NSND Lý Huỳnh: Thay đổi số phận bằng những vai diễn
Ông luôn nói rằng mình mang ơn điện ảnh cách mạng, mang ơn những người làm điện ảnh cách mạng đã cho ông cơ hội đổi thay số phận.
Tiệc mừng sinh nhật lần thứ 74 và kỷ niệm 40 năm ngày NSND Lý Huỳnh tham gia điện ảnh cách mạng diễn ra hôm 27/2. Nhiều đồng nghiệp, người thân, bạn bè chí cốt đến dự và chúc mừng ông. Hằng năm, trong các buổi tiệc sinh nhật của ông, bên cạnh người thân trong gia đình, bạn bè, luôn có những nghệ sĩ ân nhân, đồng nghiệp đã gắn bó với ông trong những năm tháng thời kỳ đầu ông tham gia điện ảnh cách mạng như cố đạo diễn – NSƯT Khương Mễ, đạo diễn – NSND Huy Thành, NSND Thế Anh,…
Bước ngoặt cuộc đời
Đóng phim ở miền Nam từ trước năm 1975 nhưng nghệ sĩ Lý Huỳnh thực sự trở thành nghệ sĩ diễn xuất từ những vai diễn của điện ảnh cách mạng. Ông luôn nói rằng mình mang ơn điện ảnh cách mạng, mang ơn những người làm điện ảnh cách mạng như cố đạo diễn Khương Mễ, cố đạo diễn – NSND Hải Ninh, cố đạo diễn – NSND Hồng Sến, NSND Huy Thành… đã cho ông cơ hội đổi thay số phận. Nếu những vai diễn trong những bộ phim trước năm 1975 ở miền Nam chỉ phô diễn tài năng võ thuật thì những vai diễn của điện ảnh cách mạng đã dạy cho ông biết hóa thân vào những số phận nhân vật làm nên những hình tượng nghệ thuật để đời.
Ông không ngờ được rằng một nghệ sĩ của chế độ cũ như ông được mời đóng phim cách mạng chỉ chưa đầy một năm sau ngày miền Nam được giải phóng. Dù không liên quan đến chính quyền Sài Gòn nhưng ông vẫn mang tiếng là cận vệ vòng ngoài của tướng Nguyễn Cao Kỳ nên khi được các anh ở Hãng phim Giải Phóng lúc đó, như đạo diễn Khương Mễ mời tham gia diễn xuất trong phim cách mạng quả là vinh dự lớn lao đối với ông. Vai đại tá Hoàng – sĩ quan quân đội Sài Gòn trong phim Cô Nhíp, thực hiện năm 1976 – là cánh cửa mở ra cho ông bước chân dài hơn vào điện ảnh cách mạng trong những năm sau đó. Sinh thời, đạo diễn Khương Mễ nói ông chọn Lý Huỳnh cho vai đại tá Hoàng trong phim Cô Nhíp vì ông thấy được ở con người này tài năng diễn xuất tiềm ẩn, nhất là khả năng lột tả được phong thái, tính cách nhân vật phản diện đang rất cần cho những bộ phim đề tài chiến tranh cách mạng lúc đó.
NSND Lý Huỳnh trong vai đại úy Long của phim Mùa gi ó chướng. Ảnh: Tư liệu gia đình
Năng khiếu diễn xuất bẩm sinh như được khai phá, nghệ sĩ Lý Huỳnh nhanh chóng chinh phục các đạo diễn của điện ảnh cách mạng lúc bấy giờ. Một loạt vai phản diện sĩ quan cấp tá, tướng của chế độ Sài Gòn trong những phim đề tài chiến tranh cách mạng được giao cho ông như chuẩn tướng Bách (phim Đứa con bị từ chối), Long “râu” (phim Con mèo nhung), thiếu tá Y Vế (phim Ngọn lửa Krông Jung), đại úy Long (phim Mùa gió chướng), đặc biệt là vai trung úy Xăm gian ác (phim Hòn đất). Vai diễn nào ông cũng lột tả chân thực nhân vật. Trong nhiều vai phản diện ông đã hóa thân, có không ít vai đã giúp ông giành huy chương bạc tại các kỳ liên hoan phim Việt Nam thời đó như đại tá Hoàng (Cô Nhíp), Đinh “Ba búa” (Mối tình đầu), đại úy Long (Mùa gió chướng), trung úy Xăm (Hòn đất),…
Không để bị đóng đinh trong những vai phản diện, nghệ sĩ Lý Huỳnh muốn chứng tỏ khả năng diễn xuất đa dạng của mình bằng nhiều loại vai nên ông xin đạo diễn Hồng Sến cho mình được sắm vai một nhân vật khác với những gì khán giả đã thấy. Lão nông tri điền Hai Lúa trong phimVùng gió xoáy là một thử thách khắc nghiệt mà đạo diễn – NSND Hồng Sến dành cho ông lúc ấy.
