NSND Nguyễn Tiến qua đời
Tác giả “Hoa cau vườn trầu” mất tại bệnh viện ở Hà Nội vào tối 27/11. Những năm cuối đời, sức khỏe nhạc sĩ Nguyễn Tiến yếu.
Trao đổi với Zing, anh Nguyễn Tùng – con trai nhạc sĩ Nguyễn Tiến cho biết – cha mất vào lúc 20h25 tối 27/11 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội). Ông ra đi ở tuổi 68, vì bệnh tuổi già.
Con trai nhạc sĩ Nguyễn Tiến chia sẻ những năm cuối đời, sức khỏe của ông yếu, thường xuyên phải nhập viện điều trị.
“Cha tôi bị bệnh nhiều năm nay. Đợt vừa rồi, sức khỏe cha yếu, không thể vượt qua”, anh Nguyễn Tùng nói.
Lễ tang của nhạc sĩ Nguyễn Tiến diễn ra tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5, Trần Thánh Tông) từ 11h đến 12h30. Lễ truy điệu tổ chức vào 13h cùng ngày.
Nhạc sĩ Nguyễn Tiến qua đời ở tuổi 68. Ảnh: HNM.
Nghệ sĩ Ploong Thiết cho biết anh gắn bó nhiều năm với nhạc sĩ Nguyễn Tiến khi còn công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội. Anh thường gọi nam nhạc sĩ là “bố Tiến”.
Trong ký ức của nam nghệ sĩ, tác giả Hoa cau vườn trầu có tính cách gần gũi, hiền hậu và thương yêu học trò.
NSND Nguyễn Tiến (tên đầy đủ là Nguyễn Văn Tiến, sinh năm 1953) trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật tại tỉnh Nam Định.
Ông nội của nhạc sĩ Nguyễn Tiến là nghệ nhân Thành Nam. Cha là nghệ sĩ đàn bầu Nguyễn Tiếu, từng công tác tại Nhà hát Ca múa Nhân dân Trung ương.
Từ nhỏ, nhạc sĩ Nguyễn Tiến và em gái là NSƯT Thúy Đạt được cha dạy chơi nhiều nhạc cụ dân tộc.
Trong sự nghiệp nghệ thuật, NSND Nguyễn Tiến được nhận 18 giải thưởng và nhiều huy chương vàng, bạc, bằng danh dự, bằng khen trong nước, quốc tế: Huy chương Vàng dành cho tiết mục đàn bầu tại Hội diễn Nghệ thuật toàn miền Bắc, Huy chương Vàng tại Festival Cộng hòa Dân chủ Đức, Bằng danh dự (bằng cao nhất) tại Nhạc hội đàn bầu toàn quốc lần thứ nhất, Giải A đơn ca độc tấu, Huy chương Vàng Hội diễn Nghệ thuật toàn quân…
Ông là tác giả của nhiều ca khúc được công chúng biết tới như: Hoa cau vườn trầu, Phú nước non, Chiều mưa Hà Nội, Chiều xứ Lạng, Nhớ đêm giã bạn, Chuyện tình lá diêu bông… Năm 2012, ông được phong tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật dành cho cụm ca khúc Hoa cau vườn trầu, Phú nước non, Chiều mưa Hà Nội, Chiều xứ Lạng, Nhớ đêm giã bạn và khí nhạc Ngũ quả mừng xuân, Hồn Việt. Cùng năm, ông được phong danh hiệu nghệ sĩ nhân dân.
NSƯT Thúy Đạt: Đến với "Hát lên Việt Nam" bằng trái tim yêu nước
NSƯT Thúy Đạt gửi đến Cuộc vận động sáng tác ca khúc "Hát lên Việt Nam" bài "Màu cờ nước Việt", thể hiện tình yêu mãnh liệt đối với quê hương, đất nước.
NSƯT Thúy Đạt nguyên là Biên tập viên Âm nhạc thuộc Phòng Dân ca và Nhạc Cổ truyền, Ban Âm nhạc VOV3, Đài TNVN. Khi biết thông tin về Cuộc vận động sáng tác ca khúc "Hát lên Việt Nam - Let's sing Viet Nam", NSƯT Thúy Đạt đã gửi đến ca khúc "Màu cờ nước Việt".
Với ca khúc này, NSƯT Thúy Đạt hy vọng rằng: "Sẽ có nhiều bạn nghe bài hát mà tôi viết và cảm nhận được tình yêu của tôi đối với quê hương, đất nước. Để rồi sẽ có thêm nhiều sáng tác cho cuộc vận động Hát lên Việt Nam. Từ đó, chúng ta sẽ có thêm muôn vàn giai điệu đẹp ca ngợi đất nước, con người Việt Nam".
PV VOV có cuộc trò chuyện với NSƯT Thúy Đạt:
"Màu cờ nước Việt" - NSƯT Thúy Đạt
PV: NSƯT Thúy Đạt có thể chia sẻ cảm nhận của mình về Cuộc vận động sáng tác ca khúc "Hát lên Việt Nam - Let's sing Viet Nam" do Đài TNVN tổ chức?
