NSND Hoàng Dũng: Vợ chồng nói chuyện đến 2 – 3h sáng mới ngủ
NSND Hoàng Dũng chia sẻ, dù gia đình có ít thời gian bên nhau nhưng tình cảm vợ chồng, cha con… vẫn không hề thay đổi. Thậm chí, những hôm anh về muộn, vợ chồng anh còn ngồi nói chuyện đến 2 – 3h sáng mới đi ngủ.
Nhắc đến anh, người ta thường gắn với biệt danh “nghệ sĩ 3 trong 1″, vừa làm thầy giáo, vừa làm quản lý và vừa là nghệ sĩ. Vậy thời điểm anh đón nhận tin mình nghỉ hưu, cảm giác của anh thế nào?
- Thực ra, tôi gắn bó với Nhà hát Kịch Hà Nội 40 năm. Từ khi tôi còn trẻ cho đến khi tôi về hưu chỉ duy nhất một chỗ đó. Vì thế, tôi xem Nhà hát Kịch Hà Nội như ngôi nhà thứ hai của mình. Xa “ngôi nhà” của mình thì chẳng ai vui được hết.
NSND Hoàng Dũng vẫn không tránh được cảm giác xao xuyến và hụt hẫng khi nhận quyết định nghỉ hưu. Ảnh: HD.
Vấn đề, tôi nói ở đây không phải chức vụ, quyền hành hay bổng lộc mà là chuyện tình cảm. Mặc dù, sau khi nghỉ hưu tôi vẫn hợp đồng với Nhà hát. Nếu Nhà hát cần training các bạn trẻ, cần tham gia một vở kịch nào đó… tôi vẫn sẵn lòng. Nhưng nói gì thì những công việc đó vẫn được làm trên danh nghĩa là hợp đồng. Chính điều đó khiến bản thân mình không tránh khỏi được cảm giác xao xuyến, hụt hẫng và có phần luyến tiếc.
Tuy nhiên, nghỉ hưu nhưng công việc của tôi không giảm đi. Tôi vẫn đi đóng phim, vẫn giảng dạy và thực hiện các dự án khác… Có chăng là bớt đi được phần ký kết, ra quyết định và làm các loại giấy tờ. Cảm thấy có phần nào đó thảnh thơi, đỡ áp lực hơn.
Với lại, thực tế là trước đây tôi đã chứng kiến một số anh chị về hưu nên cũng đã chuẩn bị tâm lý sẵn cho mình. Tôi thấy đấy là quy luật bình thường nên phải chấp nhận nó một cách thoải mái.
Nhiều đồng nghiệp bảo, kể cả thời anh đi làm hay bây giờ đã nghỉ hưu thì anh cũng dành rất ít thời gian cho gia đình. Đã bao giờ anh cảm thấy có lỗi với những người thân trong gia đình?
- Đúng là nhà tôi chỉ có buổi tối mới tụ tập với nhau được thôi, ban ngày các con đi học, vợ tôi có cửa hàng sửa chữa xe máy ở Phủ Doãn nên ở đấy cả ngày. Hôm nào, tôi về muộn thì ăn bữa cơm muộn hơn một chút. Và vì thời gian đi làm, gia đình bên cạnh nhau ít hơn nên khi về hưu tôi bù đắp cho gia đình nhiều hơn. Tuy nhiên, dù ít thời gian bên nhau nhưng tình cảm vẫn thế, trách nhiệm với gia đình vẫn thế. Ngày xưa, có thời điểm tôi đi làm phim vài ba tháng trong rừng, khi về mọi chuyện vẫn bình thường. Mọi người thích ứng được với điều đó kể từ khi hình thành gia đình cơ.
Anh có nghĩ, việc xa nhau dễ dẫn đến tình cảm phai nhạt nhưng cũng bớt đi được những va chạm không đáng có trong gia đình?
- Chẳng phải đâu. Lắm hôm vợ chồng tôi nói chuyện đến 2 – 3h sáng mới đi ngủ. Cứ ngồi nói hết chuyện nọ, chuyện kia… Thỉnh thoảng tôi về muộn hoặc ngủ muộn, vợ lại bật dậy nói chuyện rôm rả cả đêm.
