NSND Trịnh Thúy Mùi: “Sân khấu Việt đang đổi mới và ứng dụng công nghệ”
NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam, cho rằng các sân khấu đang làm truyền thông và ứng dụng công nghệ để đưa vở diễn đến gần hơn với khán giả.
Sau gần hai năm tạm dừng vì dịch bệnh, hiện tại các sân khấu đã trở lại nhịp bình thường với các suất diễn đều đặn vào mỗi tuần. Số ghế trong các nhà hát, sân khấu đã phần nào được phủ kín khán giả. Theo bà Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam, sự khởi sắc này có sự góp phần không nhỏ của việc áp dụng công nghệ, mạng xã hội trong việc quảng bá, bán vé từ các nhà hát, sân khấu.
Trong cuộc trò chuyện với báo điện tử Tổ Quốc, NSND Trịnh Thúy Mùi thẳng thắn bày tỏ những hạn chế cần thay đổi của sân khấu Việt Nam.
Nhà hát Tuổi trẻ có lịch diễn đều đặn vào mỗi tuần.
Sân khấu khởi sắc
Bà đánh giá gì về tình hình sân khấu Việt Nam sau đại dịch Covid-19?
Hiện nay, các đơn vị nghệ thuật đang nỗ lực mở lại các chương trình nghệ thuật, vở diễn mới. Nhiều đơn vị duy trì các suất diễn liên tục trong tuần. Nhà hát Tuổi trẻ hay đơn vị xã hội hóa – sân khấu Lệ Ngọc là hai đơn vị dẫn đầu về suất diễn phục vụ khán giả.
Ở sân khấu phía Nam, có những vở diễn dự Liên hoan sân khấu kịch toàn quốc 2022 đã đưa vào diễn thường xuyên và nhận được sự đón nhận của khán giả. Trong đó, sân khấu Ideacaf có suất diễn và lượng khán giả đông đảo. Đơn vị này thường bán vé trên mạng và liên tục cháy vé. Lịch diễn của Ideacaf thậm chí đã kín đến tận cuối năm. Đó là sự khởi sắc tích cực của sân khấu sau đại dịch.
Bên cạnh đó, tôi nhận thấy các đơn vị xã hội hóa đang làm khá tốt vấn đề truyền thông cho vở diễn. Sự đổi mới trong việc ứng dụng công nghệ, mạng xã hội đã góp phần đưa khán giả đến gần hơn với các vở diễn và sân khấu.
NSƯT Thành Lộc trong vở Cậu Đồng được khán giả yêu thích.
Ứng dụng công nghệ đã mang lại sự thay đổi thế nào cho sân khấu kịch?
Hiện nay, các đơn vị sử dụng công nghệ để làm truyền thông rất tốt, mang lại hiệu quả rõ ràng. Đa số các đơn vị nhà nước cũng như xã hội hóa đều đã bán vé, quảng bá vở diễn trên mạng. Tất nhiên vẫn còn một số đơn vị chưa chuyển đổi, vẫn đang theo dõi, lắng nghe. Nhưng mặt bằng chung đa số các nhà hát, sân khấu đã chuyển đổi và thích ứng khá tốt.
Sự chuyển đổi đó so với cách làm truyền thống nhiều năm qua, chứng tỏ sự nỗ lực của các đơn vị. Bây giờ, khán giả không cần phải chạy đến nhà hát mà vẫn có thể mua vé trên mạng, và chọn chỗ ngồi mình mong muốn.
Không những thế, khán giả còn hiểu được việc tập luyện, không khí làm việc của nghệ sĩ nhờ những hình ảnh, video được đăng tải trên Facebook, YouTube.
Video đang HOT
Với việc quảng bá, bán vé đã được các sân khấu áp dụng công nghệ, truyền thông, mạng xã hội. Nhưng trong biểu diễn, dường như điều này vẫn thiếu?
