NS Trung Dân cay đắng nói về sự nổi tiếng: Chỉ cần kể chuyện gây sốc câu view là các NSX bu vào thôi!
NS Trung Dân đã có những phút giây trải lòng về bộ phim kinh dị Việt đang gây sốt Bắc Kim Thang, cũng như câu chuyện buồn của người nghệ sĩ lão thành nhìn nghệ thuật nước nhà ở thời đại 4.0.
30 năm hoạt động nghệ thuật, chinh chiến trên khắp các sân khấu trong nước đến hải ngoại, NS Trung Dân không chỉ là một diễn viên gạo cội của miền Nam mà còn là tấm gương, là thần tượng của rất nhiều ngôi sao ở thời điểm hiện tại. Chúng ta đã được diễn nghĩa về bài đồng dao ứng vào nội dung bộ phim Bắc Kim Thang, về văn hoá nông nghiệp trong lối sống của những người nông dân Nam Bộ. Nhưng xuyên suốt buổi trò chuyện, chú tự nhận mình là “người mù công nghệ”, dùng điện thoại chỉ biết để nghe gọi.
Nhưng càng nghe chú trải lòng nhiều, lứa độc giả trẻ như chúng ta sẽ thấy chú còn “tân thời”, hiện đại hơn rất nhiều người trong số chúng ta. Chú ý thức được cần phải bảo vệ môi trường, về câu chuyện kiểm duyệt phim truyền hình lẫn điện ảnh, thậm chí là cách mà nghệ sĩ tạo scandal, chiêu trò như thế nào chú Trung Dân nhìn ra rất rõ. “Gừng càng già càng cay” là cụm chính xác để nói về NS Trung Dân.
Bắc Kim Thang là một bộ phim hay, sạch sẽ
Chú có cảm nhận gì sau khi xem bộ phim Bắc Kim Thang?
Đây là bộ phim tình cảm kinh dị, tiết tấu chậm, nhẹ nhàng nhưng thông điệp đưa ra lại rất rõ ràng. Đối với tôi, Bắc Kim Thang là một bộ phim hay, sạch sẽ. Xã hội bây giờ đầy rẫy sự vô cảm, có ai “kim thang” được không? Có ai làm cho dây cà, dây khoai lang, dây bí gắn kết trên cùng một dàn để kết hoa ra trái được không? Mọi người hãy thưởng thức và thẩm thấu phim, để xem mình có giống với một nhân vật nào đó trong đó.
Trong phim, ông nội suy nghĩ một cách cổ hủ rồi cũng hối hận, bà vợ cờ bạc, ông chồng cũng gái gú, thằng em thì nhậu nhẹt, nó là “tam đổ đường” mất rồi. Nhưng mặt bằng xã hội bây giờ là như vậy. Nếu với bạn, một bộ phim hấp dẫn là phải có cảnh đánh lộn, người thứ ba thì phim này không có. Nó hấp dẫn vì có thông điệp rõ ràng. Nó có thể kén khán giả nhưng biết sao được. Một mâm cơm nghệ thuật, ai thích món gì thì chọn món đó, còn cá nhân tôi, tôi đánh giá phim này là một phim tốt và những người trẻ đã làm việc một cách say mê, yêu nghề. Trong phim gần như không có ngôi sao phòng vé, không có ngôi sao của gameshow hay thậm chí là điện ảnh luôn.
Có khó khăn gì khi quay phim Bắc Kim Thang không thưa chú?
Ngày mà tôi quay cảnh chạy đò, tối về tôi nhức luôn hai cái nách vìmái chèo rất nặng, bẻ lái không khéo là có thể bị đứt chân. Rồi cái cảnh tôi vớt Thiện Tâm, nước ở đó cạn, dân mình lại không có ý thức bảo vệ sông ngòi, xác động vật rục đầy dưới đó. Vì công việc, tôi và ekip đã phải nhảy xuống sông, chấp nhận cái tanh hôi. Sẵn đây tôi nói luôn với các bạn, nguồn nước ngọt không phải vô hạn đâu, chính con người đang hủy hoại nước ngọt. Chôn một con vật xuống đất rồi rắc vôi lên, vừa làm màu cho đất, vừa không hủy hoại không khí, lại bảo vệ nguồn nước, tại sao các bạn lại không làm? Môi trường đó chính các bạn cũng là người phải hưởng. Tôi rất tiếc về những hành động vô ý thức trong bảo vệ môi trường. Truyền thông đã phản ánh nhiều rồi nhưng cần có luật pháp nghiêm minh để có tính răn đe thực sự.