Với lại cửa hàng của vợ mình cũng gần cơ quan nên mỗi khi rảnh rỗi mình lại qua cửa hàng cô ấy. Cái cảm giác xa cách không rõ rệt lắm. Tôi nghĩ, khi còn trẻ yêu nhau, suốt ngày kè kè còn lắm chuyện hơn chứ đừng nói vợ chồng sống với nhau nhiều năm rồi. Mình không quan niệm tình cảm là phải sát sàn sạt.
Nhưng anh có thừa nhận rằng, bản thân sống với học trò thân cận hơn những người thân trong gia đình?
Video đang HOT
Cảnh NSND Hoàng Dũng bị bắt ở cuối phim Người phán xử. Ảnh: VFC.
- Tất nhiên là cũng có phần đúng vì dạy các bạn ấy xong cùng đi quay phim, cùng đi diễn với các bạn ấy nên tình cảm gắn bó hơn. Phần lớn học trò của tôi trong các trường về sau đều làm nhân viên của tôi. Cho nên nhiều khi có sự gắn bó đấy chứ chẳng hẳn là gặp học trò nhiều hơn gia đình đâu. Các bạn ấy cũng đã có gia đình, con cái lớn hết cả rồi; còn các bạn trẻ thì không gần được vì lứa tuổi cách xa nhau quá.
Một người sống chết nghề như anh tại sao lại không định hướng cho các con theo nghề của bố?
- Ngày xưa, thằng lớn nhà tôi đóng Thư giãn rất nhiều. Cu cậu được bác Khải Hưng rất yêu quý. Từ bé, cu cậu đã đóng rất nhiều phim mà toàn những vai chính. Ví dụ như: “Bà và cháu”, “Chú dế nhỏ tội nghiệp”… Hai bố con cũng đóng với nhau được mấy phim như: “Hồi sinh”, “Quà năm mới”… Lên cấp 3, cu cậu lại không thích đóng phim nữa. Nhưng từ năm lớp 11, cu cậu vẫn là diễn viên minh họa cho các bài giảng của tất cả các cô giáo dạy Văn trong trường.
Có nhiều lần người ta mời nhưng cu cậu không thích đóng phim nữa nên đành phải thôi. Tuy nhiên, càng lớn lên, cu cậu lại càng thấu hiểu hơn. Năm nay cu cậu lại đang chuẩn bị thi vào trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh, khoa Diễn viên.
Người ta thường bảo “cha già nuôi con mọn” là rất vất vả nhưng có vẻ như anh lại ngược lại với điều đó?
- Bọn trẻ bây giờ tự lập lắm. Quan trọng là tất cả mọi chuyện đều phải có sự định hướng và sự kiểm soát. Trong gia đình, tôi cũng dành không ít thời gian cho con cái đâu, đôi khi còn bị mang tiếng là chiều con quá. Nhiều khi cũng một phần là vì mình ít thời gian dành cho con nên khi con có những đòi hỏi nho nhỏ thì đáp ứng cho con, coi như một sự bù đắp.
Trong phim “Người phán xử”, vai của anh phải thực hiện nhiều cảnh hành động với súng, dao, kiếm… Anh cảm thấy thế nào khi đóng phim với những loại vũ khí này?
- À, những loại vũ khí tôi dùng trong phim nhìn thì giống đồ thật nhưng lại không phải là vũ khí chuyên dụng của bên an ninh, quân sự… Chẳng hạn, súng thì cũng bắn bằng đạn nhựa như súng trẻ con. Thú thật là tôi cũng đã đóng nhiều phim rồi nhưng đây là đoàn làm phim có đội ngũ làm hiệu ứng khói lửa tương đối cẩn thận.
Thậm chí, trong phim có cảnh tôi gài hai quả nổ, hai băng đạn ở trong người, xong khi bị bắn thì quả nổ nổ ra, thủng áo, chảy máu… nhưng cũng không vấn đề gì. Mọi thứ đều được sắp xếp tương đối an toàn cho diễn viên. Các diễn viên được chăm sóc rất cẩn cẩn thận.
