NSND Bùi Bài Bình: 30 năm gắn bó với nghiệp diễn, có tất cả là nhờ vợ
Với lối diễn tự nhiên, không phải gồng mình, dù ở dạng vai nào, Bùi Bài Bình có tạo ra được màu sắc riêng, chất diễn riêng của mình.
Không vì mác “nghệ sĩ nhân dân” mà chủ quan
Gần đây, cứ phim do Trịnh Lê Phong đạo diễn thì có NSND Bùi Bài Bình tham gia, đó tưởng như là câu chuyện ngẫu nhiên nhưng là kết quả của một tình bạn nghệ sĩ. Từ phim Chiều ngang qua phố cũ, giờ đến Cô gái nhà người ta, sự góp mặt của diễn viên Bùi Bài Bình trong những vai diễn dung dị, đời thường đã góp phần làm nên thành công của bộ phim.
Ông cười giải thích: “Chúng tôi là bạn của nhau, nhưng đó không phải là lí do chính tôi tham gia phim của Trịnh Lê Phong. Tôi nhận phim vì kịch bản và vai diễn phù hợp. Và cũng vì mấy năm gần đây tôi quay trở lại đóng phim truyền hình nhiều hơn”.
NSND Bùi Bài Bình vào vai người cha chân chất trong “Cô gái nhà người ta”.
Trong vai ông Tiền – chủ trại gà, một người dân nông thôn chăm chỉ, vất vả sớm hôm với ruộng vườn, chăn nuôi trong phim Cô gái nhà người ta, Bùi Bài Bình đã cho thấy một hình ảnh thân thuộc từ dáng đi, cách ngồi, điệu bộ nói chuyện.
Nhiều khán giả bày tỏ sự thích thú với hình ảnh ông Tiền ngồi đan rổ, mái tóc rối xù xì, cái áo sờn bẩn, đôi bàn tay cáu bẩn, gân guốc và vẻ mặt nhăn nhúm.
Khi là ông bố của Khoa, nhân vật của Bùi Bài Bình khiến khán giả liên tưởng đến những người cha người mẹ ở Việt Nam, nghiêm với con bằng lời mắng chửi, roi vọt nhưng lại thương con hết mực, bao dung với những lỗi lầm của con.
Là hàng nghệ sĩ gạo cội trong đoàn làm phim Cô gái nhà người ta, nhưng NSND Bùi Bài Bình luôn giữ sự nghiêm túc, chỉn chu sẵn có của mình trong những ngày trên phim trường.
Chưa bao giờ ông nghĩ mình là nghệ sĩ lâu năm, là “nghệ sĩ nhân dân” rồi để chủ quan, lơ là. Ngược lại, ông vẫn chăm chỉ học hỏi hàng ngày, lúc nào cũng là người học thuộc lời thoại, chỉn chu, không ngừng sáng tạo và kiên trì trong diễn xuất.
Nói về lớp diễn viên trẻ kế cận, ông bày tỏ niềm vui và sự yên tâm khi nhìn thấy họ theo đuổi nghề diễn một cách nghiêm chỉnh, có cách nhìn hiện đại và luôn trau dồi nghiệp vụ diễn xuất.
“Đặc biệt, hai diễn viên chính Đình Tú và Phương Oanh- những người đã từng cộng tác với tôi ở cả hai bộ phim Lặng yên dưới vực sâu và Cô gái nhà người ta, ngoài năng khiếu diễn xuất thì họ đều rất chịu khó học hỏi, tìm tòi lối diễn riêng, xây dựng cho nhân vật hay hơn, tốt hơn”, ông nhận xét.
Học nghề lúc… đi uống bia
Tưởng là “đóng đinh” với những vai hiền lành, chân chất nhưng thực ra Bùi Bài Bình có thể “tả xung hữu đột” với đủ các dạng vai. Từ tử tế đến đểu giả, từ người có văn hóa đến vô văn hóa.
Đó có thể là Hòa “hâm” ngu ngơ nhưng ám ảnh người xem trong Mùa ổi, Tòng trong Ma làng, Khuếnh trong Gió làng Kình vô cùng nham hiểm, đểu giả. Vai ông Hà trong Chiều ngang qua phố cũ lại là kiểu người nhu nhược.
