NSND Trọng Khôi từ trần vì trọng bệnh
Sau vài tháng nằm viện điều trị, nghệ sĩ Trọng Khôi đã từ biệt cõi đời vào lúc 6h sáng nay (14/3) tại bệnh viện Bạch Mai.
NSƯT Lê Chức, Phó chủ tịch thường trực Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết, NSND Trọng Khôi mắc trọng bệnh và đã điều trị tại cả hai bệnh viện Việt Xô và Bạch Mai từ nhiều tháng nay. “Ông đột quỵ vài lần rồi, nhưng sáng nay thì đã không thể chiến thắng được tử thần và ra đi mãi mãi trong sự tiếc thương của gia đình và đồng nghiệp”, nghệ sĩ Lê Chức đau buồn thông báo.
Hiện tại, thi thể của NSND Trọng Khôi được chuyển về nhà tang lễ Bộ quốc phòng. Gia đình ông đang hoàn tất các thủ tục cùng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam để cử hành lễ viếng và đưa tang trong thời gian tới.
NSND Trọng Khôi từ trần sáng 14/3, hưởng thọ 69 tuổi.
NSND Trọng Khôi sinh năm 1943 tại Hà Nội, trong một gia đình có 7 người con. Ông tốt nghiệp trường Đại học Nghệ thuật Sân khấu vào năm 1963 và trở thành diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam. Năm 1970-1972, ông được đề bạt làm Phó đoàn rồi trở thành Trưởng đoàn biểu diễn của nhà hát vào năm 1972. Với những cống hiến không ngừng cho ngành sân khấu, năm 1989 ông được phong tặng NSƯT và giữ chức Phó Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam
Năm 2000, ông được phong tặng danh hiệu NSND và đảm nhận vai trò Giám đốc Nhà hát kịch. Tuy nhiên vài năm sau, ông chuyển sang công tác hội và giữ chức Chủ tịch Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Giám đốc Trung tâm ITI Việt Nam.
Trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật, nghệ sĩ Trọng Khôi đã để lại rất nhiều vai diễn khó quên cho khán giả nhiều thế hệ như Trương Ba trong vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt, vai đạo diễn trong vở Đời nghệ sĩ… Ngoài lĩnh vực sân khấu, công chúng vẫn mãi nhớ đến ông với các bộ phim như Trừng phạt (vai thiếu tá Khanh), Huyền thoại về người mẹ (vai trung tá Thi), Săn bắt cướp (vai Bảy Tú), Đứng trước biển (vai Ba Đức), Giông tố (vai Nghị Hách)… Ông cũng tham gia dàn dựng cho rất nhiều vở diễn ở nhiều nhà hát, đoàn nghệ thuật, đồng thời giảng dạy, đào tạo các thế hệ diễn viên trẻ tại các trường nghệ thuật.
Video đang HOT
Năm 2009, nghệ sĩ Trọng Khôi thôi giữ chức Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sau 2 nhiệm kỳ.
Theo VN Express
NSND Thanh Tòng: Đầu xuân tâm tình cùng bạn trẻ
Với nhiều vai diễn để đời như: Hai Thành trong "Đời cô Lựu", Tân trong "Tô Ánh Nguyệt", cậu Tư Kiên trong vở "Con gái chị Hằng"... năm 2007, NSND Thanh Tòng được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Nhân dịp đầu xuân 2012, Báo điện tử Infonet đã có dịp trò chuyện cùng NSND Thanh Tòng ngay cạnh công trường xây dựng rạp hát Trần Hưng Đạo (136, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM) xoay quanh những chia sẻ về nghệ thuật cải lương.
Là một "cây đa, cây đề" trong nghệ thuật cải lương, ông nhận định như thế nào về các loại hình nghệ thuật này hiện nay?
Không riêng một bộ môn nào, từ tuồng cổ, hát bội, chèo cho đến cải lương... và một số bộ môn nữa đang dần thưa khán giả. Tại sao như vậy, là bởi vì khi hội nhập mình "mở cửa" rộng quá, tiếp nhận đa phong cách, đa dạng thể loại... cho nên chưa có tính định hướng cho khán giả. Ngay cả truyền hình ngày nay, có quá nhiều các kênh truyền hình giải trí mà ngày trước số lượng kênh truyền hình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tôi nghĩ những người chuyên trách nên chú trọng, bởi nghệ thuật truyền thống đang bị "chệch đường ray".
Nói đến đây ông đưa đôi mắt ẩn chứa nhiều ưu tư nhìn sang công trường rạp Trần Hưng Đạo: "Cải lương hiện tại là thế đó, đã có một quá khứ huy hoàng nhưng giờ thì đang xây dựng lại...!".
Theo ông vì sao có sự cách biệt giữa nghệ thuật giải trí hiện đại và truyền thống?
Khi xem một chương trình ca nhạc, bạn có thể đến bất cứ lúc nào, không nghe được bài này thì nghe bài khác. Cải lương thì khác, bạn phải theo dõi từ đầu, mà theo tôi thì các bạn trẻ ngày nay không có sự kiên nhẫn để xem hết một chương trình. Riêng về nghệ sĩ cải lương, họ có thể ca được, diễn được, đóng kịch, đóng phim... nhưng các bạn khác là ca sĩ, diễn viên khi vào tới cải lương thì họ bị "đánh bật" ra, họ không làm được bởi họ không có sự khổ luyện như nghệ sĩ cải lương.