Tự trọng bây giờ là thứ gì đó rất xa xỉ
Trong suốt 30 năm theo nghề, có khi nào chú cảm thấy nản lòng không?
Có, nản lòng nhất là thời điểm hiện tại. Bây giờ nghệ thuật không còn mang tính giáo dục nhiều mà nghiêng về giải trí nhiều hơn. Gần như trong xã hội này, người ta lấy nghệ thuật để che lấp đi một cái gì đó. Cụ Hồ đã từng nói rằng “Người nghệ sĩ là một chiến sĩ chiến đấu trên mặt trận tư tưởng, văn hóa”. Câu đó rất hay, những người làm dân vận người ta sử dụng cái đó làm chính trị. Phải chăng nghệ thuật bây giờ đã hết trách nhiệm của mình với cuộc sống? Có thời điểm, những bộ phim viết về chiến tranh, viết về thời kì đổi mới, mọi người coi lại nói nó khô khan. Nhưng nó đều có mục đích cả, đó là giáo dục và tuyên truyền cho xã hội này, điều đó rất rõ ràng.
Cụ thể hơn được không thưa chú?
Yếu tố giải trí nhiều đến nỗi nó khiến con người ta cảm thấy ngán ngẩm, dẫn tới những suy nghĩ sai lệch về mặt bằng văn hóa của người Việt hiện tại. Tôi không biết cơ quan kiểm duyệt của Việt Nam nơi nào là nơi cao nhất, nơi nào ra quyết định cuối cùng. Truyền hình hay điện ảnh thì đều có ban kiểm duyệt, tôi nghĩ hơn một lần nó đã xảy ra sự cố, cái sự cố đó gây bức xúc cho người dân.
Ví dụ ở một chương trình truyền hình, có cặp đôi lên kể về chuyện tình của họ, đó là một tình yêu chớp nhoáng, dắt nhau vào trong khách sạn để giải quyết vấn đề sinh lí, đêm đó hai người ngủ với nhau 7 lần và sáng hôm sau cô gái đi không nổi, họ cười ha hả và chương trình đó phát sóng vào khung giờ có cả trẻ con lẫn người lớn xem. Liệu ban kiểm duyệt và nhà sản xuất lấy gì làm tiêu chí để duyệt? Vấn đề sinh lí của con người là nhu cầu tất yếu nhưng ở góc độ nào và nơi nào, đối tượng nghe là người như thế nào mới là điều quan trọng.
Chú có cho rằng việc đó bắt nguồn từ sự ích kỉ?
Đó không phải ích kỉ mà là lố bịch. Thậm chí là cách hành xử vô văn hóa.
Chú nghĩ như thế nào về những nghệ sĩ tham gia những chương trình như vậy?
Bây giờ tất cả mọi thứ đều quy ra tiền. Người ta sẽ tìm đủ mọi lý do để bao biện cho hành động của mình. Ai trên đời cũng có thể nói tục hết, cả tôi cũng vậy. Tôi đi làm cũng nói giỡn, nói tục để không khí vui vẻ hơn, bớt stress. Nhưng nói trong một phạm vi nhỏ, phạm vi mà anh em cho phép lại khác, còn ở ngoài hay lên truyền hình thì không dám. Nghệ sĩ ai cũng hay giỡn hết, tôi cũng có hỉ nộ ái ố nhưng tôi biết nên làm gì và không nên làm gì. Một kênh truyền hình lớn như vậy lại để lọt lưới sự tục tĩu thì kênh truyền hình đó vứt đi. Chứ không nên bao biện lý do nào hết.
Hiện nay, những bộ phim truyền hình hot hầu như đều chứa những phân cảnh nhạy cảm như chú nói, chú nghĩ sao về vấn đề này?
Cuộc sống hiện đại nó là như vậy, xã hội này động cái là đánh nhau, có nhiều chuyện còn trái khoáy hơn nữa. Phim ảnh thể hiện những cái đó là không có gì sai. Theo tôi, quan trọng là sau khi thể hiện những điều đó, nó đem lại bài học gì, nó gây ra hệ quả gì đối với người xem. Nếu như nó gây kích động bạo lực hoặc gây hại cho cuộc sống thì tôi không ủng hộ. Giống như tôi đã nói trước đó, vấn đề cảnh nóng hay quan hệ nam nữ là hết sức bình thường, nhưng nó chiếu ở đâu, chiếu ở khung giờ nào và đối tượng xem nào mới là quan trọng. Tôi từng đọc một số bình luận bên dưới những clip nhạy cảm đó rồi kêu trời lên rằng văn hóa xã hội đã tụt tới đáy rồi.
