NSND Đào Bá Sơn: “ông Tây” khét tiếng của màn ảnh Việt nặng lòng với Hà Nội
Chuyên đóng những vai ngoại quốc giàu sang, quyền cao chức trọng thế nhưng NSND Đào Bá Sơn lại có cuộc sống ngoài đời bình dị và luôn nặng lòng với Hà Nội.
NSND Đào Bá Sơn là một nghệ sĩ hoạt động bền bỉ của điện ảnh Việt. Tính đến nay, ông đã có 37 năm làm diễn viên và đã có 24 năm làm nghề đạo diễn. Trong suốt sự nghiệp của mình ông đã để lại 80 bộ phim truyện nhựa cùng hàng trăm tập phim video và phim truyện.
NSND Đào Bá Sơn sinh năm 1952 và gắn bó với Hà Nội tròn 31 năm trước khi chuyển vào sống hẳn tại TP Hồ Chí Minh từ năm 1983. Hễ có dịp ra Hà Nội, ông thường lấy cớ lưu lại lâu hơn. Ngồi nhâm nhi vài cốc bia hơi với những người bạn chí cốt, ông luôn miệng thủ thỉ: “Tao luôn đói Hà Nội nên thường phải ra để nạp rồi bước tiếp”.
NSND Đào Bá Sơn vào vai Tây.
Chiều cao gần 1,8 m, vẻ sung sức toát ra từ Đào Bá Sơn cho người đối diện cảm giác tuổi tác khó nỡ xồng xộc đến với anh. Thế nên, cứ thấy anh là khán giả lại nhớ đến những vai Tây trên màn ảnh, mặc dù anh sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, mang quốc tịch Việt Nam.
Khi mới bước vào nghề diễn viên, Đào Bá Sơn thường được giao cho những vai sĩ quan của Mỹ, Pháp như: vai trung úy Smith trong Chom và Sa hay vai thiếu tá Jean trong Tự thú trước bình minh của đạo diễn Phạm Kỳ Nam, vai đại úy Snaider trong phim Tình không biên giới, vai người cựu chiến binh Mỹ Rizt trong Pho tượng Lastmy của đạo diễn Nguyễn Văn Thông. Ngoài những vai diễn sĩ quan quân đội, Đào Bá Sơn còn gây ấn tượng với nhiều vai chính khác, như vai Nam trong phim Hãy tha thứ cho em, vai giám đốc Tư Lê trong phim Lưới trời…
Mặc dù đã “rất sợ” những vai Tây trên màn ảnh, nhưng Đào Bá Sơn lại có cái tính cả nể. Cứ bạn bè mời là ông lại “tặc lưỡi” nhận lời. Duy nhất một lần, dù cho trợ lý thuyết phục cỡ nào, anh chỉ cười và chìa ra một mảnh giấy với nội dung như sau: “Đây là tên của hai diễn viên có khả năng đóng vai Tây tốt y như tôi. Lý do tôi vắng mặt trong phim này là lịch quay trùng với thời điểm diễn ra… World Cup. Cuộc tranh tài này 4 năm mới diễn ra một lần, nên vì tình yêu với trái bóng tròn, tôi xin được làm cổ động viên thường, chứ không thể nào làm Tây trong thời điểm này”.
Trong vai trò là một đạo diễn, Đào Bá Sơn đã gặt hái được rất nhiều thành công với 16 giải thưởng quốc gia trong đó có 3 giải Đạo diễn xuất sắc. Nhiều bộ phim của ông được tham dự nhiều Liên hoan phim quốc tế như: Biệt ly trắng, Madam Dung, Đám mây không dừng lại, Người tìm vàng, Long thành cầm giả ca. Bộ phim được đánh giá cao nhất trong sự nghiệp đạo diễn của Đào Bá Sơn đó chính là Long thành cầm giả ca đoạt giải Cánh diều Vàng 2010, với nội dung là bối cảnh cuối thời Lê, đầu thời nhà Nguyễn.