NSƯT Thúy Đạt: Để chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng CSVN, kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, Đài TNVN đã phát động Cuộc vận động sáng tác ca khúc với chủ đề "Hát lên Việt Nam". Đây là cuộc vận động rộng rãi nhất, toàn diện nhất cho các tác giả chuyên và không chuyên nghiệp trong nước cũng như người Việt Nam ở nước ngoài và cả những tác giả nước ngoài muốn chia sẻ tình yêu đối với Việt Nam.
Đề tài của cuộc thi cũng rất rộng, từ ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam đến ca ngợi sức trẻ, thành tựu trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Là một người Việt Nam, là một Nghệ sĩ Ưu tú của nền nghệ thuật nước nhà, Thúy Đạt cũng muốn đóng góp tình yêu đất nước, lòng đam mê nghệ thuật của mình với Cuộc vận động sáng tác ca khúc lần này của Đài Tiếng nói Việt Nam.
PV: Đó là lý do để NSƯT Thúy Đạt viết ca khúc mang tên "Màu cờ nước Việt"?
NSƯT Thúy Đạt: Đúng vậy! Bài hát "Màu cờ nước Việt" là tiếng lòng của Thúy Đạt, cảm xúc của Thúy Đạt đối với quê hương, đất nước, với các giá trị lịch sử. Bài hát chứa đựng những hình ảnh những con người Việt Nam cần cù chịu thương, chịu khó trong lao động, anh dũng trong chiến đấu, và tràn đầy sức sống để dựng xây Tổ quốc.
PV: Tại sao NSƯT Thúy Đạt lại chọn hình ảnh lá cờ làm chủ đề, hình tượng xuyên suốt ca khúc?
NSƯT Thúy Đạt: Khi nhắc tới Tổ quốc là nhắc tới quê hương Việt Nam, chúng ta sẽ nhớ ngay đến hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay. Lá cờ là hình ảnh đẹp nhất, tự hào nhất của mỗi quốc gia. Phải trải qua bao nhiêu hy sinh, mất mát thì đất nước chúng ta mới có được lá cờ độc lập tung bay. Đã có biết bao thế hệ ông cha không tiếc thân mình để bảo vệ nền độc lập ấy. Nên tôi muốn hình ảnh lá cờ xuyên suốt tác phẩm của mình. Nó như 1 chứng nhân lịch sử cho những mất mát đau thương của dân tộc, cũng như trước những thời khắc huy hoàng.
PV: Được biết, trước đây NSƯT Thúy Đạt cũng đã sáng tác 1 số ca khúc. Vậy lần này với một tác phẩm về đề tài lớn là đất nước, bà có gặp khó khăn gì trong việc lựa chọn ngôn ngữ âm nhạc?
NSƯT Thúy Đạt: Tôi sáng tác ca khúc hoàn toàn bằng cảm xúc, bằng trái tim của mình chứ không được học sáng tác chuyên nghiệp. Là một nghệ sĩ hát cải lương dân ca các miền, tôi đã soạn đến hàng trăm bài lời mới cho dân ca và nhạc cổ truyền dân tộc, được phát trên làn sóng phát thanh. Nhưng bên cạnh đó thì những giai điệu của các thể loại khác như trữ tình, ca khúc cách mạng cứ ngân vang trong tôi.
Mỗi lần có cảm hứng sáng tác, tôi đều ghi âm, hát ngay vào điện thoại. Có lần đang đi đường, chợt nghĩ ra một giai điệu, tôi tấp xe máy vào lề đường và đứng tại chỗ để ghi âm. Sau đó, tôi có nhờ con gái út là nhạc sĩ Thúy My chép nhạc lại giúp mẹ. Cứ như vậy, các ca khúc của tôi được ra đời với nhiều đề tài như chống dịch Covid-19, về mẹ, về Phật giáo, về quê hương, đất nước...
Đối với Thúy Đạt thì cái khó nhất khi viết ca khúc về hình ảnh đất nước thân yêu, đó là phải toát lên được sự hào hùng của mấy nghìn năm lịch sử nhưng vẫn phải có sự lãng mạn tình yêu giữa con người với con người, con người với quê hương. Lần nào cũng vậy, tôi thường hát đi hát lại nhiều lần rồi sửa giai điệu, sửa lời sao cho mình ưng ý. Tôi cũng rất hạnh phúc khi có một gia đình, các con đều hoạt động nghệ thuật cho nên chúng tôi thường xuyên trao đổi với nhau.
PV: Khi tham dự cuộc vận động sáng tác ca khúc "Hát lên Việt Nam", bà có mong muốn gì?
NSƯT Thúy Đạt: Tôi hy vọng rằng sẽ có nhiều bạn nghe bài hát mà tôi viết và cảm nhận được tình yêu của tôi đối với quê hương, đất nước. Để rồi sẽ có thêm nhiều sáng tác cho cuộc vận động Hát lên Việt Nam. Từ đó, chúng ta sẽ có thêm muôn vàn giai điệu đẹp ca ngợi đất nước, con người Việt Nam.
Cảm ơn Đài TNVN đã tạo nên một sân chơi cực kỳ lý thú, ý nghĩa cho tất cả tác giả trong nước cũng như quốc tế để hiểu thêm về Việt Nam và để ca ngợi sức chiến đấu bền bỉ, kiên trung chịu đựng và kiên cường, bất khuất của người Việt Nam . Những con người ấy đã tạo nên một Việt Nam anh hùng và tươi đẹp như ngày hôm nay.