Có phải chú đang né tránh những xa hoa của cuộc sống?
Tôi không né, cuộc sống mà, ai cũng thích sự tươm tất, đàng hoàng. Ai cũng muốn đi xe sang, ở nhà lầu, được cung phụng,.. nhưng đâu phải cứ muốn là được. Tôi là người hoàn toàn không biết gì về internet, đồng nghiệp ngày xưa có người nói vui rằng 3 trùm tiêu biểu không biết về internet chính là Phi Phụng, Hữu Châu và Trung Dân. Nhưng chị Phi Phụng và anh Hữu Châu bây giờ cũng vượt xa tôi rồi, họ lên đến phi cơ thì tôi vẫn chạy trong đường làng. Giờ muốn lên mạng xem một cái gì đó, tôi lại phải nhờ vả người khác.
Theo chú, lứa diễn viên hài trẻ hiện nay có những lợi thế và bất lợi gì?
Hài là thể loại nhập nhằng trong thời điểm bây giờ, nó cũng bị lạm phát rồi. Lợi thế bây giờ là người ta có thể sử dụng internet để quảng bá, mục đích của họ là để nổi tiếng. Cái hại là nhiều diễn viên không được đào tạo chính quy, không được học thầy tốt, chủ yếu là học lỏm, họ nhìn vào cuộc sống để diễn nhưng những cái cơ bản thì chưa chắc đã nắm được.
Học bây giờ để làm gì? Học trò tôi dạy ra thì thất nghiệp, nhiều người chỉ cần kể một câu chuyện sốc câu view là các nhà sản xuất bu vào, thế là đã nổi tiếng rồi. Nghệ thuật bây giờ không đi theo quy trình mà nó đã quá độ rồi.
Nói vậy có phải chú đang cho rằng nghệ sĩ bây giờ quá trọng cát-xê?
Cũng tùy, tiền là sự sống mà, bạn cần tiền, tôi cũng cần tiền. Nhưng làm một công việc chính đáng mới thấy vui, còn nếu công việc đó không chính đáng, để lại hậu quả gì đó không hay, mình cầm tiền mình cũng thấy xót xót. Ấy là khi một người có lòng tự trọng sẽ nghĩ như vậy. Mà tự trọng bây giờ là thứ gì đó rất xa xỉ. Nếu một người tự trọng mà làm lớn thì sẽ không bao giờ tham nhũng hay phát biểu những câu vớ vẩn, một người bình thường có tự trọng sẽ không bao giờ xả rác ngoài đường hay ăn trộm, ăn cắp.
Gần đây trên mạng hay được lặp lại một câu hot: “Liêm sỉ gì tầm này?”, chú nghĩ sao về việc hiện tượng đùa giỡn này có thể khiến con người ta thay đổi thế giới quan về lòng tự trong?
Đó không phải sự lố bịch mà là sự thay đổi cách sử dụng từ. Ví dụ ngày xưa bạn dùng 1000, 2000 thì nay bạn dùng 1k, 2k, nó chỉ là sự thay đổi về cách dùng từ thôi. Theo tôi, nó cũng là sự thay đổi về mặt bằng văn hóa ở góc độ nào đó. Đôi lúc người ta cứ nói tiếng lóng vậy nhưng cũng không biết nguồn gốc hay lý giải chúng như thế nào.
Nhiều khi từ ngữ của người xấu lại phát tán thành từ phổ thông. Từ ngữ không có tội, người sử dụng nó cũng không có tội, quan trọng là ta sử dụng nó trong thời điểm nào mà thôi. Đây là nhận thức về văn hóa, nó là trào lưu. Khi xem tin nhắn trên mạng, ta thấy người Việt giờ thô kệch lắm , ngữ pháp cũng không còn nhiều tinh hoa nữa. Tôi không chỉ trích điều bạn nói vì dường như nó là trào lưu rồi.
Dường như yếu tố văn hóa trong phim ảnh cũng dần mai một, chú nghĩ sao về vấn đề này?
Bây giờ hãy nói chung về mặt bằng truyền thông. Hiện nay người ta chú trọng về giải trí, giờ vàng truyền hình toàn là gameshow. Nếu dùng để xả stress thì không sao nhưng lâu dần sẽ trở thành một thói quen có hại. Có lẽ, cách mọi người đang cuốn theo giải trí sẽ khiến đôi khi họ quên đi nhiều thứ diễn ra xung quanh, thiếu trách nhiệm, bổn phận với gia đình, đất nước mà quan tâm nhiều hơn đến vấn đề riêng tư. Nhưng làm sao để dĩ hòa được cả ba vấn đề cá nhân, gia đình và xã hội thì không phải ai cũng làm được, nó không hề dễ. Khi mà người ta ít quan tâm đến xung quanh thì cũng là lúc giáo dục hỏng rồi.
