NS Nguyễn Cường: “Trả 1 tỷ/tháng cũng không làm được như Phó Đức Phương”
Xung quanh câu chuyện nhạc sĩ Phú Quang tố Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thiếu minh bạch, “lưu manh” trong việc thu và chi trả tiền tác quyền cho các tác giả, nhiều tác giả đang ủy quyền cho Trung tâm đã lên tiếng phản bác; đồng thời khẳng định họ luôn nhận được tiền tác quyền đầy đủ, có hồ sơ kê khai đầy đủ.
Phải cảm ơn Phó Đức Phương
Nói về câu chuyện ồn ào mấy ngày qua giữa nhạc sĩ Phú Quang và Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), nhạc sĩ Nguyễn Cường chia sẻ: “Hồi mới mở Trung tâm này, nhạc sĩ Phó Đức Phương có ý định mời tôi làm cùng, nhưng dù rất yêu quý ông bạn mình thì tôi cũng từ chối. Tôi nói thẳng rằng, kể cả anh có trả tôi 1 tỷ đồng mỗi tháng thì tôi cũng không làm. Vì tôi không đủ cái tâm để dồn hết thời gian, công sức của mình cho mục tiêu của VCPMC và cũng không đủ kiên trì để làm như anh Phương.
Nói như thế để thấy rằng, những việc mà anh Phương đang làm hiện nay cho VCPMC là một sự nỗ lực đáng khâm phục mà tôi tin rằng, nếu không phải là Phó Đức Phương thì sẽ hiếm có nghệ sĩ nào làm được. Đó phải là người đủ tài và sự “lì lợm” cần thiết mới “chiến đấu” được với thói quen “dùng chùa” đã ngấm vào máu của người Việt. Để xây dựng nên VCPMC, anh Phương đã từ bỏ sự nghiệp sáng tác lừng lẫy của mình. Sự hi sinh đó lớn lắm, chúng ta phải cảm ơn anh ấy vì điều đó”.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Cường, trước khi VCPMC ra đời thì vấn đề tác quyền với các nhạc sĩ là con số không. Xét về ý nghĩa thì nhạc sĩ Phó Đức Phương đã tạo ra một dấu ấn lớn. “Trong khi ý thức về bản quyền dưới mức trung bình, mọi thứ đều phải mò mẫm thì mới thấy những gì nhạc sĩ Phó Đức Phương mang lại cho các nhạc sĩ là đáng trân trọng. Kể cả số tiền mang lại chưa nhiều thì nó vẫn lớn ở góc độ tinh thần. Vì các tác giả đã được đặt đúng vị trí, được quyết định trong việc biểu diễn tác phẩm”, nhạc sĩ Nguyễn Cường khẳng định.
Đây không phải là lần đầu tiên nhạc sĩ Phú Quang bày tỏ sự bức xúc và lên tiếng chỉ trích nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng như cách làm việc của Trung tâm. Chính vì vậy mà từ nhiều năm nay, nhạc sĩ Phú Quang đã từ chối ủy quyền. Tuy nhiên, mối liên hệ vẫn khó tránh khỏi khi nhạc sĩ “Mơ về nơi xa lắm” còn đồng thời là một bầu show, nhà tổ chức nên có không ít các ca khúc mà ông đưa vào chương trình lại đang được ủy quyền cho VCPMC.
Chẳng hạn, tại đêm nhạc riêng của nhạc sĩ Phú Quang hồi đầu năm mang tên “Những bản tình ca dành cho em”, ngoài các ca khúc của ông còn có 3 nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Đoàn Chuẩn, Ngô Thụy Miên. Trong đó, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang ủy quyền cho VCPMC thu phí bản quyền nhiều năm qua.
Video đang HOT
“Phú Quang cứ đòi công khai số tiền nhưng như thế là phạm luật”
Theo cách tính của VCPMC thì một đêm nhạc thương mại được áp dụng phí tác quyền theo công thức: 5% x 75% số vé x giá vé trung bình. Tuy nhiên, tùy vào tình hình thực tế mà con số này sẽ được điều chỉnh theo mức thỏa thuận chứ chưa bao giờ áp dụng đúng quy định. Vì nếu tính theo công thức đó thì tiền bản quyền phải lên đến hàng trăm hoặc vài trăm triệu.
Chẳng hạn, đêm nhạc của danh ca Khánh Ly diễn ra hồi năm 2014 khiến đơn vị tổ chức và VCPMC tranh cãi nảy lửa vì lên đến vài trăm. Cuối cùng, VCPMC đã đưa ra cách tính “mềm” hơn: 5% x 40% x số vé. Số tiền mà đơn vị tổ chức phải nộp là 268 triệu đồng. Lý do vì trời mưa và vé của chương trình không bán hết.