Ứng dụng trong công nghệ trong biểu diễn chỉ có thể áp dụng được trên sân khấu kịch. Còn các loại hình nghệ thuật truyền thống khác thì tôi nghĩ chưa phù hợp. Chẳng hạn, nếu dùng màn hình lead, thì ánh sáng ở sân khấu phải tối. Lúc đó nghệ sĩ biểu diễn như chỉ phụ họa cho màn hình đó mà thôi. Có những thứ công nghệ sử dụng sẽ mang lại hiệu quả nhưng có chỗ không phù hợp. Với sân khấu truyền thống công nghệ vẫn không thể thay thế được khả năng biểu diễn của nghệ sĩ, chỉ có thể hỗ trợ mà thôi.
Trong các loại hình nghệ thuật truyền thống, kịch nói đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ. Đây cũng là loại hình gắn bó với hơi thở đời sống nên các đơn vị này nắm bắt và áp dụng nhanh.
NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội sân khấu Việt Nam.
Sân khấu cần truyền thông hai chiều
Để ứng dụng được công nghệ, phát triển sân khấu cũng không thể thiếu đội ngũ sáng tạo. Bà nhìn nhận gì về vấn đề thiếu nhân lực nhiều năm qua của sân khấu?
Lực lượng sáng tạo như biên kịch, đạo diễn sân khấu thiết hụt nhiều. Riêng lực lượng lý luận phê bình bị đứt gãy nhiều năm qua. Các thầy cô làm lý luận phê bình sân khấu uy tín như cô Minh Thái, thầy Trần Trí Trắc đều lớn tuổi. Các bạn trẻ rất ít người đam mê theo đuổi lĩnh vực này.
Lý luận phê bình nắm vai trò định hướng, dẫn dắt thẩm mỹ của khán giả cũng như người làm nghề. Không có lý luận phê bình nghệ thuật, không chỉ khán giả tù mù mà ngay cả người làm nghề cũng khó nhìn ra mặt hạn chế của mình.
Nhiều năm nay, sân khấu có nhiều lời khen ngợi nhiều hơn phê bình. Khi vở diễn không tạo được những ý kiến trái chiều khó tạo được sự tò mò với khán giả .
Nhìn cách làm của sân khấu, thực ra vẫn là cách truyền thông một chiều. Tôi nghĩ hai chiều không hẳn tiêu cực mà đôi khi mang tới những khác biệt, cái nhìn toàn diện trong nghệ thuật.
Ngay cả Hội đồng nghệ thuật cũng khó đưa ra những nhận xét trái chiều với các vở diễn. Hội đồng nghệ thuật hầu như không được trả kinh phí. Nếu có, mỗi đêm làm xét duyệt vở diễn, các thành viên hội đồng chỉ nhận cát-xê ít ỏi, chưa đủ tiền đi lại. Các đơn vị trả chi phí cho các thành viên hội đồng là nhà hát, sân khấu. Như thế đương nhiên hội đồng phải khen ngợi, không thể chê vở diễn của sân khấu đó được. Với cơ chế làm việc như thế khó có thể đưa ra những nhận xét khách quan được.
Đội ngũ tác giả của sân khấu cũng thiếu vô cùng. Phải mất nhiều năm mới tìm được một giải nhất cho một tác giả. Trước đây sân khấu kịch mạnh vì có những tác giả xuất sắc như Lưu Quang Vũ… Nhiều tác giả giỏi hiện tại đã lớn tuổi, không viết nữa rồi.
Bây giờ, cũng không có nhiều nhà văn chuyển sang viết kịch. Nếu có, họ viết kịch bản phim. Điện ảnh phổ cập rộng rãi hơn sân khấu nhiều. Làm tác phẩm điện ảnh thì cả nước biết tới, còn sân khấu chỉ nhóm chuyên môn và lượng khán giả nhỏ.
Sân khấu kịch Lệ Ngọc là một trong đơn vị xã hội hóa hoạt động sôi nổi ở Hà Nội.
Vậy Hội Sân khấu Việt Nam đã có những đề xuất gì để cải thiện bài toàn hóc búa đó, thưa bà?
