NSND Thanh Tòng: Đầu xuân tâm tình cùng bạn trẻ
Với nhiều vai diễn để đời như: Hai Thành trong “Đời cô Lựu”, Tân trong “Tô Ánh Nguyệt”, cậu Tư Kiên trong vở “Con gái chị Hằng”… năm 2007, NSND Thanh Tòng được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Nhân dịp đầu xuân 2012, Báo điện tử Infonet đã có dịp trò chuyện cùng NSND Thanh Tòng ngay cạnh công trường xây dựng rạp hát Trần Hưng Đạo (136, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM) xoay quanh những chia sẻ về nghệ thuật cải lương.
Là một “cây đa, cây đề” trong nghệ thuật cải lương, ông nhận định như thế nào về các loại hình nghệ thuật này hiện nay?
Không riêng một bộ môn nào, từ tuồng cổ, hát bội, chèo cho đến cải lương… và một số bộ môn nữa đang dần thưa khán giả. Tại sao như vậy, là bởi vì khi hội nhập mình “mở cửa” rộng quá, tiếp nhận đa phong cách, đa dạng thể loại… cho nên chưa có tính định hướng cho khán giả. Ngay cả truyền hình ngày nay, có quá nhiều các kênh truyền hình giải trí mà ngày trước số lượng kênh truyền hình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tôi nghĩ những người chuyên trách nên chú trọng, bởi nghệ thuật truyền thống đang bị “chệch đường ray”.
Nói đến đây ông đưa đôi mắt ẩn chứa nhiều ưu tư nhìn sang công trường rạp Trần Hưng Đạo: “Cải lương hiện tại là thế đó, đã có một quá khứ huy hoàng nhưng giờ thì đang xây dựng lại…!”.
Theo ông vì sao có sự cách biệt giữa nghệ thuật giải trí hiện đại và truyền thống?
Khi xem một chương trình ca nhạc, bạn có thể đến bất cứ lúc nào, không nghe được bài này thì nghe bài khác. Cải lương thì khác, bạn phải theo dõi từ đầu, mà theo tôi thì các bạn trẻ ngày nay không có sự kiên nhẫn để xem hết một chương trình. Riêng về nghệ sĩ cải lương, họ có thể ca được, diễn được, đóng kịch, đóng phim… nhưng các bạn khác là ca sĩ, diễn viên khi vào tới cải lương thì họ bị “đánh bật” ra, họ không làm được bởi họ không có sự khổ luyện như nghệ sĩ cải lương.
NSND Thanh Tòng
Có thể nói đây là thời điểm sự nghiệp của ông về đích, ông sẽ nói gì với các bạn trẻ đã, đang và sẽ đeo đuổi nghệ thuật cải lương?
Thứ nhất, tôi hết sức trân trọng những bạn trẻ có tấm lòng hướng về nghệ thuật dân tộc, trong đó có bộ môn cải lương. Trong khi đó, các em vẫn biết rằng cải lương đang chật vật để tìm lối thoát, nhưng các em vẫn dũng cảm theo đuổi ước mơ của mình. Qua một số cuộc thi như Chuông vàng vọng cổ… một số thí sinh đã tuyên bố rằng mình sẽ theo con đường nghệ thuật truyền thống, tôi rất trân trọng điều này. Thứ hai, muốn sống chết là phải tận tâm, muốn thành công là phải tận tụy. Ngoài kỹ năng chuyên môn các bạn trẻ cần nên trau dồi văn hóa, đạo đức của mình như thế nào đó để “ngửa cổ nhìn đời” và khẳng định rằng “con đường tôi đi là đúng”.
Video đang HOT
Muốn phát triển nghề, các bạn trẻ cũng cần phải có có một điều kiện hoặc cơ hội nhất định, đề có cơ hội tốt, các bạn trẻ nên làm gì?
Tháng 2/1984, Sở VHTT TP.HCM thành lập đoàn hát lưu diễn ở các nước Châu Âu, mặc dầu cải lương xã hội không phải là sở trường nhưng tôi vẫn được chọn đi. Tôi được đạo diễn Huỳnh Nga cho vào vai Mẫn Đạt trong vở “Đời cô Lựu”. Do sự cố nghệ sĩ Thành Được bị bắt cóc, mọi người khuyên tôi đóng thế vai Hai Thành, và đây cũng là vai đóng thế hay nhất trong nghiệp diễn của mình. Nhưng nói thật, lúc ấy tôi tự ti và mặc cảm lắm vì bên cải lương xã hội, tôi có quá ít kinh nghiệm. Trở lại với các bạn trẻ, khi đứng trước cơ hội thì đừng nên tự ti, mặc cảm, mình phải biết vượt qua khó khăn thì mình mới trân trọng thành quả mình đạt được. Theo tôi, hát hay không bằng hay hát, cứ diễn đi, đừng bao giờ bỏ qua những cơ hội tốt, đó là một thử thách để đưa chúng ta lên đỉnh vinh quang.