Câu chuyện tưởng như là sự cảm thông này lại vô tình trở thành “bằng chứng” tố cáo cách thức làm việc thiếu đồng nhất của VCPMC. Thậm chí NSND Trần Bình – Giám đốc nghệ thuật đêm nhạc Khánh Ly tại Hà Nội cho là “tùy tiện”: “Khi đã là một tổ chức xã hội nghề nghiệp thì mọi hoạt động đều có điều lệ, nguyên tắc. Lần trước VCPMC nhân với 75% số vé, còn lần này thu 40%. Vậy cơ sở để anh thu 75% này lấy từ đâu?”, nhạc sĩ Trần Bình nói.
Đây cũng là điều mà nhạc sĩ Phú Quang bức xúc khi nói về VCPMC là “ngã giá”, “hạ giá”, “lưu manh”. Ông cho biết, có chương trình lúc đầu làm việc là 88 triệu đồng, sau đó lại hạ xuống còn 66 triệu đồng, rồi 28 triệu đồng, 20 triệu đồng… Đáp lại những tố cáo của nhạc sĩ Phú Quang, VCPMC đã cho rằng, đó là những nhận xét tùy tiện, thiếu căn cứ. Trên thực tế, cách tính không thể áp dụng chung cho mọi chương trình mà phải tùy vào quy mô, tính chất của đêm nhạc. Ngay cả khi đã dựa vào quy mô rồi thì vẫn phải căn cứ vào tình hình cụ thể là vé có bán được hết không? Đó là sự chia sẻ với nhà tổ chức và sự thay đổi ấy đều được sự đồng ý của nhạc sĩ và những người ủy quyền.
Về ý kiến VCPMC chưa bao giờ công khai việc chi tiền trả cho các tác giả âm nhạc như nhạc sĩ Phú Quang chỉ trích, nhà văn Trần Thị Trường – Phó Giám đốc VCPMC cho biết: “Về nguyên tắc tài chính thì số tiền cụ thể sẽ không được công khai, vì bản thân các nhạc sĩ không mong muốn điều đó. Thế nhưng anh Phú Quang không hiểu. Tuy nhiên, nếu nhạc sĩ nào cần thì chúng tôi sẵn sàng cung cấp. Ngay cả con số mà nhạc sĩ Phó Đức Phương nói rằng, VCPMC đã trả cho nhạc sĩ Phú Quang 310 triệu đồng (từ năm 2012 – 2014) cũng là sai về nguyên tắc – điều này chỉ được công bố bởi chính các nhạc sĩ hoặc người ủy quyền. Nhưng vì anh Phú Quang nói rằng chỉ nhận được 75.000 đồng thì nhạc sĩ Phó Đức Phương mới bắt buộc phải đưa ra con số chi tiết”.
Cùng với đó, nhà văn Trần Thị Trường đã gửi cho chúng tôi bảng kê khai chi tiết số tiền tác quyền phải trả cho các nhạc sĩ trong quý 4/2016. Theo đó, các nhạc sĩ đứng ở hàng top là: Nguyễn Ngọc Thiện, Trịnh Công Sơn, Từ Huy, Võ Thiện Thanh, Nguyễn Văn Chung… Người có mức tác quyền thấp nhất trong top 100 được cập nhật là hơn 30 triệu đồng cho quý 4/2016. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung mới đây công khai, anh nhận được tiền tác quyền trong năm qua là 140 triệu đồng và khẳng định, các khoản thu đều có kê khai, chứng từ với số lượng lên đến 200 bản phải ký.