NSND Lý Huỳnh nhớ lại để diễn được vai diễn này, ông phải lặn lội về vùng quê miền Tây hàng tháng trời, sống với nông dân, làm quen với cuộc sống nông thôn, tập làm công việc đồng áng, học cách sinh hoạt, học lời ăn tiếng nói của họ để trở thành một Hai Lúa thực thụ. Không phụ lòng tin cậy của đạo diễn Hồng Sến, diễn viên Lý Huỳnh đã có vai diễn chính diện đầu tiên làm nức lòng người hâm mộ điện ảnh, đoạt giải Bông sen vàng Diễn viên xuất sắc nhất Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ VI. Hình tượng Hai Lúa của Lý Huỳnh đã in sâu trong đời sống xã hội và cái tên Hai Lúa trở thành danh từ cửa miệng của mọi người để chỉ người nông dân chân chất, thật thà nhưng bộc trực, thẳng thắn vùng quê Nam Bộ. Sau Hai Lúa, nghệ sĩ Lý Huỳnh còn có thêm vai diễn chính diện rất ấn tượng nữa là ông Hai Cũ trong bộ phim Hai Cũ cũng do đạo diễn – NSND Hồng Sến thực hiện.
NSND Lý Huỳnh nói trong số hơn 50 phim đã đóng, ông thích nhất 4 vai diễn là ông trùm “Ba búa” trong phim Mối tình đầu (đạo diễn Hải Ninh), ông Hai Cũ, đại úy Long và đặc biệt là Hai Lúa.
Chính những nghệ sĩ tài năng và đức độ của nền điện ảnh cách mạng những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất đã đưa ông đến với màn bạc. Họ đã nhận ra, trân trọng năng lực đặc biệt của ông, chắp cánh cho những đam mê, tâm huyết của ông bay cao, bay xa, truyền thụ kinh nghiệm diễn xuất để ông có được một sự nghiệp điện ảnh huy hoàng như ngày hôm nay.
Điện ảnh là lẽ sống
Khi điện ảnh Việt Nam thời bao cấp bắt đầu gặp khó khăn, ông là nghệ sĩ đầu tiên đầu tư vốn làm phim. Những bộ phim mang thương hiệu nghệ sĩ Lý Huỳnh như Lửa cháy thành Đại La, Thăng Long đệ nhất kiếm, Phạm Công – Cúc Hoa, Nước mắt học trò đã tạo nên cơn sốt vé của phim Việt Nam thời kỳ đầu bước vào kinh tế thị trường. Ông trở thành con chim đầu đàn của lực lượng làm phim tư nhân những năm thập niên 1990. Không dừng lại ở đó, khát vọng làm phim hợp tác để vươn ra thế giới cháy bỏng trong ông. Thông qua những mối quan hệ thân tình trong thế giới điện ảnh Hoa ngữ, ông đã thực hiện được nhiều phim hợp tác với điện ảnh Hong Kong, Đài Loan, như Hồng hải tặc, Kế hoạch 99 – Lưới trời lồng lộng,… mang đến cho điện ảnh Việt làn gió mới, cho khán giả điện ảnh những kỳ vọng mới.
Video đang HOT
Lý Huỳnh với vai ông Hai Cũ trong phim cùng tên. Ảnh: Tư liệu gia đình
Có người bảo nếu không làm phim, nghệ sĩ Lý Huỳnh không biết làm gì. Quả đúng như vậy! Cả đời ông chỉ đau đáu niềm đam mê làm phim. Lấy điện ảnh làm lẽ sống của đời mình, luôn tâm niệm cống hiến hết sức lực và tâm huyết của mình vì nó.
