không sáng tạo, còn làm công nghiệp thì chán lắm
Bây giờ, làm phim hầu hết đều là công ty tư nhân gia công cho đài, họ phải tính toán sao cho có lời. Theo anh, cốt lõi nằm ở đâu?
Cốt lõi là ở kịch bản tốt và tính toán tốt. Ví dụ, tập 1, 2 cần thu hút khán giả thì kịch bản phải thắt mở, hấp dẫn, lôi cuốn liên tục và nhà sản xuất cũng phải đầu tư nhiều hơn vào những tập này. Và tất cả phải được tính toán từ trên trang giấy.
Thứ hai là thương hiệu. Với nghệ sĩ, tiền là một chuyện nhưng khi được tham gia 1 bộ phim mà diễn viên nhiều người có nghề, họ sẵn sàng lấy ít đi một chút. Khi ê-kíp toàn người có nghề thì làm sẽ chuyên nghiệp và tiết kiệm được rất nhiều.
Chúng ta phải biết đặt câu hỏi, tại sao tiền ít mà vẫn có sản phẩm tốt? Tiền nhiều mà sản phẩm chưa chắc hay? Tất cả là do chưa hợp lý thôi.
Theo lời NSND Trọng Trinh, từ vài năm nay, phim truyền hình phía Bắc đều thu tiếng trực tiếp chứ không lồng tiếng nên chất lượng tốt hơn.
Ở Sài Gòn, nhiều người thất nghiệp vì phim truyền hình giảm sút. Và thực tế là đã lâu rồi, không có phim hay, trong khi phim truyền hình ngoài Bắc gần đây liên tục có phim gây bão như: Về nhà đi con, Sống chung với mẹ chồng, Nàng dâu order, Người Phán xử...
Các bạn làm nghệ thuật ở Sài Gòn có điều kiện hơn. Thị trường lớn, quá dễ dàng làm nghề nên ai cũng nhào vào dẫn tới tình huống là không phải ai cũng có nghề.
Khi nhà nhà làm phim, người người làm phim thì sẽ có người này người kia. Họ có chút tiền thấy anh A, chị B làm được thế này, làm được thế kia cũng mở công ty làm phim trong khi không có chuyên môn. Người thành công đếm trên đầu ngón tay, còn đâu vỡ nợ. Cái này thuộc về khâu quản lý.
Tôi cho rằng, năng động không đâu bằng Sài Gòn, nhanh nhạy không đâu bằng Sài Gòn nhưng ẩu cũng không đâu bằng Sài Gòn.
Thị trường không có nghĩa là ăn xổi ở thì. Quan trọng là phải đam mê. Kiếm tiền cũng là đam mê. Đam mê thì sẽ tính toán xem phim này làm gì, phim sau làm gì để thành cái nghề mà mình sống chết với nó.
Ở Sài Gòn, gameshow quá nhiều tới mức... bội thực. Anh em chạy show khủng khiếp. Có những người nguồn thu chính đến từ gameshow. Anh em bị chi phối vì kinh tế nhiều. Ai cũng phải lo kinh tế nhưng ở ngoài Bắc, đoàn này nhìn đoàn kia, người này nhìn người kia, không thể làm ẩu được. Vì khi sản phẩm ra là tự anh em trong nghề so sánh, làm ẩu là mất tên, mất tiếng ngay.
Tôi cho rằng, Sài Gòn tuy làm thị trường nhưng biết cách thì vẫn có sản phẩm tốt và vẫn ăn thị trường. Sân khấu cũng thế, Nam hay Bắc thì cũng đâu phải lúc nào cũng đỏ đèn. Vậy thì khi đỏ đèn được, hãy chơi, hãy cháy hết mình đi.
NSND Trọng Trinh và đồng nghiệp trong phim "Nàng dâu order".
Anh đã bao giờ hợp tác với anh em phía Nam?
Năm ngoái, tôi vào Sài Gòn đạo diễn một phim sitcom dự kiến phát vào cuối năm nay. Phim có sự tham gia của diễn viên cả hai miền.
Tuần đầu tiên tôi bị choáng, bị sốc với cách làm việc của anh em trong Sài Gòn. Mọi người bảo, "sitcom làm thế này được rồi, anh đừng kỹ quá" nhưng mình thấy được mà khán giả họ cần tinh tế hơn. Tôi bảo, không ai làm thế cả và anh không làm để cái nghề mình thụt lùi.
Anh em cũng sốc vì tôi kỹ quá. Tôi không làm ào ào được. Tôi không làm nhạt nhòa được. Quan trọng là khán giả xem xong, họ thấy gì. Không phải tình huống hài mà cố làm hài thì sẽ bị lố, bị gượng. Ít thì được nhưng nhiều sẽ bị chối. Trời cho diễn viên cái duyên sân khấu, nhả câu chữ tinh tế đủ khiến người xem thích rồi, đâu phải cái gì cũng làm hài.
Tôi biên tập kịch bản rất kỹ nên ra hiện trường là làm ngay. Diễn viên có phăng ra cũng phải bám mục đích ban đầu. Lúc đầu thì thế, sau anh em hiểu nhau, làm việc trơn tru hẳn và rất thích. Tôi thích cho diễn viên khoảng không sáng tạo, còn làm công nghiệp thì chán lắm.
Tôi làm bằng kinh nghiệm và truyền lại cho các bạn, không giấu nghề. Làm nghề vì đam mê yêu thích chứ vì tiền thì mệt lắm. Mình cày tiền lúc nào đó thôi, chứ không làm cả đời thế được.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Theo Trí Thức Trẻ
9 nghệ sĩ Nhà hát kịch Việt Nam nhận danh hiệu NSND, NSƯT năm 2019 Nhà hát Kịch Việt Nam có ba Nghệ sĩ nhân dân, 6 Nghệ sĩ ưu tú vừa nhận danh hiệu trong đợt phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT vừa qua. Nhà hát Kịch Việt Nam có tới 9 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu đợt này NSND Bùi Trung Anh Trung Anh là gương mặt quen thuộc trên sóng truyền hình, dù...