Thời điểm anh bị chảy máu dạ dày khi đang đóng phim, anh có lo lắng nhiều không?
- Thực ra tôi không biết mình bị chảy máu dạ dày. Tôi còn nhớ, đợt đó trùng vào dịp 20/11 nên lớp của Hồng Đăng có tổ chức để chúc mừng tôi. Hôm đến đó xong thấy trong người mệt mệt. Hôm sau đến bệnh viện khám thì bác sỹ bảo mình bị thiếu máu. Truyền 3 bịch máu xong tưởng sẽ lành nhưng bác sỹ vẫn bắt phải truyền tiếp. Truyền thêm 3 bịch nữa thì mới máu trong cơ thể mới lên được “một chấm tám” mà người khỏe thì phải “mười hai chấm”.
Bác sỹ bảo: “Anh không cảm thấy mệt mỏi gì à?”, tôi bảo: “Nếu mệt thì tôi đã đi khám”. Nhưng đúng là khi quay “Người phán xử”, có cái cảnh quay cuối cùng đúng là mệt thật. Hôm đó, dù đang mệt nhưng tôi vẫn phải cố đi quay cho xong. Cảnh kết là sau khi xô xát với con trai Hồng Đăng do sự hiểu lầm thì bị công an ập đến bắt. Họ mang những xe chuyên dùng để chở tù nhân, trông bên ngoài rất bình thường nhưng phải mở mấy lớp cửa mới vào được.
Những loại xe đó không lúc nào họ cũng sẵn sàng cho mình mượn bởi đó không phải là đồ chơi. Hoặc trên xe quân trang quân dụng súng thật, áo giáp thật, dò mìn thật… đó là những thứ cực kỳ khó khăn để nhờ họ giúp. Tôi hiểu được khó khăn đó nên phải cố gắng để quay cho xong cảnh cuối. Mọi người bảo tôi liều nhưng tôi cũng phải vì việc chung nữa chứ.
Cám ơn anh đã chia sẻ thông tin.
Theo Hà Tùng Long (Dân Trí)
NSND Hoàng Dũng và quãng thời gian làm nghề cay đắng nhất đời
Là sinh viên giỏi nhưng khi ra trường, NSND Hoàng Dũng chỉ nhận được những vai 'vác kiếm chạy qua vác đao chạy lại' trong khi các bạn cùng trang lứa đều có vai chính cả. NSND Hoàng Dũng bảo, đó là quãng thời gian cay đắng nhất của anh.
Vừa nhận quyết định ngày 1.1.2017 tới sẽ chính thức nghỉ hưu nhưng NSND Hoàng Dũng khẳng định vẫn tham gia hoạt động nghệ thuật cho tới khi nào không thể. Anh dành cho VietNamNet cuộc phỏng vấn riêng để chia sẻ những thành công và cả thất bại trên con đường nghệ thuật của mình.
NSND Hoàng Dũng sẽ thôi giữ vị trí Giám đốc Nhà hát Kịch HN từ 1.1.2017
Chính thức nghỉ hưu từ ngày 1.1.2017 sau nhiều năm gắn bó với sân khấu và phim ảnh. Cả chặng đường dài theo đuổi nghệ thuật, đến giờ phút này, thành công lớn nhất của anh là gì?
- Ai cũng thế, trong cuộc đời và sự nghiệp ai cũng trải qua những sự thất bại, có chút gì thành công cũng phải trải qua những thất bại đôi khi là rất đau đớn. Tôi cũng vậy, để có chút thành công như ngày hôm nay, ngoài nghị lực cũng phải có tình yêu và niềm đam mê nghệ thuật không ngừng nghỉ. Nếu chỉ nghiến răng bằng nghị lực để vượt lên mà không có tình yêu với nghệ thuật thì sự cố gắng đó tôi nghĩ nó không được nuôi dưỡng một cách lâu bền.
Tôi cũng chưa thể nói là tôi thành công nhưng có lẽ thành tích cao nhất tôi nhận được cho tới thời điểm này là danh hiệu NSND mà năm 2006 Nhà nước đã vinh danh tôi.