Vùi mình vào công việc để quên đi nỗi buồn
Video đang HOT
Là người vốn kín tiếng nên chuyện đời tư của NSND Đào Bá Sơn có khá ít thông tin, trong một lần chia sẻ với báo chí khi nhắc đến chuyện riêng tư, ông trải lòng: “Tôi cũng giống như những người đàn ông khác, cũng có gánh nặng của mình. Lúc trước, tôi có một gia đình rất hạnh phúc”… Bỗng dưng ông khẽ nhắc một câu hát của Trịnh Công Sơn: “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ…”. Có những người phụ nữ yêu Bá Sơn nhưng không đủ sức để thông cảm, không đủ bao dung với người đàn ông dư dả nội lực bên trong như những đợt sóng ngầm khó kiểm soát. Anh cứ bươn bả đi theo những bộ phim, có thời gian ngủ với đạo diễn Hồng Sến nhiều hơn ngủ với vợ, tiền bạc mang về lại không nhiều, mà con cái những 3 đứa… Cảm giác mình không làm tròn sứ mệnh của người chồng đè nặng khiến sau cuộc chia tay, anh tự khoanh vùng cho mình chỉ “trong giới hạn yêu” thôi.
Sau những đau buồn của cuộc sống riêng tư, Đào Bá Sơn lại vùi mình vào công việc để quên đi nỗi buồn.
NSND Đào Bá Sơn trên trường quay.
Ngoài việc diễn xuất và đạo diễn, Đào Bá Sơn còn tham gia giảng dạy tại khoa đạo diễn trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh. Đào Bá Sơn luôn xem sinh viên như những đồng nghiệp của mình và hoàn toàn không có khoảng cách thầy trò, chỉ tựu trung lại là niềm đam mê nghệ thuật. “Mong sao Việt Nam càng ngày càng có nhiều phim hay, có hồn mang tinh thần Việt” – ông thường trăn trở mỗi khi nói chuyện với học trò.
Tính đến nay, ông đã có 12 năm cống hiến trong nghề giáo, đã đào tạo nên nhiều lớp thế hệ nghệ sĩ trẻ. Trong đó có một số nghệ sĩ trẻ có tên tuổi như: Thanh Sơn đoạt giải Cánh diều vàng năm 2005, Nguyễn Văn Tuấn đoạt giải Cánh diều vàng năm 2007, Hồ Thanh Tuấn đoạt giải Cánh diều vàng năm 2009, Đinh Thái Thụy đoạt giải Cánh diều bạc năm 2007…
Dù tuổi đã cao vẫn miệt mài cống hiến cho nghệ thuật
Từ năm 1973-1977, đạo diễn Đào Bá Sơn theo học lớp điện ảnh khóa 2 của Trường Điện ảnh Việt Nam. Từ năm 1978, ông về làm việc tại Xưởng Phim truyện Việt Nam. Năm 1980, ông về làm việc cho Nhà hát Kịch trung ương. Từ 1983, bắt đầu chuyển vào sinh sống tại Sài Gòn. NSND Đào Bá Sơn đã có 24 năm làm đạo diễn, 37 năm đóng phim, với gần 80 bộ phim truyện nhựa cùng hàng trăm tập video, phim truyền hình và vô số giải thưởng cao quý.
Trong một lần chia sẻ với báo chí năm 2017, NSND Đào Bá Sơn tự nhận xét về mình là đã bớt “Tây” đi một chút, mặc dù ông là người gốc Việt Nam chính hiệu. Nếu như bao người đã an nhàn, vui thú điền viên, riêng ông thời gian đang dần thu hẹp.
Một ngày có 24h nhưng hơn 12h ông miệt mài với những hoạt động, dự án điện ảnh, Đạo diễn Đào Bá Sơn chia sẻ: “Tôi quan niệm, mỗi ngày phải hoàn thành thật tốt công việc của mình. Chất lượng công việc không chỉ là thước đo của trách nhiệm, mà còn liên quan đến đạo đức, lương tâm của người làm điện ảnh”.
Nghệ sĩ nhân dân, đạo diễn Đào Bá Sơn trong không gian lưu giữ sự nghiệp hoạt động nghệ thuật điện ảnh của mình.