Làm phim về lịch sử nước nhà, thể hiện hình ảnh các vị anh hùng trong lịch sử dân tộc là điều thôi thúc ông. “Lịch sử nước mình có những nhân vật lẫy lừng không thua kém gì thế giới. Trong khi nhiều nước có những siêu phẩm điện ảnh hoành tráng về những nhân vật anh hùng của dân tộc họ, chiếu khắp nơi; ở Việt Nam, những người làm nghề như mình phải ngậm ngùi ngồi xem phim lịch sử nước họ. Tôi muốn làm phim về các vị anh hùng của dân tộc: Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Bùi Thị Xuân, Quang Trung – Nguyễn Huệ. Mơ ước có thể làm được những bộ phim như Đại chiến Xích Bích” – NSND Lý Huỳnh nói.
Vì vậy, dù trong điều kiện khó khăn về vốn, phương tiện làm phim lịch sử cổ trang và khả năng doanh thu phát hành lúc đó không cao nhưng ông cũng đóng góp cho dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long bộ phim Tây Sơn hào kiệt về vị anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung – Nguyễn Huệ đánh tan quân Thanh xâm lược, giải phóng Thăng Long bằng tiền túi 12 tỷ đồng.
Cuộc đời nghệ thuật của NSND Lý Huỳnh đã cống hiến công sức trong gần 60 bộ phim, cả vai trò diễn viên và đạo diễn mà vai diễn nào cũng để lại những dấu ấn khó phai trong lòng khán giả. Những năm gần đây, tình trạng sức khỏe của ông có kém đi, do phải điều trị bệnh đái tháo đường, suy thận, suy tim. Dù mỗi tuần phải chạy thận nhân tạo vài lần nhưng với ông, tình hình sức khỏe không làm cho tinh thần sống lạc quan của ông vơi đi. Ông vẫn ước mong mình được sống lâu hơn để tiếp tục đóng góp cho điện ảnh nước nhà, làm tiếp những bộ phim lịch sử mà mình tâm huyết.
“Chiếc bóng” bên đời
Sau mỗi thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ. Sự nghiệp điện ảnh của NSND Lý Huỳnh được huy hoàng như hôm nay là có công lớn của người vợ. Người trong giới điện ảnh không ai không biết đến tài tháo vát, tính đảm đang, chu toàn, hết lòng vì sự nghiệp của chồng, con như bà Lan – vợ NSND Lý Huỳnh, mẹ của nghệ sĩ Lý Hùng. Những năm tháng ông theo đuổi đam mê điện ảnh là những lúc gia đình vẫn trong cảnh khó khăn. Một mình bà Lan làm đủ mọi công việc nhà, buôn bán tảo tần để kiếm tiền nuôi con ăn học và lo cho chồng đi đóng phim. Có những chuyến đi hàng tháng trời, tận những vùng đất xa xôi, bà lại cơm đùm gạo bới cho chồng và cho cả những anh em có gia cảnh khó khăn trong đoàn làm phim. Nhờ vậy, nghệ sĩ Lý Huỳnh yên tâm không phải lo lắng gì, chỉ biết sống hết mình với các vai diễn.
Là diễn viên nổi tiếng, đẹp trai nên nghệ sĩ Lý Huỳnh cũng là thần tượng của rất nhiều cô gái. Không ít người gièm pha, chỉ điểm nhưng bà Lan vẫn không làm điều gì để chồng mất danh dự. Nghệ sĩ Lý Huỳnh thấy được tấm lòng của vợ nên không làm gì tổn hại đến hạnh phúc gia đình. Bà Lan tâm sự rằng chồng mình là nghệ sĩ nên mình cần phải biết cách xử sự khéo léo để không làm tổn hại danh dự của chồng. Nếu vì những ghen tuông ích kỷ mà khiến “chuyện bé xé ra to” thì liệu sự nghiệp của chồng mình có được như hôm nay.
Theo Ngô Thu/ Người Lao Động
Leonardo DiCaprio: các vai diễn hay nhất và dở nhất
Có trong tay 26 vai diễn, sáu đề cử Oscar, Leonardo DiCaprio sau 25 năm hoạt động nghệ thuật là ngôi sao quyền lực nhất Hollywood hiện nay.