Thực ra, chúng tôi đã đặt vấn đề ứng dụng công nghệ và bồi dưỡng đội ngũ sáng tạo trong các hội thảo của ngành. Tôi nghĩ cần thiết phải có những khóa tập huấn chuyên môn. Diễn viên thì không cần tập huấn vì mỗi nhà hát đã có các cây đa cây đề hướng dẫn cho diễn viên mới. Còn bộ phận tác giả, đạo diễn hay lý luận phê bình thì sân khấu thiếu.
Các bạn làm nghề bây giờ đã học qua hết trường nghệ thuật rồi. Thậm chí có người học đến Tiến sĩ thì không cần học thêm nữa. Tuy vậy nghiệp vụ của họ lại chưa cao. Do đó, để bồi dưỡng đội ngũ nhân sự của sân khấu cần mời các đạo diễn, nhà làm nghệ thuật chuyên môn cao đến tập huấn, giảng dạy những kỹ năng, kỹ thuật mới.
Hiện, chúng tôi đang làm đề án về vấn đề này. Chúng tôi mong nhà nước quan tâm và có sự đầu tư về công nghệ, bồi dưỡng nhân lực cho sân khấu và các loại hình nghệ thuật truyền thống.
Cảm ơn bà!
Xuân Bắc và các diễn viên của Nhà hát kịch Việt Nam.
Thanh Sơn: Chuyện tình của tôi và Lương Thu Trang trong 'Đấu trí' nhiều drama
Thanh Sơn thừa nhận vai thượng úy công an Vũ trong phim đề tài chống tham nhũng 'Đấu trí' sắp lên sóng VTV là vai diễn khó nhất từ trước đến nay của anh.
Đây là một thách thức lớn và thách thức mới
- Vai thượng úy công an Vũ trong 'Đấu trí' có điểm gì thú vị thu hút Thanh Sơn? Đang được yêu mến với thể loại phim tình cảm, nhân vật soái ca ngôn tình, làm vai công an có gì thách thức anh?
10 năm kể từ phim Chạm tay vào nỗi nhớ tôi mới lại vào vai công an trong Đấu trí. Nhưng 10 năm câu chuyện hoàn toàn khác và tôi khi đó mới là sinh viên và vai diễn cũng chỉ là sinh viên thôi dù khoác trên mình trang phục công an. 10 năm sau, vai Vũ trong Đấu trí đã hoàn toàn khác, từ nhân vật cho đến các vụ án, những màn đấu trí. Với tôi, đây là một thách thức lớn và thách thức mới, điều tôi luôn háo hức chờ đợi.
Gần đây khán giả biết đến tôi qua hình ảnh chàng trai lãng mạn, soái ca ngôn tình trong các bộ phim về đề tài tình yêu. Nhưng tôi luôn muốn thể hiện một nhân vật mới trong mắt khán giả và đúng lúc tôi đang mong có sự thay đổi đó thì kịch bản Đấu trí đến. Lúc đó tôi nghĩ đây đúng là đất để mình thể hiện khả năng diễn xuất.
Với các vai diễn về đời sống có màu sắc khác, vai chính luận cũng có màu sắc khác. Khán giả biết đến tôi nhiều qua các bộ phim tình cảm nhưng trong suốt thời gian làm việc ở Nhà hát Tuổi Trẻ tôi cũng tham gia các vở kịch chính luận của Lưu Quang Vũ nên tôi muốn thử sức lần này để xem những kinh nghiệm trên sân khấu có áp dụng được ở phim truyền hình lần này không.
Nhưng khi bắt tay vào việc có quá nhiều thứ thách thức từ diễn xuất đến cách xây dựng nhân vật, kiểu cách đến suy nghĩ cũng phải thay đổi, không được phép giống như những vai diễn trước nữa, không còn là người trẻ năng động sáng tạo nữa mà còn phải có sự điềm đạm, trẻ trung, tính toán, phải thay đổi rất nhiều trong cách diễn xuất.