Trong đa số các tác phẩm điện ảnh của ông, nổi bật là hình ảnh thân phận con người yếu đuối, bơ vơ giữa cuộc đời, nhưng vẫn khát khao hướng tới chân, thiện, mỹ. Hoặc đôi khi, trong nhân vật do ông xây dựng chỉ là hình ảnh vay mượn để ông có dịp được phân trần, trải lòng.
Dẫu vậy, người nghệ sĩ tài hoa này vẫn một mực cho rằng: “Tôi chỉ là chú ong thợ chăm chỉ”. Theo ông, các tác phẩm điện ảnh không phải là nơi để trình diễn sự hiểu biết của bản thân mà làm sao để các tác phẩm đó “chạm” đến trái tim của khán giả. “Việc tôi đang làm là những công việc rất đỗi bình thường trong biết bao những cá nhân, tập thể vẫn ngày đêm, cống hiến cho sự phát triển của nền điện ảnh nước nhà”, đạo diễn Đào Bá Sơn nói.
Là “ông đỡ” mát tay của rất nhiều ngôi sao điện ảnh hiện nay, nhưng quan điểm của người đạo diễn, kiêm diễn viên này vẫn cho rằng, nền điện ảnh Việt Nam đang bước sang giai đoạn mới theo cơ chế thị trường, xã hội hóa toàn phần, thì người đạo diễn phải là người “sinh ra” ngôi sao, chứ đừng để ngôi sao “sinh ra” đạo diễn.
Đạo diễn Đào Bá Sơn chia sẻ thêm: “Tôi nghĩ điện ảnh Việt Nam đang đi theo quy luật tất nhiên. Đáng mừng là đã có những bộ phim hay, chạm tới trái tim của khán giả, mặc dù vẫn còn những bộ phim chỉ “chạm” phần “xác” nhiều hơn phần “hồn”… Nhưng tôi tin, điện ảnh Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ, mang những dấu ấn đặc trưng, bản sắc văn hóa riêng của dân tộc. Ngay cả nền điện ảnh hàng đầu của thế giới như Hollywood (Hoa Kỳ) vẫn muốn thoát khỏi những nguyên tắc làm phim công nghiệp trước đây, để mong tìm được bản sắc, lối đi mới bứt phá hơn”.
Nổi tiếng, bận rộn là thế, nhưng khi ra Thủ đô ông lại thích đi xe ôm hay cuốc bộ, thích lê la ở một góc quán vỉa hè uống bia hơi với bạn bè để hàn huyên chuyện đời, chuyện nghề, đặc biệt là chuyện của Hà Nội.
Đạo diễn Đào Bá Sơn khiêm tốn, nói: “Đơn giản chỉ là đọc sách và rong ruổi trên những con phố cổ Hà Nội. Đọc sách để bổ sung kiến thức và trở lại Hà Nội để nhớ về những câu chuyện cũ, vẫn còn vương trong trái tim tôi ít, nhiều…”.
Theo Người đưa tin
Diễn viên Puka: Mạnh mẽ hơn từ biến cố gia đình
Tham gia khá nhiều vai diễn từ sân khấu đến phim ảnh nhưng phải đến khi đảm nhận vai cô em chồng đanh đá, lẳng lơ trong bộ phim truyền hình "Gạo nếp gạo tẻ", nữ diễn viên Puka mới nhận được nhiều sự chú ý của khán giả. Để có được sự thành công trong nghề diễn, cô đã phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều từ công việc đến cuộc sống.
Puka, SN 1990, tại Đồng Tháp, có tên thật là Nguyễn Kiều Cẩm Thơ. Vì quá yêu thích búp bê Puka nên cô đã lấy nghệ danh Puka khi làm nghệ thuật. Cô là con gái út trong một gia đình có điều kiện nên được ba mẹ yêu chiều hết mực. Tốt nghiệp THPT, cô thi vào Học viện Hàng không nhưng không đỗ nên quyết định lên TP HCM theo đuổi nghề diễn viên. Puka chia sẻ từ nhỏ đến lớn, cô rất thích sân khấu, đặc biệt thần tượng NSƯT Kim Xuân và diễn viên Như Phúc.