Có thể nói đây là thời điểm sự nghiệp của ông về đích, ông sẽ nói gì với các bạn trẻ đã, đang và sẽ đeo đuổi nghệ thuật cải lương?
Thứ nhất, tôi hết sức trân trọng những bạn trẻ có tấm lòng hướng về nghệ thuật dân tộc, trong đó có bộ môn cải lương. Trong khi đó, các em vẫn biết rằng cải lương đang chật vật để tìm lối thoát, nhưng các em vẫn dũng cảm theo đuổi ước mơ của mình. Qua một số cuộc thi như Chuông vàng vọng cổ... một số thí sinh đã tuyên bố rằng mình sẽ theo con đường nghệ thuật truyền thống, tôi rất trân trọng điều này. Thứ hai, muốn sống chết là phải tận tâm, muốn thành công là phải tận tụy. Ngoài kỹ năng chuyên môn các bạn trẻ cần nên trau dồi văn hóa, đạo đức của mình như thế nào đó để "ngửa cổ nhìn đời" và khẳng định rằng "con đường tôi đi là đúng".
Muốn phát triển nghề, các bạn trẻ cũng cần phải có có một điều kiện hoặc cơ hội nhất định, đề có cơ hội tốt, các bạn trẻ nên làm gì?
Tháng 2/1984, Sở VHTT TP.HCM thành lập đoàn hát lưu diễn ở các nước Châu Âu, mặc dầu cải lương xã hội không phải là sở trường nhưng tôi vẫn được chọn đi. Tôi được đạo diễn Huỳnh Nga cho vào vai Mẫn Đạt trong vở "Đời cô Lựu". Do sự cố nghệ sĩ Thành Được bị bắt cóc, mọi người khuyên tôi đóng thế vai Hai Thành, và đây cũng là vai đóng thế hay nhất trong nghiệp diễn của mình. Nhưng nói thật, lúc ấy tôi tự ti và mặc cảm lắm vì bên cải lương xã hội, tôi có quá ít kinh nghiệm. Trở lại với các bạn trẻ, khi đứng trước cơ hội thì đừng nên tự ti, mặc cảm, mình phải biết vượt qua khó khăn thì mình mới trân trọng thành quả mình đạt được. Theo tôi, hát hay không bằng hay hát, cứ diễn đi, đừng bao giờ bỏ qua những cơ hội tốt, đó là một thử thách để đưa chúng ta lên đỉnh vinh quang.
Nghệ sĩ Thanh Tòng và con gái Quế Trân
Qua sự thành công của Nghệ sĩ Quế Trân, ông có thể cho biết là ông đã định hướng như thế nào để Quế Trân có những thành công như ngày hôm nay?
Thương thì cho roi cho vọt mà. Ngày xưa, do mê hát quá nên tôi bỏ học từ rất sớm, tôi bị hụt hẩng về vấn đề văn hóa. Chính vì thế, tôi nói với Quế Trân rằng làm gì thì mình cũng cần phải có học vấn, đừng để người ta nói mình là "xướng ca vô loài". Tôi không ép các con của mình, nhưng tôi lấy bản thân mình để làm minh chứng. Thật sự, Quế Trân hoàn thành ý nguyện.
Nếu gọi ông là "con ong thợ" trong sự nghiệp bảo tồn và gìn giữ nghệ thuật truyền thống thì ông suy nghĩ như thế nào?
Tôi có lợi thế là tiếp thu trực tiếp từ gia đình, nói đúng hơn tôi là con nhà tông mà (cười) thì mình đã tiếp thu được những tinh hoa từ các bật tiền bối. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là thầy, tôi nói với các bạn trong trường sân khấu điện ảnh rằng mình chỉ là người truyền đạt kinh nghiệm. Tôi chỉ là một trong những con ong thợ trong nhiều con ong thợ thôi.
Thưa ông, chúng ta đang bước sang năm mới Nhâm Thìn, ông chia sẻ với khán giả điều gì?
Trước công chúng tôi chỉ mong ước một điều, người dân Việt Nam nên yêu thích nghệ thuật dân tộc Việt Nam. Ví dụ như, mỗi ngày chúng ta tan sở, đi ăn cơm Tây, cơm Tàu... nhưng chúng ta đừng quên rằng Việt Nam vẫn còn đó thịt kho, dưa giá. Vì vậy chúng ta cần gìn giữ nét văn hóa dân tộc mà giờ đây thế hệ trẻ là những người kế thừa. Ta nên tự hào ta là người Việt Nam chứ, đúng không!?
Xin chúc ông một năm mới nhiều sức khỏe và tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của nghệ thuật cải lương!
Theo Infonet
"Hổ phụ sinh hổ tử" của màn ảnh Việt Những diễn viên như NSƯT Lê Mai, NSƯT Trần Nhượng, Lê Dũng Nhi... không chỉ vui khi luôn nhận được tình cảm yêu mến từ khán giả dành cho những vai diễn của mình trên màn ảnh mà có lẽ họ còn có chung niềm tự hào khi trong gia đình có tới hai, ba thế hệ cùng theo đuổi bộ môn nghệ...