Các tờ báo lớn của Mỹ như Rolling Stone, IndieWire vừa đưa ra danh sách những vai chính đáng nhớ và đáng quên của tài tử 46 tuổi này.
Nhìn lại những nhân vật xuyên thời gian trong sự nghiệp Leonardo DiCaprio - Ảnh: GQ
Từ tỷ phú mị tình...
Tiểu thuyết Đại gia Gatsby in sâu trong trí tưởng tượng của nhiều người, đến độ trang ReelTalk nhận xét tiêu cực rằng Leonardo không giống như hình dung số đông về một Gatsby "vĩ đại" qua bộ phim The Great Gastby.
Tuy vậy, Matt Zoller Seitz của trang web nổi tiếng Roger Ebert.com đã bình chọn đây là vai hay nhất trong sự nghiệp của Leo: "một dấu ấn điển hình, Leonardo đã tạo hiệu ứng cho toàn bộ phim".
Trên màn ảnh, nét mặt của anh chuyển từ trạng thái hờn ghen, hân hoan, đến tức giận, hạnh phúc rồi hụt hẫng, tiếc nuối... một cách hoàn hảo.
Ít ai biết từ thời trung học, Leo đã viết một bài... bình luận cá nhân sau khi đọc xong cuốn sách, thậm chí anh còn bị ám ảnh khi xem bản điện ảnh năm 1974 của tài tử Robert Redford. Những ký ức ấy giúp Leo hoàn toàn nhập vào vai gã nhà giàu đầy yếu đuối.
Gatsby "vĩ đại" cũng là vai hiếm hoi giúp Leonardo DiCaprio trở lại hình ảnh nam thần hút hồn ngày nào.
Vẻ bảnh bao hiếm hoi của Leo trên màn ảnh qua hình tượng Gatsby vĩ đại - Ảnh:Warner Bros
Một trong những vai đáng nhớ nhất ở ngưỡng 30 của Leonardo phải nhắc ngay tới Howard Hughes - nhân vật huyền thoại mà anh từng mơ một lần thử sức: "Ông là con người đa diện và vĩ đại. Một vai lớn trong sự nghiệp của bất kì nam diễn viên nào".
Đạo diễn Martin Scorsese đã biến giấc mộng ấy thành sự thật trong The Aviator và Leo không bao giờ lãng phí cơ hội để chứng tỏ tài năng của mình. Hughes của thực tế là tỉ phú Mỹ có tất cả: tiền bạc, danh vọng, những cô gái...
Tuy nhiên, ông lại mắc chứng bệnh rối loạn ám ảnh bức bách, luôn đặt mình trong tính thế phải hoàn hảo, phải xuất chúng. Hughes của Leonardo vừa điên, vừa ngông, vừa đáng thương và tạo được sự cảm thông.
Năm đó, hàng loạt tờ báo lớn nhỏ dự đoán anh sẽ giành Oscar sau một Quả cầu vàng, một đề cử BAFTA. Tuy nhiên, chiến thắng lại rơi vào tay Jamie Foxx trong vai huyền thoại nhạc RnB Ray Charles.
Điểm chung trong những vai hay nhất mà Leo có được là sự mù quáng, bảo thủ, kể cả tốt lẫn xấu.
Trong Catch me If you can, anh đóng vai cậu thanh niên 16 tuổi Frank Abagnale (nguyên mẫu thật) vì bất mãn với đơn ly dị của bố mẹ, quyết tâm "trả thù" bằng cách làm những điều chưa từng có!
Cậu giả danh Phi công của hãng hàng không Pan American World Airways, mạo nhận là Giám đốc khoa nhi tại bệnh viện Georgia, thậm chí còn là Trợ lý chánh án tại toà án tối cao bang Louisiana.
Ngoài ra Frank còn ký hơn 4 triệu USD ngân phiếu giả ở tổng cộng 50 bang nước Mỹ và 26 nước trên thế giới khi mới 19 tuổi!
Lúc sinh thời, cây bút kỳ cựu Roger Ebert khẳng định Leo quá xuất sắc, tiểu thuyết gia Stephen Hunter tin rằng tài tử đã xóa nhòa hình ảnh thần tượng bằng lối nhập vai "vô tiền khoáng hậu".