Nghệ sĩ Thanh Tòng và con gái Quế Trân
Qua sự thành công của Nghệ sĩ Quế Trân, ông có thể cho biết là ông đã định hướng như thế nào để Quế Trân có những thành công như ngày hôm nay?
Thương thì cho roi cho vọt mà. Ngày xưa, do mê hát quá nên tôi bỏ học từ rất sớm, tôi bị hụt hẩng về vấn đề văn hóa. Chính vì thế, tôi nói với Quế Trân rằng làm gì thì mình cũng cần phải có học vấn, đừng để người ta nói mình là “xướng ca vô loài”. Tôi không ép các con của mình, nhưng tôi lấy bản thân mình để làm minh chứng. Thật sự, Quế Trân hoàn thành ý nguyện.
Nếu gọi ông là “con ong thợ” trong sự nghiệp bảo tồn và gìn giữ nghệ thuật truyền thống thì ông suy nghĩ như thế nào?
Tôi có lợi thế là tiếp thu trực tiếp từ gia đình, nói đúng hơn tôi là con nhà tông mà (cười) thì mình đã tiếp thu được những tinh hoa từ các bật tiền bối. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là thầy, tôi nói với các bạn trong trường sân khấu điện ảnh rằng mình chỉ là người truyền đạt kinh nghiệm. Tôi chỉ là một trong những con ong thợ trong nhiều con ong thợ thôi.
Thưa ông, chúng ta đang bước sang năm mới Nhâm Thìn, ông chia sẻ với khán giả điều gì?
Trước công chúng tôi chỉ mong ước một điều, người dân Việt Nam nên yêu thích nghệ thuật dân tộc Việt Nam. Ví dụ như, mỗi ngày chúng ta tan sở, đi ăn cơm Tây, cơm Tàu… nhưng chúng ta đừng quên rằng Việt Nam vẫn còn đó thịt kho, dưa giá. Vì vậy chúng ta cần gìn giữ nét văn hóa dân tộc mà giờ đây thế hệ trẻ là những người kế thừa. Ta nên tự hào ta là người Việt Nam chứ, đúng không!?
Xin chúc ông một năm mới nhiều sức khỏe và tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của nghệ thuật cải lương!
Theo Infonet
Quế Trân: Thời gian dành cho người ấy khá hạn hẹp
"Bà nghị" Quế Trân cho biết vì vừa bận diễn xuất vừa đảm nhận vai trò đại biểu của Hội đồng Nhân dân thành phố nên thời gian dành cho "người ta" khá hạn hẹp, đây cũng là thử thách trong tình yêu của cô.
Làm việc vì niềm đam mê
- Chào chị, mấy ngày qua hình như chị rất bận để chuẩn bị cho kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố? Cảm xúc của chị thế nào trong cương vị hoàn toàn khác trước?
- Quả thật thời gian gần đây Trân khá bận rộn. Ngoài việc chuẩn bị cho kỳ họp Trân còn tham gia khá nhiều hoạt động khác như dẫn chương trình truyền hình, thu âm... Tuy nhiên, việc lắng nghe y kiến người dân và làm sao chuyển tải được mong muốn họ đến các cấp lãnh đạo được Trân quan tâm hàng đầu. Trân rất yêu, rất đam mê những việc mình đang làm nên dù ở vị trí công việc nào mình cũng thấy rất vui và luôn nỗ lực để có kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, được mọi người tín nhiệm, được lắng nghe tâm tư nguyện vọng người dân là trải nghiệm mới lạ khiến Trân vô cùng hạnh phúc.
- Vấn đề chị quan tâm nhất trong kỳ họp là gì?
- Đây là lần đầu tiên với vai trò mới nên Trân luôn lắng nghe và học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Trân cảm thấy rất thoải mái. Kỳ họp lần này chủ yếu bàn về hai vấn đề chính là "an sinh xã hội" và "bình ổn giá cả". Vấn đề an sinh xã hội ở huyện Bình Chánh (nơi Quế Trân là đại diện) hiện chưa tốt lắm. Người dân mong muốn có bệnh viện, có bác sĩ và những trang thiết bị thiết yếu để vừa phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho bà con trong vùng vừa giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Một vấn đề nữa là hiện nay giá cả leo thang trong khi thu nhập của người dân ở đây còn rất thấp. Nên họ rất mong muốn có giải pháp thiết thực nhằm bình ổn giá cả để đảm bảo cuộc sống.
- Được mọi người đặt lòng tin và kỳ vọng, chị có thấy bị áp lực hay mệt mỏi?