Trailer Bắc Kim Thang
Bắc Kim Thang đang công chiếu trên các rạp toàn quốc.
Theo helino
Xem Bắc Kim Thang mà nghĩ đây chỉ là bài hát cho vui thì coi chừng bạn đã lầm to đấy, không tin để NS Trung Dân nói cho mà nghe!
Giữa những tranh cãi của khán giả liên quan đến nhan đề Bắc Kim Thang, nghệ sĩ Trung Dân cho rằng nếu hiểu câu chuyện đằng sau bài đồng dao thì sẽ thấy rất nhiều điểm tương đồng trong bộ phim.
Bài viết có spoil nội dung phim, xin độc giả cân nhắc trước khi đọc!
Bắc Kim Thang gây chú ý ngay từ cái tên vì đây là một bài đồng dao quen thuộc trong văn hóa Việt Nam lần đầu tiên được đưa lên màn ảnh rộng. Với những ai đã xem phim xong, hẳn đa phần sẽ thắc mắc NSX có đang lạm dụng một bài đồng dao nổi tiếng chỉ để thu hút sự chú ý hay không? Vì nó không liên kết nhiều với nội dung của phim.
Nói về vấn đề này, nghệ sĩ Trung Dân đã có lời giải thích vô cùng cặn kẽ, về cả bài đồng dao lẫn bộ phim Bắc Kim Thang có mối liên quan mật thiết với nhau.
NS Trung Dân giải thích "chú bán dầu - bán ếch" ở phim "Bắc Kim Thang"
Chú giải thích như thế nào về hình tượng "chú bán dầu, chú bán ếch" và "chim le le - bìm bịp" ở bài đồng dao Bắc Kim Thang?
Bắc Kim Thang là một câu chuyện không mới, đó là cái nhìn bẩn thỉu về cuộc sống và xã hội của một người phụ nữ ở tầng lớp trên. Nhân vật chính là Thiện Tâm gắn câu chuyện của mình với một câu hát đồng dao mà rất nhiều người thuộc: " Bắc kim thang cà lang bí rợ, cột qua kèo, kèo qua cột, chú bán dầu qua cầu mà té, chú bán ếch ở lại làm chi, con le le đánh trống thổi kèn, con bìm bịp thổi tò tí te tò te". Ít người biết nên chưa hiểu, thực ra câu chuyện trong bộ phim Bắc Kim Thang nếu gắn vào lời bài đồng dao này thì sẽ hiểu cực kì hay.
Thiện Tâm - cháu đích tôn trong gia đình.
Văn hóa Nam Bộ thể hiện trong những bài hát vè của những đứa trẻ con ở quê, người lớn nghe nhiều rồi đúc kết thành văn hóa miền sông nước miền Nam Việt Nam. Câu chuyện kể về tình bạn bán hàng của một anh bán dầu với một anh bán ếch, họ gắn kết và chia sẻ với nhau. Người bán ếch muốn có ếch thì phải đi bẫy, mồi bẫy của họ là gì ta không cần biết, nhưng khi họ đi bẫy thì trông thấy con bìm bịp và con le le đang tranh nhau miếng mồi rồi hai con sụp luôn vào cái bẫy đó luôn. Bài học đầu tiên là về sự tranh giành, tranh giành mà bất chấp thì chết luôn cả đám.
Tiếp theo câu chuyện nhé, khi hai con này sập bẫy rồi thì ông kia muốn bắt về ăn thịt nhưng rồi nhìn mặt chúng đáng thương quá, ông lại thả. Bạn biết con le le với bìm bịp không? Con le le thì giống như con vịt, còn con bìm bịp thì tựa như con quạ, nó săn rắn về tổ, rung mấy cái là con rắn gãy xương sống nằm đó cho đám con nó ăn, ai mà thọt tay vào ổ nó có ngày rắn cắn chết. Tiếng kêu của nó báo hiệu nhiều thứ, vang và chính xác, hễ nó kêu thì nước lớn, nó kêu thì nước rồng. Trong văn hóa nông nghiệp Việt Nam, người nông dân sử dụng con bìm bịp để lắng nghe ở môi trường. Chứ con le le thì nhát và nhỏ, thấy người là nó bay đi.
Chim lele
Chim bìm bịp là loài ăn rắn.