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh: Tại sao phải công khai các khoản chi trả? Nhiều năm ủy quyền cho VCPMC, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh – em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho biết, gia đình chưa từng gặp vấn đề gì với Trung tâm. “Cứ một quý, VCPMC lại gửi tiền tác quyền cho chúng tôi một lần. Gia đình cũng yêu cầu không công khai số tiền vì đó là chuyện cá nhân và công khai hay không là quyền của nhạc sĩ, người được ủy quyền chứ không phải ở phía VCPMC. Nó cũng giống như ca sĩ, doanh nhân, họ không bao giờ muốn công khai thu nhập vậy. Ai muốn công khai thì người đó sẽ đề nghị riêng và theo tôi được biết thì phần lớn các nhạc sĩ đều không mong muốn điều này. Xung quanh chỉ trích của nhạc sĩ Phú Quang và nhạc sĩ Phó Đức Phương, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh bày tỏ sự đáng tiếc vì “cả hai đều là những nghệ sĩ có tuổi, việc tranh cãi là cần thiết nhưng không nên quá gay gắt. Nó ảnh hưởng đến đời sống âm nhạc nói chung chứ không chỉ đơn thuần là chuyện của hai cá nhân nữa”. Nhạc sĩ Phú Quang và Phó Đức Phương vốn “không ưa nhau”? Nhà văn Trần Thị Trường cho biết: Những bức xúc về VCPMC hiện nay chỉ “quẩn quanh” ở một hai cái tên nhạc sĩ, những người cũng đồng thời là bầu show. Còn đa số các nhạc sĩ đều ủng hộ và chưa từng than phiền về Trung tâm. Nếu có chăng là về sự quá thẳng tính của nhạc sĩ Phó Đức Phương, khiến ông không “được lòng” một số người. Tôi cũng nhiều lần góp ý với ông là nên bớt đi. Vì ông thẳng tính quá nên ông mới khổ thế”. Ngoài ra, trong giới văn nghệ sĩ cũng tiết lộ rằng, sở dĩ nhạc sĩ Phú Quang không giữ ý tứ trong phát ngôn, dùng những “động từ mạnh” để nói về nhạc sĩ Phó Đức Phương còn do giữa hai người từng có hiềm khích với nhau. Sự va chạm trong quá trình làm việc đã góp phần làm trầm trọng thêm mối quan hệ giữa họ. Dù yêu cầu nhạc sĩ Phú Quang xin lỗi nhưng có lẽ điều này là không thể vì mối quan hệ giữa hai người đã có một hố sâu ngăn cách khá lớn. Thậm chí, theo một nhạc sĩ (đề nghị không nêu tên), hai nhạc sĩ này còn từng “khẩu chiến” công khai trong một cuộc họp và căng thẳng hơn thế này nhiều.
Theo Minh Nhật (giadinhnet)
Nhiều game show đang "xả rác" vào khán giả truyền hình
Ồn ào, hỗn tạp, thiếu chuyên môn, thiếu tôn trọng khán giả... là những nhận xét mà khán giả dành cho một số chương trình truyền hình thực tế gần đây. Nhìn những gì mà thí sinh lẫn giám khảo thể hiện trong gameshow, khán giả không biết mục đích thực sự của các gameshow này là gì, hay chỉ để... tạo ra một cái chợ?
"Lập chợ" trên sóng
Ngay từ khi mới phát sóng những tập đầu tiên, The Face 2017 đã khiến khán giả ngỡ ngàng vì cách thể hiện ồn ào, lộn xộn của mình. Trong khi huấn luyện viên (HLV) đặt ra cho thí sinh những câu hỏi hết sức kém duyên, kiểu như "em chụp hình quảng cáo nhiều rồi còn đi thi ở đây làm gì", thì thí sinh, ngược lại cũng chẳng thèm nể mặt, đốp chat vào mặt HLV bằng những câu nói bất cần, thiếu lễ độ. Trong những tập của chương trình này, khán giả được xem nhiều nhất chính là... các cuộc cãi nhau. HLV cãi nhau, thí sinh cãi nhau, rồi thí sinh và HLV cãi nhau. Nhiều khán giả cho biết, có lúc phải tắt ti vi nửa chừng vì không chịu được tiếng ồn ào như vỡ chợ.
The Face 2017 còn nổi tiếng với scandal mâu thuẫn nhau giữa HLV khi mà Lan Khuê và Minh Tú xô đẩy nhau ngay trong chương trình để giành chỗ đứng, khiến cho HLV thứ 3 là Hoàng Thùy bị ngã. Sự việc này đã gây nên những ồn ào hậu trường, vì câu hỏi "ai xô ai trước", kéo theo tranh cãi kéo dài giữa fan và quản lý, bạn bè hai bên trên mạng xã hội.
Tương tự như The Face 2017, Việt Nam Next Top Model cũng bị không ít khán giả chê "chợ búa", khi thí sinh cãi nhau ầm ĩ trên sóng. Thậm chí, mới đây nhất, các thí sinh trong ngôi nhà chung của chương trình vì mâu thuẫn đã ném đồ, hắt nước và suýt lao vào ẩu đả nhau, khiến ê kíp thực hiện chương trình phải vào can thiệp. Rồi đến cả giám khảo chương trình cũng thỏa sức để cái tôi của mình ngự trị, tranh cái, đòi lấn át nhau và kết quả là mới đây, một trong ba giám khảo, Võ Hoàng Yến đã bỏ ghế nóng vì mâu thuẫn với giám khảo Nam Trung.