- Vũ là vai diễn thách thức với Thanh Sơn và đây có phải vai dài hơi nhất từ trước đến nay anh đảm nhiệm?
Đó là vai thách thức nhưng tôi thích thử thách đó vì nó cho phép tôi thay đổi. Tôi hy vọng khán giả cũng nhìn thấy sự thay đổi của tôi trong vai diễn này. Đây là vai chính dài hơi nhất và nói chính xác đây là vai diễn khó nhất từ trước đến nay của tôi. Bên cạnh việc mang đến hình ảnh chiến sĩ công an chỉn chu, điềm đạm lên màn ảnh, tôi luôn muốn vai diễn của mình sao cho lên phim được tự nhiên nhất. Vì vậy tôi luôn phải cố gắng cân bằng để thể hiện được hình ảnh chỉn chu nhưng không bị quá khô cứng, nhân vật phải có sự đời thường và dung dị, tự nhiên.
- Một diễn viên luôn mong muốn liên tục có phim mới nhưng vừa kết thúc vai diễn dài hơi trong '11 tháng 5 ngày' ở một thể loại khác, Thanh Sơn lại tiếp tục vào vai chiến sĩ công an trong 'Đấu trí'. Làm thế nào để anh sớm thoát vai diễn cũ để sống với vai diễn mới ở một thể loại khác hẳn?
Ở giai đoạn này trong sự nghiệp và cuộc sống tôi thấy mình đang có rất nhiều năng lượng, rất muốn được sáng tạo. Với số lượng các tác phẩm mình đã làm tôi nghĩ vẫn đang còn ít chứ không phải nhiều. Tôi thậm chí còn mong muốn được làm phim nhiều hơn nữa, có nhiều đất sáng tạo hơn nữa. Có rất nhiều nhân vật tôi nghĩ trong đầu rằng mình có thể làm được mà chưa có cơ hội được thể hiện. Trong quãng nghỉ đóng phim tôi vẫn về Nhà hát Tuổi Trẻ hoạt động vì đó vẫn là công việc chính của tôi. Tuy nhiên tôi vẫn chưa muốn dừng lại bởi còn rất nhiều điều mình muốn làm nữa. Còn cách để thoát khỏi nhân vật cũ, tôi cũng không rõ nữa. Với kinh nghiệm sau hơn 10 năm đóng phim, trong mỗi nhân vật luôn có một phần bản thân tôi trong đó nên khi thoát nhân vật với tôi không quá khó.
- Thực lòng Sơn có muốn thoát nhân vật Đăng trong '11 tháng 5 ngày' vốn trước đó được khán giả rất yêu thích và thành bệ phóng tên tuổi rất tốt cho anh?
Đăng là nhân vật tôi muốn dành tặng cho tất cả những khán giả yêu quý mình. Đó là cột mốc tôi sẽ nhớ trong sự nghiệp của mình nhưng đó chỉ là một cột mốc thôi bởi còn nhiều vai diễn phía trước và còn rất nhiều nhân vật tôi muốn thể hiện. Vai Đăng có những thành công nhất định nhưng trong mắt mọi người tôi thấy vẫn còn thiếu sót. Với tư cách diễn viên, khi xem lại 11 tháng 5 ngày tôi vẫn có những điều trăn trở và tiếc nuối.
Nhưng sang đến Đấu trí là chuyển sang dạng phim chính luận, không còn là phim tình cảm nữa nên thứ tôi định rút kinh nghiệm từ 11 tháng 5 ngày sẽ phải chờ ở phim khác cùng thể loại. Bởi Vũ trong Đấu trí là dạng vai hoàn toàn mới. Tôi rất lo bởi phim làm về những vấn đề thời sự, câu chuyện mọi người đã biết rồi nên sẽ là thách thức lớn, làm thế nào để lôi kéo hấp dẫn người xem. Đó cũng là thách thức với tôi. Ở một thể loại phim đa số mọi người nghĩ bị khô cứng, kiểm soát bởi nhiều thoại và ít từ ngữ đời sống hàng ngày nên khó để khán giả tiếp thu. Đứng ở góc độ khán giả tôi nhìn thấy điều đó nên cố gắng làm thế nào diễn và thoại thật tự nhiên và mềm mỏng để kéo khán giả về phía mình.