Trở lại với câu chuyện, khi hai con bìm bịp và le le được giải phóng, ông bán ếch vẫn ở lại bình thường thôi. Bữa trưa ông nằm ngủ thì thấy con le le với bìm bịp bay tới báo mộng là " Ông ơi, bên dưới cái cầu mà ông với ông bán dầu bán có 2 con ma muốn bắt ông với ông bán dầu xuống đó để thế mạng cho nó, chuyện đó xảy ra trong vòng bảy ngày tới nên ông hãy coi chừng", ông bán ếch sợ hãi chạy qua nhà ông bán dầu kể hết mọi chuyện. Ông bán ếch vốn từng có người mẹ hay người cha gì đó đã mất rồi, thời gian đó, ông bán dầu có đem tiền phúng điếu nên ông bán ếch nhớ ơn.
Vì thế, dù ông bán dầu không tin thì ông bán ếch vẫn cố gắng bảo vệ ông bán dầu bằng cách sang đó bày tiệc 7 ngày làm sao để ông bán dầu không đi qua cây cầu đó. Nhưng khi nhậu đến ngày thứ 6, ông bán dầu vẫn tỉnh dậy, đi bán dầu qua cây cầu đó và té chết thật. Ông bán ếch biết vậy nhưng ngày thứ 7 mới dám qua vớt xác bạn mình lên làm đám. Trong đám tang đó, con bìm bịp và con le le đến kêu giống như đang than khóc cho ông bán dầu, tạo nên một âm thanh ma chay, nói đánh trống thổi kèn chỉ là cường điệu thôi.
Bắc Kim Thang không dừng lại ở một bài hát đồng dao thiếu nhi mà còn gửi gắm rất nhiều bài học về chia sẻ tình bạn, sự tranh giành trong chất kể ma mị. Trong phim cũng vậy, các nhân vật vì mê muội cờ bạc mà dẫn đến kết cục bi thảm.
Hình ảnh những người trong gia đình ở Bắc Kim Thang.
Còn về hình tượng "bắc kim thang cà lang bí rợ" thì sao thưa chú?
Mọi người thường hay ghép "cà - lang - bí - rợ" vào thành một cụm "cà lang bí rợ" nên mới thấy khó hiểu. Thực ra mỗi yếu tố lại có nghĩa riêng. "Cà" có thể là trái cà, "lang" có thể là khoai lang,... tất cả mọi cái là những dây leo, "bắc kim thang" là bắc cái thang lên cho những dây leo sống, sinh tồn, cộng hưởng. Đó cũng là một bài học đơn giản, dễ hiểu của ông bà mình đã gửi gắm qua các câu đồng dao. Nó là một câu chuyện buồn, nhưng khi chơi đùa, chúng ta hát cái bài hát này trong ngữ cảnh vui thì lại cảm thấy vô tư lắm. Con le le, con bìm bịp chính là biểu tượng của thiên nhiên, thiên nhiên cũng có thể dự báo trước số phận của con người. Sự gắn kết giữa người với người cũng là bài học rất hay mà bộ phim rút ra từ câu chuyện này.
Trở lại với bộ phim Bắc Kim Thang, mối quan hệ gia đình phạm phải rất nhiều sai lầm như trọng nam khinh nữ, họ không "bắc được kim thang" để tình cảm thăng hoa, họ chia rẽ lẫn nhau, từ cha mẹ, vợ chồng cho đến anh em. Đó là một ngôi nhà bệ rạc, rượu chè be bét, từ danh giá, giàu có trở thành một đống than.
Trailer Bắc Kim Thang
Bên cạnh câu chuyện giải thích ý nghĩa của bài đồng dao trong bộ phim Bắc Kim Thang, chúng tôi cũng đã có buổi phỏng vấn chân tình với NS Trung Dân về câu chuyện 30 năm tham gia nghệ thuật. Bài phỏng vấn đầy đủ sẽ xuất bản trong thời gian sớm nhất. Rất mong độc giả đón đọc.
Bắc Kim Thang đang công chiếu trên các rạp toàn quốc.
Theo helino
MXH Việt phản ứng tích cực với phim kinh dị xoắn não Bắc Kim Thang: Xem được, bất ngờ cú "twist" đáng tiền Sau suất chiếu đầu tiên, những lời khen về cú twist của Bắc Kim Thang bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội kèm theo cảnh cáo "hãy block ngay đứa spoil cái kết" đáng đồng tiền bát gạo của bộ phim. Ngay sau khi công chiếu trên mạng xã hội đã ngập tràn review của những khán giả đầu tiên của Bắc...