Tôi tự hào vì danh hiệu này bởi nó rất đặc biệt. Trước đây, NSND Trần Hoàn được phong danh hiệu NSND lúc cụ đã rất già rồi. Thời điểm đó, các đoàn nghệ thuật trực thuộc UBND TP Hà Nội chưa có một ai được phong danh hiệu NSND, tôi là người duy nhất ở thời điểm đó. Và cho tới 2 lần xét duyệt sau đó cũng chưa ai có danh hiệu này. Thêm vào đó, tôi cũng là người đạt danh hiệu cao quý này khi mà năm công tác còn khá dài.
Vinh quang là vậy, có lúc nào anh cảm thấy đau đớn ê chề với nghề chưa?
- Năm 1981, Đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang có dựng vở "Bản tình ca màu xanh". Anh Giang có dựng cho tôi một đoạn và yêu cầu tôi phải 'tố' nó lên. Tôi cứ suy nghĩ mãi, một nhân vật thâm nho như thế, nói kích bác người này người kia như vậy, một nhân vật dị như vậy mà 'tố' thì được cái lợi là hài hước, vui nhộn nhưng nó cứ sao sao, không đúng với nhân vật.
Tôi mà làm tôi làm thành 2 nhân vật nhưng mà tuổi trẻ tôi không dám cãi. Thế là tôi cứ co lại, mà lần nào co nhân vật lại là lần đó tôi bị mắng. Và thậm chí sau buổi nhận xét tại sân khấu, NSND Doãn Hoàng Giang có nói rằng: Trong một đoàn nghệ thuật nghệ thuật thì phải có vua, có em vua, không phải ai cũng làm vua đâu. Trong một đoàn nghệ thuật có người đóng vai chính, có người đóng vai phụ, phải biết lượng sức mình. Thánh có cho ăn lộc hay không mới được. Nghe đến thế, tôi buồn lắm.
NSND Hoàng Dũng -vai Bá Nhỡ trong vở 'Tiếng đàn vùng Mê Thảo'.
Tôi suy nghĩ mãi, ngày đi học tôi như là cánh chim đầu đàn. Ra trường các bạn được nhận những vai có thoại, có lớp diễn, đến nhà hát tôi luôn chỉ nhận được những vai quần chúng, vác kiếm chạy qua vác đao chạy lại, tốp ăn theo dạ dạ vâng vâng, gật gật gù gù. Tôi quyết tâm cố gắng thay đổi. Sau này khi ngồi cùng anh Giang, tôi có nhắc lại mấy câu anh nói, không rõ là anh quên hay như thế nào nhưng anh Giang cứ nói tôi "điêu". Quãng thời gian cay đắng đã đi qua nhưng tôi tin vào sự cố gắng và phải thực sự yêu nghề mới có thể thành công.
Có vai diễn nào khiến anh tiếc nuối, chưa thành công và nếu được làm lại anh sẽ làm tốt hơn?
- Không phải một vài vai diễn đâu mà tất cả những vai diễn của tôi ấy chứ. Sau đêm diễn, tôi đều nói 'giá như', giá như cho tôi làm lại, tôi làm tốt hơn vai diễn vừa diễn xong. Ít khi tôi thoả mãn với mình. Ở tuổi này rồi, quãng thời gian hoạt động nghệ thuật của tôi cũng nhiều, nghe khen cũng nhiều rồi. Có khi người ta khen thật, có người khen động viên. Nhưng tôi luôn tỉnh táo trước những lời khen ngợi.
Lúc còn trẻ, tôi cũng nhận được nhiều lời chê lắm. Tôi hiểu rằng người ta chê mình vì mình còn non. Người đi trước đương nhiên họ nhìn được cái khiếm khuyết mà mình phải phấn đấu nhiều lên mới bù lại được.
Năm 2004, sau vở diễn "Cát bụi" tôi được huy chương vàng, tôi có dùng một đạo cụ là cái bật lửa nhưng nó rất xịn. Một sinh viên có bảo rằng: Thầy ơi, sao nhân vật đó lại dùng cái bật lửa xịn thế? Và tất nhiên, lần sau tôi rút kinh nghiệm dùng những chiếc bật lửa bớt xịn hơn. Cũng có nhiều sinh viên của tôi khi dựng vở, họ cũng có ý kiến rằng: Thầy ơi, anh ơi chỗ này theo em nên làm thế này, thế kia,...Tôi cũng tiếp thu và hẹn vài hôm trả lời. Có ý kiến tôi thấy đúng và thử làm theo, nhưng cũng có ý kiến tôi phản biện lại,...