Cộng đồng mạng giống bản lề để nghệ sĩ không làm gì vượt ngưỡng
- Với sự phát triển của mạng xã hội, bất cứ bộ phim nào ra, diễn viên mới nào cũng dễ dàng được quan tâm và nhanh hot nhưng cũng chịu sự soi mói, bình phẩm mỗi khi phim lên sóng. Có trường hợp diễn viên cùng đóng phim với mình gặp scandal đời tư cũng dễ làm mình bị ảnh hưởng. Thanh Sơn có ý thức giữ gìn hình ảnh và đề phòng mạng xã hội trước những sự cố trên trời rơi xuống?
Câu chuyện mạng xã hội là câu chuyện của đời sống, mọi người cũng dần làm quen với nó rồi. Càng ngày mạng xã hội càng phát triển và chúng ta đang cố gắng hòa nhập với nó. Tôi không quá chăm chú vào mạng xã hội, tôi sống thật nhiều hơn là sống trên mạng. Tuy nhiên khi làm ra một bộ phim tôi luôn chú ý đọc comment của khán giả. Tất nhiên có nhiều thể loại comment khác nhau nhưng tôi luôn muốn đọc. Tôi coi cộng đồng mạng như một vị giám khảo, giống bản lề để chúng ta không làm gì vượt ngưỡng.
Có những đánh giá của cộng đồng mạng kiểm soát người nghệ sĩ để họ không làm gì vượt ngưỡng, vẫn giữ được văn hóa của riêng mình, giống như bộ phận kiểm tra vậy. Tuy nhiên đứng sau màn hình, nhiều người tự cho mình quyền năng quá lớn nên đi quá xa. Điều đó tôi đã nhìn thấy từ lâu nên tôi không coi đó là áp lực hay thách thức. Tôi luôn đặt ra áp lực phim sau phải làm hay hơn phim trước, cố gắng để fan chân chính phim Việt không phải thất vọng vì vai diễn của mình. Chỉ cần áp lực đó thôi đã quá đủ với tôi, không cần tới áp lực từ mạng xã hội nữa.
- Trong 'Đấu trí' Thanh Sơn một lần nữa đóng cặp với bạn diễn hơn tuổi là Lương Thu Trang, có gì khó khăn khi hai chị em đóng người yêu của nhau?
Tôi và chị Trang không còn xa lạ với nhau vì cùng làm việc ở Nhà hát Tuổi Trẻ, từng đóng trong vở Hoa cúc xanh trên đầm lầy. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên hai chị em hợp tác với nhau trên truyền hình. Tôi nghĩ là tôi sẽ làm tốt và sẽ cố gắng làm tốt. Với một bộ phim chính luận chuyện tình cảm chỉ là thứ yếu nhưng trong câu chuyện tình yêu này sẽ có nhiều drama tôi nghĩ sẽ thu hút được khán giả. Đến giờ chưa có cảnh nào quá khó với chúng tôi và các cảnh tình cảm khá ổn nhưng không biết sau này kịch bản sẽ mở rộng ra sao.
Mỹ nam 1m86 vào vai chủ quán phở ngoài đời khác hẳn trên phim Thủ vai Hào, chủ quán phở trong phim 'Chồng cũ, vợ cũ, người yêu cũ' là Minh Hoàng, nam diễn viên sinh năm 1993 xuất thân từ người mẫu và cầu thủ bóng đá. Trong 'Chồng cũ, vợ cũ, người yêu cũ', vì vào vai chủ quán phở nên hình ảnh của Hào luôn quanh quẩn trong bếp và gắn liền với chiếc...