...Đến gã trung lưu mơ đổi đời
Lần trở lại màn ảnh cùng "người tình" Kate Winslet trong Revolutionary Road được xem là bước chuyển mình quan trọng của Leonardo hơn bất kì hình tượng hầm hố, dữ dằn mà anh cố gắng gầy dựng suốt một thập niên qua để khán giả, nhất là phái nữ, quên đi một Jack Dawson thư sinh thơ mộng.
Dĩ nhiên không có Jack và Titanic thì khó có Leo hôm nay, song với diễn viên thực thụ, bị nhớ hoài một vai là điều không nên.
Trong lần tái hợp, Leo và Kate không phải tăng hay giảm cân, đội tóc giả hay để râu... để cải trang, nhờ thế khán giả thấy họ trưởng thành trong vai đôi vợ chồng bức bí với cuộc sống không vừa ý từ công việc đến xã hội.
Nhận định của New York Daily News như sau: "Nếu như Kate Winslet đem đến những thảng thốt đầy rung cảm thì Leonardo với đôi mắt mỏi mệt, bờ vai rệu rã hoàn toàn chinh phục khán giả".
Tờ Rolling Stone còn nhấn mạnh: "Leo đã mang vạn lần sầu của người đàn ông thất bại" để ám chỉ thành công của vai diễn.
Mâm xôi vàng và những nỗ lực lãng phí
Trước Titanic, Leonardo đóng vai chính trong Total Eclipse nhưng vai diễn đồng tính dường như quá sức với tuổi 25 của anh ngoài nụ cười vô tư và đôi mắt long lanh.
Tiếp tục kém may mắn, hình tượng Vua Louis XIV trong The man in the iron mask hoàn toàn khiến Leo mất tự chủ. Xuất hiện trẻ trung và đỏm dáng giữa một "rừng" sao gạo cội từ Gabriel Byrnem, John Malkovich đến Gerard Depardieu, Jeremy Irons... sự yếu kém của chàng càng dễ lộ ra, khiến anh phải nhận giải Mâm xôi vàng đầu tiên.
Vận đen không từ bỏ Leo ngay cả khi anh chọn được một dự án hứa hẹn, phim phiêu lưu mạo hiểm The Beach của Danny Boyle. Vai của anh (một khách du lịch vô tình khám phá ra đảo thiên đàng) được viết hời hợt cộng với nét trẻ thơ ngô nghê, Todd McCarthy của tờ Variety chê thẳng thừng: "Vai diễn không đủ sức nặng, không có cá tính riêng, hoàn toàn thiếu thuyết phục trong mọi tình huống...". Lỗi có thể không nằm ở Leo nhưng anh vẫn ẵm thêm một đề cử Mâm xôi vàng!
Khi đã khôn ngoan hơn, "nhìn xa trông rộng" hơn, Leo đôi khi vẫn bị hớ. Anh chàng từng nhuộm tóc nâu, đeo tròng mắt vì muốn hóa thân hoàn hảo trong vai điệp viên của Body of Lies, sau khi xem The Parallax View(1974) và Three days of the Condor (1975) lấy cảm hứng. Tiếc thay, chẳng ai buồn ngó ngàng đến nỗ lực của chàng, bộ phim vì thế cũng dần trôi vào quên lãng.
Năm 2006, Leo được đề cử Oscar cho vai nam chính trong Blood diamond, nhưng nhìn lại, các nhà phê bình vẫn không cảm nổi nhân vật Danny Archer - gã quân nhân xuất ngũ có ký ức tang thương. Bộ phim không chỉ dấy lên cuộc tranh cãi xoay quanh sự kiện buôn lậu kim cương và nhập vũ khí trái phép của thế giới ngầm, mà ngữ điệu Krio của Leo cũng bị mổ xẻ, chê bai.
Theo Chu Trần Minh Đức/ Tuổi Trẻ
Vai diễn cuối cùng Có một người diễn viên già đã về hưu và sống độc thân. Mùa hạ năm ấy ông tìm về một làng vắng vẻ ở vùng núi, sống với gia đình người em là giáo viên cấp I trường làng. Mỗi buổi chiều, ông thường ra chơi nơi bãi cỏ vắng lặng ngoài thung lũng. Ở đây, chiều nào ông cũng thấy một...