NSND Hoàng Dũng sẽ trở lại màn ảnh với vai chính trong phim 'Người phán xử' lên sóng tháng 3.2017.
Hoặc khán giả xem, họ chê, có lúc họ chê đúng, có lúc tôi cảm thấy sai. Tôi cũng phải suy nghĩ rằng, thế có nghĩa là mình vẫn chưa thành công, để họ chê sai là họ chưa hiểu mấy, tôi lại tìm cách thay đổi. Có một bạn hay xem vở diễn của tôi, mấy lần sau vở diễn bạn ấy đều khen tôi, tự nhiên mấy lần sau đó bạn ấy xem chỉ cười, không nói gì cả. Linh cảm của người nghệ sĩ thúc tôi phải hỏi bạn đó: "Mày không thích chú diễn đoạn nào, nói chú nghe xem...", kiểu kiểu thế. Tôi chủ động hỏi nếu người ta ngại chê.
Có nghĩa là tôi rất cầu toàn. Tôi không chỉ cầu toàn với bản thân tôi, tôi cầu toàn với vở diễn của mình và cầu toàn với cả diễn viên của tôi. Tôi luôn trân trọng mọi ý kiến của khán giả, học trò của mình để có vở diễn hoàn hảo.
Với tư cách là nghệ sĩ, lại làm quản lý nghệ thuật nhiều năm nay, anh thấy để nền kịch nghệ tươi sáng hơn cần thiết phải làm gì? Anh còn điều gì trăn trở khi rời cương vị Giám đốc nhà hát Kịch Hà Nội?
Tôi thấy rằng nghệ thuật chưa được quan tâm đúng mức. Nói như vậy thì lại bảo là không riêng gì nghệ thuật, các ngành khác cũng thế nhưng đúng là Nhà nước nên quan tâm tới lĩnh vực nghệ thuật nói chung.
Tôi muốn giữ thương hiệu Nhà hát Kịch Hà Nội, khán giả đến Nhà hát Kịch Hà Nội xem những vở chính kịch có chất lượng, những vở diễn đầy tình người. Tôi không muốn ăn một bát phở có nhiều rau, rau tôi nghĩ dành cho bún. Tôi muốn khán giả biết tới Nhà hát Kịch Hà Nội như biết tới món phở Bắc. Và tôi muốn giữ Nhà hát kịch Hà Nội như người ta vẫn đang giữ nét tinh tuý của phở Bắc.
Nhưng người kế nhiệm của anh, NSND Trung Hiếu được đánh giá là người đa zi năng, kiểu 'nhạc nào cũng nhảy', hài kịch, chính kịch,... anh ấy đều tham gia hết, khác hẳn anh 'cố thủ' với chính kịch từ đầu tới giờ. Anh có lo Tung Hiếu sẽ không giữ được chất của Nhà hát như anh mong muốn?
- Tôi không nghĩ Hiếu sẽ làm vậy. Hiếu có thể làm nhiều thứ bên ngoài, cũng là để mưu sinh thôi chứ còn Nhà hát tôi biết, Hiếu là người thận trọng. Tôi tin Hiếu sẽ giữ vững được tôn chỉ của Nhà hát.
Cảm ơn anh về những chia sẻ!
Theo Tình Lê (Vietnamnet)
'Hồng Đăng, Việt Anh đang bị màn ảnh phía Bắc tận dụng' NSND Hoàng Dũng cho biết anh thường xuyên góp ý về cách làm nghề cho thế hệ diễn viên trẻ như Hồng Đăng, Việt Anh, thậm chí không ngại sử dụng những lời gay gắt. Đầu năm 2017, NSND Hoàng Dũng - người được mệnh danh là "con dao pha" của nền kịch nghệ đương đại nhận quyết định nghỉ hưu, thôi giữ...