- Với Trân sự tin tưởng và kỳ vọng của mọi người là động lực để Trân phấn đấu hơn nữa trong công việc. Được mọi người tin tưởng là niềm hạnh phúc và Trân luôn mong muốn mình mãi có được những tình cảm đó.
- Chị từng tâm sự: "đoạt huy chương vàng Trần Hữu Trang năm 18 tuổi là bước ngoặt làm thay đổi đánh dấu sự công nhận của công chúng dành cho nỗ lực của một cô đào trẻ". Vậy trúng cử HĐND thành phố khóa VIII là bước ngoặt thế nào trong cuộc đời chị?
- Trong cuộc đời, người ta có nhiều bước ngoặt khác nhau. Với Trân năm 18 tuổi đánh dấu giai đoạn của sự trưởng thành bước đầu và quan trọng trong sự nghiệp diễn xuất. Còn trúng cử HĐND là bước ngoặt lớn khẳng định sự trưởng thành đó trong quá trình không ngừng nỗ lực phấn đấu của bản thân. Nhiều năm qua, ngoài công việc biểu diễn Trân còn phối hợp với Thành Đoàn tổ chức các chương trình giao lưu biểu diễn từ thiện tại các trường học, các tỉnh xa. Mục đích tạo không gian giải trí lành mạnh, phục vụ cho tất cả học sinh, sinh viên và người dân không có điều kiện xem nhạc. Mặt khác lại phổ biến được loại hình nghệ thuật dân tộc gần gũi hơn với đông đảo quần chúng.
Giới trẻ ngày nay không mặn mà lắm với nghệ thuật cải lương, tuồng, chèo. Chị có sợ một ngày nào đó mình sẽ không có đất diễn?
Không, sẽ không bao giờ có chuyện Trân sợ không có đất diễn vì không bao giờ người ta hết yêu thích văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Con người dù có đi xa tới đâu cũng sẽ trở về với những giá trị thực sự của cuộc sống. Hơn nữa trong quá trình đi diễn trong các trường học và các tỉnh mình đều nhận được sự đón nhận rất nhiệt tình từ các bạn trẻ.
Tình yêu phụ thuộc vào duyên số
- Tình cảm của khán giả luôn giúp người nghệ sĩ vượt qua rất nhiều khó khăn thử thách. Hơn 20 năm hoạt động nghệ thuật hẳn chị nhận được rất nhiều tình cảm đẹp của khán giả?
- Bất kể một buổi biểu diễn nào và ở đâu, chỉ cần được khán giả ủng hộ, yêu mến thì mọi mệt mỏi dường như tan biến. Những lúc gặp khó khăn, ngoài sự chia sẻ của bạn bè, người thân thì tình cảm khán giả cũng là động lực để mình vượt qua. Trong khoảng thời gian hoạt động nghệ thuật của mình tất cả tình cảm khán giả dành cho Trân đều đặc biệt và sâu sắc. Chính vì vậy Trân đang lên kế hoạch tổ chức chương trình cho riêng mình như một lời tri ân tới khán giả và cũng để kỷ niệm quá trình hoạt động của mình. Chương trình dự kiến diễn ra vào cuối năm 2011. Trân mong nhận được sự quan tâm ủng hộ của mọi người.
- Chị sắp xếp thời gian thế nào để vừa có thời gian tham gia vào các hoạt động nghệ thuật vừa làm tốt vai trò người đại diện của nhân dân?
- Thường thì Trân vẫn thực hiện các công việc song hành với nhau bởi tất cả các công việc đó luôn tương tác và hỗ trợ cho nhau. Ở mỗi chương trình mình đều có kế hoạch cụ thể nên không bao giờ bị động.
- Chuyện tình yêu thì sao, cũng đã đến lúc Quế Trân nên lập gia đình?
- Đúng là đã đến lúc đó rồi, và Trân cũng đang chờ đến ngày đó. Tuy nhiên, đây cũng là điều mình không thể tự quyết định hay muốn là được mà phụ thuộc vào duyên số. Hiện nay Trân bận khá nhiều việc nên thời gian dành cho "người ta" cũng khá hạn hẹp. Nếu cả hai có thể vượt qua được trở ngại đó thì sẽ đến được với nhau. Trân coi như là một thử thách trong tình yêu.
Theo Người Đưa Tin
NSND Lê Khanh: "Bắt đầu có khái niệm về khoảng trống" Trong cuộc trò chuyện mới đây cùng PV Dân trí, NSND Lê Khanh đã nói nhiều về các con, về những địa chỉ đẹp, sự yêu thích trong cuộc sống và chị khẳng định "đã tìm thấy nơi lấp đầy những khoảng trống tinh thần của tôi". Chào NSND Lê Khanh, các con đang ở tuổi mới lớn, đã bao giờ các con...