NSND Thế Anh: ‘Tôi không thể quên lần diễn trước Tướng Giáp’
Nam nghệ sĩ bồi hồi kể chuyện lần diễn cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp xem vở “Bài ca Điện Biên”.
“Mấy hôm nay Sài Gòn cứ mưa rả rích, buồn lắm. Không phải riêng gì tôi mà tất cả người Việt Nam nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, trong tim đều đè nặng một nỗi buồn. Đây là một cái tang lớn của cả dân tộc Việt Nam.
Bác Võ Nguyên Giáp đã đi vào huyền thoại bằng trận đánh Điện Biên Phủ lừng lẫy, đánh bại danh tướng người Pháp De Castrie. Vốn là một nhà giáo nhưng từ nhỏ, Đại tướng có năng khiếu chỉ huy chiến trường rất khoa học nên đã được Bác tin tưởng. Ông là người học trò kề cận nhất của Bác, tiếp thu nhiều nhất những bài học thực tiễn từ tâm, đức, tài của Người. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là biểu tượng chiến thắng rực rỡ nhất của nền cách mạng Việt Nam.
NSND Thế Anh chấp tay cầu linh hồn đại tướng Võ Nguyên Giáp thanh thản nơi chín suối.
Cuộc đời diễn viên của tôi, tôi từng diễn cho bác Giáp xem một lần. Lúc đó, tôi đang là diễn viên ở nhà hát Kịch nói Trung ương. Đó là vào khoảng thời gian 1964, tôi và anh em diễn vở Bài ca Điện Biên. Chúng tôi được thông báo: Có một khán giả đặc biệt xem chúng tôi diễn là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chúng tôi vừa mừng, vừa bị áp lực, vì vốn biết bác Võ Nguyên Giáp là một người rất am hiểu nghệ thuật nên ra sức tập luyện ngày, đêm.
Anh em chúng tôi diễn trên sân khấu nhưng tất cả đều hướng mắt về phía Đại tướng ngồi. Đại tướng mặc quân phục, chăm chú đến bất động, gương mặt thật hiền nhưng rất nghiêm nghị. Trong vở kịch này, tôi đóng vai một người lính, có nói một câu thoại mang tính chất lịch sử: “Báo cáo đại tướng, địch đã áp sát rồi. Đề nghị đại tướng cho phát hỏa”.
Sau buổi diễn, đại tướng nhanh nhẹn bước lên sân khấu, bắt tay từng diễn viên, nói lời khen ngợi. Ông nói với tôi: “Chú diễn tốt đấy!”. Kỷ niệm lớn này đã theo tôi cho đến tận bây giờ, in đậm trong tâm trí.
Tôi nhớ lần tôi sang Algeria tham dự liên hoan phim, khi bước xuống sân bay, mọi người hỏi tôi: “Anh có phải là người Việt Nam?”. Tôi gật đầu. Thế là mọi người reo lên: “Việt Nam! Hồ Chí Minh! Võ Nguyên Giáp!”. Đứng ở nước bạn, trong lòng tôi dâng trào cảm xúc lẫn tự hào. Gần như mọi người trên thế giới, khi nhắc đến Việt Nam, chắc chắn họ sẽ biết tên hai người anh hùng, bằng tất cả sự khâm phục rất lớn: Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp.
Năm 1991 tôi tham gia phim Điện biên Phủ của đạo diễn người Pháp, ông Pierre Schoendoerffer. Vị đạo diễn lẫy lừng từng đoạt giải Oscar này nói với tôi: “Tôi muốn làm bộ phim này để nhắc nhở người Pháp đừng sai lầm nữa, đừng bao giờ quên bài học nhục nhã ở chiến trường Điện Biên Phủ”.
Trong phim Điện Biên Phủ, tôi đóng vai một người Hoa thủ đoạn, trục lợi từ việc buôn bán vũ khí, tên là “ông Cọp”. Để có thể nhập tâm tốt nhân vật, tôi đã dành thời gian rất nhiều cho việc đọc sách sử, nghiên cứu về trận đánh Điện Biên Phủ nói chung và bác Võ Nguyên Giáp nói riêng.
Video đang HOT
Nơi xảy ra trận đánh Điện Biên Phủ giáp với Lào, Pháp muôn bảo vệ Lào nên tập trung hết quân lực, binh hùng, tướng mạnh về đây. Trước đó, Pháp đã thách thức bác Giáp có giỏi động vào Điện Biên Phủ, nhưng đâu có ngờ bác Giáp đã tổng tấn công. Phải nói là tài chỉ huy quân sự quá tuyệt vời. Đáng lẽ cuộc chiến đã diễn ra sớm hơn dự kiến, nhưng lại hoãn lại đến 3 tháng. Điều đó có nghĩa là bác Giáp đã điều động bộ đội kéo pháo vào, rồi lại kéo pháo ra, rồi lại vào trận mạc. Bác Giáp hay ở chỗ, nếu ra lệnh đánh sớm, tập trung một chỗ, quân Pháp phản công chắc chắn mình sẽ thua. Sau một đêm trằn trọc suy nghĩ, bác đã quyết định rút ra, đánh du kích, đào những hầm chông xung quanh, bao vây cứ địa của tướng De Castrie.