Đặc biệt, NSND Bùi Bài Bình từng vào vai lãnh tụ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phim điện ảnh Nhà tiên tri. Ông hé lộ, năm nay, sẽ có thêm một vai diễn nữa trong dự án điện ảnh sẽ ra mắt. Đó tiếp tục là một hình ảnh mới mẻ, giúp ông phát huy khả năng diễn xuất của mình.
Bùi Bài Bình luôn xem cuộc sống là ngôi trường lớn nhất để học nghề.
Bùi Bài Bình quan niệm cuộc sống là ngôi trường lớn nhất để học nghề. Chính đời sống này đã là một nguồn tư liệu cho người diễn viên có thể sống với tất cả nhân vật mà màn ảnh cần, khán giả cần. Phim ảnh không phải là cái gì cao xa, cứ đời và thật là được.
Thế nên khi ra đường, hay khi uống bia, đi nhậu, thỉnh thoảng lại thấy ông im lặng chăm chú quan sát. Ấy là ông đang “soi” những cử chỉ, dáng điệu, cách nói năng, đi đứng của mọi người, đặc biệt là những hành động phản cảm như một cách thu nhận thực tế cho một nhân vật nào đó trong tương lai của mình.
Có lần, ông nhìn thấy một gã cả hàm răng đang bình thường lại có một chiếc bịt vàng, trông rất rởm đời. Sau này, đóng vai một tướng cướp, ông đã hóa trang giống hệt hình ảnh đó. Cả đoàn phim vỗ tay khen ông “thật sáng tạo”.
Nhiều diễn viên gạo cội, có kinh nghiệm diễn xuất thường đi học làm đạo diễn. Hỏi Bùi Bài Bình sao không thế, ông thủng thẳng đáp: “Tôi nghĩ rằng diễn xuất giỏi chưa chắc đã làm đạo diễn tài, vì thế tôi sẽ trung thành với nghề diễn viên.
Rảnh thì đi gặp gỡ bạn bè, đọc sách, bận thì đi đóng phim thế có hay hơn không? Bởi, tôi đã yêu nghề diễn và sống đến tầm này rồi thì cũng không muốn chuyển nghề, cho dù nghề đó cũng liên quan đến phim ảnh”.
Có tất cả là nhờ vợ
Ở tuổi trên 60, làm nghề chỉ vì yêu thích, đóng phim như là niềm vui trong cuộc sống và chỉ những vai diễn tâm đắc Bùi Bài Bình mới nhận lời.
Hơn 30 năm gắn bó với nghiệp diễn, NSND Bùi Bài Bình không vội vã kiếm tiền bằng nghề. Ông cùng vợ- NSƯT Ngọc Thu vẫn chăm chỉ làm những công việc khác kiếm thêm thu nhập.
Nhắc đến vợ, ông luôn biết ơn người bạn đời của mình, bởi bao năm qua, bà đã tần tảo chăm sóc gia đình để ông yên tâm làm nghệ thuật. Ngọc Thu là diễn viên cùng lứa với NSND Minh Châu, NSƯT Thanh Quý, Diệu Thuần…
Bà từng có vai diễn để đời chị Út Tịch trong bộ phim Mẹ vắng nhà của đạo diễn Nguyễn Khánh Dư. Nặng lòng với nghệ thuật nhưng cuộc sống mưu sinh không cho bà nhiều lựa chọn. Bà quyết định lùi lại phía sau làm hậu phương, chăm lo mái ấm nhỏ trong những ngày chồng biền biệt xa nhà theo những vai diễn.
Vợ chồng NSND Bùi Bài Bình và NSƯT Ngọc Thu.
Quán cà phê nhỏ của họ, “trộm vía”, vẫn đều đặn khách. Dường như cái duyên bán hàng của vợ cộng với sự hóm hỉnh của chồng đã khiến nhiều khách hàng muốn đến đây thưởng thức cà phê, vừa ngắm phố phường và nghe đủ chuyện vui mà Bùi Bài Bình mang về từ hậu trường các bộ phim ông đóng.