Không chỉ ở hai chương trình nói trên, khá nhiều gameshow khác, khán giả có thể chứng kiến các giám khảo cãi nhau nảy lửa đến không nhìn mặt nhau, như X-Factor, Nhân tố bí ẩn... Dường như, khi bất lực trong việc tìm cách thức để chương trình trở nên sôi động, hấp dẫn hơn, các nhà làm chương trình thường áp dụng công thức "cho cãi nhau" để thu hút khán giả, tăng lượng phát sóng.
"Rác truyền hình" gây lệch lạc nhận thức
Nhiều người cho rằng, tất cả các màn đấu khẩu nảy lửa trên sóng truyền hình của các chương trình như trên, hầu hết được sự "đặt hàng" từ phía nhà sản xuất để làm cho chương trình nóng lên. Tuy nhiên, nếu theo dõi kĩ những chương trình này, sẽ thấy chuyện "đặt hàng" không nằm ở các cuộc cãi nhau, mà thực tế, là nhà sản xuất "thả cửa" cho những người tham gia chương trình tự đẩy cái tôi của mình lên cao, đến đâu thì đến. Cãi nhau chỉ là một trong những hệ quả của sự khuyến khích "tự do, thoải mái" này.
Không ít lần, những người tham gia các chương trình truyền hình thực tế nói trên đã lên tiếng cho rằng, cãi nhau là cần thiết trong chương trình, nhằm rèn giũa thí sinh, thúc đẩy mọi thứ tiến lên. Cãi nhau - theo như lý giải của các nhà làm chương trình, còn là cách để thí sinh tự do bày tỏ tiếng nói, khẳng định cá tính của mình - một cách để thể hiện, bộc lộ bản thân nhằm giúp giám khảo phát hiện ra tài năng...
Tuy nhiên, bất cứ ai theo dõi các chương trình cũng đều có thể nhận thấy, các cuộc cãi vã, tranh chấp, những câu chuyện lê thê ngoài lề của thí sinh và giám khảo thực chất chẳng có giá trị gì trong việc tìm kiếm, thúc đẩy tài năng và cũng không liên quan gì đến chuyên môn. The Face là chương trình tìm kiếm gương mặt sáng giá để đại diện thương hiệu. Next Top Model là chương trình tìm kiếm người mẫu tài năng.
Tương tự, các chương trình khác cũng là để tìm kiếm các tài năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng thay vì được xem các giám khảo huấn luyện thí sinh về kiến thức nghề nghiệp, về chuyên môn, cách hành xử đúng đắn và các quy tắc cần có trong nghề, thì lại toàn thấy cảnh thí sinh ngoi lên, chiến thắng bằng cách đấu võ mồm, giẫm đạp lên nhau. Dường như, khái niệm "cá tính", "tài năng", "khác biệt"... ở đây đã bị hiểu sai và thay thế bằng "cái tôi bất chấp", "đấu đá", "thiếu lễ độ"... Kể cả các giám khảo cũng lại là tấm gương rất xấu khi thiếu tôn trọng thí sinh, thiếu tôn trọng lẫn nhau. Nhiều khán giả, sau khi xem The Face 2017 chia sẻ: Không biết những cô gái với hành xử "chợ búa" thế này sẽ đại diện thương hiệu như thế nào đây?
Những cảnh phát sóng như thế, nhiều người gọi là "rác truyền hình", bởi nó không đem lại ích lợi gì cho người xem, kể cả giá trị giải trí. Không chỉ thế, nó còn mang lại những tác dụng tiêu cực cho khán giả trẻ, vì dễ gây ra những nhận thức lệch lạc về chuẩn mực sống, cách hành xử giữa người và người, khái niệm về tài năng và sự phấn đấu... Thật ngạc nhiên, khi những thứ "rác truyền hình" này vẫn có thể tồn tại một thời gian dài mà chưa bị chấn chỉnh!
Theo Trân Trân (Pháp Luật)
Nói lời yêu ngọt lịm, Hồ Quang Hiếu bị Bảo Anh "tạt nước lạnh" Quang Hiếu và Bảo Anh khiến người hâm mộ thích thú. Ca khúc "Bạn lòng" của Hồ Quang Hiếu tặng Bảo Anh Hồ Quang Hiếu vừa ra mắt ca khúc Bạn lòng vào ngày 20.7. Nam ca sĩ tiết lộ anh thu âm ca khúc này để dành riêng cho người yêu khiến người hâm mộ đặc biệt ngưỡng mộ. Hồ Quang Hiếu...