NSND Thế Anh bên tấm áp phích phim Điện Biên Phủ do đạo diễn nổi tiếng người Pháp, ông Pierre Schoendoerffer ký tặng.
Kết thúc bộ phim Điện Biên Phủ, hình ảnh quân Pháp bại trận, theo sau vị tướng chỉ huy De Castrie, trên nền nhạc giao hưởng bi thương. Đó là thông điệp mà bộ phim muốn gửi gắm: Đánh Việt Nam là một sai lầm lớn của người Pháp.
Tôi tiếc là tôi không được đi viếng bác Giáp. Ngày 13/10 tôi đi dự Liên hoan phim Việt Nam nhưng lại ra thẳng Quảng Ninh. Nếu không, chắc chắn tôi cũng sẽ đứng trong dòng người xếp hàng, chờ vào thắp hương.
Đất nước Việt Nam có hai nhân vật mất đi mà toàn dân khóc thương là Bác Hồ và bác Giáp. Lúc Bác Hồ mất, tôi được vinh dự viếng tang Người. Tôi nhớ dòng người xếp hàng dài hàng cây số, chờ được vào viếng Người. Bây giờ hình ảnh đó được lặp lại ở đám tang bác Võ Nguyên Giáp. Tất nhiên, sinh lão, bệnh tử và với số tuổi 103 thì bác Võ Nguyên Giáp quá thọ, nhưng sự ra đi của bác vẫn làm cho toàn dân tộc nghẹn ngào thương khóc.
Trước khi chia tay phóng viên, NSND Thế Anh chắp tay: “Tôi cầu mong linh hồn bác Võ Nguyên Giáp thanh thản ở nơi chín suối cùng Bác Hồ, người thầy mà ông hằng kính trọng”.
Theo Trí thức trẻ
Phim Việt nào đáng nhận 'Mâm xôi vàng' của năm?
Nếu giải "Mâm xôi vàng" cho những bộ phim tệ nhất của Hollywood có thêm cho giải phim nước ngoài, điện ảnh Việt có tới... 5 ứng viên nặng ký ngang ngửa!
Hello cô Ba
Ra mắt dịp tết 2012, Hello cô Ba đứng "đội sổ" về chất lượng trong số 5 phim Tết - theo đánh giá của giới chuyên môn và nhà báo. Tất cả đều dở tệ trong bộ phim quy tụ một dàn sao hài như cách làm câu khách quen thuộc của ông bầu Phước Sang: Kịch bản ngô nghê theo kiểu chọc cười, trong khi sản xuất thì qua loa, thiếu đầu tư.
Nhìn tổng thể, phim giống một vở tấu hài kiểu kịch truyền hình "trong nhà ngoài phố" và là sự đối lập hoàn hảo so với bom tấn Thiên mệnh anh hùng khi cả hai công chiếu cùng thời điểm tết 2012. Điều nghịch lý là nó lại bất ngờ vượt mặt các đối thủ về doanh thu, khiến những khán giả điện ảnh thực sự không thể giấu nổi sự thảng thốt, còn giới làm nghề nghiêm túc ít nhiều cảm thấy niềm tin vào công chúng bị lung lay.
Trong khi các nhà sản xuất nhanh chóng bắt chước công thức hốt bạc này và cho ra đời một chuỗi các phim hài nhảm trong suốt năm 2012. "Cô Ba" xứng đáng giữ vị trí quán quân giải Mâm xôi vàng. Nó hoàn toàn dễ được nhớ đến nếu người ta muốn liệt kê những bộ phim "thảm họa" trong năm.
Giấc mộng giàu sang
Tên phim có lẽ đã dự báo luôn sự giàu sang phòng vé của bộ phim mãi chỉ là "giấc mộng". Noi gương "cô Ba", bộ phim đầu tay của đạo diễn kiêm diễn viên Công Hậu mon men rạp để thọc lét khán giả.
Giống như những người anh em đứng "tiệm cận" điện ảnh bằng lối làm phim cẩu thả, không thể gọi "Giấc mộng..." là phim. Chính xác hơn, có lẽ nó là sự mạo danh (hoặc tự huyễn) với mục tiêu thủ lợi không giấu giếm. Lạc vào giấc mộng này, người xem không còn thấy "sạn" đâu nữa, thay vào đó là những "tảng gạch" to tướng.