Biết đến một khóa đào tạo diễn viên, Puka quyết định đăng ký tham gia. Cô may mắn được học những người thầy giỏi như đạo diễn Đào Bá Sơn, NSƯT Công Ninh, nghệ sĩ Minh Nhí,... Mong muốn được học chuyên ngành diễn xuất bài bản, Puka thi vào trường ĐH Sân khấu điện ảnh TP HCM và chính thức trở thành sinh viên của ngôi trường này. Được bố mẹ động viên về tinh thần, tạo điều kiện về vật chất để ăn học nên Puka gặp nhiều thuận lợi trong quá trình học tập, sinh sống tại TP phồn hoa. Cô bảo khi ấy, bản thân không khác gì một nàng công chúa được bố mẹ cưng chiều, thích gì được nấy.
Nữ diễn viên Puka ngoài đời. Ảnh: NVCC
Tuy nhiên, biến cố gia đình ập đến khi bố của Puka bị lừa trong làm ăn, dẫn đến kinh tế bị phá sản. Từ một gia đình có của ăn của để, bố mẹ của Puka phải trở về quê sinh sống. Puka cũng phải bươn chải giữa vô số khó khăn để bám trụ lại TP tiếp tục theo đuổi giấc mơ trở thành diễn viên. Vì không có tiền thuê nhà như trước, Puka phải đi ở nhờ nhà bạn bè, tuần này ở nhờ người này, tuần sau ở nhờ người khác, cứ thế quay vòng.
Rồi Puka được một người bạn thân thiết, là một diễn viên quần chúng cho về ở nhờ suốt 3 năm. Thấy ngại với bạn nên cô trả tiền trọ cho bạn nhưng tháng có, tháng không. Cảm động trước tấm chân tình của bạn, Puka coi gia đình của người bạn này như gia đình thứ hai của mình. Mẹ cô vì lo lắng cho con gái sống một mình nơi TP đắt đỏ, lại vụng về nên ra sức khuyên Puka về quê, còn ba thì bảo Puka tự quyết định cuộc sống của mình. Dù rất lo lắng cho con gái nhưng ba muốn Puka được theo đuổi những gì mình thích. Thỉnh thoảng, ba nhắn tin xin lỗi Puka vì không lo được cho cô con gái út đủ đầy như trước. Đọc những dòng tin nhắn của ba, Puka bật khóc và tự dặn lòng mình phải luôn cố gắng để trưởng thành, cũng là để ba mẹ bớt vất vả và có thể tự hào về cô.
Thấy gia đình Puka khó khăn, cô lại là cô gái xinh đẹp nên nhiều người bảo Puka nên lấy chồng có điều kiện để có tiền giúp đỡ gia đình, cô cũng có cuộc sống đỡ vất vả hơn. Nhưng cô từ chối bởi gia đình có khó khăn như thế nào thì cô cũng không muốn đánh đổi hạnh phúc của mình bằng việc lấy một người chồng giàu có nhưng không có tình yêu. Cô tin rằng bố mẹ mình cũng không muốn điều đó. Đó là lý do suốt những năm tháng theo đuổi nghề diễn, nhận được nhiều lời mời chào để đổi đời nhưng Puka vẫn một mực từ chối và quyết đi lên bằng chính thực lực của mình.
Trở lại với nghề diễn, cô bắt đầu chạm ngõ sân khấu bằng một vai diễn nhỏ trong vở diễn "Họa hồn", rồi nhanh chóng trở thành gương mặt quen thuộc với nhiều khán giả tại sân khấu Thế giới Trẻ. Cô tham gia nhiều tác phẩm như: Đời như ý, Thần tiên cũng nổi điên, Hợp đồng yêu đương, Chuyện tình Bangkok, Mỹ nam đại chiến Dreams boys... Puka ghi dấu ấn với khán giả bởi ngoại hình xinh đẹp, cách diễn tự tin, tung tẩy. Dù nhận vai diễn ở dạng nào, nét diễn của Puka cũng thể hiện cá tính rất riêng. Tuy nhiên để bứt phá thành công nhất thì phải kể đến vai Trinh - cô em chồng đanh đá, lẳng lơ trong phim truyền hình về gia đình "Gạo nếp gạo tẻ" của cô. Đây là nhân vật đáng ghét trong suốt gần 2/3 bộ phim vì tính cách ngang ngược, thực dụng. Nhưng càng về sau, nhân vật của cô càng nhận được nhiều tình cảm của khán giả khi yêu chân thành và nghiêm túc.