Thời trẻ, một ngày Bùi Bài Bình hút hết 2 bao thuốc. Ông mới bỏ thuốc được gần 2 năm, vì đi khám, bác sĩ bảo phổi bắt đầu bị xơ. Giờ, ông chỉ vui thú đi uống bia vỉa hè với các bạn già, đánh tá lả và hát karaoke. Ông rất tự hào về khả năng ca hát và thuộc lời của mình.
Bạn bè đều nhận xét Bùi Bài Bình là một người sống hài hòa, có phần đơn giản, không mưu cầu cái gì lớn quá, không tham lam. Nhưng ông là người luôn kiên định với con đường mình theo đuổi. Nghề diễn thì không có tuổi, ông bảo thế, còn đam mê, còn sức là còn đi, nên cứ có vai hay là ông lại lên đường cùng đoàn làm phim, không quản xa xôi, khó khăn, miễn là được làm nghề tử tế.
Theo Tiền phong
Cô Gái Nhà Người Ta: Duyên dáng, hài hước nhưng kén khách vì thiếu drama
Cô Gái Nhà Người Ta dù đã lên sóng 7 tập nhưng vẫn không nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả, vì đâu nên nỗi?
Là bộ phim nối sóng Hoa Hồng Trên Ngực Trái cũng là tác phẩm "xông đất" màn ảnh Việt năm 2020, Cô Gái Nhà Người Ta được kì vọng sẽ mang tới một khởi đầu thuận lợi cho truyền hình Việt năm nay. Tuy nhiên sau hơn một tháng lên sóng, sức lan tỏa của phim chỉ dừng lại ở mức trung bình, không ấn tượng như những tác phẩm đi trước. Khách quan mà nói đây không phải một bộ phim dở tuy nhiên nó còn chưa đủ đô để khiến khán giả phải mất ăn mất ngủ.
1. Đề tài nông thôn tưởng mới mà lại cũ
Ngay từ khi nhá hàng dự án, Cô Gái Nhà Người Ta đã khiến khán giả thích thú vì khai thác một đề tài hoàn toàn khác biệt so với những bộ phim đình đám thời gian gần đây: cuộc sống của những người trẻ tại một vùng nông thôn đang trong thời kỳ đổi mới. Trong phim, Uyên (Phương Oanh) đại diện cho nét truyền thống, cô luôn muốn gìn giữ những gì chân phương nhất của quê nhà, trong khi đó Khoa (Đình Tú) lại hiếu thắng và muốn đổi mới. Ngay từ tập đầu tiên, giữa hai người đã liên tục xảy ra tranh cãi, mâu thuẫn cũng vì thứ quan điểm khác biệt. Và Khoa với những mong ước đổi đời, thứ tư tưởng có chút lai căng đã quyết làm giàu trên chính quê hương mình bằng cách đem thứ văn hóa đô thị nửa vời về làng quê.
Phải khẳng định câu chuyện của Cô Gái Nhà Người Ta rất mới so với màu sắc chung của phim truyền hình Việt khoảng 3 năm trở lại đây. Từ ngày Sống Chung Với Mẹ Chồng gây sốt, các nhà làm phim Việt bắt đầu tập chung toàn lực cho những bộ phim tâm lý gia đình với drama mẹ chồng - nàng dâu, tiểu tam, ngoại tình. Bối cảnh chính trong loạt phim này cũng ở các thành phố, có chăng làng quê chỉ xuất hiện thoáng qua để khắc họa rõ nét hơn về số phận bi đát của nhân vật chính. Tuy nhiên nếu quay ngược về quá khứ khoảng gần 10 năm trước khi nông thôn lại là một đề tài cực thịnh hành trên màn ảnh Việt, quá nhiều bộ phim khai thác đề tài này đã tạo được tiếng vang cực kỳ lớn như Ma Làng, Bí Thư Tỉnh Ủy,... So với những bộ phim đi trước, bảy tập đầu của Cô Gái Nhà Người Ta chưa thực sự mang tới cảm giác mới mẻ, có chăng chỉ là phần hình ảnh đẹp mắt hơn.