Đã vậy, "Giấc mộng..." còn thua "cô Ba" vì dàn danh hài ít ăn khách. Bị mọi cụm rạp lớn từ chối cấp giấy thông hành ra rạp, "Giấc mộng..." chỉ được sắp lịch chiếu ở một số rạp nhỏ, nên có lẽ không mấy ai biết đến sự ra đời và số phận của nó trong đời sống điện ảnh Việt.
Nàng men chàng bóng
Có một yếu tố khiến việc chọn phim này gửi đi Mỹ tranh "mâm xôi" trở thành quyết định bất công. Bởi ngay từ tên phim nửa nạc nửa mỡ, nó đã có "công trạng" góp phần giúp điện ảnh Việt có thêm nhiều từ ngữ mới phát sinh: Phim "siêu nhảm", phim "đại thảm họa", phim "thảm họa chúa"...
Dù cũng hài nhảm, nhưng Nàng men chàng bóng vượt trên các đối thủ khi bạo gan và hồn nhiên diễn đạt cách nhìn méo mó, lệch lạc về giới đồng tính. Theo những người làm phim thì có thể "đánh thức bản năng đàn ông" ở một anh chàng đồng tính bằng những đụng chạm cơ thể với phụ nữ.
Trong cố gắng chọc cười, bộ phim cho phép mình có quyền mô tả cô gái Việt lao vào như muốn "ăn tươi nuốt sống" chàng trai được gia đình hứa hôn.
Cát nóng
Khi chọn Cát nóng làm phim mở màn, không rõ vì Ban tổ chức LHP quốc tế Hà Nội lần 2 ngộ nhận về thương hiệu đạo diễn Lê Hoàng - vốn đang xuống cấp vì cho ra đời liên tiếp nhiều phim...dở, hay vì không còn phim nào tốt hơn để trình diện điện ảnh nước chủ nhà?
Cũng còn may là đến giờ phút này, bộ phim khiến nhiều người trong làng điện ảnh Việt cảm thấy bẽ mặt với bạn bè quốc tế (được ca ngợi đã mang đến nhiều phim xuất sắc) mới chỉ phổ biến trong giới hạn liên hoan. Bởi theo nhận xét của NSND Thế Anh với báo chí thì phim "có quá nhiều cảnh phản cảm, đặc biệt là những cảnh máu me khi đầu bếp chế biến món dông, cảnh cô Tuyết cầm dao chặt đầu con dông, cảnh dông bị nướng chín, phơi mình trên đĩa, cảnh hàng trăm con dông bị cháy... Nếu mục đích của đạo diễn là dọa khán giả thì xem ra, những cảnh phản cảm trên đã làm rất tốt nhiệm vụ của nó".
Nhưng thật ra, bộ phim thiếu thuyết phục và ngây ngô này lại được làm với tham vọng rất lớn của đạo diễn: Một luận đề về xung đột giữa phát triển và bảo vệ môi trường! Một phim nêu thông điệp bảo vệ thiên nhiên mà lại đi tàn sát thiên nhiên, quả thật hiếm có.
Ranh giới trắng đen
Giả như bộ phim này đoạt "mâm xôi" thì có lẽ "vinh quang" này phải được chia đều cho điện ảnh hai nước Việt Nam - Indonesia.
Cuộc hợp tác đầu tiên giữa các nhà làm phim hai nước cho ra đời rất nhiều điều ngạc nhiên kỳ lạ trên màn ảnh. Chẳng hiểu thế nào mà các diễn viên có thể chạy rầm rập qua lại giữa cảnh bãi biển và cảnh những đường phố Sài Gòn, cứ như thể nước biển đã dâng tới thành phố và làm thành một bãi cát.
Rồi chuyện ba diễn viên người Indonesia vào vai các đạo diễn/diễn viên qua Việt Nam làm phim có thể nói được tiếng Việt vanh vách (bằng giọng của diễn viên lồng tiếng) hoặc rất nhiều chuyện tình cờ khó tin đã xảy ra dễ khiến người xem phải chép miệng: Thôi thì phim hành động, cũng đánh đấm là chính.
Kết quả, cuộc hợp tác thất bại trên cả mặt trận nghệ thuật lẫn tiền bạc. Những người bạn Indonesia có lẽ sẽ không trở lại sớm, dù trước đó hai bên đã có nhiều hứa hẹn tương lai.
Theo Vietnamnet
'Cát nóng' phim mới của Lê Hoàng gây thất vọng "Cát nóng" (đạo diễn Lê Hoàng) là bộ phim được chọn chiếu khai mạc LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ 2 nhưng đã gây thất vọng cho khán giả. Tối 25/11, bộ phim " Cát nóng" của đạo diễn Lê Hoàng đã được chọn chiếu khai mạc Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Hà Nội lần thứ 2 để phục vụ đông...