Chia sẻ về những kỉ niệm trong quá trình làm phim, Puka cho biết: "Bộ phim được quay trong hai năm rưỡi có rất nhiều kỉ niệm. Đáng nhớ nhất là lần đầu tiên Puka được quay dưới trời mưa. Thường trong phim nếu muốn mưa là phải tạo giả mưa. Khi phân đoạn hai mẹ con Puka bị đuổi ra khỏi nhà, trong kịch bản không có mưa, nhưng do quay ngay mùa mưa năm trước nên lúc đó trời cứ mưa suốt. Bắt buộc đạo diễn cho hai mẹ con mặc áo mưa ra công viên quay dưới mưa cho kịp tiến độ phim. Vậy là lần đầu được ngồi dưới mưa tự nhiên và mặc áo mưa ngồi diễn cảm giác cũng rất là thú vị".
Diễn xuất của Puka trong phim này được khán giả đánh giá cao khi có biểu cảm gương mặt linh hoạt, đài từ tốt, giọng thoại tự nhiên, hợp với tính cách của nhân vật. Nhờ đó, vai diễn này giúp Puka đến gần hơn với khán giả, cô cũng có nhiều fan hâm mộ hơn. Hiện tại Puka tham gia bộ phim "Cô Thắm về làng" phần 4 cho dịp Tết năm nay và tham gia hai bộ phim điện ảnh mới. Tuy nhiên, so với phim ảnh thì sân khấu vẫn là môi trường Puka thích làm việc hơn cả. Cho dù một tuần có vài suất diễn, cát-sê cũng không quá nhiều nhặn nhưng mỗi lần được đứng trên sân khấu diễn, Puka như được truyền thêm sức mạnh để ngày càng yêu và thăng hoa hơn với nghề.
Bên cạnh diễn xuất, hiện tại, Puka tham gia khá nhiều chương trình truyền hình. Hiện tại cô đang hẹn hò với Diệp Tiên - đạo diễn của nhiều gameshow truyền hình như Cười xuyên Việt, Điệp vụ đối đầu. Trong mắt Puka, bạn trai là người hiền lành và luôn quan tâm, lo lắng cho cô. Mặc dù có bạn trai là đạo diễn nhưng khi tham gia các chương trình mà anh là đạo diễn, Puka luôn bảo bạn trai để mình tự làm tất cả để tránh những lời dị nghị cho rằng cô được "thiên vị" nhờ bạn trai là đạo diễn.
Với tài năng và ý chí kiên định, nghiêm túc trong công việc, Puka được bạn bè, đồng nghiệp đánh giá cao. Nữ diễn viên cho biết biến cố của gia đình đã cướp đi của cô nhiều thứ nhưng chính nó đã giúp cô trưởng thành hơn rất nhiều trong cả công việc và cuộc sống. Cô cũng nhận ra những giá trị tình cảm thiêng liêng của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Và dù cuộc sống hiện tại hay sau này có gặp phải những sóng gió đi nữa thì cô sẽ vẫn luôn vững vàng để sống tốt và say nghề một cách trọn vẹn.
Theo phapluatxahoi.vn
"Thị Nở" Đức Lưu và loạt nghệ sĩ Việt rơi nước mắt tiễn biệt "Chí Phèo" Bùi Cường Lễ viếng NSƯT Bùi Cường đã diễn ra vào ngày 7/8 (26/6 Âm Lịch) tại Nhà tang lễ Bộ quốc phòng số 5 Trần Thánh Tông. Hà Nội. Sáng 3/8, NSƯT Bùi Cường đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 73 sau khi chống chọi với cơn tai biến. Thông tin Chí Phèo của "Làng Vũ Đại ngày ấy" đột ngột qua...