2. Kịch bản hài hước, nhẹ nhàng nhưng lại thiếu drama
Ngay từ tập đầu tiên, Cô Gái Nhà Người Ta đã mang đến cho khán giả những tràng cười nghiêng ngả, thậm chí ngay cả đám tang của bà Hưởng hay chuyện Viễn bị ung thư cũng được lồng ghép cùng những mảng miếng hài vô cùng bá đạo. Những gương mặt như Việt Bắc, Quang Tèo, Đình Tú,... đã làm tốt vai trò tấu hài của mình, khiến Cô Gái Nhà Người Ta trở thành một bộ phim dễ xem và dễ ngấm.
Việt Bắc là cây hài của phim
Đình Tú bất ngờ trở nên duyên dáng hơn hẳn những bộ phim trước
Chuyện phim hài hước, nhẹ nhàng là một điểm cộng nhưng cũng là điểm trừ lớn nhất của phim. Sở dĩ nói vậy là bởi giữa làn sóng nhà nhà, người người làm phim drama tiểu tam, mẹ chồng nàng dâu, một bộ phim hài hước về cuộc sống làng quê bỗng trở nên lạc quẻ. Khán giả vẫn đang "đói" drama và điều đó thì Cô Gái Nhà Người Ta không đáp ứng được. Dĩ nhiên trong phim cũng có một vài tình tiết kịch tính, tiềm ẩn khá nhiều mâu thuẫn ở giai đoạn sau nhưng trong bảy tập đầu, câu chuyện diễn ra khá nhẹ nhàng và mọi thứ đều được giải quyết rất nhanh. Vẫn biết phần sau của bộ phim còn nhiều điều hấp dẫn, nhất là khi ông Tài đã dần lộ bộ mặt thật nhưng nếu cứ giữ nhịp phim như hiện tại thì phim khó lòng giữ chân khán giả đến khi drama chính thức đổ bộ.
Phe phản diện đang dần lộ diện
3. May quá dàn diễn viên hai thế hệ ai cũng duyên dáng, đáng yêu
Khách quan mà nói ngoài Phương Oanh ra thì dàn diễn viên của Cô Gái Nhà Người Ta chẳng có ai là gương mặt bảo chứng rating thời điểm hiện tại. Đình Tú đóng phim hay nhưng không hot, Việt Bắc một thời đình đám nhưng đã quá lâu không tái xuất, Quang Trọng - Hương Giang chưa thực sự được khán giả nhớ mặt, thế hệ nghệ sĩ cạo gội như Bùi Bài Bình, Quang Tèo,... đều không phải những cái tên ăn khách hiện nay. Đó là chưa kể ngay cả Phương Oanh cũng không còn giữ được sức hút như hai năm về trước. Có lẽ cũng bởi vậy mà Cô Gái Nhà Người Ta không thực sự được khán giả quan tâm.
Dĩ nhiên độ phủ sóng của diễn viên không phải thước đo năng lực của họ. Tuy không phải những gương mặt bảo chứng rating nhưng dàn diễn viên trong Cô Gái Nhà Người Ta lại là những cái tên bảo chứng về chất lượng diễn xuất. Từ chàng trai trẻ Quang Trọng - người mới tập tành đóng phim chưa được bao lâu, diễn viên tay ngang Phương Oanh đến thế hệ diễn viên cạo gội, ai cũng làm rất tốt vai trò của mình. Đặc biệt bộ ba Đình Tú - Quang Trọng - Việt Bắc quá đỗi duyên dáng và tung hứng cực kỳ nhịp nhàng.
Dàn diễn viên cạo gội có màn thể hiện miễn chê
Những gương mặt trẻ cũng làm tốt vai trò của mình
Trailer Cô Gái Nhà Người Ta
Cô Gái Nhà Người Ta lên sóng vào thứ Tư, thứ Năm hàng tuần trên kênh VTV3.
Theo trí thức trẻ
Em gái "Quỳnh Búp Bê" lộ bản chất thích "của quen", ra sức mồi chài trai của chị ở Cô Gái Nhà Người Ta tập 2 "Cô Gái Nhà Người Ta" tập 2 bật mí về mối quan hệ tay ba giữa hai chị em nhà Uyên với Cường (Trọng Lân). Tiếp nối những diễn biến cuối tập 1, Cô Gái Nhà Người Ta tập 2 mở đầu khi bộ ba Khoa (Đình Tú) - Cân (Việt Bắc) - Viễn (Quang Trọng) tiếp tục dự án homestay của mình....